Các bác sĩ của Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sau một tuần nằm viện, ngài “vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm” và sẽ phải nằm viện ít nhất một tuần nữa, nhưng cũng chưa có nguy cơ tử vong ngay lập tức.
“Đức Giáo Hoàng đã thoát khỏi nguy hiểm chưa? Chưa, ngài chưa thoát khỏi nguy hiểm”, Bác sĩ Sergio Alfieri, giám đốc khoa phẫu thuật y khoa của Bệnh viện Gemelli ở Rôma và là trưởng nhóm y tế của Đức Giáo Hoàng tại đó cho biết.
Phát biểu với các nhà báo vào ngày 21 tháng 2 trong cuộc họp báo đầu tiên của các bác sĩ kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa vào cơ sở này để điều trị bệnh viêm phế quản dai dẳng vào ngày 14 tháng 2, Bác sĩ Alfieri cho biết về tình trạng lâm sàng của Đức Giáo Hoàng, “entrambe le porte sono aperte”, nghĩa là “cả hai cánh cửa đều mở”. Đó là thành ngữ tiếng Ý ngụ ý cửa sinh, cửa tử đều có khả năng.
“Đức Giáo Hoàng vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm. Hiện tại, ngài không có nguy cơ tử vong, nhưng tình hình thực tế là như vậy, và cánh cửa mở ra cho cả hai khả năng”, ông nói.
Bác sĩ Alfieri giải thích rằng ban đầu, Đức Giáo Hoàng được điều trị cảm lạnh tại Vatican, nhưng do tuổi tác và lịch trình bận rộn, bệnh đã chuyển thành viêm phế quản không thể tự điều trị tại nhà và phải vào bệnh viện.
Sau khi được đưa vào Gemelli, Đức Giáo Hoàng, là người đặc biệt dễ mắc các bệnh về đường hô hấp sau khi phải cắt bỏ một phần phổi do bị viêm phổi nghiêm trọng khi còn là một tu sĩ dòng Tên trẻ, thành ra, ngài đã được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do nhiều loại vi khuẩn và viêm phổi ở cả hai bên.
Về tình trạng hiện tại của ngài, “bệnh viêm phế quản hen suyễn vẫn còn, căn bệnh mãn tính vẫn còn,” Bác sĩ Alfieri nói, nói rằng Đức Giáo Hoàng “biết rằng tình hình rất nghiêm trọng. Đôi khi ngài không thở được.”
Tuy nhiên, ông cho biết hiện tại Đức Giáo Hoàng hoàn toàn có thể tự thở và vẫn vui vẻ, thường xuyên kể chuyện cười, ngài cũng có thể đọc sách, làm việc và di chuyển quanh phòng với sự trợ giúp, ngồi trên ghế hoặc đến nhà nguyện để cầu nguyện.
Về thời gian nằm viện của Đức Giáo Hoàng, Bác sĩ Alfieri cho biết ngài sẽ phải nằm viện “ít nhất là cả tuần tới” và “việc điều trị của ngài cần thời gian để có hiệu quả”.
“Ngài chỉ có thể về khi an toàn, và chúng tôi đang nỗ lực vì điều này,” ông nói, giải thích rằng tình hình của Đức Giáo Hoàng rất phức tạp vì các phương pháp điều trị bằng thuốc khác nhau mà ngài đang áp dụng có thể gây ra những tác dụng có tính chất phản tác dụng lẫn nhau.
Ví dụ, ông cho biết liệu pháp cortisone mà Đức Giáo Hoàng đang áp dụng để điều trị bệnh viêm phổi có thể làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, và do đó có thể ảnh hưởng đến liệu pháp kháng sinh mà ngài đang áp dụng để điều trị bệnh nhiễm trùng, nghĩa là bệnh nhiễm trùng có thể lan rộng và dẫn đến nhiễm trùng huyết ở các cơ quan khác.
Tuy nhiên, ông cho biết liều lượng cortisone quá thấp có nghĩa là bệnh viêm phổi của Đức Giáo Hoàng có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn và nhóm y tế của Đức Giáo Hoàng đang theo dõi cẩn thận liều lượng để tìm ra sự cân bằng phù hợp.
Trong hai ngày qua, bản tin y tế của Vatican về tình hình của Đức Giáo Hoàng đã đưa tin về “sự cải thiện nhẹ” trong xét nghiệm máu và tình trạng lâm sàng tổng thể của ngài.
Bác sĩ Alfieri không nêu rõ mốc thời gian chính xác cho sự hồi phục của Đức Giáo Hoàng, ngoại trừ việc thời gian nằm viện của ngài sẽ kéo dài đến tuần tới.
“Việc điều trị cần có thời gian. Ngài sẽ trở về Santa Marta khi không còn cần phải chăm sóc tại bệnh viện nữa”, ông nói, “so với lúc mới đến, ngài đã khỏe hơn nhiều, nhưng trong một ngày tình hình có thể thay đổi, vì ngài đang phải dùng một lượng thuốc rất lớn”.
Luigi Carbone, phó giám đốc Sở Y tế và Vệ sinh của Thành phố Vatican và là bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng, phát biểu với các nhà báo trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng các bản tin y khoa hàng ngày được công bố về tình trạng của Đức Giáo Hoàng là sản phẩm của các quan sát của nhóm và đã được Đức Giáo Hoàng chấp thuận.
“Ngài muốn chúng tôi luôn nói sự thật. Chính ngài đã yêu cầu chúng tôi nói rằng: Tôi nhận ra rằng tôi là một người đàn ông lớn tuổi và tôi có những vấn đề mãn tính. Ngay cả khi Đức Giáo Hoàng khỏe hơn, bệnh viêm phế quản hen suyễn và giãn phế quản của ngài vẫn còn”, ông nói.
Mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô có thể di chuyển, khả năng di chuyển của ngài vẫn còn hạn chế, cũng như số lượng cộng tác viên và du khách được phép vào thăm ngài. Cho đến nay, những du khách duy nhất của ngài là những người mà Vatican mô tả là “những cộng sự thân cận nhất” của ngài, và Thủ tướng Ý Girogia Meloni.
Đây sẽ là thời gian nằm viện dài nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô, trước đó ngài đã trải qua hai đợt nằm viện kéo dài 10 ngày khác nhau tại Gemelli, một lần vào năm 2021 để phẫu thuật đại tràng và một lần nữa vào năm 2023 sau ca phẫu thuật để chữa thoát vị bụng do một ca phẫu thuật trước đó gây ra.
Nếu ngài phải nằm viện hơn 18 ngày, thời gian nằm viện của ngài sẽ vượt qua thời gian nằm viện dài nhất của người tiền nhiệm, là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã nằm viện lâu nhất trong bệnh viện gần 20 ngày.
Đức Gioan Phaolô II trị vì với tư cách là Giáo Hoàng trong gần 27 năm và đã được đưa vào Gemelli tổng cộng bảy lần trong suốt thời gian làm Giáo Hoàng của mình, với thời gian nằm bệnh viện dài nhất của ngài kéo dài 18 ngày. Nếu thời gian lưu trú của Đức Thánh Cha Phanxicô kéo dài hơn, thì đây sẽ là thời gian nằm bệnh viện dài nhất của một vị Giáo Hoàng trong ba triều đại Đức Giáo Hoàng gần đây nhất.
Source:Crux