1. Xác định của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích về việc di chuyển lễ buộc

Khi một lễ trọng trùng vào ngày Chúa nhật và vì thế được dời sang một ngày khác, thì các tín hữu Công Giáo được khuyến khích tham dự thánh lễ nhưng không bó buộc phải dự lễ ấy.

Trên đây là câu trả lời của Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích nhắm giải tỏa nghi vấn được một số người nêu lên năm vừa qua: đó là lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội trùng vào Chúa nhật, ngày 08 tháng Mười Hai, nên phần lớn các giáo phận trên thế giới đã di chuyển lễ Đức Mẹ sang ngày thứ Hai, ngày 09 tháng Mười Hai. Một số giám mục tại Hoa Kỳ vẫn nhắc nhở các tín hữu về nghĩa vụ phải tham dự thánh lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, ngày 09 tháng Mười Hai, trong khi một số giám mục khác chuẩn chước cho các tín hữu về việc dự lễ này.

Trong một thư gửi đến Đức Cha Thomas Paprocki, Giám mục Giáo phận Springfield, bang Illinois, hồi tháng Chín năm ngoái, Bộ về các văn bản luật nói rằng “Các tín hữu buộc phải được dự lễ buộc vào ngày mà lễ ấy được dời tới”.

Tuy nhiên, trong thông cáo chính thức đề ngày 23 tháng Giêng vừa qua, Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích cho biết đã tham khảo ý kiến với Bộ về các văn bản luật và quyết định rằng “Trong trường hợp di chuyển lễ buộc sang một ngày khác thì sự bó buộc dự lễ không được di chuyển theo”.

Mỗi Chúa nhật là ngày thánh buộc phải dự lễ vì đó là cuộc tưởng niệm sự chết và phục sinh của Chúa. Những ngày lễ trọng khác, các tín hữu buộc phải dự lễ, như: lễ Giáng Sinh, Lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, lễ Hiển Linh, lễ Chúa Thăng Thiên, lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời, lễ thánh Giuse, lễ thánh Phêrô và Phaolxe hơing đồ và lễ các thánh.

Vì lịch phụng vụ của Giáo hội bao gồm các ngày lễ cố định, như Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08 tháng Mười Hai và các ngày lễ vào những ngày khác nhau như Lễ Hiện Xuống, lễ Phục sinh và những Chúa nhật Mùa vọng hay Mùa chay, nên thỉnh thoảng có hai lễ trùng vào Chúa nhật. Trong trường hợp đó, lễ nào giữ vị thế cao hơn trong danh sách các ngày phụng vụ thì buộc phải dự lễ, và lễ khác được dời đến ngày gần nhất. Trong tháng Mười Hai, Chúa nhật thứ II Mùa vọng có vị thế cao hơn lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích nói rằng vấn đề này không được xác định trong bộ giáo luật, nên Giáo hội theo một đường lối thực thành đã được xác định theo đó, trong trường hợp chuyển một ngày lễ buộc, thì nghĩa vụ phải dự lễ không được di chuyển theo”.

2. Hơn 30 nữ tu chiêm niệm Nicaragua bị bắt

Trong đêm 28 rạng ngày 29 tháng Giêng vừa qua, hơn 30 nữ tu chiêm niệm thuộc ba đan viện thánh Clara, bên Nicaragua bị cảnh sát bắt và đưa tới một nơi người ta chưa được biết. Ba Đan viện tọa lạc trong ba Giáo phận Managua, Matagalpa và Chinandega.

Đây không phải là lần đầu tiên các nữ tu dòng kín bị nhà cầm quyền Nicaragua áp bức. Hồi tháng Năm năm 2023, nhà nước tại đây đã giải tán Hiệp hội các nữ tu thánh Clara và chín dòng tu khác. Trong những năm gần đây, nhiều dòng nữ bị trục xuất hoặc tất cả hoặc một phần ra khỏi Nicaragua, đặc biệt sau cuộc bầu cử hồi tháng Mười Một năm 2021, trong đó ông Daniel Ortega được tái cử tổng thống nhiệm kỳ thứ V.

Mặt khác, nhà cầm quyền Nicaragua mới đây đã hủy bỏ tư cách pháp nhân của 10 hiệp hội bác ái và phi chính phủ, nâng tổng số các hội bác ái bị cấm hoạt động tại nước này lên tới 5.600 tổ chức, kể từ năm 2018.

3. Nhập cư: Các giám mục Hoa Kỳ sẵn sàng đối thoại với chính quyền Tổng thống Donald Trump

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ý TV2000, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã phản bác những cáo buộc của các quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump và kêu gọi cải cách chính sách di cư của Hoa Kỳ.

Các giám mục Hoa Kỳ tiếp tục phản hồi những ý kiến cho rằng Giáo hội tại Hoa Kỳ quan tâm nhiều hơn đến “lợi nhuận ròng” của họ hơn là sự quan tâm thực sự đối với người di cư.

Tuần trước, Phó Tổng thống mới nhậm chức JD Vance, một người Công Giáo thực hành, đã công khai đặt câu hỏi liệu các giám mục có quan tâm nhiều hơn đến nguồn tài trợ mà Giáo hội nhận được từ chính phủ liên bang hay không hơn là “mối quan ngại nhân đạo”.

Sự ám chỉ này đã thúc đẩy USCCB phản ứng mạnh mẽ khi ghi nhận “lịch sử lâu dài trong việc phục vụ người tị nạn” của Giáo hội theo đúng lời dạy của Chúa Giêsu.

“Vào năm 1980, các giám mục Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác với chính quyền liên bang để thực hiện dịch vụ này khi Quốc hội thành lập Chương trình Tiếp nhận Người tị nạn Hoa Kỳ, gọi tắt là USRAP”, tuyên bố giải thích, đồng thời nói thêm, “Mọi người tái định cư thông qua USRAP đều được chính quyền liên bang thẩm tra và chấp thuận tham gia chương trình khi ở bên ngoài Hoa Kỳ”.

Tuyên bố lưu ý rằng nguồn tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ “không đủ để trang trải chi phí cho các chương trình này”, tuy nhiên chúng vẫn là “công việc bác ái và mục vụ của Giáo hội”.

Tuyên bố đó được lặp lại bởi chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio, người nhấn mạnh, “Chúng ta chi cho người nghèo nhiều hơn số tiền chúng ta nhận được”.

Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng trên kênh truyền hình Ý TV200, Tổng giám mục Broglio cho biết Hội đồng đã bị tấn công bởi các quan chức của Tổng thống Donald Trump “vì chúng không đúng sự thật”. “Những từ ngữ được sử dụng là sai sự thật”, ngài nói, “và chúng tôi đã quyết định phản ứng theo cách rất trong sáng, không đi sâu vào nội dung bài phát biểu, nhưng nói lên sự thật”.

Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng Giáo hội luôn nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp, nhưng giải thích rằng trong những hoàn cảnh cụ thể, Giáo hội phải hỗ trợ những người đang cần, ngay cả khi họ đã nhập cảnh bất hợp pháp. “Chúng ta phải giúp đỡ họ, vì chính Chúa Kitô đang yêu cầu chúng ta làm như vậy.”

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh đến nhu cầu phải phản hồi những người gặp khó khăn với công việc của các giám mục với người di cư và người tị nạn, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đàm phán với Quốc hội để cải cách luật di cư. “Chúng tôi hầu như đều đồng ý rằng cần phải thay đổi luật này”, ngài nói.

“Chúng tôi sẵn sàng đối thoại,” Đức Tổng Giám Mục Broglio tiếp tục, đồng thời nói thêm, “Chúng tôi cũng đã yêu cầu khả năng gặp tổng thống hoặc phó tổng thống để nói chuyện, không phải trên phương tiện truyền thông, mà là trực tiếp. Theo cách này, tôi tin rằng chúng ta có thể cố gắng hiểu nhau và tiến về phía trước.”


Source:Vatican News

4. Một linh mục người Ý khác bị rút phép thông công sau khi gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là 'phản giáo hoàng'

Hôm Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, Edgar Beltrán của Pillar Catholic có bài tường trình nhan đề “Another Italian priest excommunicated after calling Francis ‘antipope’”, nghĩa là “Một linh mục người Ý khác bị rút phép thông công sau khi gọi Đức Thánh Cha Phanxicô là 'phản giáo hoàng'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một linh mục người Ý đã bị tuyên bố rút phép thông công vào tháng này, sau một video vào tháng 12 trong đó ngài gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô là “phản giáo hoàng”. Đó là video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Vị linh mục này là trường hợp mới nhất trong một loạt các linh mục người Ý bị rút phép thông công hoặc đình chỉ chức thánh vì từ chối thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong những tháng gần đây.

Giáo phận Palestrina đã công bố trong một tuyên bố ngày 20 Tháng Giêng rằng Cha Natale Santonocito “theo các điều 751 và 1364 triệt 1 của Bộ Giáo luật đã phải chịu vạ tuyệt thông latae sententiae, tức là vạ tuyệt thông tiền kết, với những hậu quả được quy định trong Điều 1331 của Bộ Giáo luật.”

Cha Santonocito đã đăng một video vào ngày 8 tháng 12 năm 2024, trong đó ngài nói rằng “chúng ta đã có một phản giáo hoàng trong 11 năm qua. Người gọi là Giáo Hoàng Phanxicô không phải là giáo hoàng và chưa bao giờ là, bởi vì Đức Bênêđíctô XVI đã không từ chức giáo hoàng vào ngày 11 tháng 2 năm 2013.”

“Đức Bênêđíctô XVI không thoái vị bằng cách từ bỏ munus petrino, hay vai trò của Phêrô, việc tấn phong giáo hoàng có nguồn gốc trực tiếp từ Chúa, như được yêu cầu rõ ràng bởi điều 332.2; thay vào đó, Đức Bênêđíctô đã đưa ra tuyên bố trong đó ngài từ bỏ ministerium, hay thừa tác vụ, hay việc thực thi quyền lực trên thực tế, chứ không phải chức giáo hoàng,” Cha Santonocito nói thêm trong video.

Quan điểm của Cha Santonocito được biết đến rộng rãi là “Benevacantism” — một từ ghép giữa tên của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 và sede vacantism, hay trống tòa, là quan điểm cho rằng ngai tòa Thánh Phêrô đang bị bỏ trống. Ý kiến này được một số nhà phê bình Đức Thánh Cha Phanxicô nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông xã hội đưa ra, cho rằng việc từ chức của người tiền nhiệm của ngài không hợp lệ về mặt giáo luật, mặc dù lý thuyết này đã bị các nhà giáo luật bác bỏ.

Những người theo thuyết trống tòa khác tin rằng chức giáo hoàng đã bị bỏ trống kể từ Công đồng Vatican II, vì họ cho rằng Giáo hội đã sa vào tà giáo kể từ đó.

Bản thân Cha Santonocito không công khai phủ nhận tính hợp lệ của Công đồng Vatican II. Ngài được thụ phong vào tháng 4 năm 2023 và được biết đến là cử hành Thánh lễ theo các chuẩn mực sau công đồng.

Theo một tuyên bố của giáo phận, một ngày sau khi đăng video, chức linh mục của Santonocito đã bị giáo phận hạn chế “như một biện pháp phòng ngừa”.

Giáo phận cũng cho biết rằng “một 'Tuyên bố của Đức Giám Mục Giáo phận ' đã được gửi tới các linh mục của giáo phận Palestrina… nhằm giúp các tín hữu định hướng trước những tuyên bố của Cha Natale Santonocito.”

Nhưng theo giáo phận, Cha Santonocito đã công bố một video khác đưa ra những tuyên bố tương tự vào ngày 14 tháng 12, sau đó giáo phận đã mở một thủ tục giáo luật chống lại ngài, kết thúc bằng tuyên bố vạ tuyệt thông dành cho ngài.

Giáo phận cho biết Đức Giám Mục đã “khiển trách bằng lời nói Cha Natale Santonocito trong một cuộc họp vào sáng ngày 17 tháng 12 năm 2024. Sau đó, trong quá trình xét xử hình sự ngoài vòng pháp luật, Cha Santonocito đã xuất hiện trước các thẩm phán... và vẫn nhắc lại lập trường của mình.”

Việc rút phép thông công Cha Santonocito là động thái mới nhất trong xu hướng các linh mục và tu sĩ bị tuyên bố rút phép thông công hoặc đình chỉ chức vụ sau khi từ chối Đức Thánh Cha Phanxicô là giáo hoàng hợp pháp.

Chỉ riêng tại Ý, ít nhất năm linh mục đã bị rút phép thông công hoặc đình chỉ chức thánh vì những lý do tương tự kể từ năm 2024.

Trường hợp khét tiếng nhất là trường hợp của cựu sứ thần tòa thánh tại Hoa Kỳ, Tổng giám mục Carlo Maria Viganò, người đã bị rút phép thông công vào ngày 5 tháng 7 năm 2024.

Vào ngày 1 Tháng Giêng năm 2024, Giáo phận Livorno đã tuyên bố vạ tuyệt thông đối với Cha Ramon Guidetti sau khi ngài phát biểu trong một bài giảng rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô “không phải là giáo hoàng” và rằng ngài là “kẻ cướp ngôi”.

Đức Cha Simone Giusti xác định bài giảng đó là một “hành động ly giáo công khai” dẫn đến vạ tuyệt thông latae sententiae, nghĩa là Guidetti đã tự động bị vạ tuyệt thông ngay tại thời điểm tuyên bố, với hình phạt có hiệu lực hoàn toàn sau khi được các nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội chính thức tuyên bố.

Vào ngày 13 tháng 11 năm 2024, Tổng giáo phận Sassari, trên đảo Sardinia của Ý, đã tuyên bố trục xuất Cha Fernando Maria Cornet, một linh mục người Á Căn Đình phục vụ tại Sassari từ năm 2011, sau khi Cha Cornet viết một cuốn sách có tựa đề “Habemus antipapam?” phản đối tính hợp lệ của đơn từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 và cuộc bầu cử sau đó của Đức Phanxicô.

“Cũng như không thể có hai Giáo hội của Chúa Kitô cùng một lúc đều là chân lý, thì cũng không thể có hai giáo hoàng đều là hợp pháp cùng một lúc,” Cha Cornet nói trong cuốn sách. “'Giáo hoàng là một.' Còn người kia? Ông ta không thể là bất cứ thứ gì khác ngoài một phản giáo hoàng.”

Vào ngày 18 tháng 11 năm 2024, Cha Miguel Márquez, bề trên tổng quyền Dòng Cát Minh Nhặt Phép, đã tuyên bố sa thải Cha Giorgio Maria Faré, khỏi dòng sau khi cha này đăng một video bảo vệ một lập trường tương tự.

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã sa vào nhiều tà thuyết khác nhau, điều này chứng minh rằng việc bầu ngài là không hợp lệ dựa trên sự bất khả ngộ của giáo hoàng,” Cha Faré nói trong video. “Các Hồng Y được phong trước năm 2013 phải can thiệp để bảo vệ Giáo Hội và triệu tập một mật nghị để công bố một giáo hoàng mới.”

Mặc dù phổ biến ở Ý, xu hướng này cũng xuất hiện ở những nơi khác trong Giáo hội, như có thể thấy ở một số trường hợp khác, chẳng hạn như Dòng Thánh Clara ở Tây Ban Nha và Dòng Cát Minh ở Arlington.

Ngoài ra, một linh mục người Costa Rica 81 tuổi đã bị rút phép thông công vào tháng 12 năm 2024 sau khi phủ nhận thẩm quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Và một linh mục của Giáo phận Orihuela-Alicante ở Tây Ban Nha đã bị đình chỉ chức vụ vào tháng 2 năm 2024 sau khi tuyên bố trong bản tuyên ngôn dài 20 trang rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là một “kẻ dị giáo” và cuộc bầu cử ngài là “không hợp lệ”.

Trước hiện tượng chia rẽ sâu sắc trong Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất.


Source:Pillar