Người Phụ Nữ Trong Giáo Hội

Madrid, Tây Ban Nha, 14 tháng Tư, 2008 (Zenit.org).- Miriam Díezi Bosch phỏng vấn nhà học giả về lịch sử Giáo Hội thời sơ khai, Cha Fernando Rivas Rebaque, một linh mục thuộc Giáo Phận Getafe, Tây Ban Nha. Theo cha Rivas, Giáo hội luôn luôn bênh vực phẩm giá phụ nữ kể từ ngày mới được Chúa Kitô thiết lập. Trong cuộc phỏng vấn sau đây, Cha cho biết lý do tại sao vai trò phụ nữ trong Kitô giáo sơ khai lại ít được người ta biết đến và hiện nay, Giáo Hội cần phải làm gì để thăng tiến người phụ nữ?

Trong cuốn sách của mình tựa là “Những Người Con Gái Bị Xóa Mờ Của E-và: Các Vai Trò Chủ Đạo và Việc Cho Phụ Nữ Ra Rìa Trong Giáo Hội Sơ Khai”, Cha Rivas cho thấy phụ nữ có ba loại vai trò chủ đạo bên trong Giáo Hội.


Hỏi: Perpetua, Felicity, Blandine, Melanie Trẻ, tại sao ít người nhớ được vai trò chủ đạo của những người phụ nữ này trong Giáo Hội?

Cha Rivas: Rất ít người nhớ được những người phụ nữ trên thuộc Giáo Hội sơ khai, vì nói chung, lịch sử và nhất là lịch sử Giáo Hội, thường thích tập chú vào các biến cố trọng đại làm “thay đổi” lịch sử, như chiến tranh, triều đại, lãnh tụ, đến quên khuấy cuộc sống hàng ngày, là những sinh hoạt tạo thành cuộc hiện sinh hàng ngày.

Nói một cách cụ thể, điều ấy có nghĩa: lịch sử Giáo Hội có khuynh hướng chỉ là lịch sử các vị Giáo Hoàng, các vị giám mục, các nhà lãnh đạo, các thánh và thần học gia, những người “đánh dấu” sinh hoạt của Giáo Hội, mà quên khuấy đi mọi người khác, trước nhất là các giáo dân, càng tệ hơn, nếu giáo dân ấy là phụ nữ, chỉ vì họ chả có cơ may gì trong việc gây ảnh hưởng xã hội. Chỉ một số rất ít phụ nữ biểu tỏ được một tác phong xuất chúng lạ thường trong lãnh vực này hay trong lãnh vực nọ khiến lịch sử phải ghi nhớ.

Hỏi: Trong Giáo Hội sơ khai, các người đàn bà chủ đạo nổi bật trong những phạm vi nào?

Cha Rivas: Các vai trò chủ đạo của phụ nữ rất khác nhau tùy thuộc thời gian và nơi chốn lịch sử.

Một cách tóm tắt, người ta có thể nói có ba loại vai trò chủ đạo chung cho mọi thời và mọi miền: vai trò khổ hạnh, chủ yếu được phát biểu qua đức khiết trinh và cuộc sống đơn tu, vai trò tử đạo và vai trò liên quan đến các vị ân nhân giầu có của cộng đoàn, một vai trò được đánh giá rất cao trong Giáo Hội. Đàng khác, một loại vai trò chủ đạo rất nổi bật trong thế giới Đông Phương là các nữ phó tế, nhưng không có thứ vai trò như vậy trong thế giới Tây Phương.

Hỏi: Người phụ nữ ngày nay có đang được nhìn thấy rõ hơn trong các khung cảnh của giáo hội hay không?

Cha Rivas: Để bắt đầu, ta nên phân biệt (các thuật ngữ): được nhìn thấy rõ, các vai trò chủ đạo, thẩm quyền và quyền lực.

Người phụ nữ Kitô giáo đang có mặt và được nhìn thấy rõ trong mọi khung cảnh của sinh hoạt hàng ngày trong Giáo Hội: trong các cử hành, trong các nhóm hội và trong các sinh hoạt. Hơn thế nữa, tôi muốn nói rằng, trong một số trường hợp, họ không những chiếm đa số, mà thực tế còn là thành phần duy nhất người ta nhìn ra.

Nhưng mặt khác, xét về mức độ leo bậc thang điều khiển, sự hiện diện và các vai trò chủ đạo của phụ nữ thực tế vẫn chỉ thu gọn trong một số khung cảnh của Giáo Hội mà thôi, dù họ có khả năng đảm nhận những chức vụ không liên can tới các vai trò thừa tác vụ, đến nỗi họ gần như biến mất khỏi những khung vòm Giáo Hội.

Tình trạng trên khá đáng quan ngại vì xem ra càng ngày nó càng tách mình ra xa đối với những gì đang xẩy ra trong khu vực xã hội, nơi mỗi ngày người ta càng thấy rõ người phụ nữ hơn, thấy sự hiện diện, các vai trò chủ đạo và quyền lực của họ.

Hỏi: Tuy nhiên, mới đây Đức Thánh Cha đã lên tiếng chỉ trích các thái độ cao ngạo nam nhi và việc rất nhiều phụ nữ chịu thiệt thòi chỉ vì mình là phụ nữ. Giáo Hội hiện đang có hành động gì cụ thể để chống lại hiện trạng này?

Cha Rivas: Giáo Hội từng tranh đấu cho nhân phẩm người phụ nữ ngay từ những ngày đầu vì Giáo Hội luôn liên kết ơn cứu rỗi với việc cá nhân đáp ứng bản thân và một cách không chuyển nhượng đối với Chúa và tha nhân.

Qua cách đó, Giáo Hội đã tách mình ra khỏi các khuôn mẫu tôn giáo khác vốn coi trọng các yếu tố chủng tộc, quốc gia, giai cấp, phái tính hay văn hóa, và đã tạo nên một khung cảnh bình đẳng căn bản giữa người đàn ông và người đàn bà.

Hơn nữa, Giáo Hội đã rõ rệt ưu tiên chọn người nghèo, một lựa chọn giúp Giáo Hội có dịp tiếp xúc với thế giới phụ nữ, mà nhiều thành viên là nạn nhân của tình trạng trên. Việc tiếp xúc ấy đã gia tăng phát sinh ra nhiều định chế, nhiều tài nguyên và biện pháp để hỗ trợ người túng thiếu, mà phần đông vốn là và vẫn là phụ nữ.

Giáo Hội còn giúp người phụ nữ có năng lực tham gia nhiều khung cảnh có vai trò chủ đạo như tu đức, giáo dục, hiệp hội, giao tế, những khung cảnh họ có thể chứng tỏ được các điểm mạnh nhất của họ, thay vì chỉ tự giới hạn mình trong khung cảnh nội trợ.

Việc ấy chưa thay đổi được sự kiện này là dù gì thì cái nền văn hóa đang thịnh hành, một nền văn hóa nặng tính tổ phụ, vẫn đang tô mầu cho nhiều cách phát biểu của người phụ nữ.

Tuy nhiên ngay trong lãnh vực đời sống hàng ngày của tôi, tức lãnh vực một giáo xứ gồm nhiều khu lao động và có trường đại học, Giáo Hội đã giúp nhiều phụ nữ đạt được trình độ hiểu biết, giao tế, hoạt động và các vai trò chủ đạo cao hơn là các vai trò của phần đông các định chế chung quanh họ.Việc ấy được dùng làm cơ sở cho phần đông các phụ nữ từng giao tiếp với giáo xứ hay trường đại học, giúp họ phát triển bản thân và tạo tiến bộ trong tư cách tín hữu.