Chuyện Bác Chuyện Em: Mắt Toét

Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.



Em gặp bác trên con đường cái, nhìn có vẻ hốt hoảng. Em chặn bác lại, hỏi,

— Bác đi đâu mà nom vội vàng thế kia?

Bác lắc lắc đầu, chép miệng,

— Đến là khổ! Còn đi đâu nữa, đi gặp bà Cả Lễ nhờ bà ấy giác hơi cho đôi mắt…

Em ngạc nhiên, mắt trợn tròn,

— Ơ hay chửa! Mắt bác làm sao mà phải đi gặp nhà bà Cả Lễ?

Bác thở dài, tay chỉ vào đôi mắt đỏ bầm bởi những cục máu đỏ như bị người ném tiết gà vào mặt,

— Nào có biết gì đâu. Hai ngày rồi, mắt nó cứ đỏ ké lên như người say rượu. Sáng ngủ dậy, mở không ra, hai mí dính chặt cứ như bị người ta quệt hồ.

Em quả quyết,

— Thôi rồi, bác bị đau mắt rồi!

Bác nóng nảy, mắng em mấy mắng,

— Ông chỉ được cái tinh vi. Cứ làm như mình là đốc tờ. Sao ông biết tôi bị đau mắt?

Em phân bua,

— Khổ quá! Nào em có phải bác sĩ gì đâu để biết bác đau mắt hay đau tai.

Em cong cong ngón tay, chỉ vào đôi mắt của bác,

— Nhưng nom đôi mắt bác đỏ ké như tô tiết canh thế kia, thì không đau mắt còn là cái chi? Mà nom đấy, dử bám đầy cả hai vành mắt, nom cứ như cơm cháy bám dính đáy nồi. Thôi chết! Cái này chắc là đau tợn lắm rồi. Dám mắt toét chứ chẳng chơi.

Em nhặt cây gậy, chọc chọc tổ ong rừng,

— Ấy, ấy, em vừa mới nói… Bác đừng có đưa tay lên dụi mắt như thế. Mà cái tay thì cứ ưa tí toáy ngoáy chỗ này móc chỗ nọ, vi trùng bám đầy vào mắt bây giờ!

Bác đấu dịu,

— Ừ nhỉ, ông nói cũng đúng! Không biết làm sao mà bắt đầu từ tối hôm qua, dử nó cứ đùn lên đầy cả hai con mắt…

Bác tiếp tục thở dài sườn sượt,

— Sáng nay phải đun nước nóng pha muối hột chườm sát mãi mới mở được cặp mắt.

Bác mặt buồn thiu, kể lể,

— Rõ là khổ. Chỉ vì con vợ tiếc của, đang lợn lành bỗng hóa ra lợn què. Không khéo lại mất cả một đống của cho mà coi! Bỏ mất hai buổi cày rồi. Nào có nom thấy chi nữa đâu mà cày với bừa. Tối hôm qua ngồi ăn cơm, tay cầm đôi đũa tính gắp miếng đậu phộng rán đưa vào bát nhưng hóa ra lại gắp nhằm ngay cọng rau muống. Thiệt khổ!

Em hỏi,

— Mà làm sao bác lại đau mắt? Bị gió độc hay sao? Hay lại rình coi gà đẻ?

Bác cau có mặt mày,

— Ông mới là vớ vẩn! Ở đâu ra mà có gió độc với gà đẻ ở đây!

Bác kể chuyện,

— Cơ khổ, tuần trước ông bác ở trên mạn ngược có chuyện ghé xuống. Dân trên mạn ngược ông biết rồi, vệ sinh họ kém lắm. Thấy mắt mũi kèm nhèm của ông bác là tôi nghi rồi. Tôi dặn nhà tôi là đừng có tiếc xót cái khăn rửa mặt làm chi, cứ đưa hẳn hoi cho ông bác một cái khăn riêng để ông ấy xài. Đã dặn dò cẩn thận như thế mà nhà tôi nó có thèm nghe đâu. Đã vậy nó còn quay lại mắng tôi mấy mắng…

Bác lên giọng, nhái tiếng vợ,

— Ông thì chỉ được cái sĩ diện!

Bác ăn nói nhấm nha nhấm nhẳng,

— Thế là nó đưa luôn cái khăn mặt của tôi cho ông bác xài chung. Đến khi khám phá ra thì mắt mình đã đỏ ké lên rồi. Hai ngày rồi, mắt nó cứ cồm cộm xót xa như có ai hằn thù tung hẳn một đám cát vào thẳng ngay mắt. Sáng mở mắt ra, đố có nom thấy gì, cứ như ông mù ở cửa đình...

Em nhăn nhăn vầng trán bướng, thắc mắc,

— Ông mù nào mà ở ngoài cửa đình?

Tới phiên bác trợn mắt, ngạc nhiên,

— Ơ hay, bộ ông quên rồi sao, mới tháng trước, có cái ông mù không biết gốc gác ở đâu mà vác bị đâm xầm vào ngay cửa đình. Ông từ vội vàng lên bẩm trình ông Lý Thơm.

Bác nhỏ giọng xuống, tố khổ Lý trưởng,

— Mà ông biết rồi, ông Lý nhà ta thì chỉ được cái mạnh miệng với dân, chứ gặp quan huyện thì khúm núm một bề. Cho nên nghe ông từ trình có dân nhập cư bất hợp pháp, Lý Thơm hốt hoảng, tính xua chó đuổi đi. Nhưng phước mấy đời cho cái ông mù, lúc đó lại có cụ đang ngồi uống cốc nước vối trong nhà ông Lý. Cụ mới giơ tay cản, nói thôi, giờ người ta cũng đã đi nhầm vào cửa đình, mà Chúa cũng đã dậy, “Thương người có mười bốn mối, thương xác bẩy mối, thứ năm cho khách đỗ nhà...”.

Bác kết luận,

— Có nhời cụ nói, Lý Thơm mới thôi, không còn ọ oẹ, lại còn phải chịu để cái ông mù ở tạm mấy ngày trong đình. Rồi cụ lại còn sai tôi mang cơm nhà thờ tới cho ông mù, nhờ thế tôi mới biết ông mù cũng đâu phải gốc ăn mày, cũng nhà cửa đàng hoàng như ai. Nhưng tự nhiên mắt đỏ sưng tấy cả lên, rồi gặp phải người ham công tiếc việc, cứ lần chần không chịu đi chữa. Tới khi tròng mắt toét toẹt cả ra mới hốt hoảng chạy đi tìm thầy tìm thuốc. Nhưng trễ quá rồi! Có thuốc tiên thì may ra.

Bác lại thở dài sườn sượt,

— Cứ thế, hết ruộng nương lại tới nhà cửa, bán tất tật. Nhưng tiền thì vẫn mất, mà tật thì vẫn cứ mang. Vậy là đang từ nhà cửa đàng hoàng mà chỉ một sớm một chiều hóa ra bị gậy… Rõ khổ!

Em như đã hiểu chuyện,

— Ấy, cho nên giờ bác mới chạy đông chạy tây kiếm thầy chữa bệnh!

Bác nói ngay,

— Chứ chẳng phải…

Em hỏi lại,

— Lúc nãy bác nói đi kiếm ai để chữa đôi mắt? Em nghe chửa rõ.

Bác giả nhời,

— Thì còn ai, tôi đang đi kiếm nhà bà Cả Lễ nhờ bà ấy giác hơi cho đôi mắt. Nghe vợ tôi với mấy người trong xóm họ nói bà Cả Lễ mát tay lắm. Cảm cúm vang váng đầu tới gặp bà Cả, bà ấy giác hơi cho một bận là người toát mồ hôi ra, khỏe lại ngay.

Em ăn nói nghe đến là mát mẻ,

— Bác nói nghe đến là hay nhỉ. Bà Cả Lễ nổi tiếng là đấm bóp giác hơi cho người bị cảm cúm. Chứ bà ấy có biết chi về mắt mủi mà bác đòi mò đến nhà gặp bà Cả Lễ…

Bác nhỏ giọng lại,

— Thì nào có biết chi đâu, nghe cái nhà ông Thìn Thông Manh ở xóm trên nói bữa nọ ông ấy hơi vang váng đầu, tới gặp bà Cả Lễ, bà ấy mới giác hơi cho, rồi tiện tay bà ấy lại nấu cho một nồi thuốc xông mắt. Về tới nhà, hai con mắt sáng hẳn ra, lông quặm không chọc vào hai tròng con ngươi nữa.

Em cự nự bác,

— Bác mới là vớ vẩn. Đã biết là cái ông mù ở đậu cửa đình tháng trước phải bán nhà bán cửa để tìm thầy chạy thuốc chữa đôi mắt. Giờ tới phiên mình đau mắt thì lại chạy đi gặp bà Cả Lễ chuyên xông hơi để chữa bệnh mắt. Đến là khéo! Thôi, leo lên đây, em đèo bác lên gặp ông đốc tờ ở trên phố.

Bác ngần ngừ,

— Có tiện cho ông không đấy?...

Em dứt khoát

— Không tiện thì cũng phải chịu thôi. Mắt mũi chứ đâu phải là chuyện bỡn.

Bác ngần ngại,

— Thì đã hẳn. Nhưng tôi ngại lên phố lắm.

Em chép miệng,

— Ơ hay! Bác ngại cái gì? Có ai trên phố ăn tỏi ăn hành bác đâu mà mặt tái xanh như thế kia! Bộ bác quên cái ông mù ở đậu cửa đình tháng trước rồi hay sao? Khổ, vừa mới chính miệng mình kể chuyện, mà giờ lại quên rồi. Đấy, cứ lần chần tham công tiếc việc mà hỏng bét luôn cả đôi mắt. Thôi, em xin quan bác, đừng có tham một buổi cầy rồi lại mù dở. Cứ bỏ đấy, không cầy thì ruộng nó vẫn nằm ở đó, đằng nào cũng mất hai bữa cầy rồi. Nhanh, nhanh lên nào, lên đây em đèo… Đó, ngồi sát lại gần em một chút, hai tay ôm bụng em cho chặt vào. Xong chưa, thôi, mình đi lên đó cho kịp giờ, kẻo không người ta đóng cửa. Nếu bác còn hãi thì cứ đọc năm chục kinh cho em. Bác đọc tới Kinh Nữ Vương thì tới phố là vừa…

Ngồi phía đằng sau, người đàn ông nhắm chặt đôi mắt bám đầy dử lại. Mắt ông xót xa như kim đâm, nhưng trong lòng ông xót xa như kim châm muối sát. Ông vẫn thấp thổm lo sợ dám kỳ này lại phải bán trâu để trả tiền thuốc như chơi! Đã mấy lần, ông cứ nhấp nhổm, như chực mở miệng chỉ muốn nói, “Thôi! Chú cứ đèo tới thẳng nhà bà Cả Lễ cho tôi!”.



Lời Chúa

Ðức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Silôam mà rửa (Silôam có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được (John 9:6-7).



Suy Niệm 1

Người mù thể xác không nhìn thấy chi, bởi thế người mù không có khả năng nhận ra nhân dạng của người đồng loại.

Ông nhà giàu trong Luca là một người mù bởi ông không bao giờ nhận ra nhân dạng của ông hàng xóm Lazarô ngay trước cửa nhà. Bởi lòng ích kỷ, ông nhà giàu đã trở nên mù lòa.

Người mù tâm hồn là người không có khả năng nhận ra chân dung Thiên Chúa trên những khuôn mặt nhân gian.

Từ em bé mặc quần đùi thủng đáy lê la trên phố bán đậu phộng rang buổi tối, cho tới người chạy bàn tất bật trong quán càfe buổi sáng,

Từ ông hành khất quần áo bốc mùi hôi nằm lê la bên vệ đường, cho tới cô gái giang hồ nồng nặc mùi nước hoa rẻ tiền đang ngồi hút thuốc lá trước cửa quán rượu đợi chờ khách,

Từ người không cùng một ngôn ngữ, cho tới người khác một màu da,

Từ trẻ thơ, cho tới cụ già,

Từ người tù chân bị cùm nằm trong xà lim chờ ngày bị xử bắn, cho tới người ăn trộm bị tạm giam trong khám đường chờ ngày ra tòa lãnh án,

Từ người lỗi lầm chối Chúa ba lần như Phêrô, cho tới người đang tâm bán Chúa với giá ba mươi đồng như Giuđa,

Từ người mắc bệnh hiểm nghèo đang nằm chờ chết, cho tới người cùi phong hủi ăn cụt rụng hết mười đầu ngón chân,

Từ người con đã bao nhiêu năm nay bỏ không thờ phượng Chúa, cho tới người vô thần không tin tưởng vào đời sống ngày sau,

Tất cả đều mang trên dung nhan và trong tâm hồn thiên diện và thiên tính của Thiên Chúa.

Nếu tôi không nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trên khuôn mặt đồng loại, tôi và người mù cũng giống như nhau. Thật ra chúng tôi chỉ là một!



Suy Niệm 2

Ngày xưa người mù gặp Chúa Giêsu, và Chúa chữa lành đôi mắt mù lòa.

Ngày hôm nay người bị đau mắt, họ gặp bác sĩ nhỏ thuốc, giải phẫu chữa lành đôi mắt.

Riêng người mù tâm hồn, họ đi gặp ai và uống thuốc gì để tâm hồn thôi, không mù lòa.

www.nguyentrungtay.com