Xem hình ảnh

Những người Công Giáo VN hành hương đến Roma trong Năm Thánh 2025 chắc chắn sẽ đến thăm ít nhất một trong bốn đền thờ giáo hoàng là Đền Thờ Thánh Phêrô, đền thờ Thánh Gioan Latêranô, Đền Thờ Đức Bà Cả và đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để được hưởng Ơn Toàn Xá.

Ngòai ra, nhiều người Việt Nam khi thăm viếng đền thánh Phêrô sẽ không thể bỏ qua những nơi liên hệ đến Việt Nam ngay sát cạnh đấy, như Nhà Tổng Quyền dòng Tên (Curia Generalizia Compagnia di Gesu,) nơi lưu giữ thủ cấp của vị tử đạo tiên khởi VN là Á Thánh Anrê Phú Yên và, có thể đi bộ thong thả một chút nữa về hướng Nam, là ngôi mộ của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong nhà thờ Chiesa Santa Maria Della Scala.

Nhưng đã bỏ công đi thăm mộ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, thì tại sao không thong thả đi thêm 15 phút nữa mà tới viếng Vương Cung Thánh Đường Thánh Cecilia ở Trastevere, nơi tôn kính thánh bổn mạng của các Ca Đoàn? Đồng thời cũng được hưởng thêm một ơn Toàn Xá nữa mà dành cho các đẳng linh hồn?

Trong năm thánh này, tòa Ân Giải Tối Cao đã ban Ơn Toàn Xá đặc biệt cho những ai hành hương đến các nhà thờ lịch sử ở Roma tôn kính các vị thánh nữ vĩ đại của Giáo Hội là Thánh Catherine thành Siena, Thánh Brigid của Thụy Điển, Thánh Teresa thành Avila, Thánh Têrêsa thành Liseux, Thánh Cecilia ở Trastevere và Thánh Monica.

Cụ thể, các nơi nói trên là những nhà thờ sau đây:

-Vương cung thánh đường Santa Maria Sopra Minerva (có lăng mộ của Thánh Catherine thành Siena)

-Nhà thờ Thánh Brigid ở Campo de' Fiori (Là Nhà thờ đầu tiên xây lên để tôn kính Thánh Brigid của Thụy Điển)

-Nhà thờ Santa Maria della Vittoria (có bức tranh nổi tiếng tên là ‘the Ecstasy of Saint Teresa’ của Gian Lorenzo Bernini mô tả cảnh Ngất Trí của Thánh Teresa Avila)

-Nhà thờ Trinità dei Monti (gần Spanish Steps, có lưu giữ ký ức 'Bông hoa nhỏ' của Thánh Teresa thành Lisieux)

-Vương cung thánh đường Thánh Cecilia ở Trastevere (Có tượng và mộ Thánh Cecilia)

-Vương cung thánh đường Sant'Augustino ở Campo Marzio (Có nguyên đường và mộ Thánh Monica)

Lộ trình:

Chúng tôi sẽ bàn về sự tích và những vấn đề chung quanh ‘nhân vật lịch sử Cecilia’ để cung cấp tài liệu cho những độc giả nào muốn sưu tầm thêm, nhưng bây giờ thì chúng tôi xin giới thiệu lộ trình dành cho những ai tổ chức (hoặc đi tự túc) hành hương ở Roma, sẽ đi qua những di tích liên hệ đến Việt Nam, và kết thúc là Vương Cung Thánh Đường Thánh Cecilia.

(Trong album đính kèm, chúng tôi đăng lại nhiều hình cuả cuộc hành hương VietCatholic ở Roma vào cuối tháng 10 năm 2018 do Cha cố Trần Công Nghị tổ chức, đã đi qua nhiều địa điểm trong bài này.)

Đây là một lộ trình đi bộ chỉ dài 2.9 km (1.8 mile,) bắt đầu từ Công Trường Thánh Phêrô, đi bộ rất gần để thăm thủ cấp Á Thánh Anrê Phú Yên được lưu giữ tại Nhà Tổng Quyền cuả dòng Tên (Curia Generalizia Compagnia di Gesu,) rồi tản bộ theo bờ sông Tiber để thăm mộ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trong nhà thờ Chiesa Santa Maria Della Scala, và kết thúc là đền thánh Basilica di Santa Cecilia trong phố Trastevere. Tổng số giờ đi bộ là 37 phút theo Google Map.

Lộ trình có thể co dãn thành nửa ngày để bao gồm nhiều giây phút dong chơi trên bờ sông Tiber lãng mạn, la cà các gian hàng tiểu công nghệ vừa nhỏ vừa xinh kiểu Bohemian trên các con đường quanh co bình yên của khu phố Trastevere, là khu phố đứng thứ 3 nhửng nơi đáng thăm của Roma (Sau #1 Centro Storico và #2 Trevi, Spanish Steps và Tridente), hoặc làm thực khách ngồi chơi dông dài ở các quán vệ đường vừa đông vừa rẻ, mà nhâm nhi món khoai tây cắt nhỏ trộn bơ, nướng lò với hành tỏi muối tiêu, dậy mùi thơm phưng phức… Và chắc chắn nhiều người cũng sẽ muốn lưu lại các nhà thờ một nửa giờ để cầu nguyện và chụp hình. Không kể thêm là trên lộ trình sẽ có người còn muốn ghé qua nhà thờ Church of the Holy Spirit in Sassia, là trụ sở thế giới cuả phong trào Lòng Thương Xót Chuá (nằm cạnh dòng Tên,) và Nhà Thờ Basilica of Our Lady in Trastevere, là nhà thờ đầu tiên được xây lên để tôn kính Đức Mẹ và nay là nhà thờ cổ kính nhất cuả Roma (gần nơi HY Thuận.)

Trước nhà thờ Thánh Cecilia có một công trường nhỏ tên là Piazza di Santa Cecilia, mà xe buýt có thể đưa đón khách hành hương một cách thong thả.

Một điều cần ghi nhớ đó là nhà thờ Thánh Cecilia nằm trong khuôn viên của một tu viện kín, cho nên giờ mở cổng giới hạn từ 10.00g sáng đến 13.00 trưa và từ 16.00g chiều đến 19.00g tối.


Sự tích bi hùng của thánh Cecilia

Thánh Cecilia đã từng là một thánh nữ được aí mộ nhất cuả Roma, là quan thầy cuả các Nhạc Sĩ, trước năm 1960, qua trên một ngàn năm, tên cuả Ngài được nhắc tới trong kinh Tiền Tụng cuả Thánh Lễ…Đến thập niên 1960 thì niên lịch Phụng Vụ cuả Giáo Hội đã đổi ngày lễ cuả Ngài thành ra Lễ Nhớ mà thôi.

Vấn đề là người ta đã không thể chứng minh được câu chuyện về cuộc đời cuả Ngài là có thực.

Xin minh định một điều quan trọng ở đây, đó là ‘nhân vật’ Cecilia là một ‘nhân vật có thực’ không thể chối cãi, chưa hề có ai đặt vần đề này cả, và lịch sử cũng cho thấy rằng Ngài là vị thánh đầu tiên mà xác đã được Chuá quan phòng không để cho hư rưã và những văn bản giám định về tình trạng ‘xác không bị tiêu hủy’ cuả Ngài được xem là đầy đủ chi tiết, không hề có sự nghi ngờ.

Chỉ có một điều là, câu chuyện cuộc đời cuả Ngài đã được viết ra khoàng năm 600, tức là 300 năm sau khi Ngài qua đời, và người ta đã không tìm được một bút tích nào khác viết về Ngài trước đó cả.

Cho đến khi tìm được một ‘dấu vết lịch sử’ nào đó (hoặc trong thời cuả Ngài, hoặc trong lúc những nhân chứng cùng thời với ngài còn sống) để chứng minh, thì câu chuyện cuộc đời cuả Ngài phải xem như là một sự tích ‘truyền khẩu dân gian’ mà thôi.

Mà đây lại là một sự tích bi hùng và huyền diệu, như sau:

Người ta tin rằng việc tử đạo cuả Ngài đã diễn ra trong thời Hoàng Đế Alexander Severus, vào khoảng năm 222-230.

Cecilia là một ‘công nương’ của một gia đình La Mã giàu có và danh giá. Mặc dù Ngài ước ao dâng mình cho Chuá nhưng theo thói tục cuả giới quyền quí thì Ngài được gả cho một nhà quý tộc trẻ tên là Valerian. Vào đêm tân hôn Thánh Cecilia đã thuyết phục được người chồng sau khi cho chồng thấy vị thiên thần hộ mệnh đang đứng bên cạnh mình.

Người anh trai của chồng là Tiburtius cũng được thánh Cecilia cải đạo. Cả hai sau đó đã bị bắt vì tội theo Kitô giáo, bị chặt đầu (theo truyền thống thì những qúi tộc La Mã không bị đóng đinh) và bị phơi xác dọc theo con đường Appian. Trước khi tử đạo, Valerian và Tiburtius cũng đã thuyết phục được ông đội trưởng là Maximus theo đạo và được hưởng phúc tử đạo với họ.

Cecilia bị bắt vì đã lén lút lấy đi và đem chôn thi thể của họ và đó trở thành một tội ác chống lại Hoàng Đế cho nên Cecilia phải lựa chọn, hoặc phải tế lễ cho các vị thần ngoại đạo hoặc bị xử chết. Cecilia đã kiên quyết chọn cái chết.

Bởi vì là một công nương quý tộc trẻ đẹp, vị quan toà đã quyết định hành hình thánh Cecilia một cách kín đáo để tránh những lời ai oán của dân chúng. Vị thánh bị nhốt vào cái lò nấu nước của hồ tắm cho chết ngạt. Nhưng qua một ngày một đêm, Ngài vẫn không hề hấn gì.

Một tay đao phủ lão luyện được sai tới để chặt đầu, nhưng hắn mất can đảm khi phải đối diện với vị thánh nữ, hắn đã chém tới ba nhát đao là số chém tồi đa theo luật La Mã mà không xong và hắn đã phải bỏ trốn để giữ lấy mạng mình.

Thánh Cecilia nằm gục bên hồ tắm, nửa cổ bị cắt, nằm ngiêng về phía bên phải, hai bàn tay của Ngài đan chéo nhau trong tư thế cầu nguyện và nằm ở vị trí đó qua ba ngày đêm. Vị trí của những ngón tay, ba ngón mở rộng bên tay phải và một ngón chỉ vào từ bên tay trái, như là dấu chỉ vào lòng tin về Chúa Ba Ngôi trong lúc Ngài không còn có thể nói lên được nữa.

Sau khi chết, những Kitô hữu lúc bấy giờ phủ lên Ngài một chiếc áo choàng bằng lụa có thêu chỉ vàng và đặt Ngài vào một cỗ quan tài bằng gỗ bách, họ vẫn giữ nguyên tư thế của Ngài như khi chết. Dưới chân Ngài, họ đặt các tấm khăn và vải trùm đầu đã được sử dụng để thấm máu.

Ngài được đem chôn một cách lén lút trong hang toại đạo Thánh Callistus bời vị Giám mục cuả Ngài, sau này trở thành Giáo hoàng Urban I, và cũng là người đã từng rửa tội cho chồng và anh rể cuả Ngài.

Cũng Đức Giáo Hoàng Urban I đã bí mật dựng lên một nguyện đường tôn kính Thánh Cecilia ngay trong ngôi biệt thự của gia đình Ngài.

Vào năm 822 sau này, sau khi tân trang ngôi nguyện đường tôn kính Ngài, Đức Giáo Hoàng Pascal I đã ước ao muốn cải táng ngôi mộ cuả Ngài về nhà thờ mới nhưng lúc đó không có ai còn nhớ vị trí ngôi mộ trong hang toại đạo ở đâu nữa. Trong lúc đang buồn rầu và cầu nguyên thì Thánh Cecilia đã hiện ra với vị Giáo Hoàng và chỉ cho biết vị trí đích xác cuả ngôi mộ ở đâu.

Khi khai quật ngôi mộ, lúc đó người ta mới biết xác cuả Ngài đã không hề bị hư nát.

Đức Giáo Hoàng Pascal I đã cải táng 4 ngôi mộ, cuả Thánh Cecilia, xương của chồng, cuả anh rể, và cuả thánh tử đạo Maximus (ông đội trưởng), mà chôn lại dưới bàn thờ.

770 năm sau nữa, khi ngôi nhà thờ cần phải sửa chữa những chỗ hư hỏng thì Đức Hồng Y Paolo Emilio Fondrato đã ra lệnh cải táng thêm một lần nữa, và lần này ngài ra lệnh phải ghi chép cẩn thận, và đã trở thành một hồ sơ khai quật chi tiết nhất năm 1599.

Theo hồ sơ thì vào ngày 20 tháng 10, khi đào bới dưới bàn thờ, người ta đã tìm được 2 chiếc quách bằng đá cẩm thạch trắng, phù hợp với những tài liệu dưới thời Giáo Hoàng Pascal I.

Đức Hồng Y đã mở chiếc quách trước nhiều nhân chứng đáng tin. Sau khi chiếc nắp cẩm thạch được gỡ ra, thì chiếc quan tài bằng gỗ bách trông vẫn còn tốt cũng lộ ra. Đức Hồng Y, với cảm xúc run rẩy mà ai cũng có thể hiểu được, đã nâng nắp hòm lên, để lộ ra một thân xác vẫn còn nguyên vẹn như xưa.

Xác cuả Ngài vẫn nằm ở cùng một vị thế cuả 1500 năm trước. Nhìn qua tấm màn lụa che, ngươì ta có thể thấy được chiếc váy thêu chỉ vàng, thấy vết chém ở cổ và những vải thấm máu đặt dưới chân.

Đức Giáo Hoàng Clement VIII đã gửi Đức Hồng Y Baronius và ông Antonio Bosio, là nhà bác học nghiên cứu về hầm mộ ở Roma, tới điều tra, và họ đã để lại cho chúng ta những tài liệu vô giá mô tả sự kiện khai quật này.

Nhìn qua tấm màn che, họ mô tả Thánh Cecilia là một phụ nữ mảnh mai và cái đầu thì quay xuống đất che mất khuôn mặt, nhưng do "sự tôn kính các thánh," họ không thực hiện thêm một sự kiểm tra nào khác nữa. Ông Bosio thì ghi thêm ý kiến của mình rằng xác vị Thánh vẫn giữ nguyên một vị thế như khi mới chết.

Một nhà điêu khắc trẻ lúc đó là Stefano Maderno, là người đang bảo quản các hình tượng trong nhà thờ, đã khắc ra một bức tượng của thánh Cecilia, và bức tượng đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất cuả nước Ý. Bức tượng, mô tả chính xác cơ thể của Thánh Cecilia, nay được đặt trong hòm kiếng dưới bàn thờ bằng đá cẩm thạch đen. Việc thiết kế bàn thờ như là một quan tài đang mở cuả Maderno đã trở thành một cái mẫu cho nhiều thiết kế danh tiếng sau này.

Ngày nay trong hang toại đạo Thánh Callistus, người ta cũng đặt tại vị trí ngôi mộ cũ cuả Thánh Cecilia một bức tượng sao chép y hệt bức tượng cuả Maderno ở Nhà Thờ.

Nhà thờ ‘Vương Cung Thánh Đường’ Thánh Cecilia được xây trên vị trí cuả ngôi biệt thự gia đình, nay là Tu Viện Biển Đức Nữ. Một nhà nguyện bên phải cuả Thánh Đường, gọi là Caldarium ghi dấu nơi mà Thánh Cecilia đã bị xử tử. Tại đây vẫn còn dấu vết cuả hồ tắm La Mã cổ xưa; những bể nước chung quanh hồ tắm chứa nước nấu xôi từ các hầm bên dưới. Phiến đá cẩm thạch dùng làm mặt bàn thờ được coi là phiến đá mà Thánh Cecilia đã nằm trong lúc bị nhốt cho chết ngạt, và cũng có thể là phiến đá mà Ngài đã gục xuống khi bị đao phủ chém.

Trong nhà thờ, ngoài bức tượng của Thánh Cecilia, còn có nhiều tác phẩm nổi danh khác nữa, như sau:

Bức hình Ngày Tận Thế (The Last Judgment) cuả Pietro Cavallini (c. 1293) và caí trướng trên bàn thờ do Arnolfo di Cambio (1200s).

Nhà Thờ hầm (The Crypt) thiết kế theo kiểu trang trí thời Trung Cổ gọi là Cosmati là nơi chứa hầm mộ cuả Thánh Cecilia và chồng là thánh Valerian.