ÂM NHẠC TRONG PHỤNG VỤ KITÔ GIÁO
Từ năm 1962, một số nhà âm nhạc học, phụng vụ và mục tử của nhiều nước khác nhau - họp thành nhóm Universa Laus từ năm 1966 - hàng năm đã họp nhau để nghiên cứu về sự tiến triển của âm nhạc trong phụng vụ Ki-tô giáo.
Trong khoảng thời gian đầu (1962-1968), tương ứng với những năm mà Hội thánh Công giáo Rô-ma, khởi thảo và định hình công cuộc cải tổ phụng vụ phát xuất từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, Nhóm Universa Laus đã hướng dẫn một số các cuộc nghiên cứu thuộc phạm vi lịch sử, thần học, kỹ thuật và mục vụ về vấn đề ca hát và âm nhạc trong phụng vụ Ki-tô giáo.
Giai đoạn thứ hai (1969-1976) được đánh dấu bằng hai yếu tố mới. Trước hết là nhận xét về những tác phẩm chính vừa mới được sáng tác trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, do tác động hỗ tương của phụng vụ và văn hóa. Tiếp đến là sự soi sáng mới mà nhiều kho nhân văn như tín hiệu học, ngữ học, xã hội tâm lý học, nhân loại học đã tạo ra và mang lại cho khoa nghi lễ và âm nhạc học.
Đứng trước sự phân biệt ngày càng gia tăng của các hoàn cảnh văn hóa và tình hình các giáo hội trong phụng vụ, nhóm Universa Laus đã cảm thấy phải xét lại các xác tín đang nung nấu thành viên của mình. Vì thế năm 1977 đã nẩy sinh ý tưởng soạn một tài liệu đưa ra một số các đường nét chủ lực chung cho cả nhóm.
Sau các cuộc đối chiếu hàng năm, Universa Laus đã đề nghị một bản tài liệu cho các thành viên ký vào như sau : Phần thứ nhất đề là “các điểm mốc”, thử trình bày cách mạch lạc yếu điểm trong các mối liên lạc giữa âm nhạc và phụng vụ Ki-tô giáo như thấy xuất hiện năm 1980. Phần thứ hai đề là “xác tín” lấy lại và khai triển thêm nội dung các điểm mốc dưới hình thức những câu vắn.
I. CÁC ĐIỂM MỐC
1. Lời ca tiếng hát của các cộng đoàn Ki-tô hữu
1.1. Khi nhiều người họp lại nhân danh Chúa Giê-su, cử hành các mầu nhiệm đức tin, thì hành động chung của họ gọi là phụng vụ, gồm một số các nghi lễ tượng trưng (nghi thức và bí tích) trong đó ca nhạc chiếm một vị trí ưu việt.
1.2. Việc thờ phượng trong Ki-tô giáo bao gồm
- a) hoạt động loan báo ơn cứu độ trong Chúa Giê-su Ki-tô
- b) lời đáp trả của cộng đoàn tín hữu
- c) động tác hiện thực hóa bằng cử chỉ giao ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và loài người
- Ca nhạc khi hội nhập vào các yếu tố khác nhau cấu thành hoạt động phụng vụ là nhằm
- a) yểm trợ và tăng cường lời công bố Tin Mừng dưới mọi hình thức,
- b) làm cho lời tuyên xưng đức tin, lời khẩn cầu và tạ ơn được diễn tả đầy đủ hơn, c) làm nổi bật nghi thức bí tích dưới hai dạng cử chỉ và lời nói.
3. Việc phân công vai trò của thanh nhạc và khí nhạc đã thay đổi nhiều trong các buổi họp mừng phụng vụ của cộng đoàn Ki-tô hữu, tùy thời và tùy nơi. Những sự thay đổi đó tùy thuộc ở nhiều yếu tố khác nhau. Việc phân chia giáo dân và thừa tác viên một phần được giải thích do cách hiểu về bản tính theo cơ cấu và phẩm trật của cộng đoàn Ki-tô hữu, cũng như tính thánh thiêng của hành động phụng vụ. Nhưng cũng do ảnh hưởng của những tập tục xã hội nữa mà theo đó việc hát trước công chúng khi thì do một người - nam hay nữ - khi thì do một nhóm, khi thì do mọi người, tùy theo cách lắng nghe và tham dự khác nhau. Sự biến chuyển của các kỹ thuật âm nhạc và việc tuyển chọn các tác phẩm để thực hiện, biện minh cho việc hát lĩnh xướng, hát ca đoàn hay chơi nhạc cụ.
4. Nhưng trong phụng vụ, việc thi hành một nhiệm vụ không bao giờ chỉ thuần túy là vấn đề sở trường kỹ thuật hay quy chế xã hội. Đối với đức tin của những người tham dự, mọi hoạt động của một người hay nhiều người đều được đón nhận như là dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong nhóm. Như vậy, trong đường hướng phụng vụ và các ơn đoàn sủng mà Tân Ước nói tới, các vai trò phụng vụ cũng được coi như các thừa tác vụ dù những thừa tác vụ đó là do phép truyền chức hay do một sự cắt cử thông thường, hoặc một sự chỉ định ngẫu nhiên.
5. Tuy không dám vội đoán định những sự biến đổi đã xảy ra hay sẽ có thể xảy ra trong việc phân công các vai trò âm nhạc trong phụng vụ, nhưng thiết tưởng cũng có thể xác định được vai trò của cộng đoàn, vai trò của từng cá nhân thừa tác (chủ tọa, phó tế hay linh hoạt viên, người hát thánh vịnh, ca xướng viên v.v...), vai trò của các nhóm chuyên môn (ca đoàn, hội hát) và nhóm các nhạc công. Cũng nên gắn liền vào đây vai trò của các nhà sáng tác và vai trò của các người điều khiển buổi cử hành.
6. Tiếng hát của cộng đoàn là ưu việc và không thể bỏ được. Dù không có thừa tác viên và nhóm ca viên để hát thì cộng đoàn trước hết có nhiệm vụ phải tuyên xưng đức tin nhằm đáp lại lời đã được loan báo bằng “những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca” (Cl 3,16). Vai trò đàn hát của các cộng tác viên khác tùy thuộc ở khả năng của nhóm cử hành. Nhóm này phải liệu cho có những người thi hành và cung cách thi hành như mình muốn trong buổi cử hành.
2. Một nền âm nhạc cho mọi người
1/ Âm nhạc diễn ra trong cộng đoàn tự nó xuất hiện như một dấu hiệu tượng trưng cho những gì nó cử hành. Nhưng xét như là nghi thức, âm nhạc cũng có một nhiệm vụ phải thi hành. Muốn đóng đầy đủ vai trò của mình, âm nhạc này phải dễ hiểu đối với mọi người tham dự, người đàn hát cũng như người nghe đàn hát.
2/ Nhạc nghi thức thông thường. Phần lớn là dành cho những người tham dự cùng hát; loại nhạc này không đòi hỏi phải đặc biệt chuyên môn nhưng phải dễ hiểu đối với mọi người. Bình thường đó là trường hợp khi cộng đoàn hát. Đó cũng còn là trường hợp của các thừa tác viên tuy không phải là những người chịu trách nhiệm về âm nhạc - linh mục, phó tế, người đọc sách thánh, linh hoạt viên - phải hát một mình trong buổi cử hành.
3/ Tuy nhiên, buổi cử hành có thể phong phú bằng nhiều cách áp dụng khác nhau với ít nhiều chuyên môn, nếu có một số người hiện diện tham dự có thể thực hiện được những cách đó (thí dụ lĩnh xướng, ca đoàn, nhạc công) và nếu trong chương trình chung có dự liệu điều đó. Những thứ âm nhạc này là để nghe (khi không có hoạt động nào khác cùng diễn ra một lúc) hay để tạo cho các nghi thức một khung cảnh âm thanh làm nền, tùy như những thứ nhạc đó thích hợp ít nhiều với sở trường âm nhạc của thính giả. Dù sao, người ta cũng chờ đợi những thứ nhạc đó cống hiến cho cộng đoàn một phần đóng góp có thể được coi là tích cực. Điều đó vẫn có thể, ngay cả khi âm nhạc tạo thành một khoảng cách, sánh với những gì thính giả quen nghe.
4/ Trong những xã hội được hưởng một nền văn hóa âm nhạc luôn luôn sống động, thật dễ kêu gọi nền văn hóa này tiếp tay để thực hành nghi thức chung hay riêng. Ngược lại, trong những hoàn cảnh có nền văn hóa đa tạp hay tản mát, một thứ đa nguyên nào đó ngày nay thường xem ra là cần thiết, nếu người ta không muốn dành ưu tiên cho những khu vực xã hội riêng, hay một số hạng người mà để thiệt cho những người khác.
3. Lời ca và tiếng hát
1/ Cũng như phụng vụ Do Thái, khi công bố những kỳ công của Thiên Chúa và tạ ơn Người, phụng vụ Ki-tô giáo ngay từ đầu đã có tính ngợi khen. Tiếng hát đi đôi với lời ngợi khen chẳng khác nào như mang Tin Mừng cứu độ và lời ngợi khen của những người được cứu độ. Liên kết với lời Kinh thánh và phụng vụ, nó là nơi đầu tiên khai diễn nhạc nghi thức của Ki-tô giáo.
2/ Chữ “tiếng hát” hiểu theo một nghĩa rộng. Nó chỉ một số lớn những nét biểu dương thanh nhạc đủ thứ. Nó bao hàm những kiểu cách thực hành, đi từ hát nói đến âm thanh tô điểm qua tiếng hát theo nghĩa thông thường.
3/ Một buổi lễ cử hành sẽ cần đến nhiều cử chỉ rất khác nhau về âm thanh và những loại vừa lời vừa nhạc, bởi vì trong buổi cử hành đó cần sử dụng nhiều chức năng khác nhau của ngôn ngữ. Theo thể văn trong các bài sách được dùng, nhất là theo mối liên quan giữa các người đối thoại, khi thì hình thức chuyển thông một điệp văn, khi thì hình thức nghiền ngẫm những lời đọc mà lấy làm ngọt ngào, khi thì hình thức đồng thanh ca hát, khi thì hình thức ngợi khen không thôi được ưa chuộng hơn. Đối với mỗi hạng ngôn ngữ này, có một mối tương quan khác giữa bản văn và âm nhạc. Trong mỗi trường hợp, nhóm có một cách thế riêng để giữ lấy bản sắc ngôn ngữ cho mình.
4/ Vì lời mạc khải là cốt yếu đối với việc thờ phượng trong Ki-tô giáo, nên phụng vụ ngay từ đầu (1Cr 14,15) đã ưu đãi vai trò truyền thông (lời truyền đạt cho trí tuệ). Tuy không thể chuyển nhượng, nhưng vai trò ngôn ngữ vẫn không loại trừ những vai trò khác; những vai trò này cũng thiết yếu đối với nó như vai trò liên lạc, vai trò gợi cảm, vai trò thi ca. Thường chính trong những vai trò khác của ngôn ngữ, mà âm nhạc đóng vai trò đặc biệt nhất.
5/ Bài hát không phải là một bản nhạc cộng với một bài văn mà ra. Nó cũng không phải là cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa âm nhạc thuần túy và thơ thuần túy. Nó là một cử chỉ độc đáo của con người mà từ ngữ và ý nghĩa chỉ là một. Trong bài hát, bản văn mang ý nghĩa cho âm nhạc vay mượn, còn âm nhạc lại nới rộng không cùng ý nghĩa của từ ngữ. Nhờ lời, âm nhạc có thể gọi tên Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô; nhờ âm nhạc, tiếng của con người dám nói điều không thể nói được.
4. Âm nhạc và nhạc cụ
1/ Vai trò ưu đãi dành cho bài hát trong phụng vụ khi đó là âm nhạc gắn liền với lời ca; tuy nhiên nó không loại trừ việc dùng nhạc không lời, tức thanh nhạc hay khí nhạc, dù khí nhạc được biểu diễn bằng nhạc khí cổ truyền hay bằng nhạc cụ tổng hợp điện tử, hay được tạo lại bằng các phương tiện cơ khí.
2/ Trong một giai đoạn lịch sử khá dài - và bây giờ vẫn còn trong mấy nước bên phương Đông - truyền thống Ki-tô giáo đã gạt bỏ các nhạc khí ra ngoài phụng vụ. Cái lý do xã hội tôn giáo xui khiến việc loại bỏ này chưa hoàn toàn biến khỏi khắp nơi. Tuy nhiên, loại âm nhạc như thế ngày nay trong nhiều xã hội tạo thành một giá trị nhân bản và thiêng liêng mà phần đóng góp trong các nghi thức Ki-tô giáo từ nay được công nhận là tích cực.
3/ Một sự kiện đầu tiên cần thiết là trong hầu hết các nền văn hóa, việc hát cá nhân hay tập thể đều dùng các nhạc cụ đệm hay hợp tấu. Các nhạc cụ này tăng thêm nét khởi sắc cho nhịp điệu, giai điệu âm sắc và ca từ. Chúng góp phần làm cho toàn bộ gắn bó với nhau và ảnh hưởng đến ý nghĩa chung của cấu trúc.
5. Các vai trò của nghi thức
1/ Trong phụng vụ, âm nhạc chu toàn một số chức năng nhân hình học, cá nhân và tập thể như gặp thấy trong xã hội. Có chức năng thì chung như biểu lộ tâm tình, làm cho nhóm gắn bó với nhau, biểu hiện ngày lễ v.v... Có chức năng riêng như trị liệu, giáo dục, giải trí v.v... Nhưng xét về mặt thuần túy là thành phần của việc cử hành Ki-tô giáo, âm nhạc đóng một vai trò riêng và hoàn thành một số chức năng cho riêng nó.
2/ Các chức năng này thuộc hai loại. Một loại xác định theo nghĩa chúng nhằm các hiệu quả riêng hơn kém có thể kiểm soát được. Một loại không xác định và hiệu quả của chúng rất khó dự đoán.
3/ Các chức năng xác định làm cho các người có trách nhiệm trong việc cử hành lưu ý hơn cả. Đó là các nhà sáng tác, quản lý và biểu diễn viên. Buổi cử hành có diễn ra tốt đẹp hay không là tùy các chức năng đó. Cũng như có các thứ âm nhạc tốt hay không để khiêu vũ, nghỉ ngơi, hợp ca, giải trí một mình thì trong phụng vụ cũng có những thứ nhạc tốt hay ít tốt hơn để cho các việc của lời nói được hoàn thành như công bố, suy gẫm, đọc thánh vịnh, ngợi khen, tung hô, đối đáp, trả lời v.v... cũng như để làm nổi bật một ít thời khắc trong nghi thức như khai mạc, đi rước, đọc một chuỗi những lời khẩn cầu v.v...
Có nhiều hình thức âm nhạc khác nhau tương ứng với mỗi chức năng, những hình thức đó được soạn thảo và chọn lọc nhằm làm cho nghi thức có ý nghĩa và hữu hiệu tới mức tối đa.
4/ Tuy nhiên vai trò của âm nhạc trong phụng vụ trải rộng ra cả bên ngoài sự hoạt động có thể kiểm chứng được. Cũng như tất cả mọi dấu hiệu tượng trưng, nó đưa về một sự vật khác với chính nó. Nó mở ra một chân trời ý nghĩa vô biên và gợi lên rất nhiều phản ứng tự do. Hiểu theo ý nghĩa đức tin, nó trở thành dấu hiệu và mầu nhiệm cho tín hữu về những thực tại được cử hành.
5/ Hai thứ tự hoạt động luôn luôn đan nhau. Như thế, âm nhạc nghi thức không bao giờ được sáng tác cho chính nó - như một trò chơi thuần túy hay chỉ để thưởng thức nghệ thuật hay như nghệ thuật vì nghệ thuật, cũng không phải chỉ vì một mục đích thực dụng, - giáo dục, xã hội, giải trí v.v... cũng không phải chỉ để hoàn thành nghi thức. Cuối cùng, nó luôn nhằm tới con người toàn diện tự do tới gặp gỡ Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô trong cộng đoàn tín hữu.
6. Ca mục và bài ca soạn sẵn
1/ Vì phụng vụ trước hết là “làm”, nên nhạc nghi thức trước hết cũng phải là “cùng làm” với nhau. Như vậy có nghĩa là mỗi nghi thức là một thời khắc đặc biệt và mỗi cử hành phụng vụ là một biến cố riêng phải làm cho chu đáo.
2/ Nhưng nghi thức theo bản tính cũng thường là do lặp lại, hồi tưởng và dựa theo tập quán xã hội mà hình thành. Vì thế, nhạc nghi thức không thể bỏ qua không sử dụng các tác phẩm hiện hữu. Thực tế đã có nhiều bài nhạc nghi thức Ki-tô giáo được xếp thành ca mục.
3/ Có nhiều lý do xui khiến nên sử dụng các tác phẩm hiện hữu khi cử hành phụng vụ. Lý do thứ nhất thuộc phạm vi thực tiễn. Muốn làm cho chủ tọa và cộng đoàn đối thoại với nhau, muốn cho cộng đoàn hát một câu đáp ca hay bài Thánh, Thánh, Thánh thì nhạc và lời ca phải có sẵn trước. Thứ đến là lý do thẩm mỹ. Những tác phẩm quý nhất, giàu ý nghĩa nhất thường là do hình thức hoàn chỉnh của chúng. Người ta mong những tác phẩm đó được trình tấu như chúng hiện hữu. Cuối cùng, một buổi cử hành được phong phú là nhờ các ý nghĩa do tình cảm và trí thức mà một số tác phẩm dần dần tích lũy được, qua kinh nghiệm của các cá nhân và các nhóm.
4/ Tuy vẫn dùng các sáng tác âm nhạc được xác định và ghi vào ca mục nhưng phụng vụ cũng tỏ ra uyển chuyển vì có những cách thực hành khó dung hòa được với một ca mục hoàn toàn cố định. Một mình hát ngâm nga một bài thánh vịnh hay một lời tiền tụng, dù đã có cung soạn sẵn, nhưng người hát vẫn có thể tùy nghi thay đổi thêm bớt cho bản văn nghe dễ cảm hơn. Tất nhiên, các bản đa âm hợp xướng thì không thể hát ngẫu hứng được. Vì vậy phải sử dụng một kỹ thuật truyền thống là dùng một bản nhạc mẫu đã soạn sẵn.
5/ Việc dùng những bản nhạc mẫu như thế giúp duy trì được hai đặc điểm của nghi thức là ôn cố và tri tân, giúp cho việc tiếp thu và thực hành nghi thức trong một khu vực văn hóa nào đó được dễ dàng. Bằng cách cho phép một vài khác biệt và đổi mới, nó góp phần vào việc biểu lộ một thời khắc đặc biệt, mà buổi cử hành có thể tạo ra. Nói tóm lại, nó làm cho việc nới rộng ca mục có thể thực hiện được mà không làm cho những người sử dụng phải ngạc nhiên vì quá mới mẻ.
6/ Quy tắc âm nhạc về việc cử hành có thể phỏng theo hai nguyên lý bổ sung : một đàng dùng những bản nhạc quen thuộc được biết đến nhiều, mọi người có thể hát và do đấy có thể tạo ra những phương thế tốt giúp cầu nguyện; một đàng thêm vào, tùy lúc thuận tiện, những bản có tính nghệ thuật nổi hơn, tuy ít được biết đến, do những người trình diễn có khả năng và như vậy có một ý nghĩa đặc biệt.
7. Phẩm chất và giá trị của hình thể
1/ Trong lịch sử Hội thánh, người ta nhận thấy về phía giáo quyền cũng như về phía tín hữu có hai mối bận tâm luôn gắn liền với hình thể nghi thức, nhất là hình thể âm nhạc. Mối bận tâm thứ nhất diễn tả qua các tiếng như trang trọng, hay, đẹp, xứng hợp, phẩm chất, nghệ thuật v.v... Mối bận tâm thứ hai nhằm tính thánh thiện của hành động, nghĩa là muốn cho bài đàn, bài hát có tính thiêng thánh và cầu nguyện.
2/ Khi đòi các hình thể phụng vụ phải đẹp, phải thánh thì đó không có ý nói về thẩm mỹ hay luân lý cho bằng các giá trị phải nhắm tới trong các hoạt động tượng trưng hay những cái phản giá trị không thể dung hợp được với các nghi thức. Nhận ra những giá trị và phản giá trị này, xác định qua những nét biểu dương cụ thể nào mà nhận thấy như thế, thì phải dựa vào đức tin, lòng đạo đức cũng như tâm lý xã hội và qui chế nghệ thuật và tôn giáo trong xã hội.
3/ Tuy không dám tự phụ là biết rõ về phản ứng của các tín hữu - thường là thầm kín và diễn tả không được rõ ràng - nhưng nhạc sĩ nào muốn phục vụ cộng đoàn, không thể hoàn toàn không biết đến hay coi thường những phản ứng đó. Thí dụ nên biết hình thức nào, tín hữu cho là cũ hay tân thời, bình dân, đại chúng hay trí thức chọn lọc, quen thuộc hay bí truyền, hay hoặc dở theo ý kiến các nhà chuyên môn hoặc các người sử dụng, tình cảm hay khô khan, giúp cầu nguyện hay làm cho chia trí v.v... Phải xem đây là phản ứng của loại người nào trong cộng đoàn, và cuối cùng kiểm tra xem người ta có ý nói về tác phẩm hay cách trình tấu.
4/ Khi tìm cho biết kết quả do các hình thể âm nhạc được sử dụng, người có trách nhiệm trong việc cử hành không nhằm mục đích chiều theo sở thích của quần chúng mà chỉ tìm xem có thể đưa các dấu chỉ và các nghi thức đức tin Ki-tô giáo vào chỗ nào. Ngoài ra, vị đó cũng cần quan sát xem trong mức độ nào, các bài hát có thể hay không có thể sử dụng được, rồi cùng với một số người khác tìm những hình thức thích hợp nhất, để cử hành trong tinh thần và trong chân lý.
5/ Dù nhạc nghi thức đóng vai trò nào, dù ca mục được sử dụng hay cách trình tấu các bài đàn bài hát ra sao, thì việc thẩm thấu âm nhạc vẫn tùy thuộc hình thức âm thanh mà âm nhạc đó được chuyển đến tai người nghe. Hình thức bao gồn không nguyên tác phẩm viết sẵn hay do ngẫu hứng mà còn do cách trình tấu, với nghệ thuật hát của các ca viên, âm sắc của tiếng hát, âm thanh ở nơi hát và toàn bộ buổi cử hành nữa.
8. Biểu thị con người mới
1/ Những đòi hỏi gắn liền với nhạc nghi thức Ki-tô giáo phát xuất từ mục đích của nhạc này là biểu lộ và thực hiện con người mới nơi Đức Giê-su Ki-tô phục sinh. Sự chân thật, giá trị và vẻ đẹp của nó không đo nguyên bằng khả năng khơi động sự tham dự tích cực hay bằng giá trị thẩm mỹ văn hóa cũng không phải bằng tính kỳ cựu nó trong Hội thánh, cũng không phải bằng sự thành công nơi dân chúng, mà bằng sự kiện nó giúp những người bị áp bức có thể kêu lên những tiếng Kyrie eleison, hát lên câu Halleluia của những người được phục sinh, hay họa theo tiếng Maranatha của các tín hữu đang hy vọng bước vào Nước Trời.
2/ Tất cả mọi thứ âm nhạc do con người sáng tạo, miễn là không làm cho con người khép kín nơi mình và phản ánh hình ảnh của riêng nó nơi bản thân, nhưng đưa nó tới đón nhận lời hứa của Tin Mừng, đều có thể phục vụ nền phụng tự Ki-tô giáo.
3/ Một vài nền văn hóa từ những thế kỷ qua đã bắt đầu hát dưới nhiều hình thức, bài ca mới được nói tới trong các thánh vịnh và sách Khải huyền. Nhiều dân tộc và châu lục khác đã được kêu mời đem nghệ thuật của mình ra để cùng chung một lời ca ngợi. Còn thiếu nhiều tiếng hát trong bản hòa tấu của 144.000 người được tuyển chọn. Nhiều người không có tiếng để cất lên Bài ca mới, không những tại nơi Tin Mừng chưa được loan báo, mà ngay cả tại nơi Tin Mừng chưa thâm nhập con người và văn hóa, cũng như tại nơi Tin Mừng được đưa vào từ lâu, nhưng lại phải đối phó với một thế giới đang thay đổi mạnh mẽ, để lời ca ngợi phổ quát mau vang tới.
II. NHỮNG ĐIỀU XÁC TÍN
Ca hát và âm nhạc theo cơ cấu là thành phần của phụng vụ Ki-tô giáo.
Không thể lưu tâm đến phụng vụ theo lý thuyết hay thực hành mà không kể gì đến âm nhạc.
Ai lưu tâm đến âm nhạc trong phụng vụ thì cũng để ý đến nghi thức và những người cử hành.
Ca hát và âm nhạc trong phụng vụ là để phục vụ cộng đoàn.
Các loại âm nhạc trong xã hội không phải loại nào cũng thích hợp cho lễ nghi cử hành trong Ki-tô giáo.
Có loại nhạc hoàn toàn thích hợp cho lễ nghi phụng vụ, nhưng lại không được xã hội công nhận là nghệ thuật âm nhạc.
Trong phụng tự Ki-tô giáo, nhiệm vụ đầu tiên của cộng đoàn là ca ngợi.
Khi cử hành thì một người hát cũng là mọi người hát.
Trong cộng đoàn có nhiều cách hát và nghe hát.
Nhạc nghi thức phần lớn tùy thuộc vào cách hát của một cộng đoàn.
Nhạc sĩ đóng bất cứ vai trò nào trong nghi lễ cử hành cũng phải có khả năng tương xứng.
Hoạt động của cộng đoàn có thể bị làm cho sai lạc ý nghĩa, nếu các nhạc sĩ chỉ để ý đến kỹ thuật mà không tham gia vào việc cử hành.
Nhạc nghi thức trước hết mang hình thức ca hát.
Ca hát là cử chỉ độc đáo của con người; không gì có thể thay thế được nó trong buổi cử hành.
Các thể loại ca hát trong phụng vụ thay đổi tùy theo cung cách của lời trong phụng vụ.
Có một số loại bài hát cần phải dùng đến nhạc khí.
Nhạc không lời cũng có chỗ đứng trong phụng vụ.
Nhạc không phải là bất khả thay thế trong phụng tự, nhưng phần đóng góp của nó không thể thay thế được.
Cử hành là một hành động có tính toàn thể mà mọi yếu tố nhạc cũng như không nhạc đều tùy thuộc lẫn nhau.
Nhạc dùng trong nghi thức luôn có ảnh hưởng đến hình thức và ý nghĩa của nghi thức.
Ca hát và âm nhạc đóng một số vai trò khá rõ rệt trong phụng vụ.
Vì là dấu hiệu tượng trưng, ca hát và âm nhạc đóng một vai trò vượt quá phạm vi chức năng xác định.
Nghi thức thanh nhạc hay âm nhạc trước hết là một “biến cố”, một hành vi duy nhất và riêng biệt.
Vì là hành vi lặp đi lặp lại và tập thể, nhạc nghi thức không thể hoàn toàn bỏ qua ca mục.
Một ca mục tốt không đủ để âm nhạc hoàn thành tốt nhiệm vụ trong buổi cử hành.
Cần phải có kinh nghiệm để xem cái gì là tốt cho cộng đoàn.
Muốn cử hành phụng vụ, trước hết phải có nhiều nhạc cụ tốt; cũng nên có những tác phẩm nghệ thuật âm nhạc, để làm cho ý nghĩa nên phong phú.
Sự phong phú về ý nghĩa của một cuộc cử hành không cần phải tương xứng với số lượng phương tiện âm nhạc được sử dụng.
Việc dùng các kiểu và loại âm nhạc khác nhau trong cùng một buổi cử hành là chính đáng, nếu không làm tổn thương đến sự duy nhất của hành động nghi thức.
Sự hiệp thông giữa các Ki-tô hữu thuộc chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo khác nhau có thể được diễn tả qua một vài dấu hiệu chung, trong đó âm nhạc chiếm một vị thế ưu đãi.
Tất cả những gì lọt đến tai phải qua một hình thức.
Muốn cho nghi thức âm nhạc hoạt động tốt phải dùng hình thức thích hợp.
Chỉ để ý đến hình thức không thôi là tôn sùng hình thức quá đáng, lơ là hình thức là coi thường nghi thức.
Các hình thức phụng vụ luôn đòi hỏi phải đẹp đẽ và thánh thiện. Đòi hỏi này dựa vào các giá trị mà mỗi nhóm cho là cốt yếu.
Biết được phản ứng của tín hữu về các loại âm nhạc sẽ giúp cho những người có trách nhiệm sử dụng tốt hơn các loại đó trong phụng vụ.
Bài hát càng phong phú ý nghĩa khi hình thức càng có nét đặc biệt.
Mục đích của mọi thứ nhạc nghi thức Ki-tô giáo là biểu lộ và thực hiện con người mới trong Đức Ki-tô Phục sinh.
Chẳng có loại nhạc mào là vô thưởng vô phạt đối với đức tin Ki-tô giáo.
Bài “Ca mới” sẽ chẳng bao giờ hoàn tất, bao lâu con người thuộc mọi chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa chưa chung lời góp tiếng.
(dịch trong La Maison Dieu, 145, 1981)