CÓ PHẢI HOA THỊNH ĐỐN ĐÃ ĐƯA ÔNG DIỆM VỀ LÀM TỔNG THỐNG ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA VIỆT NAM?

Không chuyên khoa sử, không giữ bất cứ một chức vụ nào suốt thời đại Việt Nam cộng hoà đệ nhất và đệ nhị, tôi không có tham vọng viết tài liệu để ghi vào Việt Nam quốc sử. Nhưng tôi phải cầm bút, vì tôi từng có dịp sống thân mật bên cạnh Tổng thống Ngô đình Diệm từ năm 1951 cho đến khi ông chết thảm vào năm 1963. Ông Ngô là một nhà ái quốc, tận tuỵ vì dân nước, mà bình sinh gặp rất nhiều hạng người thuộc hắc đạo đã không biết nhận xét chân tướng của ông, và công trình xây dựng của ông, lại còn vu khống cho ông đủ mọi thứ tội ác, sau cùng đã giết ông một cách dã man, sau khi ông vô tội mà đành giơ tay đầu hàng để tránh cho dân Việt nhất là quân đội dưới quyền ông khỏi cảnh chém giết lẫn nhau. Chết rồi người ta vẫn không để ông an nghỉ. Tại Việt Nam họ đào mồ ông lên đem hài cốt từ Nghĩa địa Mạc đĩnh Chi lên tận Lái thiêu. Tại hải ngoại cũng như ở quốc nội, các nhà văn ít người phán đoán công bình, kết cục là thư viện khắp nơi trên thế giới chứa đầy ắp những tài liệu hoàn toàn bất lợi cho ông.

Từ trước tới nay, tôi im hơi lặng tiếng vì biết mình tài mọn, đành phải chờ đợi một ngày trời xanh mây tạnh, những người cao kiến hơn tôi, nhiều kinh nghiệm hơn tôi, vị trí trong xã hội và trong làng văn cao cả hơn tôi…, sẽ ra tay bênh vực ông Ngô đình Diệm…Nhưng tiếc thay cho tới bây giờ chỉ thấy mấy tờ báo chí ở hải ngoại (trong số có tờ Văn nghệ tiền phong), và một nhóm khá nhỏ nhà chính trị, nhà văn, nhà giáo (trong đó có các ông Lâm lễ Trinh, Nguyễn văn Chức, Hoàng hải Thuỷ và Tôn thất Thiện) dám hiên ngang đứng lên mà nói thẳng ra sự thực: ông Ngô đình Diệm, tổng thống đệ nhất Việt Nam cộng hoà là một con người thành tâm yêu nước, tội ít mà công nhiều.

Núp sau trào lưu này, tôi bụng bảo dạ: Hay là chính mình cũng sẽ viết một cuốn hồi kí ghi lại những giai thoại mình biết về ông Ngô đình Diệm trải qua 12 năm kể từ năm 1951 cho tới năm 1963? Sách có thể đề là: “Tôi thương nhớ một ông bạn vong niên: Tổng thống Ngô đình Diệm”. Ở phần thứ hai hồi kí, tôi dự tính sẽ ghi lại những lưu niệm của một quan sát viên ở hậu trường, với tư cách là bằng hữu vong niên, khách quan theo rõi các hoạt động của Tổng thống Diệm sau năm 1954. Trong phần này tôi có thể đưa ra nhiều chi tiết về sự thành công của chương trình dinh điền (Hố nai, Cái Sắn, Dốc Mơ); chương trình ấp chiến lược; các mối giao liên Cộng hoà Việt Nam với quốc tế; những cạm bẫy Cộng sản mượn diện tôn giáo mà buông kín xuống đầu ông Diệm qua Thượng toạ Thích trí Quang…Đặc biệt là cuộc hội kiến ngày 15 tháng 8 1963, có mặt Đúc Cha Ngô đình Thục và một chức sắc cao cấp Hoà Hảo mà tôi không nhớ tên (thiếu ông Nhu). Hôm đó chúng tôi thảo luận về chính sách Hoa Kỳ và Vatican, lại nói về những âm mưu đen tối của Đại sứ Cabot Lodge…Nhưng thiết tưởng mấy chuyện đó hoặc là dễ nhận xét, ai ai cũng thấy được; hoặc là đượm nặng mùi chính trị đảng phái, một linh mục như tôi cần tránh xa. Kết cục tôi quyết định chỉ viết ra phần thứ nhất: kể sơ qua mấy hoạt động của Chí sĩ Ngô đình Diệm vào giai đoạn hơn hai năm ông lưu vong ở Hoa Kỳ với hi vọng sẽ không chạm nọc ai, mà trái lại có thể trả lời câu hỏi: Có phải Mỹ đã đem Ông Ngô đình Diệm về Việt Nam thiết lập đệ nhất Cộng hoà hay không?

1 – Hai quỹ đạo (một ngôi sao sáng và một cục thiên thạch) gặp nhau

Danh tính ông Ngô đình Diệm vang lừng khắp sơn hà năm 1937, khi ông giũ bỏ áo mũ, từ chức Thượng thư Lại bộ vì bất mãn với chính phủ Bảo hộ nặng tay áp chế Nam triều. Tuy còn nhỏ tuổi (T.t. Diệm ra đời năm 1901, tôi năm 1920; niên canh hơn kém nhau gần hai con giáp theo tiểu chu Kỳ – xem Giáp ở cuốn Từ điển Văn học Việt Nam TvKiệm sắp xuất bản) tôi cũng tò mò tìm hiểu thêm. Câu phong dao bình dân trên cửa miệng trẻ con xứ Huế lúc ấy đã vang xa tới tận Ninh bình, Thanh hoá nơi tôi sống lúc bấy giờ: “Phế vua không Khả, đào mả không Bài”; Ông Khả là ai vậy? Ông Bài là ai vậy? Dần dần tôi mới hay: lưỡng vị là hai bậc lương đống của Nam triều dưới triều vua Thành thái, cả hai theo Thiên Chúa giáo, và ông Nguyễn hữu Bài đã cực lực phản kháng mấy người Pháp manh tâm xúc phạm tới lăng mộ các vua Nguyễn để tìm vàng; và Ngô đình Khả đã dám lên tiếng bênh vực mấy vua nhà Nguyễn muốn đòi tự do. Té ra người theo Thiên Chúa giáo cũng giàu lòng yêu nước như ai, và cụ Khả là phụ thân ông Diệm!

Lớn lên, vào các năm 1945-1946, lúc đó tôi đang là sinh viện đã học hết các lớp thần học tại Thượng Kiệm, gần Phát Diệm, và sắp sửa làm linh mục, thì bất ngờ tôi có dịp giáp mặt Ông Bà Trần văn Chương và Ông Bà Ngô đình Nhu (bà Nhu là lệnh ái ông bà Chương). Cả hai gia đình từ đâu được Đức Giám Mục Lê hữu Từ mời về “khu an toàn Phát Diệm”, tức là một phần huyện Kim Sơn với Phát diệm là trung tâm. (Vào giai đoạn này Đức Cha Từ tuyên bố trung lập, không theo Pháp, không cần Việt Minh). Hai bà Chương và Nhu tá túc tại nhà dòng Mến Thánh giá ở Lưu phương, còn hai ông Chương và Nhu thì sống với chúng tôi ở trường Thần học Thượng kiệm. Cho tới nay trí nhớ của tôi còn ghi rõ hình ảnh ông Nhu, ăn vận như tất cả các sinh viên khác trong trường, một mình đứng trầm ngâm dưới bóng một cây nhãn, mắt coi cá bơi lượn dưới mương: cá lặng lẽ, người lặng lẽ…

Năm 1950, tôi là linh mục hiệu trưởng sáng lập trường Trung học Trần Lục tại Phát diệm. Qua trung gian một linh mục Bỉ (cố Jacques Houssa), tôi được Đức Hồng Y Francis Cardinal Spellman, tổng Giám mục giáo phận Nữu ước, đồng thời là Tổng Tuyên uý toàn thể quân đội Hoa Kỳ, cấp cho một học bổng tại trường Iona College, New Rochelle, N.Y. Tôi vội vã học tiếng Anh, căn cứ vào cuốn Anglais sans peine, Vì đã biết sẵn La-tinh và Pháp ngữ, chỉ trong vòng mấy tháng tôi đã đọc trơn tru sách báo Anh Mỹ. Nhưng than ôi, không có radio, không có máy ghi âm, thì làm thế nào nói và nghe nổi một ngoại ngữ?

Tìm hộ chiếu còn khó khăn hơn. Vào giai đoạn này, bốn năm trước Điện biên phủ, người Pháp đã bắt đầu muốn trao thêm quyền hành chính cho công chức người Việt. Khi tôi cần hộ chiếu lại đúng là lúc giao thời: các văn phòng ở Hà nội vắng hoe. Sốt ruột, tôi bay vào Sài gòn lại thấy một tình trạng tượng tự. May sao bay trở ra Hà nội, thì vào đúng lúc người Pháp trao quyền cấp chiếu khán cho ông Nguyễn văn Hướng, phụ thân tướng Hiếu sau này sẽ thay tướng Phú để liền sau đó ngộ nạn một cách bí mật (có lẽ vì ông tướng trẻ rắp tâm tiếp tục chiến đấu với Bắc Việt cả sau khi Sài gòn sẽ đầu hàng chăng?). Qua trung gian ông Nguyễn phẩm Phúc, tôi quen thân với ông Hiếu, do đó chưa mất một giờ, tôi đã có đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho một sinh viên xuất ngoại. Ra khỏi văn phòng, tôi gặp ngay Cha Trần ngọc Thụ, từ văn phòng toà Khâm sứ Toà thánh Vatican ở Sài gòn, bước tới và đương lớ ngớ ôm một chồng chiếu khán chưa đóng dấu của một số khá đông linh mục, chủng sinh và tu nữ được học bổng đi Âu châu và Mỹ châu. Tôi liền tiến dẫn và ông Hướng vui vẻ đóng dấu liền. (Sau này linh nục Trần ngọc Thụ sẽ làm bí thơ riêng cho Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao đệ nhị nhiều năm). Xét ra, hôm đó tôi được chứng kiến một biến cố lịch sử: đây là lần đầu tiên người Việt có thể vượt biên giới đàng hoàng, mà không cần “xin phép” người Pháp.

Tháng sáu 1950, tôi lên máy bay Air France (một chiếc Dakota 4 cánh quạt) bay nhiều chặng vắn, qua Bombay, Karachi (bấy giờ còn là đất Ấn), Bahrein, Cairo, Roma, để ngừng hẳn tại Paris. Cuộc hành trình kéo dài hai ngày ba đêm! Tới kinh thành ánh sáng, chân tay tôi rã rời, tưởng chừng như tứ chi đã long ra khỏi khớp, và đầu thì cứ ù ù: rời bỏ phi trường cả giờ, mà vẫn như nghe cánh quạt kêu phành phạch bên tai. Air France chiều khách, cho tôi một buồng khách sạn sạch sẽ nghỉ chơi hai ngày, rồi mới lên đường đi tiếp sang Mỹ.

Ngày nay các hãng máy bay giàu tự tín, không hãng nào rỉ tai cho khách du lịch biết trước hành trình. Nhưng bấy giờ thì khác. Air France cho tôi hay: phi công dự trù vượt Đai tây dương, dọc đường đáp xuống đảo Azores, rồi bay thẳng tới phi trường Idlewild (nay là Kennedy) của Nữu ước. Nhưng vào phút chót, họ đổi ý, và quyết định bay từng chặng vắn hơn: qua Shanon (Ireland ), Gander (New Foundland), Boston, rồi Nữu ước. Như vậy có lẽ tôi là sinh viên Việt Nam đầu tiên làm thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ với chiếu khán Việt Nam tại phi trường Logan tại Boston. Trong lúc đó, chẳng hạn anh Đỗ trọng Chu, một sinh viên Việt tới Mỹ sau tôi không lâu, đã theo lộ trình thông thường hơn là đường thuỷ qua ngả Ellis Island, dưới bóng thần Tư do tại cảng Nữu ước.

Tới Nữu ước, tôi vội vàng xin yết kiến Đức Hồng Y Francis Spellman tại toà Tổng giám mục đường Fifth Avenue, cách văn phòng Air France giăm ba block. Vì nói tiếng Anh mà không ai hiểu, tôi phải dùng một cuốn sổ để ghi bằng chữ viết bất cứ nhu cầu nào, rồi giơ lên cho người ta đọc… Không may cho tôi, gặp ngay một anh tài xế lưu manh biết ngay chàng sinh viên này lần đầu tiên tới Hoa Kỳ: gã bèn nói li lô một hồi như đã hiểu biết, rồi lái xe vòng vòng qua không biết là bao nhiêu đường phố mới tới toà tổng giám mục. Ôi chao, văn phòng giáo phận Nữu ước sao mà rộng lớn làm vậy! Cô thư kí hẹn tôi hôm sau trở lại sẽ được diện kiến vị ân nhân của tôi. Ngài rất ân cần và nói nhiều câu mà tôi chẳng hiểu gì. Đáp lại, tôi nói gì ngài cũng chẳng hiểu nốt, nhưng vẫn thấy ngài gật gật cái đầu, lặp đi lặp lại: một câu nào đó, cố nhiên là không viết ra chữ. Mãi sau này tôi mới biết là ngài yên ủi tôi bằng một câu cửa miệng: “That is right! That is right!”
 
Tới giáo xứ Đức Hồng Y gửi gắm, tôi làm “phó ba” tức là sau Msgr Francis Shea, trên tôi còn Cha James Wash và John Sullivan. Tất cả là công dân Mỹ gốc Ái nhĩ lan. Các vị hỏi tôi từ đâu mà lại, Tôi đáp: “Từ Shanon, Ireland ”.

Mấy năm đầu tôi phục vụ như một linh mục vào ngày chủ nhật, và một ngày trong tuần; thời giờ còn lại, tôi đi học ráo riết, cả mùa hè cũng không nghỉ. Tối đến chúng tôi xem Tivi, một máy điện thị có ngân mạc (screen, monitor) bề cao chừng hai gang tay, bề ngang chừng hai gang rưỡi, như vậy máy thuộc loại khá lớn. Tôi phàn nàn hình đen trắng không có màu, thì để chiều ý tôi, mấy ông cha lắp một kính lúp khá lớn chụp kín ngân mạc, phần trên bôi màu thiên thanh, khúc giữa màu lục, và phần dưới là mầu nâu.

Tôi vào trường Iona nhận học món Hoá. Khuyết tật chỉ đọc và viết được nhưng không nghe không nói được Anh ngữ đã chẳng gây chướng ngại gì cho tôi theo kịp các bài học, vì khi dạy môn Hoá ông thày thường viết công thức Toán Hoá rõ ràng trên bảng xanh, cho nên dù lớn tuổi hơn đồng liêu cả một con giáp, dù đã chấm dứt đời sinh viên cũng cả chục năm, tôi vẫn theo kịp mọi người. Chỉ cần học thêm vài lớp tiếng Anh, mấy tháng sau tôi tôi đã chấm dứt được giai đoạn vừa câm vừa điếc.

Sang năm 1951, tôi nhận được điện tín từ Âu châu báo tin có Đức Cha Ngô đình Thục với bào đệ là Ông Ngô đình Diệm đến sân bay Idlewild, cần tôi ra đón. Tôi vội vàng tune up chiếc xe Plymouth, đã cũ mà còn sạch sẽ của tôi, rồi vận bộ đẹp nhất vào người… Bộ này tôi đã mua trước đó ít lâu để thay thế cho bộ complet may tại Hà nội, mặc vào mà thấy mình chẳng giống ai ở Hoa Kỳ. Bữa đó, tôi vẫn chưa trút bỏ được dáng dấp anh chàng nhà quê lên tỉnh, mặc dầu trên đầu đội mũ dạ đen, trước ngực mang cổ cồn trắng, và nếp quần cứng như dao cạo. Nên nhớ rằng: hồi đó kĩ nghệ dệt chưa sản xuất các thứ sợi nhân tạo, có thể ủi bằng bàn là nóng làm ra những nếp rất bền. Áo vét tông không kể, quần chúng tôi bấy giờ thường may bằng vải len màu đen, cứ một hoặc hai tuần phải đem tới Chinese laundry giặt khan rồi ép bằng máy hấp. Mặc dầu sức ép của máy khá lớn, nhưng nếp quần thường chỉ cầm cự được một hai tuần là cùng, rồi phải mang đi ép nếp lại…Tại sao cầu Kỳ đến thế? Vì giáo sĩ thời đó ra đường không được hút thuốc, không được uống rượu, áo quần phải tề chỉnh hết sức: mũ “phớt” đen đội vào mùa đông, loại Panama trắng đội vào mùa hè. Noblesse oblige mà! Vào thập niên 1950, được đặc biệt kính trọng là “1/ Công chức, trên hết là Tổng thống Henry Truman, 2/ Giáo sĩ; 3/ Cảnh sát và thợ chữa lửa. Trẻ con đứa nào cũng mơ lớn lên sẽ làm cảnh sát hoặc thợ chữa lửa!…Ôi thời bốn phương thanh bình, dân tình đôn hậu nay còn đâu.

Trở lại chuyện mua bộ complet mới. Bữa đó tôi gạt ra một bên hãng Bond (bình dân quá!), mà lượn đi lượn lại dọc Fifth Avenus, Manhattan mấy vòng, rồi đầu thẳng ngực ưỡn, trịnh trọng bước vào hãng Roger Pitts. Cho là khách xộp (thử hỏi: khách bước vào Roger Pitts ai mà không phải là khách xộp?). nhân viên hãng xúm xít ra đón; mời thử hết bộ này sang bộ khác. Kết cục họ giới thiệu một bộ hai hàng cúc, vải len mịn, với giá cắt cổ. Gã thanh niên Việt Nam nào có biết gì, nghe họ nói hàng bán theo giá đặc biệt dành cho giáo sĩ, nhất là người ngoại quốc (?), bèn vui vẻ móc tiền ra trả. Về nhà mấy ông linh mục bạn nghe kể ai cũng lăn ra cười ra nước mắt, thương thay kẻ ngây thơ bị cá mập làm thịt. Ở lâu hơn, tôi mới nhận ra áo hai hàng cúc chỉ thích hợp với người to con, và hàng may sẵn không bao là toàn Mỹ, nhất là loại may theo kích thước người da trắng da đen thì làm sao làm nổi bật được các nét đầy dương tính trên thân thể một hán tử da vàng?

Phải, bữa đó tôi phập phòng ra đón ông Diệm, với ý thức: Đức Cha Thục từng là bạn đồng song với Đức Hồng Y Mỹ tại Roma ngày nào, thì chắc chắn ông Diệm sẽ được Đức Hồng Y ân cần đón tiếp. Mà quả như thế. Hơn nữa vì tôi và ông Diệm cùng chung một người bảo trợ là Đức Hồng Y, cho nên hai chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội sống bên nhau. Một lần nữa, tôi đoán trúng: Tuy nơi ông Diệm lưu trú là nhà dòng các linh mục Maryknoll gồm hai cơ sở: một ở Ossining N.Y. (thuộc tiểu bang Nữu ước), một ở Lakewood N.J. (thuộc tiểu bang New Jersey), nhưng mỗi lần ông tới Manhattan tiếp chính khách tại khách sạn, thì ông thường cậy tôi đưa đón. Có khi tôi còn tình nguyện bỏ tiền riêng thuê khách sạn, vì biết ông cụ rất thanh bạch. Dần dần không có vườn đào để đọc lời thề kết nghĩa, mà hai “Việt kiều” niên canh cách nhau hai con giáp, đã trở nên bằng hữu vong niên chí thiết. Bỏ Hoa trung vượt Trường thành mà chợt gặp được người đồng hương thì bất diệc lạc hồ? Tới đây tôi hồi tưởng tới anh Nguyễn xuân Điền, con ông Nguyễn phẩm Phúc. Tôi quen biết gia đình này từ 1948; năm mà họ kéo nhau từ khu tư (Thanh hoá) ra Phát diệm (Ninh bình: khu ba), nhằm lúc tôi mới thành lập trường trung học Trần Lục. Do đó tôi tìm dịp tiến cử Anh Điền. Bữa đó, tôi thuê cho ông cụ một phòng cao ráo tại khách sạn Tudor, lại thuê cho Điền một phòng bên cạnh. Một nhân vật lịch sử giáp mặt một thanh niên mới lớn. Hai bên đàm đạo một hồi. Sau đó tôi hỏi Điền nghĩ sao về ông Cụ thì Điền trả lời ngay: không ngờ một nhân vật lẫy lừng từ lâu, mà còn trẻ như vậy, nhưng dáng đi chữ bát, lại đoản tướng thì làm sao có thể hấp dẫn anh, làm sao có thể làm lãnh đạo nhân dân cả nước? Cảm giác đầu tiên là như thế nhưng về sau Điền đã nhiều năm làm việc ở toà đại sứ Việt nam tại Washington, dưới quyền đại sứ Trần văn Chương.

2- Nhiều người muốn biết: hơn hai năm sống chung với các linh mục Maryknoll, ông Diệm đã làm những gì? Không đi học, không đi tu thì ông làm gì?

Mục tiêu số một ông nhằm là tìm nhân tài trong số các sinh viên du học tại Mỹ và Canada: Huỳnh văn Lang, Đỗ vạng Lí, Bùi công Văn nhân viên Voice of America, Bùi kiến Thành, Nguyễn Thái, Nguyễn ngọc Linh, bác sĩ Thơ với chị Minh, và Nguyễn đình Hoà vân vân….Riêng Nguyễn đình Hoà có phụ thân quen biết ông Diệm. Khi Nguyễn đinh Hoà làm đám cưới, ông Cụ đòi tôi đưa đi mua quà tặng đôi tân hôn.
 
Mục tiêu số hai là ông nghiên cứu tại chỗ chính thể và chính trường Hoa Kỳ. Trong số các chính khách Mỹ ông gặp gỡ nhiều lần, có các ông Senator Manfield, Justice Douglas, và…J.F. Kennedy lúc ấy mới bước chân vào thượng nghị viện. Có lần ông Cụ dặn tôi phải thuê phòng khá sang, để cụ gặp gỡ Thủ tướng Pháp.

Về phía chính khách Việt Nam, ông Diệm nhiều lần tiếp hai giáo sư Bửu Hội, và Nguyễn văn Thoại. Nhà hoá học lừng danh Bửu Hội thì tôi quen tên rồi, vì nhiều lần đã đọc các bài ông nghiên cứu về Hoá, nhưng Nguyễn văn Thoại? Được hỏi thì Cụ trả lời: “Ông Thoại là một giáo sư ở Collège de France”. Tôi ngạc nhiên: “Chà! chắc ổng phải xuất sắc lắm, thế mà tại sao tôi chưa từng nghe đến tên.”

Một bữa nọ có Cha Cao văn Luận tới ra mắt. Trong cuốn hồi kí: “Bên giòng lịch sử” linh mục viết về sau này, Cha tường thuật khá dài những lần mình gặp vua Bảo đại, Chủ tịch Hồ chí Minh, và ông Ngô đình Diệm. …Viết về cuộc hội kiến giữa ngài và ông Ngô lần ấy, Cha có biên vài dòng về Linh mục Trần văn Kiệm người địa phương đã dẫn cha tham quan Nữu ước. Thú thật tôi cũng có dịp gặp vua Bảo đại về thăm Đức Cha Lê hữ Từ, và dự lễ Mi-sa tại nhà thờ Phát diệm. Nhưng hối ấy tôi chỉ là thành viện ca đoàn trường thần học Thượng kiệm, nhìn lên chỉ thấy nhà vua ngự xa xa trong khuôn viên đặc biệt gần bàn thờ. Khi cử hành thánh lễ, chúng tôi đã hát những bài plain chant du dương, và nhạc đa âm (4 dòng nhạc đuổi nhau) của Palestrina, Victoria… Không phải là tự kiêu, nhưng dám khoe rằng chúng tôi hát rất hay, và lễ tất đã được chính hoàng thượng ban khen. Tôi cũng có dịp gặp Chủ tịch Hồ chí Minh khi ông về Phát diệm, tôn vinh giám mục Lê hữu Từ làm cố vấn chính phủ. Cả tại công đường Đức Giám Mục (nhà chung Phát diệm), cả tại nhà hội quán Đức Cha Tòng, tôi đứng cách ông Hồ không quá bốn năm bước; tôi được nghe ổng tươi cười nói với dân Phát Diệm: “Khi nhà xây còn dang dở, người ta thường bỏ mặc gạch vữa nằm ngổn ngang, nhưng nhà xây xong rồi người ta sẽ dọn dẹp đâu vào đấy!!!” Nghe câu sau cùng, tôi nổi gai ốc khắp mình, từ đỉnh đầu xuống tới gan bàn chân.

Lúc này (năm 1947) tôi là một linh mục trẻ phụ trách xứ Hướng đạo. Trên đường tìm về Phát diệm, ông Hồ đi qua Hướng đạo trong một chiếc xe Peugeot. Xe đương chạy chầm chập ngang nhà thờ Hướng đạo, chợt có một em bé trai băng qua đường bị xe đụng nhẹ. Ông Hồ vội truyền cho tài xế dừng lại, bước ra đỡ thằng bé đứng lên. Ông lấy tay phủi áo nạn nhân, miệng hỏi: “Em có đau không?” Trời ơi, nhân vật vô thần này mà quét dọn giang sơn, thì đạo Thiên Chúa cùng với các tôn giáo khác sẽ khốn đốn to, tôi thầm nghĩ như vậy. Sau này tại Nữu ước khi đã hiểu biết ông cụ nhiều rồi, có lần tôi dám đem ông Ngô đình Diệm, so sánh với ông Hồ chí Minh. Tôi than thở: “Ước chi Cụ có tài biểu lộ lòng thương dân (hay là mị dân?) như ông Hồ khi ổng đi qua nhà thờ Hướng đạo của tôi! Ước chi Cụ biết tươi cười như ông Hồ khi ổng diễn thuyết ở nhà Hội quán Đức Cha Tòng tại Phát diệm!” Tương lai đã chứng minh: tôi khiếp sợ ông Hồ và đảng Cộng sản, lại lo ngại cho ông Diệm là rất đúng. Nhưng khi giáp kiến với giám mục Lê hữu Từ năm ấy, ông Hồ đã thân mật tuyên bố, “Sau này nếu tôi muốn cải đạo, tôi sẽ xin Đức Giám Mục Cố vấn rửa tội cho tôi.” Tài giả hình tới mức này, thì nhất định tôi không mong ông Ngô theo kịp ông Hồ!

Xem đó, càng ngày tôi càng bạo dạn, cả những tư tưởng giấu kín trong đầu tôi cũng đem ra ra thảo luận với ông Diệm. Phần ông, ông cũng làm như thế đối với người bạn vong niên là tôi. Thuộc giáo xứ Blessed Sacrament ở New Rochelle, nơi tôi trụ trì, có một tín đồ Thiên Chúa giáo người Trung hoa. Tôi đem người này giới thiệu với ông Diệm. Biết thân thế ông Diệm rồi, sau đó không lâu, người bạn Trung hoa của tôi đã gửi thư mời hai chúng tôi tới ăn cơm Tầu tại nhà. Thư viết bằng Hán tự, hẹn chủ sẽ đón khách vào cuối tuần, trúng “đệ lục nhật”. Mức hiểu biết Hán tự của tôi lúc đó còn hạn hẹp. Đọc thư, tôi ngạc nhiên: “Ủa, sao người Công Giáo lại mời khách Công Giáo tới nhà ăn trúng vào ngày thứ sáu phải kiêng thịt?” Ông Diệm không ngại nói cho tôi hay: “Đệ lục nhật của Trung hoa là ngày thứ bảy của ta”.

Ông còn thân mật hơn đối với tôi trong giai thoại sau. Cả khi có ông Cụ hiện diện, mỗi lần nghe người ta hỏi nguyên quán, tôi thường trả lời mình là người Phát diệm. Bữa đó, ông Cụ nhè nhẹ thích khuỷu tay vào hông tôi mà trả lời thay: “Cha Kiệm là người Phát diễm đó”. Bây giờ tôi mới vỡ lẽ: ông Cụ dặn tôi tránh tên húy vì theo phép giao tế Việt Nam nên tránh gọi tên cúng cơm người có mặt. Không may cho tôi, vì quá Tây phương hoá, tôi sửa luôn “Diễm” thành Diệm” trước mặt mọi người, mà không nhớ rằng Hán tự một chữ có cả hai âm là Diệm và Diễm.

Ngày xưa một nhóm thợ nề xây nhà thờ cho một họ đạo, có linh mục nhiệm sở mang quý danh là Hồ. Suốt thời gian xây cất, người ta đã tránh tên “Hồ” mà khi cần bắt mạch gạch đá, ai ai cũng gọi :”Cháo đây”.

Vì muốn ông Diệm thay đổi bầu khí cuối tuần, một hôm tôi mời ông lại thăm tôi. Vốn sống chung một nhà với các linh mục Mỹ, thiếu tiện nghi tiếp khách, tôi chợt nảy ra ý kiến. “Hay là mình mượn các tu nữ ở College of New Rochelle giúp?” Số là không xa nhà các linh mục, có một trường cao học chuyên dạy các cô chiêu con gái nhà giầu, phòng ốc rất đẹp, do các tu nữ dòng Ursuline điều khiển. Nhóm nữ lưu này có học lực rất cao, lại giàu lòng từ bi bác ái: mong họ sẽ giúp tôi, một linh mục sở tại. Đồng thời, tôi lại e dè không muốn cho họ biết ông Diệm là ai, vì sợ mang tiếng linh mục mà làm chính trị. Như vậy chưa chắc họ sẽ chấp nhận lời tôi yêu cầu mà thay tôi tiếp khách? Ai ngờ: chỉ vì nể lời một linh mục bản sở, họ đã không ngần ngại dành riêng cho khách một căn phòng rộng rãi trong khuôn viên ngôi trường của họ, mời khách ăn ngủ suốt hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Bữa cơm chỉ có hai chúng tôi ngồi ăn, trước mắt ân cần một vị giáo sư đại học vô danh, người da trắng, hồng hào trong bộ trang phục tu nữ. Nàng tận tình bưng cơm rót nước phục thị hai người Việt chúng tôi suốt hai ngày. Hỏi về đêm ngủ có ngon không, ông Diệm trả lời,: “Bầu khí rất thanh tĩnh, giường ngủ rất êm ái thơm tho, nhưng họ cần gì mà phải thay chăn đệm mỗi tối, và khăn lau trong buồng tắm một ngày ba lần?” Ôi! Tinh thần tu nữ dòng Ursula vào thập niên 1950 sao mà cao vời vợi làm vậy!

Trở về cuộc cụ Hồ tới thăm Đức Giám Mục Lê hữu Từ. Cũng hôm đó, ông Hồ sau khi tham quan khuôn viên thánh đường đã tản bộ ra tận bờ hồ. Đi ngang qua nhà ông giáo Huệ (trước kia là nhà ông phó Bá phụ thân ông giáo Huệ, và trong một thời gian từ 1885 đến 1890, cũng là nơi Cụ đồ Giản, theo lời mời của Cha Trần Lục, đã mở trường dạy Hán tự). (Xem tiến sĩ Nguyễn tư Giản trong cuốn Tự điển văn học L.m. Trần văn Kiệm sắp phát hành), ông Hồ buông ra một câu cho tới nay tôi vẫn cho là khó hiểu: “Cảnh vật y như xưa không có gì là khác” (???)

Có lần chính khách Mỹ phàn nàn với tôi: linh mục đề cao tư cách lãnh đạo của ông Diệm, và cả Đức Cha Thục cũng làm như thế, nhưng chúng tôi cần thêm chứng nhân, vì Đức Cha Thục là anh đề cao em thì có chi là lạ. Ông Diệm bèn mời Đức Cha Nguyễn ngọc Chi quá bộ sang Hoa Kỳ, thấy Đức Cha Chi gặp khó khăn khi phát biểu ý kiến bằng Anh ngữ, ổng mời thêm Đức Cha Hoàng văn Đoàn sang Hoa Kỳ. Đức Cha họ Hoàng to con, lại có một bộ râu quai nón vĩ đại. Hơn nữa ngài lại là một học giả bằng cấp cùng mình. Ngài nói thông thạo Anh ngữ, lại biết đọc Thánh Kinh bằng tiếng Hi bá lai, cổ ngữ Do thái. Một hôm, ngài cùng chúng tôi đi xe điện ngầm tại Manhattan Nữu ước…Rất ít linh mục, phương chi là giám mục đi xe điện ngầm, cho nên vừa thấy đoàn chúng tôi ba người (gồm cả Cụ Ngô) bước lên xe, ai cũng ngạc nhiên. Làm thế nào mà một ông có bộ râu Quan Công, mặc áo overcoat khi trời chưa lạnh lắm, dáng dấp y hệt một đạo sư (Rabbi) Do thái, lại đi bên hai người Á đông, một người mang y phục linh mục La mã? Nữu ước có rất đông công dân Mỹ gốc Do thái, và cố nhiện họ ngồi đầy toa xe điện: ai ai cũng ngạc nhiên vô cùng. Tới khi ông “rabbi” rút sách Hi bá lai ra đọc, thì thiên hạ không còn hồ nghi gì nữa. Họ ùa nhau tới hỏi ngài bằng tiếng yiddish xem có đúng ngài là một ông rabbi không? Lúc này Đức Cha Đoàn mới mở áo ngoài cho họ xem cây thập giá đeo trước ngực mà xác định mình là Giám mục Thiên Chúa giáo, thông thạo cổ ngữ Hi bá lai mà không biết tiếng yiddish. Ai ai cũng bò cười, đàn ông đàn bà xúm lại ôm hôn ông Quan công có bộ râu như các tín đồ Do thái chính thống.

Trước khi trở về nước, Đức Cha Đoàn, vốn thuộc hội dòng Đa minh (Dominicans) có nhờ cha Fahey trụ trì tại một tu viện Đa minh ở Nữu ước thu lượm “tiền xin lễ” từ giáo dân Hoa Kỳ, rồi gửi vể Bắc ninh cho ngài. Cha Fahey gọi tôi tham gia, và công việc đương tiến triển tốt đẹp được ít lâu thì một buổi tối khuya, đồng đồ đã điểm 11 giờ, Cha Fahey gọi điện báo tin động trời: Toà thánh Vatican được toà Khâm mạng tại Việt Nam báo tin: Đức Cha Đoàn nghiêng theo Cộng sản!! Phải lập tức chấm dứt cuộc lạc quyên bảo trợ Giám mục Đoàn ngay”. Hai chúng tôi tin rằng Đức Cha bị vu oan, nhưng chỉ biết ôm đầu khóc thầm. Về sau chúng tôi biết thêm: Đức Cha Đoàn bị biếm sang nhà dòng Đa minh tại Hương cảng. Nhưng mối oan khuất của ngài từ từ hiện ra càng ngày càng rõ, vì chính ngài trước khi rời Việt Nam, đã bị Cộng sản đả thương, và như vậy tất cả nội vụ đều do đảng Cộng sản dàn dựng.

Thời gian trôi qua lặng lẽ. Vì tiếp tục học tập luôn cả mùa hè, và bỏ ra khá nhiều giờ hì hục tại phòng Lab lại được trường tặng luôn cho một số credit vì mảnh bằng Baccalauréat Pháp do đại học Hà nội cấp hai năm 1940 và1941, tôi lãnh bằng BS Hoá rất sớm, để sau đó theo học khoa Lí tại trường Fordham, thụ nghiệp với Dr Hess, vị giáo sư gốc Đức từng dựt giải Nobel vì đã có công khán phá ra tia vũ trụ (cosmic ray). Đồng thời cuối tuần tôi vẫn liên lạc với ông Diệm. Thấy ông có phần sốt ruột trước tình trạng chính trị trì trệ, tôi mách cho cụ nên có một hobby. Tôi vốn say mê chụp hình ngay từ khi mới sang Hoa Kỳ, nào là Rolleyflex, nào là Leica, lại cả một chiếc Graphic lớn cỡ. Chụp đen trắng rồi lại chụp mầu, và để rửa ảnh ra giấy, tôi được tự do sử dụng buồng tối ở nhà trường tư thục của giáo xứ. Ảnh màu Kodak tôi phải đưa ra tiệm, nhưng ảnh màu Ansco thì tôi rửa ngay tại nhà. Tới hồi tôi theo học trường Forham, tôi càng mê máy ảnh hơn, vì tại đây trong phòng thí nghiệm khi muốn phân tích thành phần các thể chất, các giáo sư dạy tôi phương pháp dùng điện thế rất cao mà chụp quang phổ (spectrum). Cuối cùng hai chúng tôi ghé vào tiệm Peerless gần nhà ga trung ương ở phố 42, và tôi đã giúp ông cụ lựa chọn một chiếc máy ảnh, lại mua thêm cuốn dạy chụp và rửa hình. Tôi không ngờ khi đem ông Cụ vào nghề chơi thanh lịch này tôi sẽ giúp kẻ xấu bụng bôi lọ thanh danh của Tổng thống Ngô đình Diệm: Sau khi hạ sát ông xong, bọn chúng vào buồng ông lục lọi kiếm tiền. Tiền không nhiều, nhưng họ lượm về một đệp tạp chí dạy cách chụp và chơi hình. Cố nhiên đối tượng máy chụp là phong cảnh và người mẫu. Chúng bèn phao lên là Tổng thống Diệm chơi hình khoả thân. Báo Photography đâu có thuộc loại Playboy?

Vào giai đoạn này, thấy ông Diệm có thì giờ đàm đạo vu vơ với tôi, nhiều lần tôi hỏi cụ có ý kiến gì về Chủ tịch Hố chí Minh? Cái ngày Ông Bà Chương và ông bà Nhu tìm về Phát diệm, tôi thắc mắc không biết ông Ngô đình Diệm không về theo gia đình, thì lưu lạc đi phương nào? Nhiều người xì xào: nể lời Đức Cha Lê hữu Từ cố vấn chính phủ, ông Hồ đã mở cửa cho các ông bà Chương Nhu tìm về Phát diệm, nhưng vẫn giữ ông Diệm ở lại Hà nội. Tôi muốn biết mối giao tế giữa hai người tốt xấu như ra sao? Nhưng không môt lần nào, ông Diệm bình luận với tôi hay bất cứ ai về ông Hồ.

Về sau khá lâu, tôi nghe một nguồn tin nói rằng: Khi bị Hoa Kỳ dồn ép tới đường cùng, ông Diệm có nhờ giáo sư Bửu Hội làm trung gian mở một vài cuộc hoà đàm bí mật với đại diện ông Hồ tại Tánh Linh, khiến cho một số chính khách Mỹ đã dựa vào đó mà gỡ tội cho ông Cabot Lodge, đại sứ Tổng Thống J.F.Kennedy…Nói tới Tánh Linh, tôi liên tưởng tới Đức Bà Tapao, pho tượng Đức Ma-ri-a chắp tay cầu nguyện cho nước Việt Nam, một công trình tôi đã nghe lệnh ông Diệm mà đặt nghệ sĩ Hải tại Phú nhuận đắp tượng bằng xi măng, lại chỉ huy công trình lập tượng đài trên ngọn đồi giữa rừng xanh, chỉ cách Tánh linh có dăm bảy cây số. Tượng đã hiển linh, và đã trở thành một địa điểm hành hương.
 
3- Vua Bảo đại mời ông Diệm về nước chấp chính lần thứ nhất

Mùa hè năm 1953, trung tuần tháng 6, ông Diệm gọi tôi mà nói: “ Hoàng đế Bảo đại mời tôi trở về nước chấp chính”. Tôi dựt mình. Theo tôi nhận xét thực trạng, thì các chính khách Mỹ rất lơ là; không ai chú ý gì tới Việt Nam cả. Nhiều người vẫn chưa biết ông Hồ chí Minh là ai. Thậm chí có người (đã học qua trung học) tò mò hỏi tôi: “Thưa Cha, tọc mạch thế này là không phải, nhưng con không nhớ Việt Nam đứng chỗ nào trên bản đồ, và không biết phụ nữ Việt Nam còn đi lại khoả thân, hay là họ đã biết mặc quần áo?!”

Mãi tới gần một tháng sau khi trận Điện Biên phủ nổ lớn ngày 13 tháng 3 năm 1954 (sẽ thất thủ ngày 26 tháng 6) và có lẽ cũng vì nghe lời Đức Hồng Y Francis Spellman kêu gọi, ngày mùng 7 tháng tư năm 1954 tổng thống Eisenhower mới lên tiếng cảnh giác, khi ông xướng lên thuyết Domino: “Nếu Việt Nam sụp đổ trước sức tấn công Cộng sản quốc tế với Liên Xô và Trung hoa yểm trợ Hà nội, thì mấy nước ở Đông Nam Á sẽ khó mà đứng vững được”. Đó là tình hình cả một năm sau mới xảy ra. Thật vậy, vào giữa năm 1953, khắp lãnh thổ Hoa Kỳ và nhất là trong Bạch Cung, gồm cả Tổng thống Eisenhower mới lên cầm quyền đầu năm 1953, không ai lưu ý tới Việt Nam cả. Tại sao hoàng đế Bảo đại kêu gọi chí sĩ Diệm sớm sủa như thế này? Được hỏi Cụ trả lời rất dứt khoát: “ Được Mỹ bật đèn xanh, không phản đối việc tôi quy cố hương là đủ. Chắc rằng về nước nhà rồi, tôi sẽ còn cần họ tiếp sức mới hãn ngữ được đường tiến của Mạc tư khoa, Bắc kinh và Hà nội. Như vậy là bõ công tôi sống hơn hai năm ở Hoa Kỳ. Việc tôi trở về sẽ không do Hoa thịnh đốn quyết định, nhưng sẽ tuỳ thuộc công cuộc Hoàng đế Bảo đại dàn xếp với Champ Élizée có hanh thông hay chăng.” Tôi mù tịt không biết Cụ muốn nói gì. Với giọng thương hại, cụ yên ủi: “Sang Âu châu, gặp nhà vua rồi, nhìn thấy tiền đồ sáng tỏ hơn, tôi sẽ từ bên đó đánh điện tín cho Cha theo rõi, để cha thông báo cho các anh em chị em bên này yên lòng”.

Kế đó, ông Diệm rời bỏ nhà dòng Maryknoll. Lakewood, New Jersey về thẳng nhà anh chị Bùi công Văn toạ lạc không xa góc Đông bắc công viên Central Park, ở Manhattan. Một phái đoàn rất nhỏ gồm 5 người là anh chị Bùi công Văn, các anh Đỗ vạng Lí, Bùi kiến Thành và tôi lên hai chiếc xe tháp tùng ông Cụ ra phi trường Idlewild. Đương khi đợi máy bay, Chị Bùi công Vân la lên: “Kỳa! Cụ về nước mà cổ trần không có cà vạt!” Nghe nói anh Bùi kiến Thành (con ông Bùi kiến Tín, một trong số rất ít người hiểu biết ông Diệm không làm ra tiền, cho nên thỉnh thoảng có góp lí tài giúp ông – tôi biết chi tiết này vì chính ông có lần nói nhỏ cho tôi nghe), đã tình nguyện bỏ tiền mua cà vạt cho ông Diệm.

Ngày kế tiếp, tôi được điện tín từ Paris : “Tout va bien” rồi từ đó mất liên lạc…

Khá lâu sau ông cụ mới gửi cho tôi một bức thư kể vắn tắt rằng: công cuộc Hoàng đế Bảo đại điều đình với Pháp không xuôi xẻ, và trước tình thế mới, ông phải rời nhà ông Ngô đình Luyện – chỉ là nơi tạm trú – mà bỏ nước Pháp, tìm sống trong nhà dòng Saint André ở Bruges, nước Bỉ, mà nhẫn nại chờ đợi thêm. Tôi vội tìm tự điển khảo cứu ít nhiều về thành phố Bruges …
 
Đó là tất cả diễn tiến của đại cuộc “Mỹ đưa ông Diệm về làm Tống thống và thiết lập Công hoà Việt Nam với cờ vàng ba sọc đỏ.” Sự thực Bạch cung không trao cho ông Diệm một công văn gì, không uỷ cho ông Diệm một nhiệm vụ gì, không bố thí cho ông Diệm một đồng Mỹ kim nào. Nhờ có bà Bùi công Văn và anh Bùi kiến Thành ông cụ mới nhận ra bộ cánh của mình còn thiếu cà vạt, rồi thụ động để có người khác đem một chiếc cà vạt mua vội ở phi trường, gắn lên trước ngực cho ông….

Đây mới là lần thứ nhất năm 1953, Hoàng đế Bảo đại vời ông Diệm trở về. Mùa hè năm 1954 nhà vua sẽ kêu gọi ông Diệm trở về lần thứ hai như sẽ thấy sau này.

4- Cuối năm 1954, tôi bỏ Hoa Kỳ trở về Việt Nam phục vụ Tổng thống Diệm với tư cách quan sát viên miễn phí

Năm 1953 dựt được mảnh bằng BS Physics, tôi chuyển sang trường New York University uptown không xa đại học Fordham cũ của tôi là bao, để chiều chiều theo học môn Quantum Physics. Tôi chọn các môn học Kỳ cục này chỉ vì tính tôi thích tìm hiểu. Chứ như tôi đã lớn quá tuổi sinh viên rồi, đã quyết tâm trọn đời phục vụ giáo hội rồi thì cần chi phải khổ công chạy theo thế hệ hậu bối hăm hở tìm mảnh bằng làm phương tiện tiến thân trong xã hội làm gì? Chính vì thế, học qua các lớp dạy ở uptown, và đương khi học tiếp môn Quantum Physics năm thứ hai ở campus downtown, gần vị trí hai ngôi nhà chọc trời Trung tâm mậu dịch, sẽ là mục tiêu cho nhóm Hồi giáo quá khích phá hoại sau này, khi vừa nghe tin ông Ngô đình Diệm được hoàng đế Bảo đại mời về chấp chình lần thứ hai vào giữa năm 1954, tôi quyết định bỏ học theo ông cụ trở về Việt Nam.

Sách nói “đoạn trường thay lúc phân kí”, nhưng cuộc tôi chia tay với Đức Hồng Y Francis Spellman lại khác hẳn. Bữa cơm li biệt được thiết tại tư dinh Đức Hồng Y gần nhà thờ St Patrick, Fifth Ave. Quanh bàn Đức Hồng Y có đại sứ Việt Nam ông Trần văn Chương, và hai đứa con cưng của ngài người Việt là anh Nguyễn đức Quý và tôi, cả hai có may mắn được ngài bảo trợ cũng như ngài đã bảo trợ ông Diệm hồi nào. Cơm nước xong, ngài cho chiếu phim ghi lại cảnh dân Bắc Việt trốn Cộng sản chạy vào Nam theo ông Diệm. Tới khung hình một phụ nữ Việt Nam vận áo tứ thân thắt khăn mỏ quạ, hớt hải một tay bế con thơ, một tay bưng hình Đức Mẹ hằng cứu giúp, ngài đã không cầm được giọt lệ. Chính như tôi lúc này, tức là 40 năm sau ngày từ giã Đức Hồng Y Spellman, lần nào nhớ tới bà mẹ đau khổ, và tấm khăn Đức Hồng Y lấy lau nước mắt, tôi cũng không cầm được giọt lệ.

Hiện nay anh Quý đã hồi tục. Sau khi đỗ bằng Ph D về môn Sinh học anh đương là một nhân viên Kỳ cựu trong Hội chống Ung thư ở New Jersey. Khi ông Diệm đặt chân lên Hoa Kỳ lần đầu, Quý cũng mới tới Nữu ước trước đó không lâu. Tôi đưa hai người gặp nhau ở nhà anh Đức Thanh. Vừa thấy ông Diệm, Quý chạy lại vỗ vai mà hỏi: “Anh mới sang đây hả? Anh theo học trường nào?”

Trước khi ông Diệm đặt chân trở lại Việt Nam, tôi có tiếp được một bức thư ông Nhu gọi tôi về giúp chính phủ. Lá thư này khơi cho kí ức tôi nhớ lại một câu chuyện vui vui xảy ra khi tôi mới nắm được mảnh bằng MS Physics trong tay. Hồi đó, thế chiến thứ hai chấm dứt chưa lâu, cả thế giới nhất là các nước Âu châu, hăng say tái thiết xứ sở. Vì vậy sinh viên tốt nghiệp đại học với bằng Bachelor degree bất luận là môn gì, đều không thiếu cơ hội tìm cho mình một việc làm ngon lành. Cả mấy tuần lễ trước ngày phát bằng, các hãng lớn đều mở văn phòng ngay tại khuôn viên nhà trường để kêu gọi nhân tài. Tôi tốt nghiệp MS tại Forham với ngoại ngữ là tiếng Đức, tên tôi lại mang vần K rất thông dụng tại Đức. Cả ba nguyên tố: khoa học, Đức ngữ và vần K tác hợp với nhau, làm thành một lá thơ của bộ ngoại giao Đức, mời tôi trở về phục vụ cho Vaterland! Cố nhiên tôi phải từ chối cả hai lời mời từ người Đức cũng như từ ông Nhu. Với bào đệ ông Diệm, tôi xác định mình đã làm linh mục thì trọn đời sẽ một lòng giảng đạo không làm chính trị, nhưng cố nhiên tôi sẽ làm thần dân tận tuỵ phục vụ tổ quốc.

Tôi về tới Việt nam, thì ông Diệm đã bình định xong xứ sở và thực hiện xong việc trưng cầu dân ý cho phép ông từ Thủ tướng bước lên làm Tổng thống thay thế vua Bảo đại. Nhìn vào hiện tình Iraq đòi hỏi Hoa Kỳ hi sinh không biết bao nhiêu mạng người, và chi phí không biết bao nhiêu tỉ Mỹ kim, mà việc lớn vẫn chưa hoàn thành, người ta mới nhận ra được tài kinh bang tế thế của ông Diệm siêu việt tới chừng nào. Đúng như câu ngạn ngữ bình dân “Trói voi bỏ rọ” và một câu bình dân hơn nữa: “Tay không bắt chó cái.” Ông đã đơn thương độc mã tái tạo giang sơn miền Nam trong một thời gian Kỷ lục.

Được tin người bạn vong niên trở về, ông nhờ Bác sĩ Tuyến tới trường chủng viện Phát diệm ở Phú nhuận mời tôi vào dinh độc lập. Bác sĩ nói: “Cha sẽ vào lối cửa tiền”. Tôi hỏi “Sao phải vào lối cửa tiền?” Bác sĩ đáp: “Vì ý tổng thống muốn như vậy. Nhân tiện xin hỏi: Cha có xe hơi không.?” Tôi trả lời: “Mình sẽ đi tắc xi”. Bác sĩ nói : “Như thế cũng được”.

Thế là đúng giờ và đúng vị trí đã hẹn, tôi xuống khỏi chiếc tắc xi tí hon – mới ở Mỹ về tôi thấy chiếc tắc xi ở Sài gòn nhỏ bé quá chừng – thì thấy cửa mở cả hai cánh, một số người mặc đồng phục Việt Nam (không phải quân nhân) xếp hàng đứng chào, rồi họ dẫn tôi lên lầu tới một phòng ở đầu cánh trái dinh Độc lập, có Tổng thống Ngô đình Diệm trong bộ quốc phục ngồi đợi. Sau nghi lễ thông thường, hai người uống trà do đám gia thuộc cũng vận khăn áo Việt nam phục thị…Thấy Tổng thống vẫn nhận tôi là bằng hữu vong niên, tôi đánh bạo hỏi Người hai câu đương vương vấn trong đầu:

“Tại sao Tổng thống phải truất phế Hoàng đế Bảo đại?”

Đáp: “ Vì chính nhà vua muốn truất phế tôi, sau khi tôi dẹp yên bọn theo Pháp phá hoại quốc gia, và thành lập xong một chính phủ có đầy đủ sức hoạt động. Té ra nhà vua đã lợi dụng tôi như một con cờ thí nhận việc dọn đường phục bích mà thôi. Trước sau Hoàng thượng vẫn nuôi mộng một ngày sẽ trở lại Huế ngồi lên ngai cũ các vua Nguyễn. Tôi đã hứa khi được hoàng đế mời về chấp chính thì mình sẽ vâng nghe các thánh chỉ sáng suốt của ngài. Nhưng thánh chỉ đòi tôi rút lui vào lúc quốc sự còn ngổn ngang, thì nhất định là thiếu sáng suốt, làm sao tôi có thể phụng mệnh thánh chỉ được?.” Câu hỏi thứ hai: “Tại sao Tổng thống giận Đức Giám Mục Lê hữu Từ?” Đáp: “Tôi đâu dám giận Đức Cha? Chỉ có Đức Cha giận tôi mà thôi. Khi tôi mời ngài tránh nạn vào Nam, ngài đã không chịu. Cha còn nhớ chăng? Cuối năm 1952, tôi có nhờ Cha biên thư cho Ngài mà căn dặn chấm dứt chương trình xây trường Louis Pasteur ở Hà nội, để dùng tiền mua đất xây nhà ở Sài gòn phòng biến. Ngài đã không nghe khiến cho địa phận Phát diệm bây giờ lâm vào cảnh cơ cực ở vũng lầy Phú nhuận. Tới giai đoạn hiệp định Genève, tôi hết sức hô hào dân lành bỏ Bắc vào Nam, thì Ngài lại đòi tôi làm một việc mộng tưỏng đầy máu xương, là giúp Ngài cố thủ tại Phát diệm! Cha ơi! Tôi rất đau khổ vì mất một ông bạn cố tri, từng là ân nhân của tôi và cùng tôi xuất thân từ Quảng tri!” Thú thực, tôi rất mừng thầm khi thấy Đức Cha Từ vào Nam đã né tránh các hoạt động chính trị và quân sự.

Xin lần nữa viết về ông Nhu. Tôi tự hỏi: tại sao có lễ nghi rườm rà tiếp đón tôi vào dinh độc lập như kể trên? Tôi tin rằng đó là sáng kiền riêng của Tổng thống Ngô đình Diệm, và hình như không được ông Nhu tán thành cho lắm, khiến cho từ đó về sau trong nhiều dịp gặp gỡ, ông Nhu nếu không nguội lạnh, thì cũng không bao giờ tỏ ý thịnh tình với tôi. Hồi ông Diệm còn ở Nữu ước, một hôm chúng tôi tản bộ ở gần nhà anh Chị Bùi công Văn – thì anh Bùi công Văn xin chụp hình ông Cụ và tôi, vai sánh vai chung trong một tấm hình. Ông Ngô đình Diệm cho phép ngay, và cách đây chừng 20 năm, tìm đến Virginia thăm ông bà họ Bùi lần sau cùng, tôi còn thấy Album gia đình vẫn giữ tấm hình này, nhưng tấm thứ hai tôi đưa về Sài gòn đầu năm 1955 đã bị ông Nhu sai người tới tận nhà thu hồi để huỷ đi (vì sợ tôi không xứng đánh đứng sánh vai với Tổng thống?) Sự cố xảy ra vào quãng năm 1961.

Có lần tôi hỏi: làm thế nào mà Tổng thống thực hiện công cuộc bình định xuôi xẻ như vậy? Đáp: “ Ngưới Pháp dùng các tay chân còn trung thành với họ, nhất nhóm Bình Xuyên của Bảy Viễn và tướng Hinh, đã tìm hết cách phá hoại quốc gia. Đồng thời Hoa thịnh đốn cứ êm re. Đương lúc bối rối vì quân đội thiếu võ khí thì may thay, Vòng a Sáng phụ trách một kho đạn lớn của Pháp thiết lập ở miền Trung (Cụ nói rõ tên vị trí mà tôi quên mất) tự ý chở tiếp liệu về Sài gòn. Tôi ao ước hiểu biết: Vòng A Sáng là ai? Và lòng trung thành hữu hiệu của nhân vật ấy đã được báo đáp như thế nào? Nhưng thấy Thổng thống muốn chấm dứt cuộc hội đàm, tôi đã không dám hỏi.

Qua ngày 11 tháng 10, Pháp quân rời Việt Nam, và ông Hồ chí Minh lên ngồi ghế Chủ tịch Dân chủ Việt Nam Cộng hoà. Nhưng phải đợi cho tới ngày 24 tháng 10, tổng thống Eisenhower mới gửi một công văn cho Tổng thống Diệm hứa Mỹ sẽ giúp miền Nam, và để chứng minh ông sai tướng J. Lawton Collins làm đại sứ Mỹ ở Sài gòn. Bình phẩm về vụ này, Tổng thống Johnson về sau có lần nhìn nhận rằng: đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ bắt tay với chính phủ Ngô đình Diệm.

Vì thành tâm phục tài ông Diệm, tổng thống Mỹ đã mời Tổng thống đệ nhất Cộng hoà Việt Nam sang Mỹ ngày mùng 8 tháng 5 năm 1957. Nhân dịp này, ông tôn xưng Tổng thống Diệm là Kỳ nhân của Á châu (the Miracle Man of Asia). Và T.t. Eisenhower đã ra tận phi trường Dulles đón ông Diệm, lại tổ chức một cuộc vinh danh quý khách (VIP) tại Manhattan. Ngày vinh danh đó, Tổng thống Việt Nam đứng trên một chiếc xe hơi mui trần, vẫy tay chào công chúng hai bên đường…Đoàn xe từ từ dạo qua các phố chính, đặc biệt là ở công trường Time Square (một khúc của Broadway), thì giấy confetti muôn màu bay xuống không dứt như một trận mưa hoa đào…

Dù vậy mặc lòng, Hoa Kỳ chỉ phái nhân viên chuyên môn sang Việt Nam làm cố vấn, và chi tiêu rất ít cho ông Diệm. Sánh với gần 3 tỉ bạc người Việt từ Mỹ hiện nay gửi về Việt Nam hằng năm thì số tiền Hoa Kỳ phải bỏ ra giúp đệ nhất VN Cộng hoà thực là không đáng kể. Tôi không nắm chắc được con số, nhưng dám quả quyết số tiền Ông Diệm nhận được từ Hoa Kỳ không bao giờ lớn hơn 500 triệu mỗi năm. Thế mà Quốc trưởng đệ nhất Việt Nam cộng hoà được quốc tế kính nể, người dân trong nước được hạnh phúc an ninh, Cái Sắn, Hố nai từ hoang địa đã trở thành làng xóm trù mật. Chùa chiền và nhà thờ mọc lên như nấm…

Tiếc thay sang thời Kỳ đảng Dân Chủ cầm quyền, không ai hiểu được vì lí do gì, Tổng Thống J. F. Kennedy muốn đưa đại quân Mỹ đổ sang Việt Nam.

Tổng thống Ngô đình Diệm can ngăn. Có lần ông nói với tôi: “Hiện nay Việt Nam chỉ cần Hoa Kỳ viện trợ một số phi cơ oanh tạc và đầy đủ máy điện thoại lưu động có tầm gọi xa. Với ngần ấy, các ấp chiến lược sẽ liên lạc được với nhau mà bảo vệ hữu hiệu nền an ninh cho cả nước. Cần gì đại quân Mỹ phải kéo sang đây mà thêm đổ máu cho cả quân Mỹ cả nhân dân Việt từ Bắc vào Nam làm gì? “ Thế rồi vì quý trọng sinh mạng, vì yêu nước, ông quyết liệt từ chối đề nghị của Bạch cung. Ngày mùng 4 tháng chạp dương lịch năm 1960, Đại sứ Hoa Kỳ Elbridge Durbrow, đánh điện về Hoa thịnh đốn: “It may be necessary to consider alternatives to Diem”.

Tin lọt tới Hà nội, Bắc kinh và Mạc tư khoa!!! Hoa Kỳ thua trận Việt Nam từ ngày hôm ấy; ông Diệm nhận án tử hình cũng ngày hôm ấy: mùng 4 tháng chạp năm 1960!!!. Tuy nhiên ông còn cố gắng cầm cự thêm ba năm nữa, trong tình trạng càng ngày càng loạn lạc: vụ Phật giáo xuống đường; vụ xô xát giữa đám côn đồ mạo xưng là Phật tử với đám thanh niên Thiên Chúa giáo, vụ treo cờ ở Huế, vụ hoà thượng tự thiêu…Ngày 5 October đại sứ Cabot Lodge (thuộc đảng Cộng hoà, trình uỷ nhiệm thư ngày 21 tháng 8 năm 1963) báo cáo lên Tổng thống J.F. Kennedy (thuộc đảng Dân chủ): “The coup against Diem is imminent”. Tới ngày mùng 2 tháng một (November) 1963, “Kỳ nhân Á châu” đã bị Nguyễn văn Nhung bắn chết thầm lén trong một chiếc thiết giáp xa, sau khi ông đã tự ý đầu hàng. Than ôi! Nghĩ tới Saddam Hussein nhà độc tài Iraq ăn gian tiền Liên hiệp quốc bán dầu cứu đói, lại giết hại biết bao nhiêu công dân của ông, nhưng được tha mạng khi ông đầu hàng, mà ngậm ngùi thay cho Tổng thống Ngô đình Diệm Kỳ nhân bạc mệnh.
 
Tôi mạn phép dừng bút nơi đây.
Nguồn: www.anviettoancau.net

Tác giả: Lm Trần Văn Kiệm