Vatican (Vat 15/02/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong bài huấn đức dành cho buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ngày 15 tháng 2 năm 2006, ÐTC Bênêđitô XVI đã loan báo là loạt bài giải thích về các Thánh Vịnh và Ca Vịnh được dùng trong các Giờ kinh phụng vụ Sáng và Chiều, do Ðức Gioan Phaolô II khởi xướng từ năm 2001, nay đến lúc kết thúc, với bài giải thích về Lời Kinh Tạ Ơn, Magnificat, của Mẹ Maria, được dùng trong giờ Kinh Chiều mỗi ngày.
ÐTC đã nói như sau:
Anh chị em thân thến, giờ đây đến lúc kết thúc của cuộc hành trình dài đã được vị tiền nhiệm tôi, Ðức Gioan Phaolô II muôn đời đáng nhớ, bắt đầu cách đây vài năm. Thật vậy, trong các bài huấn đức dành cho các buổi tiếp kiến chung, ngài đã muốn đi qua hết các thánh vịnh và ca vịnh kết thành dòng cầu nguyện căn bản của Phụng Vụ các giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều. Giờ đây, đến lúc kết thúc cuộc hành trình đọc các thánh vịnh và ca vịnh, giống như một cuộc đi dạo trong vườn hoa trở sinh những lời chúc tụng, khẩn xin, cầu nguyện và chiêm ngắm, chúng ta hãy dành chỗ cho Ca Vịnh được dùng trong mọi giờ Kinh Chiều, Lời Kinh Tạ Ơn, Magnificat (Lc 1,46-55). Ðây là bài ca biểu lộ nền tu đức của những người nghèo trong Kinh Thánh, nghĩa là của những tín hữu nhìn biết mình "nghèo", không phải chỉ trong việc tách ra khỏi mọi sự tôn thờ của cải và quyền bính, nhưng còn trong sự khiêm tốn sâu xa của con tim, thoát ra khỏi sự cám dỗ do lòng kiêu ngạo, mở rộng cho dòng ân sủng cứu rỗi của Thiên Chúa tràn ngập vào. Thật vậy, trọn cả lời Kinh Magnificat được ghi dấu bởi lòng khiêm tốn này, mà trong tiếng hy lạp được gọi bằng từ "tapeinosis" nói lên một cảnh huống cụ thể của sự khiêm tốn và nghèo khó.
Chiều kích thứ nhất của Bài Ca Magnificat (x. Lc 1, 46-50) là như một đơn khúc hướng về trời cao vang lên cùng Thiên Chúa. Chúng ta ghi nhận luôn vang lên âm vang ở ngôi thứ nhất: "Linh hồn tôi... thần trí tôi... đấng cứu chuộc tôi... người ta sẽ gọi tôi kẻ có phúc... Ngài đã làm cho tôi những điều kỳ diệu..." Do đó, linh hồn của lời kinh Magnificat là việc cử hành Ân Sủng Thiên Chúa được đổ tràn vào trong tâm hồn và cuộc sống của Mẹ Maria, làm cho Mẹ trở nên Mẹ của Chúa.
Cấu trúc sâu xa của lời-ca-cầu-nguyện của Mẹ là lời chúc tụng, lời cảm tạ và niềm vui tràn đầy tri ân. Nhưng chứng tá của Mẹ Maria không phải là một chứng tá cô độc, riêng rẻ, trong tâm tư riêng của mình mà thôi, bởi vì Mẹ Maria ý thức rõ ràng mình đang chu toàn sứ mạng cho nhân loại trong dòng lịch sử cứu rỗi. Mẹ đã cất hát lên như sau: "Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người." (câu 50).
Và đến đây, chúng ta thấy được chiều kích thứ hai, chiều kích thiêng liêng và đầy thi vị, của bài ca Tạ Ơn Magnificat (từ câu 51 đến 55, của chương 1, phúc âm theo thánh Luca). Bài ca vang lên như một bản hợp ca, dường như thể đây không còn là lời riêng của Mẹ Maria nữa, mà toàn thể cộng đồng các tín hữu đồng thanh hiệp ý với Mẹ ca tụng những chọn lựa kỳ diệu của Thiên Chúa. Trong nguyên văn bằng tiếng hy lạp của Phúc âm theo thánh Luca, bảy hành động của Thiên Chúa được nhắc đến trong đoạn nầy, được diễn tả bằng bảy động từ ở thể "quá-khứ-kéo-dài", để nói lên ý nghĩa những hành động của Thiên Chúa còn đang xảy ra trong lịch sử: Ngài đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài... đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng... đã và còn đang hạ xuống người quyền thế... đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung... đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát... đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không... đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người." Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa làm nổi bật "cách thức hành động" của Ðấng là Chúa của lịch sử: Ngài luôn đứng về phía những kẻ thấp hèn nhất. Dự án của Ngài là dự án thường bị ẩn khuất trong vùng tăm tối của những thăng trầm lịch sử con người, một lịch sử thường nhìn thấy "chiến thắng" của những kẻ kiêu hãnh, quyền thế và giàu sang". Nhưng sức mạnh ẩn khuất của Thiên Chúa chỉ được mạc khải lúc cuối cùng, để chỉ cho thấy ai là những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn: đó là những ai "kính sợ Người, trung thành với Lời Người; đó là những kẻ khiêm tốn, những kẻ đói khát; đó là Israel người tôi tớ trung thành của Người; đó là cộng đồng dân Chúa, được kết thành bằng những kè nghèo hèn, trong sạch và đơn sơ trong tâm hồn, như Mẹ Maria. Ðó là "đoàn chiên nhỏ bé" được khuyến khích đừng lo sợ, bởi vì Cha Trên Trời vui lòng ban Nước Trời cho đoàn con như vậy" (x. Lc 12,32).
Kết thúc,chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi của Thánh Ambrogiô khi giải thích Bài Ca Tạ Ơn Magnificat của Mẹ Maria, như sau:
"Uớc chi linh hồn của Mẹ Maria hiện diện trong mỗi tín hữu để ngợi khenThiên Chúa; ước chi thần trí của Mẹ Maria hiện diện nơi mỗi tín hữu để nhảy mừng trong Thiên Chúa; trên bình diện thể xác, chỉ có một người là Mẹ của Chúa Kitô; nhưng trong bình diện đức tin, tất cả mọi linh hồn đều "sinh ra" Ðấng Kitô; thật vậy mỗi tín hữu đón nhận trong tâm hồn Ngôi Lời Thiên Chúa... Linh hồn Mẹ Maria chúc tụng Thiên Chúa, và Thần trí Mẹ nhảy mừng trong Thiên Chúa, bởi vì, được tận hiến hoàn toàn linh hồn và thần trí cho Chúa Cha và Chúa Con, Mẹ Maria, với hết tấm lòng yêu mến, tôn thờ một Vị Thiên Chúa Duy Nhất, nguồn mạch của mọi sự, tôn thờ một Thiên Chúa mà từ đó mọi sự được hiện hữu."