Trong Thánh lễ đặc biệt tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đánh dấu Chúa Nhật Lời Chúa bằng cách bổ nhiệm 40 người Công Giáo từ nhiều châu lục làm người đọc sách bao gồm các tín hữu từ Iceland đến Philippines.
Thánh lễ ngày 26 Tháng Giêng đã khép lại Năm Thánh kéo dài ba ngày của Thế giới Truyền thông, một phần của Năm Thánh Hy vọng năm 2025. Thánh lễ nhấn mạnh chủ đề của năm nay, “Tôi hy vọng vào Lời Chúa”, được trích từ Thánh Vịnh 119.
Những người đọc sách mới được bổ nhiệm bao gồm 4 đại diện từ Albania, 3 từ Á Căn Đình, 5 từ Áo, 1 từ Bolivia, 4 từ Brazil, 5 từ Phi Luật Tân, 1 từ Iceland, 6 từ Ý, 5 từ Mễ Tây Cơ, 1 từ Ba Lan và 5 từ Slovenia.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Lời Chúa sống động: qua nhiều thế kỷ, Lời Chúa đồng hành với chúng ta và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Lời Chúa hoạt động trong mọi thời đại. Vì Chúa luôn trung thành với lời hứa của Người, lời hứa mà Người luôn giữ trong tình yêu của Người đối với nhân loại. Đây chính xác là điều Chúa Giêsu nói trong hội đường ở Nazareth: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà anh em vừa nghe” (Lc 4:21).
Thưa anh chị em, thật là một sự trùng hợp may mắn! Vào Chúa Nhật Lời Chúa, vào đầu Năm Thánh này, chúng ta công bố trang này của Phúc Âm Luca, trong đó Chúa Giêsu tỏ mình là Đấng Messia, “Đấng được xức dầu” (câu 18) và được sai đến để “công bố năm hồng ân của Chúa” (câu 19)! Chúa Giêsu là Lời hằng sống, trong đó mọi Sách Thánh đều được ứng nghiệm. Trong Phụng vụ thánh hôm nay, chúng ta là những người đương thời với Người; chúng ta cũng tràn đầy sự kinh ngạc, mở lòng và trí để lắng nghe Người, vì “chính Người nói khi Sách Thánh được đọc trong Giáo hội” (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 7). Tôi đã nói một từ: kinh ngạc. Khi chúng ta nghe Phúc Âm, là lời của Chúa, thì không chỉ đơn thuần là vấn đề lắng nghe hay hiểu những lời ấy, không phải như thế. Chúng phải chạm đến trái tim chúng ta và mang lại điều tôi đã nói, “kinh ngạc”. Lời Chúa luôn làm chúng ta kinh ngạc; nó luôn đổi mới chúng ta. Nó đi vào trái tim chúng ta và luôn đổi mới chúng ta.
Trong tinh thần đức tin hân hoan này, chúng ta được mời gọi chấp nhận lời tiên tri cổ xưa như đến từ chính Trái tim của Chúa Kitô, và suy ngẫm về năm hành động đặc trưng cho sứ mệnh độc đáo và phổ quát của Đấng Mêsia. Một sứ mệnh độc đáo, bởi vì chỉ mình Người mới có thể hoàn thành; một sứ mệnh phổ quát, bởi vì Người muốn lôi kéo mọi người vào đó.
Trước hết, Chúa Giêsu được xức dầu “để loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (câu 18). Đây là “Tin Mừng”, Tin Mừng mà Chúa Giêsu công bố: Nước Thiên Chúa đã gần! Khi Thiên Chúa trị vì, chúng ta được cứu độ. Chúa đến thăm dân Người, chăm sóc những người thấp hèn và khốn khổ. Tin Mừng là lời của lòng trắc ẩn; nó kêu gọi chúng ta thực hành đức bác ái, tha thứ cho những món nợ của người lân cận và quảng đại phục vụ người khác. Chúng ta đừng quên rằng Chúa gần gũi, thương xót và nhân hậu. Phong cách của Thiên Chúa là gần gũi, thương xót và nhân hậu.
Hành động thứ hai của Chúa Kitô là “rao truyền sự giải thoát cho những người bị giam cầm” (câu 18). Anh chị em thân mến, ngày của sự dữ đã được đếm, vì tương lai thuộc về Thiên Chúa. Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta khỏi mọi tội lỗi và giải thoát trái tim chúng ta khỏi mọi thứ trói buộc chúng, vì Người mang sự tha thứ của Chúa Cha vào thế giới. Tin Mừng là lời thương xót, kêu gọi chúng ta trở thành những chứng nhân nhiệt thành của hòa bình, đoàn kết và hòa giải.
Hành động thứ ba trong việc Chúa Giêsu thực hiện lời tiên tri là ban “sự phục hồi thị lực cho người mù” (câu 18). Đấng Mêsia mở mắt tâm hồn chúng ta, thường bị lóa mắt bởi sự quyến rũ của quyền lực và những điều phù phiếm: những căn bệnh của tâm hồn ngăn cản chúng ta thừa nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và che giấu khỏi tầm mắt của chúng ta những người yếu đuối và đau khổ. Phúc âm là lời của ánh sáng, kêu gọi chúng ta đến với chân lý và kêu gọi chúng ta làm chứng cho đức tin của mình và kiên trì thực hành đức tin.
Hành động thứ tư của Chúa Giêsu là “giải thoát những người bị áp bức” (câu 18). Không một hình thức nô lệ nào có thể chống lại công trình của Đấng Mêsia, Đấng làm cho chúng ta trở thành anh chị em trong danh Người. Các nhà tù của sự bách hại và ngục tối của sự chết được mở toang bởi quyền năng đầy nhiệt huyết của Thiên Chúa. Phúc Âm là lời tự do, kêu gọi chúng ta hoán cải tâm hồn, toàn vẹn tâm trí và kiên trì trong thử thách.
Cuối cùng, hành động thứ năm: Chúa Giêsu được sai đến “để công bố năm hồng ân của Chúa” (câu 19). Năm đó là một thời đại mới, một thời đại không hủy diệt sự sống, nhưng tái sinh nó. Đó là một “Năm Thánh”, và theo nghĩa này, giống như năm mà chúng ta đang cử hành như một cách chuẩn bị trong hy vọng cho cuộc gặp gỡ chung cuộc của chúng ta với Đấng Cứu Thế. Tin Mừng là một lời vui mừng, kêu gọi chúng ta chấp nhận và hiệp thông với nhau, khi chúng ta thực hiện cuộc hành trình lữ hành hướng đến Vương quốc Thiên Chúa.
Bằng năm hành động này, Chúa Giêsu thậm chí bây giờ đã hoàn thành lời tiên tri của Isaia. Bằng cách giải thoát chúng ta khỏi cảnh giam cầm, Người nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đến gần chúng ta trong cảnh nghèo đói, cứu chuộc chúng ta khỏi sự dữ, soi sáng đôi mắt chúng ta, phá vỡ ách áp bức và đưa chúng ta vào niềm vui của một thời đại và lịch sử vĩ đại hơn, trong đó Người luôn hiện diện, đồng hành bên cạnh chúng ta và hướng dẫn chúng ta đến với sự sống vĩnh cửu. Đúng vậy, ơn cứu độ Người ban cho chúng ta vẫn chưa được thực hiện trọn vẹn. Chúng ta biết điều này. Tuy nhiên, chiến tranh, bất công, đau khổ và cái chết sẽ không có lời cuối cùng. Phúc âm không bao giờ làm chúng ta thất vọng.
Anh chị em thân mến, vào ngày Chúa Nhật dành riêng cho Lời Chúa, chúng ta hãy tạ ơn Chúa Cha vì đã nói với chúng ta qua chính Ngôi Lời của Người, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm để cứu độ thế giới. Tất cả các Sách Thánh, có những người viết là con người và Chúa Thánh Thần là tác giả đích thực (x. Dei Verbum, 11), đều hướng đến biến cố này. Toàn bộ Sách Thánh nói về Chúa Kitô và công trình của Người, mà Chúa Thánh Thần làm cho hiện diện và hoạt động trong cuộc sống và trong lịch sử của chúng ta. Khi chúng ta đọc Sách Thánh, khi chúng ta cầu nguyện và nghiên cứu Sách Thánh, chúng ta không chỉ tiếp nhận thông tin về Thiên Chúa; chúng ta tiếp nhận Chúa Thánh Thần, Đấng nhắc nhở chúng ta về tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm (x. Ga 14:26). Theo cách này, tâm hồn chúng ta, được đức tin nung nấu, chờ đợi trong hy vọng về ngày Chúa đến. Anh chị em thân mến, chúng ta phải trở nên quen thuộc hơn với việc đọc Sách Thánh. Tôi muốn đề nghị tất cả chúng ta hãy có một bản sao nhỏ, bỏ túi của các sách Phúc Âm hoặc Tân Ước. Chúng ta luôn có thể mang theo trong túi để có thể đọc vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày. Một câu, hai câu để trong suốt cả ngày chúng ta có thể tiếp xúc với Chúa. Một bản sao nhỏ của Phúc âm là đủ.
Chúng ta hãy nhiệt thành đáp lại Tin Mừng của Chúa Kitô! Vì Chúa đã không nói với chúng ta như những người lắng nghe thầm lặng, nhưng như những chứng nhân của Người, được kêu gọi để truyền giáo mọi lúc mọi nơi. Hôm nay, bốn mươi anh chị em từ nhiều nơi trên thế giới đã đến để nhận chức vụ Đọc Sách. Cảm ơn anh chị em! Chúng ta biết ơn họ và chúng ta cầu nguyện cho họ. Tất cả chúng ta đang cầu nguyện cho anh chị em. Chúng ta hãy cam kết mang Tin Mừng đến với người nghèo, công bố sự giải thoát cho những người bị giam cầm và phục hồi thị lực cho người mù, giải thoát những người bị áp bức và công bố năm hồng ân của Chúa. Vâng, thưa anh chị em, chúng ta sẽ biến đổi thế giới theo ý muốn của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc thế giới bằng tình yêu bao la của Người. Cảm ơn anh chị em!
Source:Vatican News