1. Giáo Hội Công Giáo Mễ Tây Cơ tái quyết tâm dấn thân giúp di dân

Giáo Hội Công Giáo tại Mễ Tây Cơ tái khẳng định quyết tâm giúp đỡ người di dân, đứng trước chính sách mới của Tổng thống Donald Trump.

Trong những ngày này, trong số những biện pháp bài trừ di dân, tân Tổng thống Mỹ, Ông Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn trương ở biên giới phía nam của Mỹ, giáp với Mễ Tây Cơ, gửi quân tới để tăng cường việc kiểm soát và ngăn chặn di dân, đồng thời tiến hành các biện pháp trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ ở Mỹ.

Trong bối cảnh đó, qua một tuyên ngôn, với chữ ký của Đức Cha Eugenio Lire Rugarcia, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Mễ Tây Cơ về di dân, và Đức Cha Héctor Mario Pérez, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ, các giám mục đã bày tỏ “tình liên đới, cầu nguyện, và quyết tâm phục vụ người di dân”.

Thông cáo cũng có đoạn viết: “Giữa mùa đông cam go, nhiều người và nhiều gia đình di dân đang trải qua những lúc lo âu, đau khổ, sợ hãi và bất an, đứng trước những biện pháp của chính phủ liên bang Mỹ về di trú... Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục hoạt động để tại các gia cư, những nhà tạm trú và các trung tâm tiếp đón của chúng tôi, những người di dân có thể tìm được nơi trú ngụ và lương thực; sự nâng đỡ và săn sóc về thể lý, cảm xúc, và sức khỏe tinh thần; giúp đỡ liên lạc với gia đình họ cũng như đạt được những giấy tờ cần thiết, tư vấn về pháp luật và giúp đỡ thực hiện các thủ tục cần thiết”.

Hiện nay, Giáo Hội Công Giáo tại Mễ Tây Cơ đã thiết lập 54 lều tạm trú, 12 quán ăn và 5 trung tâm thông tin để giúp đỡ trực tiếp cho người di dân. Các giám mục cũng nói rằng “Chúng tôi xác tín nếu liên kết với nhau chúng ta có thể mang lại hy vọng cho mọi người”.

Các giám mục Mễ Tây Cơ tái khẳng định sự sẵn sàng cộng tác với chính quyền và các tổ chức dân sự trong nỗ lực “chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di dân và những anh chị em bị trục xuất”.

Hôm 24 tháng Giêng vừa rồi, Tổng thống Donald Trump đã cho máy bay quân sự chở những người nhập cư không giấy tờ ra khỏi nước. Máy bay đã đáp xuống Guatemala, nhưng Mễ Tây Cơ không cho máy bay Mỹ chở di dân được đáp xuống lãnh thổ của mình.

2. Các giám mục Thái Lan tái khẳng định hôn nhân nam nữ

Hội đồng Giám mục Thái Lan bày tỏ sự gần gũi với những cặp đồng phái, nhưng tái khẳng định hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, và đồng thời mời gọi các tín hữu đáp lại thách đố do lý thuyết về giống tạo nên.

Các giám mục Thái Lan công bố thư mục vụ khẳng định lập trường trên đây, hôm 23 tháng Giêng vừa qua, cùng ngày luật về hôn nhân đồng phái bắt đầu có hiệu lực tại nước này và 200 cặp LGBTQ+ “kết hôn”. Sau Népal và Đài Loan, Thái Lan trở thành nước Á châu lớn nhất công nhận hôn nhân đồng phái. Và để chào mừng biến cố này, Quốc Hội Thái treo cờ màu cầu vồng, trong khi các trung tâm thương mại cũng quảng cáo và chào đón cũng biến cố trong ngày trong đó có 200 cặp trao đổi lời kết hôn. Một quận ở Bangkok tặng các vé máy bay miễn phí cho cặp đầu tiên đang ký.

Trong thư mục vụ, các giám mục Thái nhắc lại giáo huấn của Văn kiện Dignitas Infinita, Phẩm giá vô biên, do Bộ Giáo lý đức tin ban hành, theo đó mỗi người, bất luận thuộc xu hướng tính dục nào, đều phải được đối xử theo phẩm giá và tôn trọng, tránh mọi phân biệt đối xử, gây hấn hoặc bạo lực. Tuy nhiên, các giám mục cũng nhắc đến lời cảnh giác của Đức Thánh Cha Phanxicô chống lại “sự thực dân hóa ý thức hệ và điều quan trọng là chống lại “mọi mưu toan định nghĩa lại giống của con người, để rồi không nhìn nhận sự sống như một hồng ân của Thiên Chúa, vì xóa bỏ chân lý cơ bản về bản chất con người”.

Thư mục vụ mang chữ ký của Đức Cha Joseph Chusak Sirisut, Giám mục Giáo phận Nakhon Ratchasima, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái, trong đó các giám mục bày tỏ quan tâm vì ảnh hưởng của lý thuyết về giống trong xã hội ngày nay và các vị trích dẫn sách Sáng Thế (Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ) để khẳng định nền tảng hôn nhân Kitô giáo là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.

Tuy tái khẳng định giáo huấn trên đây, nhưng Giáo hội Thái cũng tuyên bố quyết tâm trợ giúp mục vụ cho các cặp đồng phái. Về vấn đề này, giám mục nhấn mạnh 3 nguyên tắc: trước hết luật về hôn nhân bình đẳng của Nhà Nước Thái không làm thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về hôn nhân nam nữ; tiếp đến bất kỳ sự chúc lành mục vụ nào cho các cặp đồng phái không có giá trị như tình trạng dân sự của họ, nhưng chỉ là dấu chỉ lòng thương xót của Chúa và là phương thế để khuyến khích một đời sống qui trọng tâm vào Tin mừng; các mục tử phải đối xử với tất cả mọi người trong tình thương yêu, trong phẩm giá và tôn trọng, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng tinh thần của họ và hướng dẫn họ về sự thánh thiện.

3. Các tín hữu Công Giáo Gaza cám ơn Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình tại Gaza, Thánh địa, Ukraine và các nơi khác đang có chiến tranh.

Đức Thánh Cha đưa ra lời mời gọi trên đây, vào cuối buổi tiếp kiến chung khoảng sáu ngàn tín hữu hành hương, sáng ngày 22 tháng Giêng vừa rồi, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican. Đức Thánh Cha nói: “Hôm qua, tức là 21 tháng Giêng, tôi đã gọi điện, như tôi vẫn làm mọi ngày - cho giáo xứ Gaza. Họ hài lòng, tại đó còn khoảng 600 người ở nơi giáo xứ và trường học. Họ kể với tôi là hôm nay họ ăn đậu với thịt gà, điều mà trong thời kỳ này họ không quen được ăn, vì thường chỉ có chút rau mà thôi. Họ cảm thấy hài lòng!!”

Trước đó, hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý đã đưa tin: Các tín hữu Công Giáo thuộc giáo xứ Công Giáo Thánh Gia ở Gaza, viết thư cám ơn Đức Thánh Cha vì sự liên tục hỗ trợ của ngài.

Lá thư ngắn của các tín hữu có đoạn viết: “Chúng con rất hạnh phúc, cám ơn Đức Thánh Cha, vì đã liên tục giúp đỡ chúng con và luôn cố gắng bênh vực chúng con. Từ thâm tâm, chúng con cảm tạ và cầu xin Chúa chúc lành cho Đức Thánh Cha và các hoạt động tinh thần và nhân đạo giúp Gaza và toàn thế giới”.

Lá thư này cũng được Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem phổ biến.

Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, truyền đi hôm 21 tháng Giêng vừa rồi, cha Gabriel Romanelli, cha sở Công Giáo duy nhất ở Gaza, nói rằng: “Những tiếng bom đạn và máy bay điều khiển từ xa đã chấm dứt, làm cho nhiều người an tâm. Nhiều tín hữu đã rời khu vực giáo xứ để về khu nhà ở trước đây của họ, kiểm định xem những gì còn lại. Nhiều người khám phá thấy gia cư của họ đã hoàn toàn bị phá hủy, trong khi nhiều người khác không còn nhận ra được nhà cửa và khu phố của họ nữa. Cuộc ngưng bắn đã khơi lên vui mừng và hy vọng. Đó là một bước tiến quan trọng, nhưng không có nghĩa là xung đột chấm dứt. Chúng tôi cầu nguyện để biến cố này là khởi đầu một nền hòa bình lâu bền. Chúng tôi hy vọng những cố gắng của quốc tế giúp chấm dứt chiến tranh và để chúng tôi tập trung vào việc xây dựng tương lai”.

Cha sở Romanelli cũng cho biết giai đoạn tái thiết đầu tiên, sẽ kéo dài 42 ngày, là một giai đoạn đầy thách đố. Dân chúng tìm kiếm những hỗ trợ để đương đầu với tình trạng thiếu thốn trầm trọng các nhu yếu phẩm, như nước, nhiên liệu và lương thực. Những khó khăn thật là tỏ tường, nhưng dân chúng cũng hy vọng và kiên cường, trong khi cộng đoàn rất hy vọng tình trạng sẽ trở lại bình thường”.

Giáo xứ Thánh Gia, là xứ đạo Công Giáo duy nhất ở Gaza. Ngay từ đầu chiến tranh, giáo xứ vẫn luôn dấn thân giúp đỡ những người túng thiếu nhất, không những các tín hữu Kitô, nhưng cả các gia đình Hồi giáo thuộc các khu vực quanh nhà thờ.

Cha Romanelli cho biết “nhờ những cố gắng của Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh và Hội Hiệp sĩ Malta quốc tế, viện trợ lương thực tiếp tục được đưa tới cho hàng ngàn gia đình, nhất là các chuyến cứu trợ gần đây. Chúng tôi cũng tập trung vào việc tổ chức đời sống mục vụ giáo xứ. Điều này cũng bao gồm việc bảo đảm an ninh cho tất cả mọi người, tiếp tục cầu nguyện và duy trì các hoạt động hằng ngày, mặc dù những hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, cũng có thời gian được dành cho các hoạt động giáo dục để giúp các học sinh tiếp tục duy trì được năm học, đặc biệt là chuẩn bị kỳ thi chung kết của các trường trung học. Điều này mang lại một cảm thức hy vọng là điều rất cần thiết hiện nay”.

Cha sở giáo xứ Gaza nói thêm rằng cùng với Caritas Giêrusalem và các nữ tu của Mẹ Têrêsa Calcutta, giáo xứ đang cố gắng trợ giúp y tế cho các bệnh nhân và những người túng thiếu, theo khả năng của mình.