Thứ Bảy ngày 16 tháng 1 tới đây, dự trù 10.000 người sẽ tham dự thánh lể do ĐGM Kevin Farrell (Dallas) và ĐGM Kevin Vann (Fort Worth) đồng tế, tiếp theo là một cuộc diễn hành Phò Sự Sống, lộ trình đi từ nhà thờ chính toà Cathedral Shrine of the Virgin of Guadalupe và kết thúc tại thềm toà án Earle Cabell Federal Courthouse, để tưởng niệm ngày đau buồn khi Tối Cao Pháp Viện HK đưa ra phán quyết Roe V. Wade (ngày 22 tháng 1), khởi đầu một thảm kịnh mà chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có trên 50 triệu thai nhi bị huỷ diệt.

Số 10.000 người diễn hành là một con số nhỏ so với con số trên vài trăm ngàn thường qui tụ tại Trụ sở Tối Cao Pháp Viện, Washington DC, để phản đối Phán Quyết trong dịp này. Nhưng đây là một con số gia tăng liên tục mỗi năm (gấp 2 con số 5.000 người năm ngoái) và đủ để tạo ra một dòng sông người 10 hàng ngang không đứt đoạn nối Nhà Thờ và Toà Án lại với nhau. Điểm quan trọng nhất là cuộc diễn hành được tổ chức ngay tại nơi khởi đầu cuả vụ án Roe V. Wade (Roe chống với Wade). ĐGM Farrell ngay từ khi nhậm chức đã tuyên bố: ” Nếu Roe V. Wade đã bắt đầu từ đây, thì nó sẽ chấm dứt tại chính nơi này”.

Roe là “bí danh” cuả cô Norma L. McCorvey, người khởi tố, và Wade là tên cuả luật sư quận Dallas, Henry Wade, người biện hộ cho luật cấm phá thai cuả Tiểu Bang Texas.

Sự việc khởi đầu năm 1969 khi cô Norma L. McCorvey đang là nhân viên mời khách cho các trò chơi hội chợ (carnival side-show barker, vai hề gọi khách) bỗng thấy mình lại chửa hoang lần thứ 3. Cô trở về Dallas tìm cách phá thai với lý do hiếp dâm. Hồi đó luật Texas cấm phá thai ngoại trừ hiếp dâm và loạn luân. Nhưng cô thất bại bởi vì không có hồ sơ cảnh sát. Cô Norma sau đó tìm cách phá thai ngầm tại một cơ sở bất hợp pháp, nhưng khi tìm đến đó thì cơ sở này cũng đã bị cảnh sát đóng cửa.

Với sự giúp đỡ cuả hai nữ luật sư trẻ là Linda Coffee và Sarah Weddington, Norma đệ đơn kiện Texas tại “toà án Liên Bang Vùng (U.S. District Court in Texas), trụ sở tại Earle Cabell Federal Courthouse ở Dallas. Lúc này cô lấy bí danh là “Roe” và người bị kiện là vị đại diện cho Tiểu Bang Texas, luật sư Henry Wade (Dallas County District Attorney). Cô Norma đã nhận rằng việc hiếp dâm là gian dối, và do đó hai chữ “hiếp dâm” không còn được ghi trên các văn kiện.

Toà Án Liên Bang cho phép cô Norma được phá thai nhưng lại từ chối không viết pháp lệnh (injunction) bắt Texas phải thi hành việc phá thai. Sự việc được đưa lên Tối Cao Pháp Viện.

Cô Norma đã sinh hạ một bé gái và cho đi làm con nuôi.

3 năm sau, ngày 22 tháng 1 năm 1973 Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết với tỳ lệ 7 trên 2 rằng Toà “Roe” (The Roe Court) coi việc phá thai là một quyền căn bản cuả Hiến Pháp, và do đó tất cả các luật giới hạn việc phá thai đều phải bị xét lại một cách kỹ lưỡng.

Cái trớ trêu là Norma McCorvey đã hối hận với việc làm cuả cô, đã từ bỏ lối sống đồng tính và đã trở thành một tín đồ Công Giáo năm 1994. Ngày nay cô hoạt động cho phong trào Phò Sự Sống tìm cách lật đổ phán quyết trện.

Ít có quyết định nào của Toà án Tối Cao mà lại tác động đến cuộc sống cuả người Mỹ nhiều như Roe. Kể từ Roe, phá thai huỷ diệt ít nhất 50 triệu người (bằng với dân số của 25 tiểu bang). Ảnh hưởng nhân số của Roe tiếp tục chi phối các kỳ bầu cử và tạo tranh chấp trên việc phân phối quyền lợi tài chánh cho các vùng.

Một quan niệm sai lầm là quyền phá thai có gốc rễ từ Hiến Pháp. Thực sự thì khi giải thích Phán Quyết, Tối Cao Pháp Viện đã dựa vào câu “mở đầu” cuả Tu Chánh Án số 9 (Bill Of Rights, Luật Nhân Quyền) là “Mặc dù chỉ có một số (hạn hẹp) những quyền được kể ra sau đây, nhưng không nên dùng việc này để giới hạn hay cấm đoán những "quyền khác" mà con người vẫn hằng có”. Và tuy rằng Phá Thai không được liệt kê trong Luật Nhân Quyền nhưng theo Tòa Án thì nó là một “quyền khác” hàm chứa ở Tu Chánh Án số 14 (qui định các Thủ Tục Pháp Lý) là quyền được bảo vệ sự riêng tư. Và như vậy khi luật cuả Texas cấm phá thai tức là đã xâm phạm quyền riêng tư, một nhân quyền về việc có con hoặc không có con, cuả một người đàn bà.

Một phán quyết với cơ sở hàm hồ như vậy, thì theo Thẩm Phám Tối Cao Ruth Bader Ginsburg, là “một can thiệp nặng tay cuả nền tư pháp”.

Với một chính phủ Dân Chủ đang cầm quyền như hiện nay thì khó mà hình dung được Phán Quyết Roe sẽ bị đảo ngược sớm. Nhưng với trào lưu dân chúng chống phá thai đã đạt dược đại đa số trong năm qua, thì viễn ảnh một xã hội Mỹ không có Roe không còn xa vời.

Vậy nếu Roe bị lật ngược thì điều gì sẽ xảy ra? Nhiều người cho rằng một ngày sau khi đảo ngược Roe, các tiểu bang sẽ phục hồi lại chính sách về phá thai cuả mình. Một số tiểu bang sẽ hạn chế phá thai, trong khi những tiểu bang đông dân sẽ thông qua luật cho phá thai tương tự như bây giờ. Vì vậy, cách kết thúc trận chiến phá thai bằng cách đảo ngược Roe sẽ chỉ là khởi đầu của một cuộc chiến mà 35 năm qua là một khúc dạo đầu.

Nhưng trong cuộc chiến mới này, một khác biệt quan trọng là các trường học sẽ không thể dạy con trẻ Mỹ điều gian dối rằng - trong số các quyền hiến pháp như ngôn luận, tôn giáo - cũng còn một quyền là có thể lấy đi sự sống của một thai nhi.