ZAGREB, Croatia (Zenit.org).- ĐGH Benedict XVI thúc giục các giám mục châu Âu hãy hành động để bảo vệ gia đình và đời sống con người, chiến đấu chống lại sự bất khoan dung và kỳ thị người theo Kitô giáo.

Đức giáo hoàng đã gửi một điện tín, qua vị quốc vụ khanh của ngài là Hồng y Tarcisio Bertone, đến các tham dự viên phiên họp khoáng đại các Hội đồng giám mục châu Âu.

Phiên họp khai mạc tại Zagreb ngày 30 tháng 9, kéo dài tới Chủ nhật, và đề tài thảo luận là: “Tình trạng Dân số và Gia đình ở châu Âu”.

Trong điện tín, Đức giáo hoàng khuyến khích các giám mục “tiếp tục công việc quan trọng họ đã hoạch định và linh hứng trong các cộng đoàn Giáo hội lời cam kết cần thiết để cho các tín hữu có thể thoát khỏi tình trạng bất bao dung và kỳ thị, cũng như cổ võ cho gia đình và bảo vệ sự sống con người.”

Ngài cầu nguyện cho các tham dự viên “để cho cuộc họp theo ý Chúa quan phòng này có thể đóng góp vào việc củng cố những sợi dây hiệp nhất và thông đạt giữa các giám mục châu Âu, tạo ra sự thúc đẩy can trường hơn nữa cho công tác tân phúc âm hóa châu lục này.”

Đức thánh cha ban “phép lành Tòa thánh theo lời yêu cầu, như là lời cam kết có sự trợ lực dồi dào của Chúa.”

Khủng hoảng căn tính

Trong diễn văn khai mạc, Hồng y Peter Erdo, tổng giám mục Esztergom-Budapest và chủ tịch hội đồng, đưa ra lời phân tích về tình hình châu Âu:

“Châu Âu, lục địa có nhiều nền văn hóa đã tìm được Tin Mừng, và từ nơi đây biết bao nhiêu vị thừa sai đã lên đường rao truyền Lời Chúa khắp nơi cho đến tận cùng trái đất, nhưng nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng căn tính.”

“Châu Âu cần Thiên Chúa, để tìm lại được chính nguồn cội của mình và từ đó nhìn về tương lai với thực tế và hy vọng.”

Tuy nhiên hồng y cũng đưa ra những thách đố các Kitô hữu gặp phải khi nỗ lực chia sẻ đức tin của mình với những người khác.

Trong chiều hướng đó, Hồng y tuyên bố khai sinh một “Đài quan sát về Bất khoan dung và Kỳ thị chống Kitô hữu ở châu Âu” nhằm mục đích “đề cao cảnh giác hơn nữa về các hình thức bất khoan dung và kỳ thị một số tín hữu Kitô giáo tại châu Âu đang phải gánh chịu, và phù hợp với những điều chúng ta đã quyết định trong các phiên họp trước.”

Ngài nói tiếp: “Đài quan sát (observatory) này không nhằm trở thành một dụng cụ để tranh chấp, nhưng là một trợ lực để tạo ra một xã hội biết tôn trọng hơn tự do tôn giáo, cũng như có khả năng hiểu biết và chấp nhận cả căn tính riêng của mình lẫn thực tế đa dạng qua một chủ nghĩa thế tục lành mạnh.”

“Tóm lại, một mặt, nó giúp cho công tác tân phúc âm hóa thời hiện đại, và mặt khác, giúp phát triển nền dân chủ chân chính dựa trên sự bình đẳng trong châu lục của chúng ta.”

Phúc âm hóa

Hồng y Erdo nhấn mạnh đến “sự khẩn thiết của công tác tân phúc âm hóa” đã “luôn luôn là mục tiêu chính của hội đồng.” Ngài đề cập đến Hội đồng Giáo hoàng về Phát Triển công tác Tân Phúc âm hoá mà Đức giáo hoàng Benedict XVI mới thành lập, như là “một dấu chỉ rõ rệt nhận thức của Đức thánh cha về tình trạng cấp thiết này.”

Ngài cũng nói rằng “một hậu quả rõ rệt tình trạng bất ổn trong xã hội chúng ta cũng xuất hiện trong câu hỏi mà chúng ta muốn giải quyết sâu rộng hơn trong những ngày này: đó là tình trạng dân số và mối liên hệ cần thiết của nó đối với vấn đề gia đình.”

“Tình trạng lành mạnh của gia đình chính là hình ảnh lành mạnh của xã hội, và ngược lại.”

“Gia đình và sự sống là phần không thể thiếu trong kế hoạch của Thiên Chúa và chúng là phương cách Thiên Chúa làm cho chúng ta thực hiện sự kết hiệp hoàn toàn với Người.”

“Vẻ đẹp của tình yêu giữa nam nữ, những người suốt đời kết hiệp và làm cho tình yêu thành một quà tặng, cũng như đón nhận và giáo dục những con người mới, đã và luôn luôn sẽ là hình ảnh đẹp đẽ nhất của Thiên Chúa.”

“Giáo hội kêu gọi có những chính sách được thi hành phù hợp với nhu cầu thực tế của gia đình, và yêu cầu có những biện pháp trợ giúp cụ thể luôn luôn thích hợp và công hiệu đối với thực tại của gia đình.”

“Tuy nhiên, có lẽ điều thiếu sót nhất trong xã hội ta, cũng như trong các gia đình chúng ta, không phải là những giải pháp để giải quyết các khó khăn ngay tức thì, ngay cả điều này đôi lúc cấp thiết, nhưng trên hết cả, đó là sự nhiệt tình thiếu đi năng lực mà Chúa ban cho chúng ta nếu chúng ta sống kết hiệp với Người.”

Khi hoạt động để tạo phúc lợi cho gia đình, Hồng y công nhận “sự hòa hợp lớn lao cả trong các lý do về nhân chủng học lẫn thần học yểm trợ cho viễn ảnh Kitô giáo về gia đình và nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ nó giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Chính thống.”

Hồng y kết luận với niềm hy vọng rằng cuộc họp thường niên các giám mục năm nay sẽ là một “phản ảnh mãnh liệt” cho phúc lợi của gia đình và xã hội châu Âu, nhưng cũng còn là nơi “cầu nguyện và thể hiện tình huynh đệ.”