TĨNH TÂM LINH MỤC NĂM 1987: CON NÓI VỀ MẸ



DẪN NHẬP

Ghi lại tuần tĩnh tâm Linh mục Đà lạt năm 1987, tôi muốn gửi đến những người anh em thân yêu nhất của tôi, một món quà nhỏ mọn nhưng đầy tình nghĩa, để kỷ niệm năm Đức Mẹ.

Điều kiện sức khoẻ và công việc khiến tôi không thể soạn lại được các “bài nói”, bổ sung tư tưởng và hoàn chỉnh lời văn. Như thế đã không đẹp đối với anh em, huống nữa là đối với Đức Mẹ!

Nhưng ước gì nội dung và hình thức thô sơ này luôn nhắc nhở chúng ta phải cố gắng thêm mãi để hiểu biết, mến yêu, ca ngợi và rao giảng Người Mẹ tuyệt vời mà Chúa Kitô đã đoái thương trối lại cho chúng ta.

Đà lạt, ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 1987

GM. BARTÔLÔMÊÔ NGUYỄN SƠN LÂM

BÀI I: ĐỨC MẸ LÀ THIẾU NỮ SION

Tĩnh tâm trong năm Đức Mẹ, chúng ta muốn được nghe nói về người. Biết vậy, nhưng tôi vẫn ngại. Tôi đâm nghi ngờ câu nói thời danh: “De Maria nunquan satis”. Chúng ta đã nghe nhiều, giảng nhiều về Đức Mẹ. Có điều gì chúng ta chưa biết? Có lời nào chúng ta chưa nghe? Nhất là tư tưởng nào cảm hoá được lòng chúng ta? Thế nhưng tôi vẫn không trốn tránh. Nghĩa vụ dù khó tôi vẫn phải làm. Tôi xin ơn Chúa đến giúp đỡ. Tôi xin anh em cầu nguyện cho tôi, cho chúng ta.

Trong năm Đức Mẹ, những ngày này đối với chúng ta, phải tái hiện những giờ phút ngày xưa Đức Mẹ cùng các Tông Đồ kiên trì cầu nguyện, chờ đợi ơn Thánh Thần. Đức Mẹ không phải chỉ là một thành viên trong cộng đoàn cầu nguyện ấy. Người nuôi dưỡng, soi sáng, hướng dẫn, lôi cuốn việc cầu nguyện của các Tông Đồ. Họ nhìn người, nghe người, bắt chước người, đến nỗi từ từ họ biến đổi mà không hay biết, cho đến khi đã chín mùi cho ơn Thánh Thần ngự đến xâm nhập, thay đổi họ hoàn toàn nên những con người mới, đầy khả năng ra đi thi hành lệnh Chúa để lại: Đến với mọi tạo vật và biến chúng nên môn đệ của Chúa. Tuần tĩnh tâm này sẽ rất tốt đẹp nếu kết quả được như vậy. Chúng ta hãy khao khát, hãy cầu xin, và như vậy, hãy theo gương Gioan đem Đức Maria đến sống với mình, bắt chước các Tông Đồ quây quần bên Đức Mẹ, nhìn người, nghe người, nhận lấy tình thương của người. Chính mối tình hiền mẫu sẽ ảnh hưởng đến chúng ta, sẽ khiến chúng ta trở nên con ngoan của Mẹ hiền hơn. Đời chúng ta thánh thiện hơn và mục vụ của chúng ta sẽ đem lại nhiều kết quả.

Bài đầu tiên này muốn nói ĐỨC MẸ LÀ THIẾU NỮ SION. Tại sao lại khởi sự như vậy? Chính Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu đưa tôi vào phương hướng ấy. Chính hôm từ giã cuộc đời này, người đã nói với Mẹ nhà tập: “Ước chi con có thể làm Linh Mục để giảng về Đức Mẹ. Chỉ một lần giảng thôi cũng đủ để bộc lộ hết tư tưởng của con về người”. Một bài giảng về người muốn có kết quả, phải trình bày cuộc đời thật của người y như Tin Mừng cho biết, phải nói rằng người cũng đã sống đức tin như chúng ta.

Do đó, chúng ta sẽ bám sát lịch sử, sẽ đọc Phúc Âm từ các dữ kiện chân thực. Nhưng lập tức, chúng ta gặp ngay một trở ngại: các sách Tin Mừng kể cho chúng ta quá ít về Đức Mẹ. Chúng ta phải nhờ đức tin soi sáng. Nhưng trước hết không nên bỏ qua các dữ kiện của lịch sử đời, vì Đức Mẹ cũng như chúng ta trước hết là một con người.

Chắc chắn Đức Mẹ là một người Do-thái; nói thẳng ra người đã bắt đầu là một em gái người Israel. Sinh ra ngày tháng năm nào, không rõ lắm. Dựa vào các dữ kiện sẽ nói sau này, có thể đoán Maria đã chào đời vào khoảng năm 20 trước công nguyên. Sự kiện một em gái chào đời là một niềm vui đạo đức cho gia đình người Israel. Đó là dấu hiệu Chúa ban phúc, thi hành lời hứa với tổ phụ Abraham, sẽ cho dòng dõi ông nhiều như sao trên trời và như cát biển. Chính người mẹ phải nuôi dưỡng và giáo dục con cái. Người cha chỉ để ý đến mặt xã hội, liệu sao đừng để ai có cơ hội nói xấu gia đình mình. Tuy con gái không có nhiều nghĩa vụ công dân trong một nước đầy luật lệ tôn giáo, những người phụ nữ có tư cách như Kinh Thánh ca tụng, có con mắt nhìn xa, phải quan tâm chỉ dẫn cho con gái biết mọi chi tiết của lề luật để sau này nó giáo dục con cái và nhắc nhở chồng con. Cách thức Đức Maria chu toàn luật pháp sau này, cho thấy người đã nhận được một nền giáo dục về đạo đức rất chu đáo, trong đó việc thuộc Kinh Thánh và kính sợ Thiên Chúa là căn bản. Chắc chắn Đức Maria đã nhiều lần ngồi trên đầu gối mẹ và được dạy Kinh, nhất là kinh "Shema" của Cựu Ước trong sách thứ luật 6,1.. . , được dạy hát Thánh Vịnh và thánh ca (đối chiếu bài ca Magnificat với bài hát của Anna mẹ của Samuel - 1Sm 2,1-10 - chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của nền giáo dục này). Rồi như mọi em bé, Maria thích được nghe kể chuyện; và thời đó truyện nào hơn truyện các tổ phụ Abraham, Maisen, Đavit? Là thiếu nữ Sion, Maria được giáo dục lòng yêu nước, thương dân tộc, quý tổ tiên. Là tác phẩm của Chúa Thánh Thần, Maria phải có năng khiếu đạo đức và nhạy cảm rất đặc biệt đối với khía cạnh tôn giáo, đức tin, đức mến, đức cậy trong các câu chuyện về các tổ phụ cũng như về các hành động của Đức Chúa trong dân được tuyển chọn. Nền giáo dục đạo đức này còn là gương mẫu chất vấn chúng ta đang muốn tiến lên trong đời sống thiêng liêng. Rồi thái độ của người đối với Chúa Giêsu, thánh Giuse, và những người khác, ở Cana cũng như dưới chân Thập Giá, khiến chúng ta phải giả thiết nền giáo dục nhân bản của người rất tinh tế và vững vàng.

Do đó, chúng ta cũng có thể đoán rằng gia đình của người không đến nỗi túng lắm; ít ra không gặp cảnh khốn cùng thương tâm đến nỗi người cha phải đem bán con- và thường là con gái- để có tiền giải quyết một cảnh huống cực chẳng đã. Tội cho đứa bé nào như thế, vì từ đó nó là một đứa nô lệ! Trường hợp của Maria chắc chắn khá hơn nhiều, nếu quả thật lại là con một của gia đình, thì không những được hưởng trọn vẹn tình yêu của cha mẹ, nhưng còn được cả gia tài nữa.

Nhưng phỏng gia đình ấy có gì không? Hầu chắc là không! Cha mẹ của Maria cũng như cha mẹ của Đức Giêsu sau này thuộc thành phần nghèo khó trong dân Chúa, sống bằng lao động và nhất là tựa vào tình thương của Chúa.

Đến tuổi khoảng 13, người con gái được cầu hôn. Đúng ra cha mẹ một người con trai đến nói chuyện với cha mẹ người con gái. Hai bên thoả thuận là có thể đính hôn, tức là bên trai đem sang bên gái một ít tiền và đôi khi với một ít đồ lỡi. Người con gái vui ít mà sợ nhiều, sợ nhất viễn tượng không đi đến hôn lễ được, vì bên trai bỏ- và điều này rất dễ dàng xảy ra, khiến người con gái trở thành mất giá. Suýt nữa Maria đã rơi vào tình cảnh đó, nếu Giuse không phải là người công chính và không có sự can thiệp của Chúa. Sợ bị bỏ, người hôn thê còn sợ son sẻ, sợ goá bụa….

Chúng ta không cần hỏi: Giuse có đem gì thêm vào cuộc đời của Maria không? Vì khi hai người chưa về ở với nhau, Maria đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần rồi. Từ nay không còn gì đáng kể để sánh với Quả có phúc trong lòng Maria nữa. Có thể nói Giuse có đem gì đến, cũng là để cho Đức Giêsu, cho Người được vào hoàng tộc Đavit, giúp đỡ Người khi còn ấu thơ, tập nghề cho Người và nuôi sống Người thôi. Ngược lại Giuse đã nhận được rất nhiều từ Maria, về lòng đạo đức, mà không ai có thể nói hết được….

Như vậy, chúng ta có thể chấm dứt bài I này ở đây. Chúng ta đã nói về Đức Maria cho đến khi người gặp Đức Kitô. Đó là một thiếu nữ Sion bình dị, chia sẻ thân phận những người con gái Israel thời bấy giờ, nhưng người đã nhận được một nền giáo dục đạo đức mô phạm. Phải biết rõ nền đạo đức thời ấy mới hiểu được cô thiếu nữ Sion này. Dần dần chúng ta sẽ gợi lên một số nét; vì về người còn nhiều điều cần nói hơn nữa. Tuy nhiên để thông cảm với tính tò mò, chúng ta cứ tìm hiểu thêm một vài chi tiết lịch sử xã hội.

Chúng ta đã nói: Maria có lẽ sinh vào khoảng năm 20 trước công nguyên, là vì người đã đính hôn vào khoảng tuổi 13, nên hơn Đức Giêsu chừng 15 tuổi. Mà cách tính lịch hiện nay, do sự lầm lẫn của tu sĩ Denys le Petit ở thế kỷ thứ VI, chậm mất khoảng 5 năm. Do đó Đức Giêsu phải sinh vào khoảng 5 năm trước công nguyên và Đức Mẹ vào khoảng năm 20.

Cha mẹ người là ai? Hai bản gia phả Matthêu và Luca đều chú trọng đến dòng dõi Giuse, con cháu Đavit, để Đức Giêsu được gọi là con cháu Đavit theo pháp lý. Và như vậy đủ rồi. Không cần tìm hiểu xem Đức Maria có thuộc dòng dõi Đavit hay không, kẻo không chú trọng đủ đến những điều Phúc âm muốn khẳng định. Tuy nhiên có những cây bút muốn thoả mãn tính tò mò của lòng đạo đức bình dân. Bên cạnh những bản viết được chính thức công nhận để đem đọc công khai trong các buổi họp phụng vụ, đã có rất sớm những bản văn lén lút chuyền đọc "chui", mà tiếng chuyên môn gọi là ngụy thư hoặc ngụy kinh. Vậy ngụy thư Tin Mừng theo thánh Giacôbê nói: Gioankim và Anna là thân phụ thân mẫu Đức Maria, sống rất đạo đức, thuộc thành phần “khó nghèo của đức Giavê”, chia của cải thành ba phần: một phần cho người nghèo, phần khác cho đền thờ, phần sau cho bản thân. Nhưng già rồi mà chẳng có con, hai người khóc lóc thảm thiết. Chúa ban ơn… quá sức tưởng tượng. Nhưng đó chỉ là hư cấu. Mãi đến thế kỷ 15 người ta còn bị ảnh hưởng, đọc câu Lc 3,23 trại đi một chút, thay vì “khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng, thiên hạ tưởng Người là con ông Giuse, con ông Êli”, người ta đọc: “Người là con ông Êli, nhưng thiên hạ tưởng Ngươi là con ông Giuse”. Thế là từ chữ Êli, người ta nghĩ đến chữ Êliakim hoặc Gioankim…, và người ta sung sướng vừa thấy tên Thân phụ Đức Maria vừa thấy người thuộc dòng dõi Đavit. Tuy nhiên như đã nói, đừng lan man đi theo tính tò mò mà quên sót những khẳng định chính yếu của Tin Mừng đích thực.

Do đó, cũng chẳng nên thắc mắc về nơi sinh của Đức Maria, cho dù ngay từ thời Constantine, người ta đã lập một nhà nguyện nhỏ tại nơi bây giờ có đền thờ nơi sinh của Đức Mẹ, xây vào thế kỷ XII, gần đền thờ Giêrusalem, chỗ hồ nước Bezatha (Ga 5,2). Tất cả những điều trên cùng lắm chỉ nói lên điều này, là các tín hữu đã bắt đầu tôn kính Đức Mẹ và những gì thuộc về người rất sớm.

Nếu muốn để ý đến những chi tiết không cần, có chăng nên chú ý đến chính tên của Đức Mẹ và phải đọc là Maria, chứ không phải là Myriam như thời còn nói đúng giọng Dothái. Đó cũng là một danh từ thông dụng, có nghĩa là "Bà", nhưng lại thích hợp cho Đức Bà là người nữ xứng đáng hơn hết mọi người nữ. Người ta cũng có thể để ý đến năm sinh của Đức Mẹ, trùng với năm Hêrôđê dùng tới 11.000 nhân công để xây dựng ngôi đền thờ mà sau này môn đệ Chúa nhiều khi trầm trồ khen ngợi. Nhưng ngôi đền vật chất ấy là gì sánh với thân thể Đức Trinh nữ sau này sẽ cưu mang Chúa, cũng đã sinh ra trùng năm xây cất đền thờ?

Thật, tất cả vinh dự của Đức Mẹ là ở chỗ cưu mang và sinh ra Chúa. Người xuất hiện trong lịch sử từ ngày nhận lời truyền tin, và người ta không tìm thấy người ở đâu mà lại không gắn liền với Chúa, để chia sẻ vinh quang của Chúa. Thế gian, dân tộc, gia đình, của cải… của người, có thể nói chẳng là gì. Ngay cá nhân người cũng chẵng có gì khiến ai phải chú ý… nhưng mầu nhiệm thay! Người lại lọt mắt Chúa, khiến lời người nói thật đúng: tôi là nữ tỳ, phận nhỏ khó nghèo, mà Chúa đã dùng để biểu dương sự toàn năng của ngài.

Sự khiêm tốn của Đức Mẹ mà chúng ta nói dựa vào xã hội học và dân tộc Do thái, không được chính sách Tin Mừng khẳng định sao? Chưa phải là lúc nói về việc truyền tin Chúa, nhưng chúng ta có thể đọc lại những câu đầu tiên trong sách Tin Mừng nói về Đức Mẹ. Tính cách khó nghèo của người thiếu nữ Sion hiện ra ngay tức khắc.

Luca viết về hai việc truyền tin: cho Giacaria và cho Đức Mẹ, cách nhau 6 tháng. Một bên trang trọng biết bao, một bên quá sức đơn sơ. Sáu tháng trước, sự việc xảy ra trong đền thờ, sát nơi cực thánh, trong buổi lễ dâng hương, có sự tham dự cầu nguyện của đông đảo dân chúng. Giacaria hôm ấy trịnh trọng khác thường, có thể nói đặc biệt nhất trong suốt đời của ông. Ông thuộc dòng Tư tế. Vợ ông cũng vậy. Hai người được coi là công chính trước mặt Chúa, có đời sống không có gì đáng trách. Hôm ấy là ngày trọng đại nhất cho hai người: đến lượt Giacaria được vào đền thờ dâng hương, vinh dự hầu như chỉ xảy ra một lần trong đời thầy Tư tế đạo cũ…

Sáu tháng sau, mọi việc khiêm tốn hơn nhiều. Maria là một thiếu nữ Sion bình dị, đang ở nhà, tại một làng mà Nathanael cũng như mọi người đều khinh. Luca không nói đến dòng tộc, không nói đến nhân đức của Maria. Người không chờ đợi gì riêng cho mình, đang khi thầy Tư tế kia cùng bạn mình đang khao khát một đứa con. Tuy nhiên, ở nơi tầm thường ấy, cô gái bình dị kia lại được sứ thần Gabriel đến chào kính. Khác với Giacaria, phải vào đền thờ, gặp Thiên thần ở đấy. Gabriel đến mang theo sứ điệp của Thiên Chúa. Thiên Chúa đến với con người, con người hèn mọn, tại nơi tầm thường, không ai nhìn thấy, để nói lên sự kiện phi thường: tất cả đều là ơn Chúa đến đổ đầy cho nhân loại, cho nhân tính không có công trạng gì (hay ít ra bề ngoài như vậy). Đó là ý nghĩa việc nhập thể, ý nghĩa ơn gọi, ơn tuyển chọn của Đức Mẹ và của chúng ta.

Chúng ta hôm nay hãy dùng tâm tình chân thật của người trong kinh Magnificat và qua những điều chúng ta vừa hiểu biết, để đi vào tĩnh tâm, để đến trước mặt Chúa. Người đã nắn chúng ta từ không, đã gọi chúng ta từ nhỏ, đã chọn chúng ta có lẽ chỉ vì chúng ta kém hơn cả, để bây giờ chúng ta hơn nhiều người và dám nói hơn mọi người vì chức Tư tế tuyệt diệu của chúng ta… Hiện nay, trước mặt người, ai trong chúng ta dám vênh vang? Thánh Phaolô có nói: Tôi chỉ có thể kể ra những sự yếu đuối khi nghĩ về mình thôi, huống nữa là chúng ta? Tôi tưởng chúng ta sẽ sống trung thực:

1. Khi nói như Thánh Phaolô: Tôi biết Đấng tôi tin tưởng là ai! Người không muốn sự chết nhưng sự sống; Người đã ban Con Một của Người cho ta; Người chỉ quý lòng thống hối ăn năn làm vui cả thiên đàng - và điều này cần suy để thấy thật như vậy, khi một người con lạc hướng trở về; - Người đợi chúng ta trong tuần tĩnh tâm này.

2. Cuộc hội ngộ chỉ tốt đẹp nếu chúng ta thật sự chia sẻ lòng thương xót của Chúa, mà cũng biết thưương xót anh em, nhất là anh em linh mục. Nhờ dịp này, chúng ta hãy biết thông cảm những thiếu sót và khuyết điểm của nhau hơn. Đừng khinh, đừng động vào người được xức dầu…, vì Chúa chứ không vì họ!

3. Từ đó, Chúa cũng muốn chúng ta thi hành một mục vụ thương xót, săn sóc người phận nhỏ, dịu dàng với tội nhân, không thù không ghét bất cứ ai; ngược lại còn xin ơn can đảm chịu đựng mọi nhục mạ bất công để có thể tế lễ một cách thấm thía.

4. Cho được như vậy, cần can đảm chấp nhận Công đồng Vatican II khi nói về Giáo hội khiêm nhường phục vụ như mẹ hiền, tận tụy, đảm đang nhưng hiền hoà theo gương Đức Mẹ là Mẹ của Hội Thánh.

5. Và chúng ta cũng cần nhìn vào nền giáo dục gia đình của Đức Mẹ để tự hỏi về việc giáo dục trong các gia đình Kitô giáo hiện nay: có chất liệu Kinh Thánh đủ không? Và có liên kết lòng mến Chúa với lòng yêu dân tộc, yêu xã hội để đào tạo những con người cứu thế không?

6. Cũng như chúng ta cần tập cho giáo dân biết sống đạo khiêm tốn, hiền hoà, noi gương Đức Mẹ; bỏ những thái độ đắc thắng, tự cao của biệt phái đối với những người chung quanh; quan niệm Giáo xứ, Giáo Phận, Giáo Hội như đàn chiên nhỏ trong lòng dân tộc và xã hội.

Để kết thúc, chúng ta hãy đọc lại mấy hàng trong Huấn thị Thánh bộ Truyền giáo gửi cho các vị Đại diện Tông toà đầu tiên của chúng ta: “Không phải nhờ những khéo léo giao tế mà Lời Chúa được phổ bá đâu; song chính là nhờ đức bác ái, nhờ việc coi thường thế sự, nhờ thái độ khiêm nhường, đời sống đơn giản, lòng kiên nhẫn, tinh thần cầu nguyện và các nhân đức tông đồ khác mà thôi”.

Không phải gia thế hoặc thân thế của Đức Maria đã làm cho người được muôn đời ca khen là diễm phúc, nhưng chỉ vì Đấng Tối Cao đã làm cho người những việc cao cả. Người còn tiếp tục nâng những người phận nhỏ lên. Người kêu gọi chúng ta!