NIỀM TIN – ĐỨC TIN
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Tôi muốn phân biệt giữa niềm tin và đức tin. Niềm tin chỉ để nói tới một sự tin tưởng của riêng mình hay một sự tin tưởng vào con người, vào cuộc sống. Đức tin nhắm đến một niềm xác tín nơi Đấng Toàn năng bên trên mình. Cụ thể, tôi muốn suy nghĩ về đức tin Kitô giáo. Vì thế, Đấng Toàn năng mà tôi đặt trọn lòng phó thác là chính Thiên Chúa của mình.

1. NIỀM TIN.

Một ví dụ làm sáng tỏ hơn hai chữ "niềm tin". Vài chục năm trước, báo Tuổi trẻ tổ chức cuộc thi "Viết về cha tôi". Nhiều câu chuyện cảm động do những người con viết về cha mình. Sau cuộc thi, tòa soạn chọn những truyện hay đăng thành sách, lấy tựa đề từ chính một câu chuyện trong các truyện ngắn: "Cao hơn đỉnh Thái".

Đúng là cao hơn đỉnh Thái. Tất cả các truyện ngắn ấy đều cho thấy sự hy sinh cao ngất của những người cha. Hy sinh đến mức quên mình, quên tất cả những gì thuộc về mình, quên cả đến sự sống của chính mình…

Và "Con heo đất" là một trong những truyện ngắn kể về một tấm gương cao hơn đỉnh Thái như thế. Tác giả Nguyễn Đào Vĩnh Huy cho biết, mình là con nhà nghèo, nghèo lắm. Ngày nhận giấy báo đậu đại học, Huy không dám cho gia đình hay, sợ cái tiệm sửa giày của ba, vốn đã quá chật vật để nuôi đủ sáu miệng ăn, bây giờ lại kham thêm đứa con đi học đại học, Huy không đành. Tác giả cho biết: “Không muốn thấy ba vì tôi mà gầy đi”.

Nhưng cô giáo chủ nhiệm biết tin, đã tới nhà cho hay. Được tin con vào đại học, người cha mừng quýnh. Còn Huy, đưa giấy báo nhập học cho ba mà lòng tưởng như mình đưa cho ba tờ giấy ký nợ.

Vậy là từ đó, người cha âm thầm nhịn ăn, nhịn uống nuôi con heo đất để hằng tháng cho con tiền chi phí. Tác giả viết: "Ba đưa con heo đất lên ngang tầm mắt rồi cười sản khoái chỉ vào tôi: "Con cũng là một con heo đất đấy chứ. Khéo nhé, làm sao đừng để ba bỏ đói". Tôi ngớ người ra một lúc mới hiểu điều ba nói. Vâng! Tôi cũng chính là con heo đất mà hằng tháng ba đã bỏ vào đó 500.000 đồng. Có khác là heo đất thì cất tiền trong bụng, còn tôi thì lại không…".

Niềm tin là thế. Nó rất cần cho đời sống của bạn, của tôi. Nếu không có niềm tin, ta khó vượt qua mọi bấp bênh, mọi chông gai đời mình. Niềm tin là cánh diều lộng gió đưa ước mơ của ta đến cả bầu trời hy vọng, cho ta nghị lực và vững vàng để tiến bước, để vượt thắng mọi chướng ngại của cuộc đời.

Chỉ với một kết luận rất ngắn: "Có khác là heo đất thì cất tiền trong bụng, còn tôi thì lại không…", đủ để tác giả Đào Vĩnh Huy nói lên tất cả niềm tin của hai cha con. Người cha tin vào khả năng, vào tương lai mà chính đứa con của ông mang tới. Còn người con, cũng tự tin vào khả năng vượt khó, vượt khổ với một ý thức nhìn về tương lai. Chính nhờ ý thức này, tác giả mới dám khẳng định: "Còn tôi thì lại không…".

2. ĐỨC TIN.

Nếu chỉ mới là niềm tin, đã cho ta những hiệu quả lớn lao như thế, thì đức tin còn làm nên những phép lạ ngoài sức tưởng tượng, ngoài sự hiểu biết lớn biết bao nhiêu.

Trong Tin Mừng hôm nay, thái độ của anh mù Bartimê là cả một đức tin chứ không chỉ niềm tin. Đi vào diễn tiến câu chuyện, ta sẽ thấy đức tin của Bartimê là một đức tin lớn, và ngày càng lớn, lớn dần. Đã lớn, càng lớn hơn.

Khởi đầu khi anh ĐANG NGỒI ăn xin, NGHE biết người đi ngang qua là Chúa Giêsu, anh KÊU lên. Nhưng tiếng kêu không dừng lại ở tên Chúa Giêsu, kèm theo đó là tước hiệu "Con vua Đavit": "Hỡi ông Giêsu con vua Đavit, xin thương xót tôi". Khi gọi Chúa là con vua Đavit, anh gán cho Chúa tước hiệu Đấng Messia của Israel.

Trong khi tiếng kêu bị đám đông lấn át, và cùng lúc, người ta cố ngăn chặng tiếng kêu, anh lại càng KÊU TO. Sau cùng tiếng kêu tha thiết của anh chiến thắng. Chúa dừng lại trên nỗi khổ sở của anh.

Bây giờ, sau khi nghe người ta thông báo: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh", Bartimê làm một cú NHẢY tuyệt vời. Niềm mừng vui của anh được biểu lộ cùng lúc đến ba động tác: LIỆNG áo choàng, ĐỨNG DẬY, ĐẾN CÙNG Chúa Giêsu.

Cần phải nói thêm nơi động tác thứ hai: bản văn Phụng vụ dịch là: "đứng dậy". Bản văn của nhóm Các giờ kinh phụng vụ dịch là: "đứng phắt dậy". Còn bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn là: "nhảy chồm dậy".

Bạn cứ thử tưởng tượng mà xem: Một người không chỉ sống trong tăm tối, mà còn nghèo khổ, phải đi xin ăn, phải sống nhờ lòng trắc ẩn của mọi người. Đó là chưa nói đến mặc cảm của bản thân, đã vậy còn bị khinh khi, bị xa lánh (qua câu "nhiều người mắng anh bảo im đi" nói lên điều đó). Bởi đó, chắc chắn nỗi cô đơn càng không nhỏ.

Hiểu như thế, ta mới cảm nhận hết sự hồ hỡi của Bartimê. Vì thế, để diễn tả tất cả vui mừng, hạnh phúc, lòng hân hoan, và cả thái độ yêu mến của anh, có lẽ sử dụng động từ NHẢY CHỒM DẬY trong hoàn cảnh này là hay hơn cả.

Một cú NHẢY CHỒM DẬY, còn cho thấy sự luống cuống xen lẫn chút gì kinh ngạc vì Thầy Giêsu, Đấng mà anh tuyên xưng là "Con vua Đavit", là Đấng Messia lại có thể nghe thấu lời kêu xin xủa anh.

Liền một lúc, ba động tác liệng áo choàng, nhảy chồm dậy, đến cùng Chúa Giêsu còn cho thấy thái độ dứt khoát hoàn toàn thuộc về đức tin: Anh chỉ nghe nói Chúa đến với mình, không hề biết Chúa đến từ hướng nào vậy mà vẫn nhảy cẩng lên, để được đến cùng Chúa. Chính thái độ của đức tin thật lớn lao ấy đã làm nên phép lạ. Chúa Giêsu khẳng định trong lời khen ngợi đức tin của anh mù: "Đức tin của anh đã chữa anh"!!

Chính đức tin đã cho anh, dù đang mù đôi mắt, nhưng lại rất sáng tâm hồn, để rồi sau khi nhận được ánh sáng, anh đã bước theo NGUỒN SÁNG là chính Chúa Giêsu, Đấng làm cho anh, cuộc đời anh và mọi người sáng lên, không phải bởi đôi mắt mà là ánh sáng chan chứa, ánh sáng dòi dọi của đức tin.

Thánh Marcô kết thúc bài Tin Mừng bằng một ghi nhận thấu đáo: "Tức thì anh ta thấy được và ĐI THEO NGƯỜI".

"ĐI THEO NGƯỜI" vừa khép lại một hành trình đức tin, vừa mở ra một hành trình mới. Vì hành động ĐI THEO ấy là một giai đoạm mới, mở ra một tương lai mới cần thiết cho cả hành trình đức tin vừa mới khép lại.

"ĐI THEO NGƯỜI": Đấy là điểm kết và là cao điểm của đức tin. Đấy là giai đoạn cuối cùng, là một tổng thể của cả hành trình đức tin. Đấy là cao trào lớn do chính giai đoạn đức tin vừa qua đưa tới. Đấy chính là sự tất yếu của những ai vừa khám phá ra bài học lớn lao của đức tin.

Như vậy một chuỗi tiến trình của đức tin vừa mới hình thành: ánh sáng đức tin của một tâm hồn dẫn tới sự sáng của đôi mắt để rồi trở lại với tâm hồn, đức tin ấy càng tỏa sáng lung linh.

Chúa ra tay giải thoát anh khỏi cảnh tăm tối của đôi mắt. Bằng cách ấy, Chúa lại đưa anh đi sâu vào huyền diệu của đức tin, để từ đây anh theo Chúa.

Niềm tin vào cuộc đời, vào lòng người đưa ta đến thành công trong cuộc sống.

Còn đức tin đưa ta đi trọn cuộc vượt qua mà cuộc đời của mỗi Kitô hữu cần lắm để phóng mình tới bến bờ của tình yêu thường hằng là chính Chúa, nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Chính trong đức tin cũng đã bao hàm một niềm tin. Người mù khi kêu cầu Chúa Giêsu, giả thiết anh đã có sẵn niềm tin vào con người mang tên Giêsu.

Cuộc sống của bạn và tôi dẫu có thế nào, cũng đừng đánh mất niềm tin trong đời. Chính niềm tin là cái chốt đầu tiên đặt nền tảng cho đức tin.

Nếu bất mãn, thất vọng sẽ khiến cuộc sống nặng thế nào, thì thiếu niềm tin cũng sẽ dẫn tới một đức tin mệt mỏi thế ấy.

Bạn và tôi hãy để cho niềm tin hun đúc đức tin của mình. Và khi đức tin đã được tôi luyện, nó sẽ quay lại củng cố niềm tin trong ta.
Tin là đón nhận ánh sáng để nhìn cuộc đời trong ánh sáng mới. Nói cách khác, đức tin là cặp mắt mới. Cuộc đời vẫn thế. Vẫn những con người, những biến cố, những nỗi niềm. Đức tin chẳng miễn chước một khổ đau nào. Nhưng đức tin lại có sức làm thăng hoa cuộc đời. Dẫu không làm bay hơi bất cứ một sự oằn nặng nào trong ta, nhưng đức tin sẽ giúp ta thánh hóa tất cả những nỗi niềm, những lo toan, gánh vác… Trong đức tin, ta nhận ra như thế, thì đó chính là cập mắt mới của đức tin.

Tin còn là mở lòng đón nhận ơn Thiên Chúa. Đó chẳng phải là trường hợp của người mù Bartimê đó sao. Anh đã mở lòng và đón nhận chính Chúa Giêsu, món quà vô giá của chính Thiên Chúa tặng ban.

Và vì chính Chúa Giêsu là ánh sáng trần gian, nên khi được Chúa hiện diện trong ta, Chúa sẽ làm cho ta càng lúc càng chìm sâu trong ánh sáng, để như người mù Bartimê, ta bước theo ánh sáng của Chúa và nhận lấy niềm tin trong cuộc đời và đức tin nơi tâm hồn.
Chỉ với kinh nghiệm gặp Chúa, ta mới có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống lòng tin và trung thành với đời sống đức tin của mình.