
Từ thuở ban sơ, tòan vùng Bắc Texas là một miền hoang vu với những đồng cỏ mênh mông trải dài tới tận chân trời. Khi Davy Crockett đi qua vào năm 1836, theo bút ký, ông thấy những đòan ngựa hoang mustang tung tăng đuổi nhau chạy về cõi vô định, và dân da đỏ Waco (còn gọi là Yscani) đã chỉ hướng cho ông đi Alamo, một địa chỉ cách xa một tháng trên lưng ngựa.
Nhiều cuộc biển dâu đã xảy ra, vùng đất đổi chủ nhiều lần, người dân gốc Anh chiến thắng đã chia đất cho các chiến binh của họ khai thác và phần hương hỏa của Crockett nay thuộc một thành phố mang tên ông ở phía Nam Kerens (70 miles).


Thiên Tâm, theo lời giải thích của các cha, là sự nối tiếp của một truyền thống bắt nguồn từ Việt Nam. Các đan viện Biển Đức thường lấy chử Thiên làm đầu, do đó mà có những đan viện mang tên Thiên An, Thiên Phước. Còn chữ Thiên Tâm nghĩa là Lòng của Ông Trời, là tình yêu của Thiên Chúa, là Thánh Tâm Chúa Giêsu. Và như tên gợi ý, đan viện Kerens lấy Thánh Tâm làm quan thầy bổn mạng, ngày lễ là thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa.
Việc sùng kính Mình Máu Thánh Chúa (Thánh Thể) là tâm điểm mục vụ của đan viện cho nên nhân dịp hai ngày đại lễ vào đầu tháng Sáu năm nay, đan viện Thiên Tâm sẽ tổ chức đại hội Thánh Thể với hy vọng sẽ tạo thành một truyền thống mỗi năm.

Theo lịch sử còn ghi lại thì lễ Thánh Thể đầu tiên được tổ chức tại Liege (nước Bỉ) trong năm 1246, và mở rộng ra tòan Giáo Hội dưới triều Giáo hoàng Urban IV (năm 1264). Việc rước kiệu khởi nguồn từ nước Ý vào thế kỷ 16.
Nhưng việc rước kiệu Thánh Thể tại Rome đã bị huỷ bỏ vào năm 1870, sau khi quân Ý xâm lăng và sát nhập đất của Tòa Thánh. Mãi tới triều Giáo hoàng John Paul II, ngài mới phục hồi truyền thống rước kiệu vào năm 1979. Lịch trình rước kiệu là từ đền thờ Đức Bà cả đi qua vương cung thánh đường John Lateran.
Tuy truyền thống Công giáo ưa chuộng việc rước kiệu với nhiều lý do, nhưng duy chỉ có việc rước kiệu Thánh Thể là được đề cập tới trong bộ Luật Hội Thánh. Điều (Can. 944 §1,2) khuyến khích các đấng bản quyền tổ chức rước Thánh Thể một cách long trọng qua đường phố nhất là trong ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Từ đó nhiều chi tiết Phụng Vụ đã được ấn định, cả những chi tiết nhỏ cũng được đề cập tới, như chỉ được rước cờ hiệu Thánh Thể mà thôi không rước các cờ hiệu khác ngay cả cờ của Đức Mẹ, tấm màn chướng (phương du, canopy) có bao nhiêu tay cầm (4 hoặc 6), nếu vị giám mục không rước Mặt Nhật thì phải đi ở vị trí nào (đi trước màn chướng, không đội mũ mang gậy) vv.
Như vậy đủ hiểu việc rước kiệu Thánh Thể là một sự cao trọng. Và hễ là cao trọng thì thường mang lại nhiều ơn ích.
Tại Lộ Đức ngày 22 tháng 8 năm 1888 vào lúc 4:00pm, sau khi rước Mân Côi, theo lời đề nghị của một linh mục người ta rước Thánh Thể qua chỗ bệnh nhân nằm trước hang đá để ban phép lành cho họ. Khi kiệu Thánh thể đi ngang qua ông Pierre Delanoy là một người bị tê liệt (ataraxia) nhiều năm thì ông đã được ơn khỏi bệnh lập tức. Đấy là phép lạ đầu tiên ở Lộ Đức. Từ đó cho đến nay nhiều người bệnh đã hành hương tới Lộ Đức và được chữa lành trước kiệu Thánh Thể như vậy.
Đức Giáo Hòang Benedict 16 mới đây gọi cuộc thăm viếng bà Isave của Đức Mẹ là cuộc rước Thánh Thể đầu tiên bởi vì Mẹ đang cưu mang chúa Cứu thế trong cung lòng của Mẹ khi thực hiện cuộc hành trình ở Galilee.
Sự kiện mà đức Benedict 16 nêu ra liên quan tới phúc âm thánh Luca 1:39-57: “Cảm thấy sự hiện diện của Đấng Cứu Thế qua sự xuất hiện của Maria, Gioan nhẩy mừng trong lòng mẹ, ngay lập tức thai nhi đã được tẩy sạch tội nguyên tổ và được tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa.“
Mặc dù Thánh Kinh không kể lại, nhưng chúng ta có thể đóan chắc rằng thánh Giuse đã không để Đức Mẹ bơ vơ một mình trên lộ trình nguy hiểm này. Bất kỳ người phụ nữ có thai nào mà phải đi xa đều có thể cho chúng ta biết rằng đó không phải là một chuyện vui thú. Đối với mẹ Maria, chuyến đi phải là một kinh nghiệm cam khổ: con đường từ Nazareth đến Hebron xa tám mươi dặm đường núi, thời đó cưỡi lừa hoặc đi xe bò là phương tiện duy nhất, phải đi khỏang 3 ngày đường, mà đường thì không trải nhựa, xe không điều hòa không khí, bánh xe không có lò xo giảm xóc...
Ngày nay nếu chúng ta đưa gia đình đi đại hội Thánh Thể 3 ngày ở Kerens cách Dallas 80 dặm thì cũng giống như là tưởng niệm và thực hành cuộc Thăm Viếng của Thánh Gia (Lễ Thăm Viếng là ngày 31 tháng 5 ngay trước đó). Dỉ nhiên ngày nay chúng ta sẽ thực hiện với nhiều tiện nghi tân thời.
Và Chúa Thánh Thần đã gửi tới nhiều trợ giúp.
Các ân nhân từ các vùng Fort Worth Dallas vả Houston đã bắt đầu thành lập cho đan viện nhiều tiểu ban tổ chức, họ bắt đầu giúp lập chương trình, lo khai quang, đào giếng, và vận động với giới truyền thông.
Trong buổi cơm trưa mới đây tại Dallas, các báo Bút Việt, Ca Dao, Người Việt và Trẻ cùa vùng Dallas Fort Worth đã cam kết hổ trợ cho chương trình. Như vậy thì các tín hữu trong vùng sẽ được thông tin đầy đủ và kịp thời.
Ngày 24 tháng 4 sắp tới, một buổi văn nghệ “Nhịp Cầu Thiên Tâm” sẽ được tổ chức tại Arlington Texas để gây quĩ cho nhà Tĩnh Tâm tương lai.
Ngay sau đó (ngày 8 tháng 5) một buổi văn nghệ khác do tư nhân đóng góp cho đan viện cũng đã bắt đầu thấy đăng quảng cáo.
Tất cả đều nhằm mục đích tạo dịp cho giáo dân quanh vùng đến “Thăm Viếng” đại hội Thánh Thể từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 6 năm nay. Thông báo đã có trên http://vietcatholic.net/News/Html/78889.htm.
Sự Thăm Viếng này không chỉ là một chuyến đi, không chỉ là một vài ngày pic nic, mà là một thể hiện tiếng gọi cộng đồng. Đôi khi, sự hiện diện thể lý của chúng ta là món quà tốt nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho người khác. Giống như Mẹ Maria mang Chúa đến cho người chị họ, “Thăm Viếng” đánh dấu một quá trình chuyển đổi, một tiến bộ lớn trong sự lãnh nhận ơn Cứu Độ.
Các họa sĩ thời Trung Cổ thường minh họa Mẹ Maria và bà Isave giống như là các bậc cao sang quyền quí với áo quần gấm lụa có dàn nhạc Thiên Quốc tung hô. Nhưng không có gì sai sự thực như thế. Hai ngàn năm trước, hai người phụ nữ dân giả bên Palestine có lẽ không tươm tất hơn các phụ nữ ở vùng xa vùng sâu của miền quê Việt Nam. Họ đến với nhau không là để vui ca đàn hát. Dĩ nhiên Đức Mẹ có xướng lên bài ca Magnificat, nhưng đó là biểu lộ sự vui mừng trong ơn cứu độ, chứ mục đích của “Thăm Viếng” là để giúp đỡ một người chị em trong lúc khó khăn, giống như ở miền quê VN người ta thường gửi con em đi giúp bà con trong thời sinh nở, tức là làm những việc khó hèn dơ bẩn trong nhà. Cho nên chuyến đi của Mẹ Maria là để thể hiện lòng bác ái. Đức cố Giáo Hoàng John Paul II đã cảm nhận điều này trong một bài giảng năm 1997, khi phản ảnh về ý nghĩa Thăm Viếng ngài nói: "Trong hành động tương trợ này, Đức Maria đã chứng minh rằng lòng bác ái đích thực phát triển trong chúng ta khi có Chúa Kitô hiện diện."
Hy vọng lòng bác ái đích thực sẽ phát triển khi hàng ngàn người không quản ngại đường xa, dựng lều vải, ăn kiêng khem, tạm từ bỏ các tiện nghi tân thời để noi gương Mẹ, đóng góp một bàn tay vào việc đem mầu nhiệm Thánh Thể đến cho mọi người.