Đức Cha James Conley, Giám Mục của Giáo phận Lincoln, Nebraska, đã ban hành chính sách mới cấm các linh mục sử dụng điện thoại thông minh trong tòa giải tội.

Cha Caleb La Rue, chưởng ấn của Giáo phận Lincoln, nói với CNA rằng ngài đã nghe giai thoại về một số giáo phận khác thực hiện các chính sách tương tự, đặc biệt là vì lo ngại về quyền riêng tư — ngài lưu ý rằng có những ưu tư rằng vị linh mục có thể “vô tình chạm vào nút record, hoặc trường hợp xấu nhất là một linh mục gọi điện cho một người, rồi quên tắt đi và phát sóng lời thú tội của hối nhân”.

Tuy nhiên, Cha La Rue cho biết động lực chính cho chính sách của giáo phận Lincoln thực ra không phải là những lo ngại về quyền riêng tư mà là sự thừa nhận rằng thời gian giải tội của một linh mục phải yên tĩnh, cầu nguyện và không bị sao nhãng.

Cha cho biết Đức Cha Conley đã “khuyến khích mạnh mẽ” các linh mục không mang điện thoại thông minh vào phòng giải tội kể từ ít nhất năm 2014, nhưng vẫn chưa chính thức ban hành lệnh cấm cho đến năm nay.

“Bạn sẽ không để điện thoại trên bàn thờ khi đang cử hành Thánh lễ — tại sao bạn lại để điện thoại khi đang giải tội?” cha nói, đồng thời cho biết thêm rằng điều quan trọng là phải phản bác lại “quan niệm cho rằng có các linh mục đang lướt Twitter trong khi giải tội”.

Tuy nhiên, Cha La Rue thừa nhận rằng nhiều linh mục ở Lincoln — bao gồm cả ngài — thích sử dụng điện thoại thông minh trong phòng giải tội vì những lý do hoàn toàn vô hại, chẳng hạn như để xem giờ và tra cứu lời cầu nguyện hoặc bài đọc Kinh thánh. Những hối nhân cũng thường mang điện thoại vào toà giải tội vì họ có danh sách tội lỗi của mình trên đó hoặc vì họ cần đọc kinh Ăn Năn Tội trên đó.

Tuy nhiên, cuối cùng, Cha La Rue cho biết chính sách này thực chất là “loại bỏ bất cứ điều gì có thể cản trở hoặc trở thành trở ngại” đối với “cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Kitô”.

“Đó là cố gắng giữ các bí tích như những cuộc gặp gỡ thánh thiện với Chúa, đặc biệt là lòng thương xót của Chúa trong tòa giải tội,” ngài nói.

Điều quan trọng cần lưu ý là Giáo Hội Công Giáo rất coi trọng quyền riêng tư trong tòa giải tội.

Bí tích xưng tội, còn gọi là Bí tích Hòa giải, được Chúa Giêsu Kitô thiết định như một phương thế để tha thứ tội lỗi. Ngài truyền lại thẩm quyền tha tội cho các tông đồ, những người sau đó truyền lại cho các linh mục ngày nay.

“Ấn tín giải tội” ràng buộc các linh mục phải coi trọng tối đa quyền riêng tư của hối nhân với sự trang trọng; trên thực tế, trong nhiều thế kỷ, một số linh mục đã chọn cái chết thay vì tiết lộ những gì các ngài đã nghe. Nếu một linh mục tiết lộ bất kỳ thông tin nào mà ngài biết được trong bối cảnh tòa giải tội, ngài sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết khỏi Giáo hội latae sententiae — nghĩa là tự động bị vạ tuyệt thông.

Còn nếu người khác nghe được lời thú tội của bạn, hoặc bạn vô tình nghe được người khác thú tội thì sao? Vâng, trong trường hợp đó, người nghe được lời thú tội sẽ bị ràng buộc bởi cái được gọi là “bí mật” và bị cấm chia sẻ bất kỳ thông tin nào trong số đó.

Một giáo dân Công Giáo có thể bị vạ tuyệt thông vì tiết lộ bí mật, mặc dù thông thường việc này sẽ liên quan đến một quá trình trừng phạt chứ không diễn ra tự động như đối với các linh mục.

Như bạn có thể tưởng tượng, cố ý ghi lại lời thú tội của ai đó cũng là một điều tối kỵ. Giáo hội đã chính thức giải quyết vấn đề này trong một sắc lệnh năm 1988, trong đó Bộ Giáo lý Đức tin đã viết rằng bất kỳ ai ghi lại hoặc tiết lộ lời thú tội của một người đều bị vạ tuyệt thông tiền kết khỏi Giáo hội.


Source:Catholic News Agency