1. Đến lượt Dòng Cát Minh Nhặt phép bị trục xuất khỏi Nicaragua
Nhà cầm quyền Nicaragua tiếp tục bách hại Giáo Hội Công Giáo: sau hơn 50 năm làm việc mục vụ tại Nicaragua, đến lượt các cha Dòng Cát Minh Nhặt phép, OCD, bị nhà cầm quyền buộc phải rời khỏi nước này.
Bà Martha Patricia Molina, luật sư kiêm nghiên cứu gia về tình hình nhân quyền tại Nicaragua, đặc biệt là về những vụ thù nghịch của nhà cầm quyền, ông Daniel Ortega Tổng thống và vợ là Phó Tổng thống Rosario Murillo, đối với Giáo Hội Công Giáo và các cộng đồng Kitô khác, cho biết các cha Dòng Cát Minh phụ trách giáo xứ Đức Mẹ Cát Minh đã giao lại giáo xứ cho Tổng giáo phận thủ đô Managua, và trở về tỉnh dòng, có trụ sở ở San Salvador.
Thông cáo của tỉnh dòng này có đoạn viết: “Chúng tôi cám ơn cộng đoàn giáo xứ vì hành trình đức tin đã cùng trải qua. Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân này và vì đã được cử hành niềm vui của lòng sùng kính Đức Mẹ và đào sâu niềm tin Thánh Thể”.
Trong sứ điệp, các cha Dòng Cát Minh nhặt phép cũng cám ơn Đức Hồng Y Augusto Brenes, Tổng giám mục Giáo phận Managua về sự đồng hành.
Trong ba năm gần đây, gần 80% các hiệp hội dân sự, các tổ chức bác ái và các dòng tu, một số giám mục và linh mục đã bị chế độ độc tài tại Nicaragua trục xuất. Trong tháng Giêng này, đến lượt các nữ tu Dòng Đa Minh cùng số phận, chủng viện của Giáo phận Matagalpa bị trưng thu và nay đến lượt các cha Dòng Cát Minh nhặt phép.
2. Nhật ký trừ tà số 327: Lễ trừ tà trong ngày Giáng Sinh của chúng tôi
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #327: Our Christmas Exorcisms”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 327: Lễ trừ tà trong ngày Giáng Sinh của chúng tôi”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Tôi hơi ngạc nhiên về sức mạnh tâm linh của mùa Giáng Sinh đối với các buổi trừ tà của chúng tôi. Là một người trừ tà, tôi mong Mùa Chay và Lễ Phục sinh sẽ là mùa sức mạnh tâm linh. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đã phá hủy vương quốc của Satan và do đó là nền tảng của mọi cuộc trừ tà. Nhưng hóa ra Giáng Sinh cũng là một sức mạnh tâm linh và là sự tra tấn đặc biệt đối với ma quỷ.
Như thường lệ, trong mùa Giáng Sinh, chúng tôi bắt đầu Nghi lễ Trừ tà bằng Lời mở đầu của Phúc âm thánh Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Và Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta.” Bài đọc này thực sự là một sự suy tư sâu sắc về Chúa Giáng Sinh. Đó là câu chuyện Giáng Sinh của thánh Gioan.
Các nhà thần học suy đoán rằng lý do cơ bản cho sự nổi loạn của Satan là hắn từ chối biến cố Nhập thể. Satan đã bị che mắt bởi lòng kiêu hãnh và sự đố kỵ khi được thông báo rằng Chúa sẽ trở thành con người chứ không phải thiên thần. Trong các buổi họp, chúng tôi đã nhấn mạnh vào thực tế của Sự Nhập thể Giáng Sinh này… và lũ quỷ đã hú lên.
Nghi lễ trừ tà cổ xưa trực tiếp nhắc nhở Satan về sự thật này:
“ Tôi khẩn cầu mọi linh hồn ô uế, mọi bóng ma từ địa ngục, mọi thế lực của quỷ dữ, nhân danh Chúa Giêsu Kitô... hãy ngừng tấn công tạo vật mà Ngài đã tạo ra từ bùn đất vì danh dự và vinh quang của chính Ngài; hãy run sợ trước con người khốn khổ, nhìn thấy ở họ hình ảnh của Chúa toàn năng, thay vì tình trạng yếu đuối của con người. “
Thiên Chúa, trong sự Nhập thể của Chúa Giêsu, đã đưa con người từ “bùn đất” lên “hình ảnh của Thiên Chúa toàn năng”. Satan sẽ nổi giận chống lại điều này mãi mãi và sẽ cố gắng tiêu diệt mọi con người. Nhưng Chúa Giêsu sẽ bảo vệ chúng ta.
Những buổi trừ tà trong mùa Giáng Sinh là lời nhắc nhở cho tôi và Đội của chúng tôi về ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh. Ma quỷ biết “lý do của mùa lễ”. Nhưng chúng từ chối nó. Tuy nhiên, chúng ta, các Kitô hữu, vui mừng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao!” Chúng ta đã được ban tặng món quà không thể tin được là được nâng lên theo hình ảnh của Chúa.
Source:Catholic Exorcism
3. Đức Hồng Y Pizzaballa: Cần những khuôn mặt mới ở Trung Đông
Sáng ngày 23 tháng Giêng vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến riêng Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem. Phòng Báo chí Tòa Thánh không cho biết thêm chi tiết và nội dung cuộc tiếp kiến này.
Trước đó, báo La Repubblica, Cộng hòa, ở Ý đã đăng bài phỏng vấn Đức Hồng Y, trong đó ngài nhận định rằng toàn vùng Trung Đông đang ở trong một khúc quanh. Các chính quyền và cộng đồng tôn giáo cần một hàng ngũ lãnh đạo mới, ngôn ngữ mới và những viễn tượng mới. Theo Đức Hồng Y, qui luật gọi là “Status quo” sẽ không tồn tại lâu hơn. Qui luật này xác định tương quan của các cộng đoàn Kitô khác nhau trong việc sử dụng các nơi thánh ở Thánh địa.
Đức Hồng Y Pizzaballa cũng kêu gọi thực hiện một khúc quanh trong cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Do thái giáo. Ngài nói: “Thời kỳ sau Công đồng chung Vatican II và những gì tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng xác định trong cuộc đối thoại liên tôn, nay đã qua rồi. Tuyên ngôn này phải tiếp tục có một ảnh hưởng, nhưng cũng cần phải phát triển những kiểu mẫu và những viễn tượng mới. Cuộc đối thoại phải có tính chất thần học nhiều hơn và bớt chính trị hơn. Chúng ta phải bắt đầu đề cập đến điều mà chúng ta vẫn luôn tránh né; đó là những điều chúng ta suy nghĩ khác nhau, như sự giải thích Kinh thánh”. Đức Hồng Y nói: “Bạn không thể khai triển một trình thuật mới từ hư vô, nhưng phải xây trên một nền tảng vững chắc. Theo nghĩa này, đối thoại giữa các tôn giáo có thể là hữu ích, nhưng nó phải đề cập tới những giải thích khác nhau của chúng ta, trong sự tôn trọng và cởi mở”.
Tuyên ngôn Nostra Aetara của Công đồng chung Vatican II, về tương quan của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo khác, đặc biệt là với Do thái giáo và Hồi giáo, dựa trên một căn bản mới và đặc biệt nhấn mạnh đến những điểm chung giữa các tôn giáo.
Cuộc viếng thăm liên đới của phái đoàn giám mục Âu Mỹ
Mặt khác, hôm thứ Năm, ngày 23 tháng Giêng vừa rồi, cuộc viếng thăm của phái đoàn Giám mục Âu Mỹ tại Thánh địa, trong tinh thần liên đới, đã kết thúc. Trong tuyên ngôn công bố vào cuối cuộc viếng thăm, các giám mục đã bày tỏ lo âu về sự mong manh của cuộc đình chiến giữa Israel và Hamas, nhưng các vị cũng hy vọng nó đánh dấu một sự khởi đầu một nền hòa bình thực sự và lâu bền. Cần giải quyết tận căn những nguyên nhân tạo nên cuộc xung đột lâu dài.
Hãng tin Công Giáo Đức KNA cho biết trong cuộc viếng thăm, các giám mục đặc biệt quan tâm đến những hậu quả của chiến tranh đối với những lãnh thổ của Palestine bị Israel xâm lược, và không được thông tin đầy đủ. Khi viếng thăm các cộng đoàn Kitô ở Thánh địa, các giám mục đã lắng nghe tiếng kêu mong được công lý và hòa bình: người Palestine phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn lớn lao thường nhật, kể cả tình trạng bị hạn chế ngặt nghèo đối với sự đi lại, thiếu điện nước, thiếu giấy phép xây cất và tỷ lệ thất nghiệp rất cao, vì Israel thu hồi giấy phép của 150.000 người Palestine, không cho họ được vào làm việc ở Israel nữa.
Đức Tổng Giám Mục Udo Betz của Giáo phận Paderborn đã đại diện Hội đồng Giám mục Đức tham gia tuần lễ viếng thăm của các giám mục Âu Mỹ tại Thánh địa. Ngài mô tả tình hình ở Thánh địa là “không thể chịu nổi”; cần có sự thay đổi chính sách của Israel tại miền Cisjordani để cuộc sống của người Palestine có những cơ may thực sự. Điều kiện sống của người Palestine ngày càng trở nên xấu hơn từ khi bắt đầu chiến tranh ở Gaza vì những người Do thái cực đoan định cư trên đất Palestine ở Cisjordanie liên tục lấn đất và có những hành động bạo lực chống người địa phương.
Trong tuyên ngôn, các giám mục Âu Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện một sự trợ giúp phát triển thực tiễn và cụ thể như thành phần của một tiến trình nhằm đạt tới hòa bình lâu bền”.
Đức Thượng phụ Pizzaballa cũng như Đại sứ Đức tại Israel, ông Steffen Seibert nói rõ rằng bước đầu tiên phải thực hiện là giảm bớt sự oán ghét và tái lập sự tín nhiệm giữa người Israel và Palestine, để khởi sự tiến trình đối thoại giữa các nhóm xung đột với nhau và chuẩn bị điều kiện cho những giải pháp bao quát từng bước nhỏ, theo Đức Tổng Giám Mục Ugo Bentz.