Tây Tạng: Còn nổi đau nào bằng!

Cũng như miền Nam Việt Nam, dân tộc Tây Tạng đã bị Ấn Độ, Nepal, các cường quốc Tây Phương và Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ rơi kể từ năm 2003, mặc dầu trước đó họ đã tích cực yểm trợ khoảng 80.000 dân Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ và Nepal thành lập một chính phủ lưu vong để đòi Trung Quốc trả lại độc lập. Chính phủ Ấn Độ đã dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thành phố Dharamsala, một thành phố nhỏ ở chân Hy Mã Lạp Sơn, để làm “thủ đô” của chính phủ lưu vong. Lúc đó Tây Tạng trở thành cái “phèng la” được dùng để làm áp lực với Trung Quốc của Ấn Độ và các nước Tây Phương, mỗi khi cần đòi hỏi Trung Quốc nhượng bộ về quyền lợi kinh tế.

Tuy nhiên, sau khi thiết lập được quan hệ về ngoại giao và thương mại bình thường với Trung Quốc, ngày 24.6.2003, Thủ Tướng Ấn Độ Atal Behari Vajpayee đã cùng với Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo công bố một thông cáo chung tại Bắc Kinh, trong đó Ấn Độ chính thức công nhận Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc! Các cường quốc Tây Phương và Đại Hội Đồng LHQ im lặng, có nghĩa là biểu đồng tình. Các tổ chức tranh đấu đòi độc lập của người Tây Tạng ở Ấn Độ và Nepal bị cấm hoạt động.

Nhân Trung Quốc đăng cai tổ chức Thê Vận Hội Olympic tại Bắc Kinh vào tháng 8 tới đây với phí khoản được kỳ giả Jean-François Arnaud ước lượng khoảng 30 tỷ Euro, những nhà tranh đấu của Tây Tạng đã phát động một cuộc tranh đấu đòi độc lập ở cả trong lẫn ngoải nước, với hy vọng Trung Quốc sẽ không dám đàn áp mạnh, để nói với thế giới rằng xin nhớ đến dân tộc Tây Tạng. Nhưng cuộc tranh đấu này sẽ đi về đâu và thế giới sẽ làm được gì cho Tây Tạng?

Trước khi trả lới những câu hỏi này, chúng tôi xin trình bày qua vài nét vế lịch sử Tây Tạng, cuộc xâm chiếm Tây Tạng của Trung Quốc, Ấn Đô, Nepal, Anh và OSS (CIA) của Hoa Kỳ, việc Ấn Độ bán đứng Tây Tạng cho Trung Quốc và phương thức tranh đấu của người Tây Tạng.

I.- NHÌN QUA ĐẤT NƯỚC TÂY TẠNG

Nắm vững tiến trình lịch sử của Tây Tạng rất khó vì những sự kiện lịch sử thường bị lẫn lộn với nhiều huyền thoại. Chúng tôi xin rút ra những nét chính để giúp độc giả theo dõi vấn đề.

Tây Tạng là một vùng cao nguyên nằm ở phía bắc Ấn Độ, trên giải Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas), cao khoảng 4.000 thước (13,120 ft), rộng khoảng 2.500.000 cây số vuông, với dân số trên 6 triệu người, đa số theo Phật Giáo, thủ đô đặt tại Lhasa.

1.- Sự hình thành quốc gia Tây Tạng

Tài tiệu lịch sử cho biết một số bộ lạc đã xuất hiện ở Tây Tạng vào khoảng năm 127 trước công nguyên. Trải qua nhiều cuộc tranh chấp đẩm máu, bộ lạc Tubo toàn thắng và lên nắm quyền tại vùng này, đặt tên nước là Tibet, người Việt theo phiên âm Hán – Việt đọc thành Tây Tạng. Chữ Tibet lấy từ chữ Tubo. Tôn giáo chính của bộ lạc này là đạo Bon, một tôn giáo tin vào thần linh và pháp thuật.

Phải đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, dưới thời Hoàng Đế Songtsan Gambo, nước Tây Tạng mới thống nhất và vững mạnh. Vua này thiết lập quan hệ thân hữu với các quốc gia láng giềng để phát triển thương mại và trao đổi văn hòa. Vua Trung Hoa gả công chúa Wencheng cho Songtsan Gambo, còn vua Nepal gả công chúa Khridzun. Nhưng công chúa của Nepal có ảnh hưởng với Songtsan Gambo hơn. Hai công chúa này đều theo Phật giáo nên đã đưa đạo Phật vào đất Tây Tạng. Tuy nhiên, phải đến năm 710, khi cháu của vua Songtsan Gambo là Tride Zhotsan lên ngôi, đạo Phật mới phát triển mạnh tại đây.

2.- Tranh chấp với Trung Quốc

Đến thời Hoàng Đế Trisong Detsen (755 – 797), Tây Tạng đem quân chiếm một phần đất của Trung Hoa. Năm 763, dưới thời nhà Đường, khi nước Tàu bị loạn lạc, Tây Tạng đem quân chiếm kinh đô Tràng An, bắt nước Tàu phải triều cống Tây Tạng. Năm 787, Tàu và Tây Tạng ký một hiệp ước định ranh giới giữa hai nước. Năm 821, một hiệp ước hòa bình giữa Tây Tạng và Trung Hoa được ký kết. Hiệp ước này được ghi vào ba cột trụ, vừa bằng chữ Tàu vừa bằng chữ Tây Tạng, một cột dựng tại Gung Meru nằm giữa đường phân chia biên giới, một tại Lhasa và một tại Trường An. Hiệp ước ghi rằng phần phía đông cột móc biên giới là của Trung Hoa, phần phía Tây là của Tây Tạng. Không bên nào được xâm chiếm lãnh thổ của bên kia.

Vào thế kỷ 13, quân Mông Cổ lan từ Đông Á qua Trung Á, tới Nga và một phần Âu Châu. Sau khi chiếm nước Tàu, họ đã thiết lập triều đình nhà Nguyên (1277 – 1367) để thống trị Trung Hoa. Tây Tạng cũng chịu chung số phận. Tuy nhiên, người Mông Cổ thích người Tây Tạng vì đất nước họ cũng thuộc những nhóm bộ lạc có tôn giáo tôn thờ các thần linh như đạo Bon của người Tây Tạng. Vua Thái Tổ của nhà Nguyên đã chỉ định Hphagspa, một vị đạo sư thuộc giáo phái Phật Giáo Sakya của Tây Tạng, bảo trợ tinh thần cho Hoàng tử Khubilai của Mông Cổ và lãnh đạo Phật Giáo Trung Hoa, và ban cho vị này những quyền hành rất lớn. Sự chỉ định này đã làm các giáo phái Phật Giáo khác ở Tây Tạng và Trung Hoa tức giận, nhưng họ không thể làm gì để chống lại ý muốn của nhà vua.

Với chủ trương chia để trị, triều đình nhà Nguyên đã chia nước Tây Tạng thành nhiều khu vực hành chánh và đặt mỗi khu vực dưới quyền cai trị của một thống sứ. Họ còn khuyến khích việc phát triển các đảng cấp để dễ dàng kiểm soát. Hoàng tử Khubilai khi lên ngôi Hoàng Đế Trung Hoa đã trao chủ quyền của miền trung Tây Tạng cho vị lãnh đạo giáo phái Sakya của Tây Tạng. Như vậy, ngay dưới thời nhà Nguyên, đã có một vị tăng Phật Giáo được lãnh đạo cả giáo quyền lẫn thế quyền trên một phần lãnh thổ của Tây Tạng.

Nhà Minh (1368–1644) lên cai trị thay nhà Nguyên vẫn duy trì chính sách chia để trị, nên Tây Tạng vỡ ra từng mãnh. Họ cho thành lập một tông phái Phật Giáo mới lấy tên là Gelugpa, thường được gọi là Hoàng tông (Yellow Sect), vì những nhà sư thuộc tông phái này mặc áo vàng và đội mũ vàng. Về sau, người lãnh đạo tông phái này được cho mang danh tước “Dalai Lama”, tiếng Việt gọi là “Dạt Lai Lạt Ma”.

3.- Trao quyền cai trị cho các nhà sư

Khi triều đại nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh lên cầm quyền (1644–1911), chính sách cai trị Tây Tạng có nhiều thay đổi quan trọng. Năm 1652, các vi lãnh đạo tôn giáo Tây Tạng nỗi tiếng là Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Lama) thứ 4 và Gushri Khan được triệu về Bắc Kinh. Năm 1653, trước khi lên đường trở về Tây Tạng, vị sư Lozang Gyatso, tức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, được phong tước hiệu: “Đạt Lai Lạt Ma, Phật Đại Từ Bi ở Phương Tây, Lãnh Tụ của Tín Ngưỡng Phật Giáo dưới Bầu Trời, Người Cầm Giữ Kim Cương”.

Sau khi được phong tước, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã tuyên thệ trung thành với nhà Thanh và được nhận nhiều vàng bạc để trở về xây 13 tu viện cho phái Hoàng tông ở Tây Tạng. Tất cả những vị Đạt Lai Lạt Ma tái sinh (reincarnation) về sau đều phải được triều đình Trung Hoa công nhận. Sự cam kết này đã trở thành một giao ước lịch sử.

Sau này, vua Khang Hy nhà Thanh nghi ngờ ý định của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, nên năm 1713, triều đình nhà Thanh đã phong cho Ban Thiền Lạt Ma thứ 4 danh hiệu “Panchen Erdeni”, và ban cho vị này quy chế đã ban cho Đạt Lai Lạt Ma thứ 5. Trong giai đoạn này, trên 90% dân Tây Tạng đã phải trải qua chế độ nông nô rất khắc nghiệt dưới quyền các địa chủ quý tộc và các tu viện Phật Giáo.

4.- Sự xâm lăng của các quốc gia khác

Ngoài Trung Hoa, các quốc gia khác cũng đã tìm cách xâm chiếm Tây Tạng và đẩy Trung Hoa ra. Năm 1337, Mohammed Tugluk ở Delhi đã đem 100.000 quân tràn vào khu Hy Mã Lạp Sơn. Vào những năm cuối thế kỷ 18, Nepal cũng đã hai lần đem quân xâm lấn Tây Tạng với âm mưu sát nhập một phần lãnh thổ của nước này vào Nepal.

Trong thế kỷ 19, sau khi xâm chiếm Ấn Độ, Anh đã cạnh tranh với Nga bằng cách đổ vào Tây Tạng nhiều tiền bạc và gián diệp với mục tiêu thăm dò xem có thể chiếm và kiểm soát vùng này không. Sau đó, Anh đã đem quân xâm chiếm Tây Tạng hai lần, một lần vào năm 1888 và một lần vào năm 1903. Nga vì phải đối đầu với những tranh chấp trong nội bộ, nên không thể ngăn chận Anh tiến đến thủ đô Lhasa. Lúc đó, chiến tranh nha phiến đang xẩy ra ở Trung Hoa nên vua Quang Tự cũng không làm gì được. Người dân Tây Tạng chỉ có giáo mác, cung tên, ná cao su và súng tự chế nên không thể chống lại quân Anh. Tuy nhiên, năm 1906, khi mùa đông đến, người Anh sợ bị kháng chiến quân Tây Tạng chận các đường tiếp tế, nên đã tự ý rút lui sau khi ký một hiệp ước hòa bình với Trung Hoa. Hiệp ước này nói Anh không còn can thiệp vào việc cai trị Tây Tạng và công nhận chủ quyền của Trung Hoa ở Tây Tạng. Nhưng qua năm 1907, Anh lại ký với Nga một hiệp ước khác nói rằng Anh quan tâm đặc biệt đến Tây Tạng!

Năm 1914, một hội nghị đã được triệu tập tại Simla, Ấn Độ, gồm có đại diện của Anh – Ấn Độ, Trung Hoa và Tây Tạng. Trong hội nghị này, Anh đã làm áp lực buộc Trung Hoa đồng ý phân chia lãnh thổ Tây Tạng thành hai phần: Nội Tây Tạng và Ngoại Tây Tạng. Phần Ngoại Tây Tạng thuộc quyền cai trị của Anh – Ấn Độ. Anh nói rõ rằng nếu Trung Hoa không đồng ý, Anh sẽ rút lui việc thừa nhận chính phủ Trung Hoa mới và ký hiệp ước riêng với Tây Tạng. Nhưng hội nghị này đã thất bại vì Trung Hoa và vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 của Tây Tạng không đồng ý.

Trong thời gian Đệ Nhị Thế Chiến và một thời gian ngắn sau đó, cơ quan OSS (tiền thân của CIA) của Mỹ đã phối hợp với Sở Ngoại Vụ của Anh (British Foreign Office) định phát động một phong trào đòi giải phóng Tây Tạng, thành lập một chế độ dân chủ, tách Tây Tạng ra khỏi Trung Hoa, nên chống lại việc chỉ định vị Đạt Lai Lạt thứ 14 thay thế vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 qua đời vào năm 1933. Vị Nhiếp Chính (Regent) chống lại âm mưu này nên OSS phao tin đồn vị nhiếp chính bất lực và có các hành động tội phạm. Năm 1947 vị Nhiếp Chính đã bị bắt và bị giết bí mật trong tù. Thân phụ của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng bị đầu độc vì ông ta ủng hộ vị Nhiếp Chính.

Tính từ khi vua Hệ Đế nhà Minh (1399–1403) công nhận vị Đạt La Lạt Ma đầu tiên đến nay đã có tất cả 14 vị được coi là hiện thân của Quan Thế Âm Bồ Tát.

II.- SỰ XÂM LĂNG CỦA TRUNG CỘNG

Năm 1959, Đảng Cộng Sản chiếm Trung Hoa và vào tháng 10, khoảng 80.000 quân thuộc Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng Trung Quốc tiến vào xâm lăng Tây Tạng. Dân chúng Tây Tạng liền yêu cầu trao quyền lãnh đạo lại cho Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 (tức Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay). Ngày 17.11.1950, Đạt Lai Lạt Ma chính thức nhận chức lãnh đạo tinh thần và chính trị của nhân dân Tây Tạng. Lúc đó ông mới 15 tuổi.

Ngay sau đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ định tân Thủ Tướng và thành lập nội các, rồi gởi một phái đoàn đến Hoa Kỳ, Anh và Nepal xin giúp ngăn chận sự xâm lăng của Trung Quốc. Thấy cuộc vận động này không kết quả, Đức Đạt Lai Lạt Ma liền gởi một phái đoàn khác tới Bắc Kinh. Sau nhiều ngày thương thuyết, ngày 23.5.1951 phái đoàn Tây Tạng đã bị Trung Quốc bắt ký bản hiệp ước 7 điểm về giải phóng hòa bình Tây Tạng. Bản hiệp ước này công nhận chính quyền địa phương Tây Tạng có quyền quản trị các vấn đề nội bộ, nhưng đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Trung Quốc.

III.- TRÊN ĐƯỜNG LƯU VONG

Sau hiệp ước này, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khuyên dân chúng sống chung hòa bình với người Trung Hoa. Tuy nhiên, sự bất đồng giữa hai bên ngày càng gia tăng. Ngay trong năm 1959, dân Tây Tạng ở phía đông bắt đầu nổi loạn, lôi kéo theo những vùng khác. Trung Quốc đã đàn áp thẳng tay khiến 87.000 dân Tây Tạng bị giết. Đức Đạt Lai Lạt Ma phải chạy thoát qua Ấn Độ. Khoảng 80.000 dân chúng đã đi theo ngài.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 ra đi, Trung Quốc vẫn xử dụng các Ban Thiền Lạt Ma để cai trị, nhưng kiếm sáot rất chặt chẽ việc xác nhận vị Ban Thiền Lạt Ma tái sinh để kế vị. Nhà cầm quyền cũng giúp các giáo phái khác, kể cả đạo Bon cổ truyền, mạnh lên để làm giảm bớt ảnh hưởng của giáo phái Gelugpa cầm quyền từ lâu đời.

1.- Thành lập chính phủ lưu vong

Muốn dùng người Tây Tạng lưu vong để chống lại Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma thành phố Dharamsala, một thành phố nhỏ ở chân Hy Mã Lạp Sơn, để hình thành một chính phủ Tây Tạng nối dài trên đất Ấn. Nơi đây thường được gọi là “Little Lhasa”. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hình thành một chính phủ Tây Tạng lưu vong để tranh đấu cho một nước Tây Tạng độc lập. Các chính phủ Ấn Độ, Nepal, Hoa Kỳ và các nước Tây Phương đã giúp Đức Đạt Lai Lạt Ma thực hiện ý muốn này.

2.- Thành lập một chế độ dân chủ

... Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn hủy bỏ chế độ lẫn lộn giữa giáo quyền và thế quyền và thay thế bằng một chế độ dân chủ. Do đó, ngài đã cho soạn thảo một hiến pháp dân chủ mới vào năm 1963 tách giáo quyền ra khỏi thế quyền, nhưng vì tình thế chưa thuận lợi, nên đến năm 1990 hiến pháp này mới được chính thức công bố. Với chế độ mới này, các Đạt Lai Lạt Ma chỉ còn là những nhà lãnh đạo tinh thần mà thôi.

3.- Được Đại Hội Đồng LHQ công nhận

Qua cuộc vận động của Đức Đạt La Lạt Ma, năm 1961, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã đưa ra Nghị Quyết số 1273 công nhận quyền tự quyết của nhân dân Tây Tạng trên phương diện pháp lý. Hội Đồng cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, quyền tự do và quyền tự quyết của nhân dân Tây Tạng, và chấm dứt sự đàn áp.

Vì Trung Quốc không chịu tôn trọng Nghị Quyết số 1273 nói trên, nên năm 1965 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lại ra Nghị Quyết số 2079, xác nhận lại những điều đã được đưa ra trong Nghị Quyết số 1273. Từ đó, người Tây Tạng không bao giờ ngưng nghĩ việc đòi hỏi Trung Quốc phải trao trả độc lập cho Tây Tạng.

4.- Thành lập “Vùng Tây Tạng Tự Trị”!

Sau khi có hai nghị quyết nói trên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã cho thành lập “Vùng Tây Tạng Tự Trị” (Tibet Autonomous Region (viết tắt là TAR) bao gồm hai tỉnh cũ của của Tây Tạng là Tsang and Kham, trong đó có thủ phủ Lhasa, với lãnh thổ chỉ bằng 1/2 của nước Tây Tạng cũ trước khi Trung Quốc xâm chiếm. Các vùng còn lại đều bị sát nhập vào các tỉnh lân cận của Trung Quốc. Trong khi đó, dân chúng Tây Tạng đòi hỏi “Vùng Tây Tạng Tự Trị” phải bao gồm cả nước Tây Trạng cũ trước khi chưa bị Trung Quốc chiếm.

Quy chế tự trị được ấn định trong các điều từ 111 đến 122 Hiến Pháp của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Luật về Quyền Tự Trị thuộc Vùng Sắc Tộc của nước này. Tuy được được gọi là “Vùng Tây Tạng Trự Trị”, nhưng trong thực tế vùng này đều được đặt dưới quyền cai trị của các viên chức do Trung Quốc chỉ định về cả chính trị, kinh tế, an ninh lẫn văn hóa. Trong những thành phố lớn của Tây Tạng như Lhasa, Chamdo, Shigatse, Gyangtse, người Trung Quốc nay chiếm đến 2/3 dân số, người Tây Tạng chỉ còn 1/3.

4.- Được Tòa Án Strasbourg công nhận

Năm 1992, vấn đề quyền tự quyết của Tây Tạng lại được đưa ra trước Tòa Án Thường Trực tại Strasbourg. Sau nhiều tuần nghe hai bên tranh luận, ngày 20.10.1992 Tòa tuyên bố người dân Tây Tạng có đủ tiêu chuẩn để có quyền tự quyết định về số phận của mình. Tòa nói rằng sự hiện diện của chính quyền Trung Quốc trên đất Tây Tạng được coi như là một hình thức đô hộ của ngoại bang.

Ngày 10.1.1993, Hội Nghị Các Luật Gia Trên Thế Giới họp tại London đã đưa ra một bản tuyên ngôn tuyên bố rằng theo luật quốc tế, dân chúng Tây Tạng có quyền tự quyết, quyền này tùy thuộc vào người Tây Tạng và không một quốc gia nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc, có quyền phủ nhận.

IV.- CÒN NỔI ĐAU NÀO BẰNG!

Tuy nhiên, khi tình thế đổi thay, các nước bảo trợ cho cuộc đấu tranh giàng độc lập của người Tây Tạng đều đã trở mặt.

Nepal, nơi phát sinh “Phật Giáo hiền hòa” đã trở mặt sớm nhất. Ngày 7.7.2003, cộng đồng người Tây Tạng với khoảng 35.000 người sinh sống tại Nepal đã bị nhà cầm quyền địa phương cấm không được tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 68 sinh nhật của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tại Kathmandu (Nepal) cộng đồng người Tây Tạng đã được chính quyền cấp giấy phép tổ chức các sinh hoạt văn hóa nhân ngày sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng sau đó bị thu hồi. Mặc dù không có giáy phép, khoảng 1.000 người Tây Tạng đã tụ tập tại một bảo tháp để cầu nguyện cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Hôm 25.3.2008, những tu sĩ và người tị nạn Tây Tạng đến trước Tòa Đại Sứ Trung Quốc ở Nepal và lớn những khẩu hiệu: “Trả tự do cho Tây Tạng” và “Quân ăn cướp Trung Quốc hãy rời khỏi đất nước chúng tôi.” Những người biểu tình đã cố gắng tiến gần về văn phòng cấp chiếu khán của Tòa Đại Sứ Trung Quốc ở Katmandu.

Cảnh sát đã chận những người biểu tình ở ngay cổng Sứ Quán hiện đang được bảo vệ kiên cố và đẩy họ ra khỏi chỗ khác. Khi những người biểu tình từ chối rời khỏi khu vực này, cảnh sát đã lùa cả đám khoảng 100 người biểu tình lên xe van và xe bít bùng và đưa về những trung tâm tạm giam. Khoảng 50 người biểu tình khác đã chạy thoát.

Ấn Độ đã quay lưng lại với Tây Tạng vì hai lý do chính sau đây: Lý do thứ nhất, Ấn Độ muốn Trung Quốc đừng dùng các sắc tộc ở biên giới để quậy phá Ấn Độ, nhất là vấn đề Kashmir. Lý do thứ hai, Ấn Độ muốn thiết lập con đường giao thương với Trung Quốc qua biên giới. Sikkim là nơi có con đường hành lang của Tây Tạng nối liến Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng năm 1975 dân chúng Sikkim quyềt định từ bỏ Trung Quốc và hòa nhập vào Ấn Độ. Vì thế, Trung Quốc đã cắt đứt con đường này. Ấn Độ muốn mở lại con đường đó để giúp cho kinh tế của Ấn Độ trong vùng biên giới phát triển dễ dàng hơn, nên đã đem Tây Tạng làm vật đổi chác với Trung Quốc, giống như Mỹ đã đổi Việt Nam Cộng Hòa cho Trung Quốc năm 1972.

V.- NGƯỜI TÂY TẠNG CHỚP THỜI CƠ

Nhân Thế Vận Hội Olympic sẽ khai mạc tại Bắc Kinh vào tháng 8 tới đây, bắt đầu từ ngày 10 tháng 3 vừa qua, người Tây Tạng ở trong nước đã nổi lên chống lại sự cai trị của Trung Quốc. Các tu sĩ Phật giáo trương cờ Tây Tạng bị cấm trong các cuộc tuần hành. Lúc đầu chỉ là những cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng đến ngày thứ sáu 14.3.2008 bỗng trở nên bạo động. Thủ phủ Lhasa chìm trong khói mù. Nhiều cửa hàng của người Trung Quốc bị dân chúng đốt cháy và cảnh sát Trung Quốc bắn khói cay vào người biểu tình.

Nhân chứng tại chỗ cho biết ở Lhasa, người biểu tình ném đá vào lực lượng an ninh, khách sạn, nhà hàng. Các cửa tiệm bị đốt cháy nằm dọc theo những con đường chính bao vây khu vực chùa Jokhang, một ngôi chùa được tôn kính nhất ở Lhasa và là linh hồn của thành phố cổ xưa này. Thanh niên Tây Tạng đốt cờ Trung Quốc và đồ đạc trên đường phố. Cảnh sát vũ trang chống biểu tình được xe tăng hỗ trợ đã chận hết các ngã tư.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ nói rằng có người báo cáo nghe tiếng súng nổ, và theo đài các bản tin của các hảng thông tấn quốc tế, đã có nhiều người chết. Theo một nhóm Tây Tạng lưu vong thì có hơn 30 người bị chết hôm thứ 14 tháng 3, và đến nay con số này có thể lên trên 100, nhưng chưa được kiểm chứng. Theo thông tấn xã Xinhua (Tân Hoa xã) của nhà nước Trung Quốc, con số tử vong chỉ là 10 người. Tuy nhiên, các bệnh viện ở Lhasa đã được lệnh không được tiết lộ bất cứ tin tức gì thêm.

VI.- TIẾNG VỌNG TRONG SA MẠC

Theo ông Sean McCormack, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc đã yêu cầu các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc kiềm chế trong việc giải quyết các cuộc biểu tình. Ông nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc có xung đột căng thẳng giữa các nhóm chủng tộc và Bắc Kinh”. Ông cho biết Tổng Thống Bush luôn cho rằng Bắc Kinh cần đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu cũng lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh phải tự chế và bình tĩnh về vấn đề Tây Tạng, nhưng cùng lúc đã lên án Bắc Kinh đã hành xử vụng về trong chuyện này.

Bà Louise Arbour, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, đã kêu gọi Trung Quốc cho phép những người biểu tình được thực thi quyền tự do bày tỏ ý kiến và tự do hội họp của họ, kiềm chế việc dùng vũ lực quá đáng trong lúc duy trì trật tự.

Ngày 19/3/2008, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới kêu gọi các giới chức chính trị tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, để phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp những người biểu tình tại Tây Tạng.

Hôm 18.3.2008), Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền (HRW) kêu gọi các lãnh tụ toàn cầu đừng đến Bắc Kinh tham dự Thế Vận Hội, vì việc người Tây Tạng bị chính quyền Trung Quốc đàn áp.

Ngày 21.3.2008, bà Nancy Pelosi, Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án vụ đàn áp của Trung Quốc nhắm vào những người biểu tình chống chính phủ ở Tây Tạng. Bà Pelosi vốn là một người chuyên chỉ trích thành tích nhân quyền của Trung Quốc, đã tuyên bố rằng tình hình ở Tây Tạng hiện nay đặt ra một thách thức đối với lương tâm của thế giới. Bà kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra quốc tế về vụ rối loạn này.

Ngày 21.3.2008, bà Condoleezza Rice, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, đã gọi cho Ngoại Trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì, để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Tây Tạng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Sean McCormack cho hay trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút, Ngoại Trưởng Condoleeza Rice đã tái khẳng định chính sách của Washington. Ông nói: Chính phủ Trung Quốc nên mở một cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài là một người có quan điểm hòa bình và ủng hộ hòa giải. Chắc chắn đây là thời điểm thích hợp hơn bao giờ hết để mở một cuộc đối thoại với vị lãnh tụ tinh thần của nhân dân Tây Tạng.

Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế tuyên bố rằng họ kêu gọi một giải pháp ôn hòa, bất bạo động để giải quyết những căng thẳng ở Tây Tạng, nhưng họ vẫn giữ ý định tiến hành chuyện tiếp đuốc qua thành phố Lhasa vào tháng sáu này.

Tuy nhiên, tất cả những lời kêu gọi trên đây chỉ là tiếng vọng trong sa mạc, kêu cho nó có kêu, chứ không cường quốc nào muốn đụng đến Trung Quốc, vì Trung Quốc có một thị trường tiêu thụ quá lớn và một môi trường đầu tư rất tốt.

Trên tạp chí Time số ra ngày 18.3.2008, ký giả bill Powell ở Bắc Kinh, có viết một bài dưới đầu đề “Tibet and the Ghosts of Tianmen” (Tây Tạng và Bóng Ma Thiên An Môn). Nhưng điều chắc chắc là vì Thế Vận Hội sắp tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc không dại gì làm một vụ Thiên An Môn ở Tây Tạng trong lúc này. Đợi đến khi Thế Vận Hội bế mạc, Trung Quốc sẽ bắt ngầm và thanh toán những phần tử chủ chốt để trừ “hậu họa”. Đó là chiến thuật thông thường của Cộng Sản.

VII.- TÌNH THẾ THẾ ĐÀNH PHẢI THẾ

Kinh nghiệm của 48 năm đấu tranh với sự yểm trợ tích cực của Ấn Đô, Nepal và các nước Tây Phương, sau đó bị bỏ rơi, Đức Đạt Lai Lạt Ma ý thức rằng chỉ có ngưới Tây Tạng mới cứu được ngưới Tây Tạng. Những “tiếng vọng trong sa mạc” đều là giả đối. Họ chỉ muốn dùng cuộc đấu tranh của Tây Tạng làm con bài, xài xong rồi bỏ. Do đó, ngài đã không ôm chặt “Bốn Không” như Tổng Thống Thiệu, mà chọn một đường lối mền dẽo để thích ứng với tình thế và đợi thời cơ.

Sau cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng John Paul II tại Roma ngày 27.11.2003, ngài tuyên bố rằng cộng đồng quốc tế nên thân hữu với Trung Quốc, điều đó sẽ giúp cho chính nghĩa của Tây Tạng. Ngài tái khẳng định rằng Ngài không yêu cầu Tây Tạng phải được độc lập, ngài chỉ muốn giữ gìn văn hóa của dân tộc. Ngài mong quê hương của ngài được hưởng thêm nhiều quyền tự trị (nghĩa là muốn có một quy chế tự trị thật sự cho toàn thể nước Tây Tạng như trước khi bị Trung Quốc xâm chiếm, chứ không phải chỉ riêng “Vùng Tây Tạng Tự Trị” mà Trung Quốc đã thiết lập). Ngài tránh nói hay làm điều gì đụng chạm đến nhà cầm quyền Trung Quốc.

Trong khi đó, có rất nhiều người Tây Tạng bất đồng ý kiến với Đức Đạt Lai Lạt Ma về phương pháp đấu tranh. Ký giả Jurgen Kremb cho biết trên đường phố cũng như trong các chùa chiền, tiếng nói của những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma không còn là tiếng nói chủ đạo, mà chính là tinh thần của tổ chức "Nghị hội Thanh niên Tây Tạng" ("Tibetan Youth Congress"). Đấy là một nhóm người Tây Tạng lưu vong cực đoan, họ đã không còn đi theo đường hướng của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ nhiều năm nay. Họ cho rằng con đường đấu tranh hoà bình của ông chẳng thể nào mang lại tự do cho quê hương, và dân Tây Tạng phải đi theo con đường của những phong trào giải phóng khác, như người Palestine và người Đông Timor. Chính tinh thần này đã đưa tới cuộc nổi dậy hiện nay ở bên trong Tây Tạng.

Nhưng từ Dharmsala, Ấn Độ, “thủ đô” của chính phủ lưu vong Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kêu gọi sự tự chế của cả hai bên. Ngài nói: “Tôi nói cho cả Trung Quốc và cả người Tây Tạng đừng bạo động.” Ngài nói thêm rằng người Tây Tạng và Trung Quốc cần phải sống chung với nhau. Ngài cho biết ngài luôn ủng hộ người dân Tây Tạng khi họ đấu tranh bất bạo động.

Tuy nhiên, ngài nhận định rằng phong trào đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát và ngài không ở trong vị thế có thể ra lệnh cho người Tây Tạng đang sống dưới ách cai trị của Trung Quốc phải làm thế này hay thế khác. Nếu “mọi chuyện tuột ra khỏi sự kiểm soát” (tức người Tây Tạng vẫn tiếp tục bạo động), ngài sẽ “từ chức như là người lãnh đạo chính trị cho người Tây Tạng”, vì ngài là người luôn luôn cổ xướng cho sự tranh đấu bất bạo động.

Ngài cũng nhận định thêm: “Rất có thể đã có nhân viên mật vụ của Trung Quốc gài vào và liên quan đến chuyện này. Đôi khi, những chế độ độc tài rất khôn ngoan, nên điều quan trọng là cần điều tra chuyện này.”

Ngài nói ngài thực sự lo ngại cho những gì xảy ra ở những vùng hẻo lánh của Tây Tạng, những nơi mà thế giới bên ngoài không hề biết đến. Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nghĩ đến những người Tây Tạng mà ngài gọi là tuyệt vọng, không vũ trang và vô tội. Họ chỉ đơn giản yêu mến văn hóa Tây Tạng và không chịu để người khác hiếp đáp, nhưng họ đang đối diện với cái chết.

Theo chỉ thị của các nhà lãnh đạo Tây Tạng lưu vong, người Tây Tạng không kêu gọi cấm vận đối với Trung Quốc như đã xảy ra đối với Miến Điện vào năm ngoái, cũng không kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Hè tại Bắc Kinh.

Hôm thứ ba 18.3.2008, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói rằng ông sẵn sàng mở các cuộc đàm phán với Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuy nhiên chỉ khi nào nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng từ bỏ điều mà Trung Quốc mô tả là một chiến dịch giành độc lập cho Tây Tạng. Bắc Kinh đổ lỗi cho ngài về tình trạng bất ổn ở Tây Tạng hiện nay, một cáo buộc mà Đức Đạt Lai Lạt Ma mạnh mẽ bác bỏ.

Ngày 20.3.2008, phát biểu tại Dharamsala, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng ngài đã sẵn sàng gặp những nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào. Nhưng Ngài cũng thận trọng cho rằng người dân Tây Tạng có thể có những kỳ vọng thiếu thực tế vì chuyện gặp gỡ này cần có những dấu hiệu rõ ràng từ phía Trung Quốc rằng họ dự định sẽ làm gì nếu ông đồng ý gặp họ.

Hôm 22.3.2008, Trung Quốc lại tuyên bố sẽ không đàm phán với Đức Đạt Lai Lạt Ma!

Trước đây các dân tộc thuộc vùng Baltic bị Liên Sô thống trị luôn chờ thời cơ, và thời cơ đã đến với họ năm 1991. Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà lãnh đạo Tây Tạng lưu vong cũng tin rằng một ngày nào đó thời cơ cũng sẽ đến với các dân tộc Tây Tạng.