Chủ nghĩa tư bản trên bến tàu

Cuộc Tranh Luận Về Những Ảnh Hưởng Của Thị Trường Vẫn Còn Tiếp Diễn

NEW YORK (Zenit.org).- Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và việc áp dụng các chính sách về thị trường tự do tại hầu hết các quốc gia và các đảng phái chính trị, thì thị trường theo chủ nghĩa tư bản đúng ra là phải khải hoàn. Thế nhưng những cuốn sách gần đây đã nhấn mạnh đến những yếu điểm của các thị trường tự do này.

Trong cuốn sách được xuất bản bởi Nhà Sách thuộc trường Đại Học Yale, có nhan đề: “Cuộc Chiến về Cái Hồn của Chủ Nghĩa Tư Bản” (The Battle for the Soul of Capitalism), tác giả John Bogle phân tích về điều mà Ông cho là những thiếu xót chính nơi các thị trường tài chánh. Bogle, đã từng là giám đốc điều hành cao cấp của nhóm quỹ hổ tương Vanguard (Vanguard Mutual Fund Group), muốn hệ thống phải được điều khiển vì lợi ích của những cô đông và những người chủ cổ phần, chứ không phải bởi các tay làm giám đốc.

Bogle biện luận rằng trong hai thập kỷ vừa qua, đã cho thấy có một sự xói mòn nghiêm trọng trong tư cách đạo đức và giá trị của những nhà lãnh đạo kinh doanh, những nhà đầu tư ngân hàng (investment bankers), và những giám đốc tiền tệ (money managers). Tuy là một người mạnh mẽ bảo vệ chủ nghĩa tư bản và những thị trường tự do, thế nhưng Bogle đã đưa ra lời than phiền về sự chú trọng quá trớn vào giá trị chứng khoán trên thị trường, thay vì vào các giá trị thực chất của các công ty.

Rút từ kinh nghiệm của riêng mình trong lãnh vực quỹ hổ tương (mutual fund), Ông đưa ra một cái nhìn làm sao lãnh vực này đã đóng góp vào những vấn nạn hiện tại. Những quỹ này không chỉ rút tiền một cách bất hợp pháp dưới dạng các phí tổn và sự phân chia lợi nhuận kiếm được từ thị trường chứng khoán. Và Ông đã phải thú nhận rằng: những quỹ tương hổ này cũng là cách để tách ly các giám đốc ra khỏi bất kỳ sự kiểm soát nào của các cổ đông. Những hệ thống đầu tư, chẳng hạn như quỹ hưu và quỹ hổ tương, giờ đây đã sở hữu tới 2/3 các cổ phần không có lãi cố định (equity) của Hoa Kỳ. Đúng ra, 100 quỹ lớn nhất đã chiếm ít nhất là 52% các cổ phần không có lãi cố định.

Một yếu tố khác đang ảnh hưởng bất lợi tới các thị trường tài chánh theo Bogle chính là sự chú trọng vào lợi ích ngắn hạn. Một vài thập kỷ trước đây, những quỹ hổ tương đã chứng kiến khoảng 15% các cổ phần của chúng sinh lợi trong vòng 1 năm. Thế nhưng vào khoảng cuối những năm của thập niên 1990 tình trạng này đã tăng lên 100% hay hơn thế nữa, khi các giám đốc phụ trách các quỹ hổ tương này nhanh chóng đeo đuổi lợi nhuận trong thị trường đang bùng nổ. Khuynh hướng từ đầu tư chuyển đến sự phỏng đoán ngắn hạn nơi các cổ phiếu có nghĩa là các quỹ hổ tương chẳng cần gì phải vội vã trong việc áp lực các công ty cải thiện đạo đức và cung cách lãnh đạo của họ.

Cũng thế, các giám đốc công ty, các nhà kiểm toán, và các nhà lập pháp vẫn rất thường quên đi việc bảo đảm xem là liệu các công ty này có điều khiển việc làm ăn của họ theo đường lối đúng đắn hay không, từ đó dẫn đến những vụ xì-căng-đan trong những năm vừa qua.

Việc Cần Đến Các Giá Trị (Values Needed)

Bogle biện luận rằng: “Chủ nghĩa tư bản đòi hỏi một cấu trúc và một hệ thống giá trị mà mọi người có thể tin và lệ thuộc vào. Điều này gồm có cả sự tín cẩn từ những người khác, và một sự bảo đảm rằng hệ thống sẽ vận hành công bằng.” Và qua một thời gian dài, chủ nghĩa tư bản đã thật sự mang đến những lợi ích kinh tế trổi vượt.

Thế nhưng vào cuối thế kỷ thứ 20, hệ thống này đã thay đổi và chuyển hóa thành kiểu hệ thống “chủ nghĩa tư bản của giám đốc.” Trong những trường hợp nghiêm trọng, người ta đã chứng kiến các công ty đang được vận hành để sinh ra lợi nhuận cho các giám đốc, chứ không phải cho những chủ hay những cổ đông. Bằng chứng của việc đó chính là mức độ đền bù tăng thưởng cho các viên chức cao cấp của công ty trong những năm gần đây, đã tăng lên vùn vụt, một khuynh hướng mà Bogle cực lực lên tiếng chỉ trích.

Bogle nhìn nhận rằng, các cổ đông cũng có lợi. Nếu tính tới “sự bùng nổ theo kiểu bong bóng hay hảo huyền” (bubble burst) vào năm 2000 vừa qua, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ có mức tăng trung bình hằng năm là 13% từ năm 1982 đến đầu năm 2005. Tuy nhiên, Bogle cũng nói thêm rằng, phần lớn các cổ phần được bán ra trước sự bùng nổ bong bóng, chính là những cổ phần do các vị cao cấp của công ty nắm giữ.

Bogle đề nghị ra rất nhiều cải cách để khắc phục những thiếu xót này, như cách mà Ông đã tóm tắt như: việc đền bù dựa trên thành tích cho các viên chức cao cấp của công ty; việc điều hành công ty một cách tốt đẹp và rõ ràng hơn; việc cải thiện những tiêu chuẩn về kế toán; việc chú trọng trở lại vào lợi ích dài hạn; và việc tách rời rõ ràng giữa việc sở hữu và việc điều hành.

Một cuốn sách khác cũng gây sự chú ý không ít về cách mà các thị trường tài chánh đang tạo ra nhiều vấn nạn trầm trọng đó là: “Nhược Điểm của Chủ Nghĩa Tư Bản” (Capitalism’s Achilles Heel) do John Wiley & Sons xuất bản. Sách này được viết bởi Raymond Baker, là cựu thương gia và học giả khách mời hiện tại của Học Viện Brookings có trụ sở tại Washington, D.C. Cuốn sách gây sự chú ý vào những vấn nạn như: hối lộ, rữa tiền, trốn thuế và sự thu nhập bất cân bằng.

Baker cũng ủng hộ chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng Ông lại lo lắng rằng có quá nhiều người ngày nay bỏ tiền vào sự đầu tư yếu kém, hơn là cũng cố thêm những điểm mạnh. Ông đặc biệt lo lắng rằng những thiếu xót mà Ông nêu ra đang đóng góp vào chổ trống lớn giữa người giàu và người nghèo, và vì thế, xem thường đến những triển vọng tương lai của sự phồn vinh.

Thị Trường Đạo Đức (Ethical Market)

Thị trường cũng có nhiều khía cạnh tích cực. Một trong những người bảo vệ mạnh mẽ về điểm này chính là John Meadowcroft, phó giám đốc của Học Viện Đặc Trách về Kinh Tế có trụ sở tại Luân Đôn, và cũng là tác giả của cuốn sách “Đạo Đức Thị Trường” (The Ethics of the Market) do nhà sách Palgrave xuất bản.

Ông biện luận rằng thị trường chính là một trường học quan trọng của đức hạnh, và sự tham gia vào nền kinh tế thị trường cũng cố thêm hơn là làm suy giảm thêm các thể chế như gia đình, chẳng hạn. Thị trường không có áp đặt lên một kiểu các giá trị nào cả. Cơ chế của thị trường, theo quan sát của Meadowcroft, có thể dễ dàng được dùng đến bởi những người theo chủ nghĩa vị tha (altruists) hay bởi những người theo chủ nghĩa khoái lạc ích kỷ (selfish hedonists).

Hệ thống thị trường không cho phép các cá nhân có những chọn lựa đáng ngờ về mặt luân lý đạo đức. Tuy nhiên, Ông biện luận rằng, sẽ là một lầm lỗi khi cố gắng áp đặt luân lý đạo đức lên con người. Có một lý do chính đáng để tin vào điều này, theo cách tranh cãi của Meadowcroft, là khi vai trò của nhà nước được nới rộng ra, và nó đã làm chật cứng các hệ thống của xã hội dân sự và làm giảm khả năng của họ trong việc đóng góp vào vốn luân lý (moral capital) của xã hội.

Cách giải thích về mặt đạo đức đối với thị trường là ở chổ việc nó trở thành cơ chế có hiệu quả nhất trong việc giúp đỡ mọi người mà nó không hề có một chút kiến thức cá nhân trực tiếp nào về người đó. Cũng như, nó cho các cá nhân về cơ hội lớn nhất để tự quyết định về phận số của riêng họ.

Trong thị trường, con người đeo đuổi những lợi ích của riêng họ, và thị trường có thể quy định hoạt động kinh tế và bảo đảm sự hiệu quả tối đa thông qua một hệ thống vận hành giá cả một cách tự do. Theo Meadowcroft, đây không phải là một hệ thống theo chủ nghĩa cá nhân, mà trái lại, thị trường chính là một tiến trình xã hội, qua đó những cá nhân, học được theo những cách riêng của mình để đạt được những gì mà họ điều giải, hay thương lượng với những người khác.

Bằng việc liên tục đòi hỏi mọi người xem xét lại nhu cầu của riêng mình qua ánh sáng của thông tin về những người khác, việc giao tiếp qua những dấu hiệu về giá cả, thị trường điều phối vô số những cuộc cạnh tranh và giá trị vào hoạt động kinh tế kết hợp (coordinated economic activity).

Theo nghĩa này, sẽ là không đúng khi nghĩ rằng việc thị trường vận hành như Adam Smith đã mô tả, thông qua tình yêu tự bản thân. Sự ích kỷ không điều khiển thị trường. Mà đúng ra, những cá nhân được khuyến khích để đáp trả các dấu chỉ về giá cả tạo ra. Sự điều phối kinh tế tùy thuộc vào những ai luôn thức tỉnh với những dấu hiệu này, cho dẫu cuối cùng họ tìm kiếm sự vị tha hay ích kỷ.

Còn về việc cáo buộc cho rằng hệ thống thị trường tạo ra sự phân phát của cải giàu có một cách không đồng đều, Meadowcroft đáp lại rằng, đây đơn giản chỉ là kết quả về giá trị của những đóng góp kinh tế, như đã được quyết định bởi nhận thức của những người tiêu dùng và những nhà sản xuất. Sự bất công bằng chính là một phần về cách thức vận hành của thị trường. Hơn nữa, nó cũng là một phần của hệ thống vốn mang đến lợi ích cho tất cả mọi thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, Ông cũng đồng ý cho rằng nhà nước nên bảo đảm mức thu nhập tối thiểu hòng đảm bảo rằng không có một ai bị bỏ rơi vào tình trạng hoàn toàn nghèo túng.

Cái Nhìn Rộng Hơn (Wider View)

Quyển Toát Yếu về Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội có một phần rõ ràng dành riêng cho kinh tế. Nó nhìn nhận (trong Mục 347, chẳng hạn) vai trò tích cực của các thị trường, vốn cho phép tiềm năng kinh tế được phát triển một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, Cuốn Sách Toát Yếu cũng khuyến khích và kêu gọi tất cả mọi người cần nhớ đến những khía cạnh như bảo đảm công lý và tình đoàn kết. Họ phải tránh xem việc tích lũy vật chất như là cùng đích cho hoạt động của họ.

Hơn nữa, hoạt động kinh tế chỉ là một khía cạnh hoạt động của con người và nó phải cần đặt trong cái nhìn rộng lớn hơn của người đó. Việc xem xét mọi chuyện từ một cái nhìn rộng lớn hơn, chính là điểm quan trọng được nêu ra trong Cuốn Sách Toát Yếu.

Đối với một số người, điều đó khó mà có thể lĩnh hội cho được, thế nhưng ai đó sẽ mất rất nhiều thời gian để mà tìm cách sửa chữa những thiếu sót, những yếu điểm theo cách mà thị trường vận hành.