1. Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh về sứ vụ của Đức Hồng Y Zuppi tại Mạc Tư Khoa
Hôm 17 tháng Mười vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thông cáo chính thức về chuyến đi vừa qua của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, tại Mạc Tư Khoa, Liên bang Nga và nói rằng:
Từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Mười vừa qua, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô, cùng với một chức sắc của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã thực hiện chuyến viếng thăm thứ hai tại Mạc Tư Khoa, tiếp tục sứ vụ được Đức Thánh Cha Phanxicô ủy thác.
Trong dịp này, Đức Hồng Y đã gặp ông Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Nga, ông Yuri Ushakov, Cố vấn của Tổng thống Liên bang Nga về chính sách đối ngoại, bà Maria Llova-Belova, Ủy viên của Phủ Tổng thống Nga, đặc trách các vấn đề quyền của trẻ em, và bà Tatiana Maskalkova, Ủy viên của Phủ Tổng thống về các quyền con người.
Các cuộc hội kiến đã giúp đánh giá những gì đã được thực hiện cho đến nay, để đạt tới sự đoàn tụ của các trẻ vị thành niên và trao đổi tù nhân, những người bị thương và thi hài những người đã ngã gục.
Trong những ngày ở Mạc Tư Khoa, Đức Hồng Y cũng gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Antonij của Giáo phận Volokolamsk, Chủ tịch Hội đồng Ngoại vụ Tòa Thượng phụ Chính thống Nga, và đã trao đổi về các vấn đề khác nhau, đặc biệt các vấn đề nhân đạo.
Một cách tổng quan, cuộc viếng thăm cũng giúp cứu xét một số viễn tượng để tiếp tục sự cộng tác nhân đạo và mở ra những con đường cho nền hòa bình rất được mong ước.
2. Đức Thánh Cha Phanxicô: Vị Giáo hoàng cao niên nhất cai quản Giáo hội
Từ ngày 17 tháng Mười vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành vị Giáo hoàng cao niên nhất cai quản Giáo hội, ít nhất trong số các vị có tiểu sử chắc chắn.
Đức Thánh Cha Phanxicô sinh ngày 17 tháng Mười Hai năm 1936, và ngày 17 tháng Mười, ngài tròn 32.082 ngày từ khi sinh ra. Vị Giáo hoàng đứng thứ I về phương diện này là Đức Lêô XIII, tục danh là Vincenzo Gioacchino Pecci, qua đời ngày 20 tháng Bảy năm 1903, thọ 93 tuổi, tức là 34.108 ngày. Để vượt vị Giáo hoàng tiền nhiệm này, Đức Thánh Cha đương kim phải tiếp tục cai quản Giáo hội hơn 5 năm rưỡi nữa tức là cho đến ngày 07 tháng Năm năm 2030.
Đứng thứ ba sau Đức Thánh Cha Phanxicô là Đức Giáo Hoàng Clemente XII, tục danh là Lorenzo Corsini, sinh ngày 07 tháng Tư năm 1652, và thọ 87 tuổi, qua đời năm 1740, tức là ngài sống 32.081 ngày.
Cũng nên nói rằng vị trẻ nhất trong lịch sử Giáo hội khi làm Giáo hoàng là Gioan XII, hay là Octaviano miền Tusculum, Hoàng tử của Vua Alberic II. Nhà vua đích thân bổ nhiệm con của mình làm Giáo hoàng. Ngày 16 tháng Mười Hai năm 955, khi bắt đầu sứ vụ, Đức Gioan XII được 18 tuổi và cai trị Giáo hội trong gần chín năm, cho đến ngày 14 tháng Năm năm 964, lúc mới được khoảng 26-27 tuổi.
Vị cao niên nhất khi được bầu làm Giáo hoàng là Agathon, người miền Sicilia, gốc Hy Lạp, được bầu lên hồi tháng Sáu năm 678, khi đã hơn 100 tuổi, theo một số nguồn sử liệu và cai quản Giáo hội trong hai năm bảy tháng, cho đến ngày 10 tháng Giêng năm 681.
3. Truyền thống trong tháng Các Đẳng Linh Hồn
Tháng 11 là tháng Giáo Hội dành đặc biệt để cầu nguyện cho linh hồn của những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho biết trong quá khứ, có nhiều truyền thống đáng quý mà ngày nay không còn được tuân giữ, vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, trong các ngôi nhà ở Ái Nhĩ Lan, cửa không được khóa để những người ra đi có thể cảm thấy được chào đón trở lại vào Ngày Các Đẳng Linh Hồn và sẽ tìm một chỗ cho họ tại bàn ăn tối. Phong tục đã biến mất một cách đáng buồn, vì nếu để cửa mở như thế thì có khác gì là mời trộm cắp vào nhà.
Tuy thế, có một số truyền thống đẹp vẫn còn diễn ra trên khắp thế giới.
Tại Đức
Trong thời gian này, theo truyền thống dân gian, các gia đình người Đức cất tất cả các con dao vào một nơi an toàn, để khi linh hồn về thăm nhà không bị dao đâm.
Tại Ba lan
Người Công Giáo Ba Lan sẽ đến thăm những ngôi mộ của người thân mang theo những bó hoa cúc và một ngọn nến. Đối với người Ba Lan, hoa cúc là biểu tượng của sự bất tử – và ngọn nến tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa bên cạnh người thân yêu của họ. Cảnh nghĩa trang của Ba Lan vào dịp này là một cảnh rất đẹp đáng để chiêm ngưỡng.
Tại Phi Luật Tân
Thời điểm này trong năm sẽ chứng kiến các nghĩa trang Phi Luật Tân đầy ắp người. Nhiều gia đình sẽ dành nhiều thời gian bên phần mộ của người thân: ăn uống, trò chuyện, cầu nguyện, cũng như dọn dẹp và trang trí phần mộ. Đây là dịp để gia đình dành thời gian bên nhau, và có một cảm giác vui mừng khi mọi người tưởng nhớ những người đã ra đi.
Tại Ái Nhĩ Lan
Mặc dù nhiều truyền thống trong quá khứ không còn được tuân giữ, nhưng người Ái Nhĩ Lan vẫn dành thời gian của họ để cầu nguyện và đi lễ để tôn vinh những người bạn và thành viên gia đình đã khuất của họ. Một số gia đình vẫn sẽ thắp một ngọn nến trong nhà của họ, đặc biệt là trong phòng có người thân qua đời.
Tại Mễ Tây Cơ
Người Mễ Tây Cơ kỷ niệm Ngày Các Đẳng Linh Hồn kết hợp với Dia de los Muertos, hay “Ngày của người chết”. Giống như ở nhiều quốc gia Công Giáo, các gia đình sẽ dành thời gian bên mộ những người thân yêu, nhưng họ cũng sẽ lập một bàn thờ tại nhà với thức ăn, hoa và hộp hình sọ người đựng đường để tôn vinh những người đã qua đời.
Tại Áo
Trong các vùng của Áo, các gia đình dọn dẹp ngôi nhà của họ sạch đẹp và ấm áp, và sẽ để một chiếc bánh trên bàn để mời những người thân yêu đã khuất của họ.
Tại Malta
Người Công Giáo Malta theo truyền thống có món heo quay vào bữa tối Ngày Các Đẳng Linh Hồn. Điều này bắt nguồn từ một phong tục, dân làng đeo chuông cho một con heo và cho nó đi lang thang trên đường phố. Người dân địa phương sẽ cho nó ăn, sau đó nó sẽ bị giết thịt vào ngày hôm đó để nuôi người nghèo.
Tại Ý
Ý có nhiều truyền thống, nhưng nổi bật trong nhiều vùng là việc cung cấp các món ngọt riêng cho người đã khuất – tiếng Ý gọi là dolci dei morti, “kẹo cho người chết”. Họ cũng làm những chiếc bánh quy màu trắng có hình xương, chúng là một cách buồn vui lẫn lộn để tưởng nhớ những người thân yêu.