Khi Đức Thánh Cha Phanxicô phải vào bệnh viện vì bệnh viêm phổi ở cả hai lá phổi, thế giới đang trong tình trạng báo động cao độ về một sự kiện tin tức đặc biệt. Trong bối cảnh đó có nhiều huyền thoại được tung ra liên quan đến thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng mà từ chuyên môn gọi là Sede vacante /sê-đê va-can-tề/.

Trong bộ phim kinh dị được đề cử giải Oscar có tên là “Conclave” hay “Cơ Mật Viện”, người ta tung ra các huyền thoại về các nghi thức sau khi một vị Giáo Hoàng qua đời, và cảnh các Hồng Y cấp tiến và bảo thủ tranh giành quyền kiểm soát một tổ chức có một tỷ tín hữu trên toàn cầu.

Cái chết của một vị Giáo Hoàng sẽ ngay lập tức khởi động một loạt các sự kiện được hoạch định chặt chẽ, được tinh chỉnh qua nhiều thế kỷ sau khi hàng trăm Giáo Hoàng đã qua đời. Một số truyền thống của Vatican có từ thời Rôma cổ đại.

Vào cuối các sự kiện này, một nhà lãnh đạo mới của Giáo Hội Công Giáo sẽ được bầu ra trong một cuộc bầu cử hoàn toàn thanh thản khác xa với những gì được mô tả trong phim “Conclave”.

Trong bài này chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em những gì thực sự xảy ra và những gì là huyền thoại khi một vị Giáo Hoàng qua đời.

1. Tuyên bố về cái chết của một vị Giáo Hoàng

Theo truyền thống, công việc của Đức Hồng Y Nhiếp Chính hay Camerlengo là xác nhận cái chết của một Giáo Hoàng. Hiện nay, vị trí đó do Hồng Y Kevin Farrell người Ireland nắm giữ.

Đức Hồng Y Nhiếp Chính sẽ là người đến thăm thi thể của Đức Giáo Hoàng trong nhà nguyện riêng của ngài và gọi tục danh của ngài 3 lần để đánh thức ngài dậy. Trong trường hợp của Đức Đương Kim Giáo Hoàng, tục danh của ngài là Jorge Mario Bergoglio; còn danh xưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô được gọi là regnal name, hay Tên Giáo Hoàng.

Ngày nay, đây chủ yếu là nghi lễ, vì các bác sĩ sẽ xác nhận cái chết của Giáo Hoàng thông qua các phương tiện y tế tiêu chuẩn hơn.

Một huyền thoại thường được nhắc đi nhắc lại, như trong cuốn phim “Conclave”, cho rằng Đức Hồng Y Nhiếp Chính cũng nhẹ nhàng gõ vào đầu vị Giáo Hoàng bằng một chiếc búa bạc. Tuy nhiên, đó chỉ là huyền thoại mà Vatican từ lâu đã phủ nhận. Cảnh gõ vào trán được chiếu trong cuốn phim “Conclave”, lộ rõ sự bất kính, là chuyện hoang đường, thêu dệt ra, không phải là thật.

Khi Đức Giáo Hoàng không trả lời, sau 3 tiếng gọi của Đức Hồng Y Nhiếp Chính, theo truyền thống, vị Hồng Y sẽ tháo chiếc nhẫn trên tay của Đức Giáo Hoàng, đóng vai trò là con dấu cho các văn bản chính thức của ngài. Chiếc nhẫn ấy được gọi là Nhẫn Ngư Phủ. Đức Hồng Y Nhiếp Chính sẽ dùng chiếc búa bạc đập nát chiếc Nhẫn Ngư Phủ, báo hiệu sự kết thúc triều đại của vị Giáo Hoàng, và nơi ở của vị Giáo Hoàng sẽ bị niêm phong.

Đức Hồng Y Nhiếp Chính sẽ chính thức thông báo cho Hồng Y Đoàn rằng vị Giáo Hoàng đã qua đời, trước khi cái chết của ngài được công bố với thế giới trong một tuyên bố của Vatican với giới truyền thông.

Bắt đầu từ giờ phút đó, tất cả các vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh bị mất chức, trừ ra vị Hồng Y Nhiếp Chính. Việc cai quản Giáo Hội từ lúc đó do Hồng Y Đoàn chịu trách nhiệm, mặc dù không có quyết định quan trọng nào có thể được đưa ra cho đến khi một Giáo Hoàng mới được bầu.

2. Thời kỳ tang tóc

Cái chết của Giáo Hoàng sẽ dẫn đến chín ngày để tang được gọi là Novendiale, ban đầu là một phong tục của người Rôma cổ đại. Ý cũng thường tuyên bố một thời gian quốc tang.

Thi hài của ngài sẽ được làm phép, mặc lễ phục của Giáo Hoàng và được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô để công chúng chiêm ngưỡng, nơi hàng trăm ngàn người sẽ xếp hàng để tỏ lòng thành kính, bao gồm cả các chức sắc nước ngoài và các nhà lãnh đạo thế giới.

Trước đây, thi hài của Giáo Hoàng được trưng bày trên một bệ cao gọi là catafalque. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ ý muốn một tang lễ giản lược. Cho nên, trong trường hợp của Đức Thánh Cha Phanxicô, có lẽ người ta sẽ thấy ngài nằm trong một chiếc quan tài mở mà không có nhiều nghi lễ và sự phô trương.

Theo truyền thống, các Giáo Hoàng thường được ướp xác và một số vị còn cho phép lấy nội tạng trước khi chôn cất — một nhà thờ gần Đài phun nước Trevi ở Rôma lưu giữ trái tim của hơn 20 Giáo Hoàng trong các bình đựng bằng đá cẩm thạch, được bảo quản như thánh tích — nhưng những tập tục này hiện không còn được ưa chuộng nữa.

Trong thời gian 9 ngày tang tóc, các buổi cầu nguyện hàng ngày và Thánh lễ cầu hồn sẽ được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phêrô và trên khắp thế giới Công Giáo.

Trong khi đó, Vatican sẽ bước vào thời kỳ chuyển tiếp gọi là sede vacante, có nghĩa là “ghế trống”, trong thời gian đó quyền cai trị nhà thờ tạm thời được trao lại cho Hồng Y đoàn — mặc dù không có quyết định quan trọng nào có thể được đưa ra cho đến khi một Giáo Hoàng mới được bầu.

3. Nghi thức chôn cất vị Giáo Hoàng quá cố

Theo tông hiến Universi Dominici Gregis, nghĩa là “Đoàn Chiên Phổ Quát của Chúa”, do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22-02-1996, tang lễ của một vị Giáo Hoàng phải diễn ra trong vòng từ 4 đến 6 ngày sau khi ngài qua đời.

Lễ tang của các vị Giáo Hoàng thường được tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô, với những người đưa tang tập trung tại Vatican để tham dự buổi lễ. Buổi lễ sẽ do niên trưởng Hồng Y đoàn chủ sự. Niên trưởng Hồng Y đoàn hiện nay là Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, 91 tuổi, người Ý.

Theo truyền thống, vị Giáo Hoàng sau đó được chôn cất tại Vatican Grottoes, tức là các hầm mộ bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô. Gần 100 vị Giáo Hoàng được chôn cất tại đây, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, người tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã từ chức vào năm 2013 và mất vào năm 2022.

Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2023 rằng ngài đã chọn Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, một trong những nhà thờ yêu thích và thường xuyên lui tới nhất của ngài, làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình, khiến ngài trở thành Giáo Hoàng đầu tiên trong một thế kỷ được chôn cất bên ngoài Vatican.

Các Giáo Hoàng trước đây được chôn cất trong ba chiếc quan tài: một chiếc làm bằng gỗ bách, một chiếc làm bằng kẽm và một chiếc làm bằng gỗ du, xếp chồng vào nhau, nhưng Đức Phanxicô đã ra lệnh chôn cất ngài trong một chiếc quan tài duy nhất làm bằng gỗ và kẽm.

Khi Bênêđíctô XVI được chôn cất, quan tài của ngài cũng chứa những đồng tiền đúc trong thời gian trị vì của ngài, cũng như một ống kim loại bao quanh một cuộn giấy cuộn tròn, được gọi là rogito — một tài liệu dài 1.000 từ kể lại cuộc đời và triều đại của ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ được chôn cất cùng với rogito của riêng mình, mô tả chi tiết về triều đại Giáo Hoàng độc đáo của ngài.

4. Hồng Y Đoàn hiện nay

Theo tông hiến Universi Dominici Gregis, từ 15 cho đến 20 ngày sau khi một vị Giáo Hoàng qua đời, Hồng Y Đoàn sẽ họp tại Nhà nguyện Sistina để tổ chức Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới. Đức Bênêđíctô đã sửa lại quy tắc cho phép Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng mới diễn ra sớm hơn 15 ngày sau khi Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng.

Về lý thuyết, bất kỳ nam giới Công Giáo nào đã rửa tội đều đủ điều kiện trở thành Giáo Hoàng, nhưng trong 700 năm qua, Giáo Hoàng luôn được chọn từ Hồng Y Đoàn.

Phần lớn trong số 266 Giáo Hoàng được bầu trong suốt lịch sử đều là người Âu Châu. Đức Thánh Cha Phanxicô, là Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Âu Châu sau 1.300 năm.

Không giống như trong chính trị thông thường, các ứng cử viên cho chức Giáo Hoàng không công khai vận động cho vị trí này. Những người theo dõi Vatican đã coi những Hồng Y có cơ hội trở thành Giáo Hoàng là papabile /pa-pa-bi-lê/, nghĩa là “có thể trở thành Giáo Hoàng”.

Chỉ những Hồng Y dưới 80 tuổi mới đủ điều kiện bỏ phiếu, thường được gọi là Hồng Y cử tri. Hiện nay, Hồng Y Đoàn có 252 vị Hồng Y, trong đó có 138 vị dưới 80 tuổi, có quyền bầu Giáo Hoàng, vượt qua đáng kể ngưỡng 120 Hồng Y do Đức Phaolô Đệ Lục đặt ra trong Tông Hiến Romano Pontifici Eligendo ngày 1 tháng 10, Năm 1975.

Các Giáo Hoàng gần đây luôn thể hiện sự linh hoạt nhất định đối với ngưỡng 120 Hồng Y cử tri. Vào ngày 21 tháng 2 năm 2001, khi Đức Gioan Phaolô II tấn phong 42 Hồng Y, 38 trong số các vị là Hồng Y cử tri: điều này đã nâng số Hồng Y cử tri lên 136. Một lần nữa ngưỡng 120 bị vượt qua là vào lần tấn phong Hồng Y cuối cùng của ngài, vào ngày 21 tháng 10 năm 2003. Điều đó đã nâng con số lên 135 Hồng Y cử tri trong Hồng Y Đoàn.

Tổng cộng, Đức Gioan Phaolô II đã vượt ngưỡng ba lần, Đức Bênêđíctô XVI hai lần, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vượt ngưỡng trong mọi dịp tấn phong Hồng Y.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho đến nay đã triệu tập 10 công nghị tấn phong Hồng Y. Lần cuối cùng là ngày 7 Tháng Mười Hai, 2024. Ngài đã tấn phong cho 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y.

Trong số 138 vị Hồng Y cử tri, 110 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong. 23 vị được nâng lên hàng Hồng Y bởi Đức Bênêđíctô. 5 vị được nhận mũ đỏ từ tay Đức Gioan Phaolô II.

Đến ngày 1 Tháng Ba, tới đây, Đức Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, thống đốc thành quốc Vatican sẽ tròn 80. Khi đó, Giáo Hội còn 137 vị Hồng Y cử tri, 109 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong. 23 vị được nâng lên hàng Hồng Y bởi Đức Bênêđíctô. 5 vị được nhận mũ đỏ từ tay Đức Gioan Phaolô II.

5. Các Hồng Y đã bị phế truất

Liên quan đến việc tham gia Cơ Mật Viện, Tông Hiến năm 1996 quy định rõ rằng “Các Hồng Y đã bị phế truất về mặt pháp lý hoặc những người được sự đồng ý của Giáo Hoàng Rôma đã từ bỏ đặc quyền Hồng Y thì không có quyền này. Hơn nữa, trong khoảng thời gian trống tòa, Hồng Y Đoàn không thể thu nhận lại hoặc phục hồi tư cách Hồng Y của họ. “

Những trường hợp rút khỏi Hồng Y Đoàn này rất hiếm nhưng trong lịch sử gần đây cũng có một số trường hợp. Năm 1927, Hồng Y người Pháp Louis Billot từ bỏ chức Hồng Y vì bất đồng với Đức Piô XI về việc lên án Action Française, và ngài qua đời với tư cách là một linh mục Dòng Tên giản dị.

Nhiều thập kỷ sau, vào năm 2018, cựu Tổng Giám mục Washington Theodore McCarrick bị mất chức Hồng Y vì liên quan đến lạm dụng trẻ em. Ông ta vẫn còn sống, nhưng hiện đã bị hạ xuống tư cách giáo dân.

Hồng Y Keith O'Brien, một cựu tổng giám mục của Edinburgh, người cũng liên quan đến lạm dụng tình dục, nhưng không lạm dụng trẻ vị thành niên, đã từ bỏ việc tham gia Cơ Mật Viện năm 2013 và sau đó chính thức từ bỏ các quyền và đặc quyền của Hồng Y vào năm 2015, mặc dù ông được giữ lại danh hiệu.

Cuối cùng, Hồng Y Becciu đã bị tước bỏ các đặc quyền của mình với tư cách là Hồng Y cử tri Hồng Y vào năm 2020 do cáo buộc tham nhũng liên quan đến vụ mua bán địa ốc ở London. Vị cựu Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh sẽ không thể tham gia Cơ Mật Viện nếu được tổ chức ngay bây giờ, nhưng, giống như các Hồng Y trên 80 tuổi, ngài vẫn giữ được danh hiệu Hồng Y. Hồng Y Becciu có thể giành lại quyền bỏ phiếu nếu được trắng án khi kết thúc thủ tục pháp lý hiện tại. Khả năng phục hồi sẽ lại là đặc quyền cá nhân của Giáo Hoàng.

6. Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng

Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng phải diễn ra trong vòng từ 15 đến 21 ngày sau khi Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng. Đức Bênêđíctô đã sửa đổi các quy tắc để cho phép Cơ Mật Viện bắt đầu sớm hơn 15 ngày theo truyền thống sau khi trống ngôi Giáo Hoàng - sự thay đổi này là do hoàn cảnh đặc biệt của riêng ngài và khi lễ Phục sinh đang đến gần vào năm 2013, nhưng sự thay đổi vẫn được duy trì cho đến nay. Thành ra, Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng sắp tới có thể diễn ra sớm hơn 15 ngày sau khi trống ngôi Giáo Hoàng.

Trước Cơ Mật Viện, một “đại hội đồng” diễn ra trong những ngày trước Cơ Mật Viện, trong đó tất cả các Hồng Y đều được tự do tham gia. Các ngài thảo luận về thời điểm Cơ Mật Viện bắt đầu và lắng nghe các Hồng Y can thiệp về nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như nhu cầu hiện tại của Giáo hội, tình hình của Giáo triều và công việc của Giáo triều, cải thiện Giáo triều và mối quan hệ của Giáo hội với thế giới, v.v.

Niên trưởng Hồng Y Đoàn là người chủ trì thông thường của các cuộc họp này, và ngài phải bảo đảm rằng mỗi Hồng Y sẽ đặt tay lên Phúc âm và tuyên thệ trung thành với các quy tắc của Cơ Mật Viện. Các Hồng Y tuyên thệ sẽ duy trì “bí mật nghiêm ngặt đối với mọi vấn đề liên quan đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma hoặc những vấn đề mà theo bản chất của chúng, trong thời gian Tòa thánh vắng mặt, đòi hỏi phải giữ bí mật tương tự”. Các cuộc họp cụ thể cũng diễn ra, chỉ bao gồm các Hồng Y cử tri, trong đó Đức Hồng Y Nhiếp Chính dẫn đầu các cuộc thảo luận và quyết định về các vấn đề nhỏ hơn.

Vào ngày đầu tiên của Cơ Mật Viện, các Hồng Y cử tri tập trung tại Đền Thờ Thánh Phêrô để cử hành Thánh lễ Pro Eligendo Pontifice, nghĩa là “để bầu Giáo Hoàng”. Năm 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, với tư cách là Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã giảng lễ trong Thánh lễ này, sử dụng cụm từ “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối”, sau đó đã trở nên nổi tiếng và được nhìn nhận là có tính tiên tri. Khi Đức Bênêđíctô XVI thoái vị, chính Đức Hồng Y Sodano đã giảng lễ trước một ngoại giao đoàn đông đảo, trong một Thánh lễ bao gồm các ngôn ngữ Latinh, Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Swahili và Mã Lai. Sau đó vào cùng ngày đầu tiên đó, các Hồng Y cử tri tiến đến Nhà nguyện Pauline bên trong Vatican và cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến để hỗ trợ cho quá trình bầu cử của các ngài. Các vị Hồng Y cũng nghe một lời khuyên ngắn gọn từ một nhà thuyết giáo. Từ đó, cùng với âm nhạc, các ngài tiến đến Nhà nguyện Sistina. Sau đó, các Hồng Y cùng nhau tuyên thệ, một phần trong đó có đoạn:

Chúng tôi hứa và thề sẽ hết lòng trung thành và với tất cả mọi người, giáo sĩ hay giáo dân, giữ bí mật về mọi điều liên quan đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma và về những gì xảy ra tại nơi diễn ra cuộc bầu cử, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến kết quả bỏ phiếu; chúng tôi hứa và thề sẽ không tiết lộ bí mật này theo bất kỳ cách nào, trong hoặc sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng mới, trừ khi được Giáo Hoàng đó cho phép rõ ràng; và không bao giờ hỗ trợ hoặc ưu ái cho bất kỳ sự can thiệp, phản đối hoặc bất kỳ hình thức can thiệp nào khác, theo đó các chính quyền thế tục ở bất kỳ cấp bậc và cấp độ nào hoặc bất kỳ nhóm người hay cá nhân nào muốn can thiệp vào cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma.

Sau đó, mỗi người đặt tay lên sách Phúc Âm và tuyên thệ.

Các Hồng Y cử tri phải tránh mọi tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong suốt cuộc bầu cử: không trao đổi tin nhắn, không báo chí, không radio, không tivi. Năm 2013, ngay trước khi từ chức, Bênêđíctô XVI đã đưa ra hình phạt vạ tuyệt thông tự động tiền kết đối với bất kỳ ai vi phạm chuẩn mực bảo mật này.

Một bài giảng khác được đưa ra và cuộc bỏ phiếu bắt đầu.

Chưởng Nghi Phụng Vụ của Giáo triều Rôma, một viên chức tổ chức các nghi lễ tôn giáo của Giáo Hoàng trong nhiệm kỳ của ngài, hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Diego Ravelli, sau đó hô to “Extra omnes” — tiếng Latin có nghĩa là “Tất cả ra ngoài”. Mọi người trừ các Hồng Y đều ra ngoài và cuộc bỏ phiếu có thể bắt đầu.

Quá trình này cực kỳ bí mật. Các Hồng Y có thể bị vạ tuyệt thông nếu họ tiết lộ thông tin. Các chuyên gia công nghệ thông tin phối hợp với Hiến Binh Vatican quét sạch các thiết bị nghe lén trước và sau Cơ Mật Viện.

Thông thường, cuộc bỏ phiếu đầu tiên chỉ mang tính nghi lễ, một cách để các Hồng Y tôn vinh các thành viên nổi bật của Hồng Y Đoàn, những người, mặc dù nổi bật, nhưng không được coi là papabile. Từ thời điểm đó trở đi, cuộc bỏ phiếu được lên lịch là hai phiên một ngày, với hai vòng bỏ phiếu mỗi phiên (tổng cộng bốn vòng mỗi ngày).

7. Các Hồng Y cử tri bỏ phiếu như thế nào?

Mỗi Hồng Y viết lựa chọn của mình trên một tờ giấy có khắc dòng chữ tiếng Latin “Tôi bầu làm Giáo Hoàng tối cao”. Họ lần lượt tiến đến bàn thờ và nói: “Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ phán xét tôi, làm chứng rằng phiếu bầu của tôi dành cho người mà trước mặt Chúa, tôi nghĩ rằng nên được bầu”.

Người được đề cử là bất cứ người nam Công Giáo nào đã được chịu phép Rửa Tội. Về nguyên tắc, có thể là bất cứ ai không nhất thiết trong Hồng Y Đoàn. Tuy nhiên, trong thực tế các Hồng Y cử tri chỉ chọn trong số các Hồng Y cử tri có mặt trong nhà nguyện Sistina.

Lá phiếu đã gấp được đặt trên một chiếc đĩa tròn và trượt vào một chiếc bình bạc-vàng hình bầu dục. Sau đó, vị Hồng Y đặt lá phiếu vào đúng hộp đựng, cúi chào bàn thờ và trở về chỗ của mình.

Sau khi các lá phiếu đã được bỏ vào hộp đựng, chúng được trộn lẫn và sau đó đếm to. Nếu số phiếu không bằng số cử tri có mặt, các lá phiếu sẽ bị đốt. Nếu số phiếu chính xác, các lá phiếu sẽ được lấy ra riêng lẻ, được hai Hồng Y ghi chú, và sau đó được Hồng Y thứ ba công bố bằng giọng to và rõ ràng.

Các Hồng Y có thể ghi lại những chi tiết, thí dụ như ai được bầu bao nhiêu phiếu, trên một tờ giấy được cung cấp nhưng phải nộp lại để đốt sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu.

Sau đó, những người kiểm phiếu sẽ cộng tổng số phiếu và ghi kết quả vào một tờ giấy riêng được lưu giữ tại kho lưu trữ của Đức Giáo Hoàng.

Khi người kiểm phiếu đọc tên từng người, ông dùng kim đâm vào từng lá phiếu qua chữ “eligo” (tiếng Latin có nghĩa là “Tôi chọn”), rồi dùng chỉ buộc các lá phiếu lại và thắt nút.

Sau đó, các lá phiếu được để riêng và đốt trong bếp lò nhà nguyện cùng với một loại hóa chất để tạo ra khói trắng hoặc đen; khói trắng khi vòng bỏ phiếu bầu ra được Giáo Hoàng mới, tức là khi có một vị nào đó đạt được từ 2 phần 3 số phiếu trở lên; và khói đen khi chưa bầu được Giáo Hoàng.

8. Một Cơ Mật Viện kéo dài bao lâu?

Chỉ có một cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào ngày đầu tiên. Từ ngày thứ hai trở đi, tối đa bốn vòng bỏ phiếu được phép mỗi ngày sau đó.

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong cho 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y. Sự phân tán như vậy có những lợi ích, nhưng liên quan đến việc bầu tân Giáo Hoàng sẽ có trở ngại vì các Hồng Y không biết nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chủ yếu dựa vào nhóm Hồng Y cố vấn gồm 9 vị. Thành ra, Hồng Y Đoàn ít có dịp gặp gỡ nhau.

Việc công khai vận động tranh cử—hoặc thậm chí thảo luận—về người kế nhiệm Giáo Hoàng khi ngài vẫn còn sống là điều bị nghiêm cấm đối với các Hồng Y. Mặc dù các Hồng Y có thể thảo luận riêng về các ứng cử viên trước Cơ Mật Viện, nhưng việc vận động tranh cử công khai bị phản đối. Thay vào đó, một số Hồng Y có ước muốn trở thành Giáo Hoàng sẽ vận động tranh cử một cách bí mật, thường là bằng cách đi thăm các Hồng Y khác hoặc thuyết trình. Tất cả các phương thức ấy đều rất tốn kém và mất thời gian trong bối cảnh phân tán địa lý của Hồng Y đoàn.

Như chúng tôi đã đề cập đến ở trên cần có đa số hai phần ba để giành chiến thắng. Cho nên, nếu ngày đầu tiên khai mạc Cơ Mật Viện mà đã có kết quả thì đó là một phép lạ cả thể.

Nếu không có ai được bầu sau ba ngày, việc bỏ phiếu sẽ tạm dừng trong tối đa một ngày. Việc bỏ phiếu sẽ tiếp tục và nếu không có Giáo Hoàng nào được bầu sau bảy lần bỏ phiếu nữa, sẽ có một lần tạm dừng nữa, và cứ như vậy cho đến khi khoảng 12 ngày bỏ phiếu trôi qua.

Nếu không có ai được chọn sau 33 vòng, các Hồng Y sẽ phải bước vào vòng loại trực tiếp của hai ứng cử viên hàng đầu, theo một quy tắc tương đối mới do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đưa ra. Không giống như các vòng trước, hai ứng cử viên này không được bỏ phiếu.

Đức Gioan Phaolô II đã thay đổi các quy tắc vào năm 1996 để sau 33 hoặc 34 lần bỏ phiếu mà không đạt được đa số hai phần ba, một ứng cử viên có thể được bầu bằng đa số phiếu đơn giản.

Nhưng Bênêđíctô XVI đã khôi phục lại yêu cầu phải có đa số hai phần ba để bầu một Giáo Hoàng, đảo ngược sự thay đổi của Đức Gioan Phaolô II vốn được coi là một sự đổi mới “cấp tiến” so với quy tắc hai phần ba đã tồn tại từ năm 1179. Tu chính án của Đức Bênêđíctô nêu rõ rằng nếu tình trạng bế tắc vẫn tiếp diễn sau 13 ngày bỏ phiếu, hai ứng cử viên hàng đầu sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai. Ngài đã làm như vậy để ngăn chặn tình huống mà một khối đa số có thể đẩy một ứng cử viên qua bằng cách chỉ cần chờ đến vòng bỏ phiếu thứ 34 khi đó sẽ có đa số đơn giản. Người ta cũng cảm thấy rằng sự thay đổi này sẽ bảo đảm sự đồng thuận lớn nhất có thể giữa các Hồng Y thay vì một ứng cử viên có thể giành chiến thắng chỉ với đa số sít sao. Sự đảo ngược của Bênêđíctô là sự trở lại với chuẩn mực lịch sử.

Trong quá khứ xa xôi, khi chưa có quy luật 33 vòng bỏ phiếu, các Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng thường kéo dài trong nhiều tháng, Cơ Mật Viện dài nhất được ghi nhận là cuộc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X vào thế kỷ 13, kéo dài từ tháng 11 năm 1268 đến tháng 9 năm 1271 – gần 3 năm - do xung đột nội bộ và sự can thiệp từ bên ngoài.

Để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tương tự khi ngài được bầu, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã ban hành các quy tắc mới cô lập các cử tri và nhốt họ lại — do đó có thuật ngữ “Cơ Mật Viện”.

Mặc dù có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như Cơ Mật Viện năm 1740 kéo dài từ tháng 2 đến tháng 8, quá trình này hiện nay có xu hướng chỉ mất vài ngày hoặc đôi khi là vài tuần. Cơ Mật Viện trung bình trong thế kỷ 20 chỉ kéo dài ba ngày.

Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ mất 5 vòng bỏ phiếu; trong khi Cơ Mật Viện bầu Đức Bênêđíctô chỉ mất 4 vòng bỏ phiếu.

9. Điều gì xảy ra sau khi một Giáo Hoàng được bầu?

Sau khi một Giáo Hoàng được bầu, Chưởng Nghi Phụng Vụ của Giáo triều Rôma sẽ trở về nhà nguyện và vị niên trưởng của Hồng Y đoàn - người điều hành Cơ Mật Viện nếu ngài dưới 80 tuổi - sẽ hỏi người chiến thắng: “Ngài có chấp nhận cuộc bầu cử theo giáo luật của mình làm Giáo Hoàng tối cao không?”

Giả sử vị Hồng Y nói “Tôi chấp nhận”, vị niên trưởng sẽ hỏi: “Ngài muốn được gọi bằng tên gì?”

Tên Giáo Hoàng ban đầu có ý định Công Giáo hóa tên khai sinh của người chiến thắng. Đức Giáo Hoàng John II, được bầu vào năm 533, là người đầu tiên làm như vậy vì tên khai sinh của ngài là Mercurius, theo tên vị thần Mercury của Rôma. Hiện nay, tên Giáo Hoàng thường được coi là sự tôn vinh các Giáo Hoàng trước đó và là dấu hiệu cho thấy đường lối công việc của Giáo Hoàng mới.

Sau đó, Chưởng Nghi Phụng Vụ nhập thông tin vào một văn bản chính thức, khói trắng bốc ra từ ống khói Nhà nguyện Sistina và tiếng chuông của Đền Thờ Thánh Phêrô vang lên.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng mới thay áo chùng trắng và từng vị Hồng Y mặc áo đỏ tiến đến tuyên thệ trung thành.

Vị Tân Giáo Hoàng sẽ dừng lại và cầu nguyện trong Nhà nguyện Pauline trong vài phút trước khi xuất hiện trên loggia của ban công nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô. Đi trước ngài đến ban công là một Hồng Y, thường là Hồng Y trưởng đẳng phó tế, người tuyên bố “Habemus papam!” (“Chúng ta có một Giáo Hoàng!”) và sau đó giới thiệu ngài với thế giới bằng tiếng Latin.

Sau đó, vị tân Giáo Hoàng xuất hiện và có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng với tư cách là Giáo Hoàng.