1. Đức Giáo Hoàng chọn 21 Hồng Y mới: các vị này là ai? Phân tích của Catholic World News

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố một công nghị vào ngày 8 tháng 12, tại đó ngài sẽ trao mũ đỏ cho 21 thành viên mới của Hồng Y đoàn. Đức Giáo Hoàng nói “Nguồn gốc của các vị này thể hiện tính phổ quát của Giáo hội.”

Với những bổ nhiệm mới này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bổ nhiệm 142 Hồng Y, bao gồm 111 vị đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị bầu giáo hoàng: chiếm 79% số cử tri.

Theo đúng mô hình bổ nhiệm trước đây của mình, Đức Giáo Hoàng đã chọn nhiều Hồng Y mới từ các quốc gia từng là lãnh thổ truyền giáo, làm suy yếu thêm ảnh hưởng của Âu Châu trong Hội đồng. Tuy nhiên, ngài chỉ bổ nhiệm một Hồng Y mới từ Phi Châu cận Sahara, khu vực mà đức tin Công Giáo đang phát triển nhanh nhất. Ngược lại, năm vị đến từ Nam Mỹ.

Một lần nữa, theo thông lệ thường lệ, Giáo hoàng đã chọn một số Hồng Y đã làm việc chặt chẽ với ngài, và đã bỏ qua những nhà lãnh đạo các tổng giáo phận lớn để chọn các giám mục—và trong hai trường hợp, những người không phải giám mục— nhưng phù hợp với tiêu chuẩn của riêng ngài.

Có lẽ nhân vật đáng chú ý nhất trong danh sách của Đức Giáo Hoàng là nhà thần học dòng Đa Minh gây nhiều tranh cãi, Cha Timothy Radcliffe, người thường xuyên tranh luận cho đường lối Công Giáo cởi mở hơn đối với người đồng tính, và được Đức Giáo Hoàng chọn để lãnh đạo cuộc tĩnh tâm mở đầu cho Thượng hội đồng hiện tại.

Sự thiếu sót đáng chú ý nhất trong danh sách được công bố vào ngày 6 tháng 10 là Tổng giám mục José Gomez của Los Angeles. Là một người nhập cư từ Mexico hiện đang lãnh đạo tổng giáo phận lớn nhất tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Gomez có vẻ là ứng cử viên tự nhiên cho chiếc mũ đỏ. Tuy nhiên, ngài đã bị bỏ qua một lần nữa. Lần trước, Đức Thánh Cha đã tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Robert McElroy của San Diego, một đồng minh thân cận của Đức Thánh Cha Phanxicô. San Diego chỉ là một giáo phận trong giáo tỉnh Los Angeles.

Không có vị giám mục nào từ Hoa Kỳ có tên trong danh sách của Đức Giáo Hoàng, mặc dù Tổng giám mục Francis Leo của Toronto đã được chọn. Ba trong số các Hồng Y mới sẽ đến từ Giáo triều Rôma. Với việc nâng cao chức vụ của Cha Radcliffe, nước Anh sẽ tự hào có bốn Hồng Y: nhiều nhất trong lịch sử đất nước.

Trừ khi có người qua đời hoặc từ chức khỏi Hồng Y Đoàn, sẽ có 141 Hồng Y cử tri sau công nghị vào tháng 12. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt ra giới hạn ho số lượng Hồng Y cử tri là 120, nhưng cả ngài và Đức Thánh Cha Phanxicô đều đã vượt quá giới hạn trong quá khứ, và giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã phá vỡ giới hạn với con số kỷ lục là 141 vị.


Source:Catholic World News

2. Kitô hữu phải đối mặt với việc bắt giữ tùy tiện, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo ở Ấn Độ

Hơn 160 vụ tấn công bạo lực nhằm vào Kitô hữu đã được báo cáo tại Ấn Độ trong năm qua khi các luật do chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu cầm quyền của nước này thông qua làm gia tăng mối đe dọa đối với quyền tự do tôn giáo ở quốc gia này.

Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, các Kitô hữu ở Ấn Độ đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng về bạo lực và phân biệt đối xử tôn giáo.

USCIRF hiện đang kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo quốc tế với tư cách là quốc gia đáng quan tâm đặc biệt, gọi tắt là CPC — một động thái đã gây ra sự phẫn nộ từ chính phủ nước này.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lên tiếng phản đối USCIRF vào thứ năm, mô tả cơ quan của Hoa Kỳ này là “một tổ chức thiên vị với chương trình nghị sự chính trị”.

Phát ngôn nhân cho biết: “Chúng tôi bác bỏ báo cáo ác ý này”, “nó chỉ làm mất uy tín của USCIRF thêm mà thôi”.

Phát ngôn nhân kêu gọi USCIRF “từ bỏ những nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự như vậy” và thay vào đó tập trung sự chú ý vào các vấn đề nhân quyền trong nước mình.

Các vụ việc vi phạm quyền tự do tôn giáo được liệt kê trong báo cáo của USCIRF bao gồm các cuộc tấn công vào cá nhân, nơi thờ phượng và trường học; hạn chế cầu nguyện nơi công cộng; và cáo buộc sai sự thật về “cưỡng ép cải đạo” với hình phạt từ hình thức phạt một số tiền lớn ở một số tiểu bang đến tù chung thân ở những tiểu bang khác.

Theo báo cáo của USCIRF, “từ Tháng Giêng đến tháng 3, đã có 161 vụ bạo lực chống lại Kitô hữu ở Ấn Độ được báo cáo — 47 vụ trong số đó xảy ra ở bang Chhattisgarh.”

Báo cáo cho biết: “Những vụ việc như vậy bao gồm từ các cuộc tấn công bạo lực vào nhà thờ và các buổi cầu nguyện cho đến hành hung, quấy rối và cáo buộc sai trái về việc cưỡng bức cải đạo”.

Tại tiểu bang Assam ở đông bắc Ấn Độ, chính quyền đã nhiều lần nhắm vào các Kitô hữu trong suốt năm qua, thông qua các đạo luật như Dự luật Thực hành Chữa bệnh Assam, cấm cầu nguyện cho người bệnh. Theo USCIRF, bộ trưởng chính quyền Assam đã tuyên bố ý định “hạn chế truyền giáo và cải đạo của Kitô hữu trong tiểu bang bằng dự luật này”.

Một trường Công Giáo trong tiểu bang đã bị một số tổ chức Hindu nhắm tới và “yêu cầu các giáo viên ngừng sử dụng hình ảnh và biểu tượng Kitô giáo”.

Tại tiểu bang Chhattisgarh ở phía đông, các Kitô hữu bị từ chối tiếp cận nguồn nước cộng đồng và trong một số trường hợp, theo nguồn tin do USCIRF trích dẫn, các Kitô hữu đã chết còn không được dân làng theo đạo Hindu ở địa phương cho phép chôn cất.

Chính quyền đã bắt giữ hàng chục Kitô hữu với cáo buộc “tiến hành hoặc tham gia vào việc cải đạo cưỡng bức” kể từ năm 2021. Theo luật “chống cải đạo” hiện có tại 12 trong số 28 tiểu bang của Ấn Độ, chính quyền có thể truy tố các nhóm tôn giáo thiểu số vì cáo buộc cố gắng cải đạo cưỡng bức. Theo USCIRF, nhiều luật trong số này “vượt xa các trường hợp cưỡng bức”.

Ví dụ, báo cáo trích dẫn một sự việc xảy ra ở Uttar Pradesh, nơi 13 Kitô hữu, bao gồm bốn mục sư, đã bị bắt sau khi tham gia một buổi cầu nguyện tại nhà sau khi dân làng địa phương báo cáo họ với cảnh sát vì nghi ngờ có “hoạt động cải đạo”.

Tại Uttar Pradesh, một luật mới được thông qua cho phép bất kỳ ai, không chỉ nạn nhân hoặc người thân huyết thống, được nộp Báo cáo sơ thẩm, gọi tắt là FIR chống lại bất kỳ nghi phạm nào bị cáo buộc về tội “cưỡng ép cải đạo”. Những người bị bắt và bị buộc tội ở tiểu bang miền bắc Ấn Độ này phải đối mặt với án tù chung thân mà không được phép nộp đơn xin tại ngoại.

Trước cuộc bầu cử gần đây nhất của đất nước vào tháng 6, các chính trị gia bao gồm Thủ tướng Narendra Modi và các thành viên của Đảng Bharatiya Janata đã áp dụng các khẩu hiệu theo chủ nghĩa dân tộc Hindu cho các chiến dịch của họ. Theo báo cáo, những chính trị gia này đã thúc đẩy “ngày càng tăng việc sử dụng ngôn từ kích động thù địch và lời lẽ phân biệt đối xử” đối với các cộng đồng tôn giáo thiểu số như Kitô giáo và Hồi giáo.

USCIRF lưu ý rằng thủ tướng Modi đặc biệt cáo buộc phe đối lập của ông có ý định “xóa bỏ đức tin Hindu khỏi đất nước” và biến người Hindu thành “công dân hạng hai tại chính đất nước của họ”. Modi đặc biệt nhắm nhiều bình luận của mình vào người Hồi giáo, những người mà ông gọi là “kẻ xâm nhập”.


Source:Catholic News Agency

3. Danh sách các tân Hồng Y gây kinh ngạc cho Úc Đại Lợi và Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương

Tác giả Jonathan Liedl của National Catholic Register có bài nhận định nhan đề “Snubs and Surprises: Making Sense of Pope Francis’ Latest Cardinal Picks”, nghĩa là “Những khinh miệt và bất ngờ: Tìm hiểu ý nghĩa của việc Đức Thánh Cha Phanxicô lựa chọn Hồng Y mới nhất”.

Tác giả cho rằng các lựa chọn của Đức Thánh Cha Phanxicô gây bất ngờ cho người Công Giáo Úc và Ukraine

Trước thông báo hôm Chúa Nhật, một số nhà quan sát lưu ý rằng Hồng Y đoàn không có bất kỳ đại diện nào từ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương — là một sự thiếu sót đáng chú ý, xét đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và sự lớn mạnh của Giáo Hội này.

Trong số các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương là Giáo Hội lớn thứ hai chỉ sau Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar của Ấn Độ.

Hồng Y đoàn cũng không có vị nào tại Úc, nơi chưa có Hồng Y nào kể từ khi Hồng Y George Pell qua đời vào Tháng Giêng năm 2023.

Đức Thánh Cha Phanxicô hiện đã khắc phục điều đó, nhưng không theo cách mà mọi người mong đợi - và có lẽ không theo cách khiến người Úc hay người Công Giáo Hy Lạp Ukraine có thể vui mừng.

Trong một lựa chọn gây ngạc nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Giám mục Mykola Bychok, 44 tuổi, của Giáo phận Công Giáo Ukraine tại Melbourne, Úc, làm Hồng Y. Khi làm như vậy, ngài đã bỏ qua hai giám mục cao cấp khác: đó là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ có trụ sở tại Kyiv của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, người đã chỉ trích cách Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và Tổng giám mục Anthony Fisher, người kế nhiệm Hồng Y Pell với tư cách là Đấng bản quyền của Sydney và là nhà lãnh đạo Công Giáo có uy tín nhất của Úc.

Nói cách khác, người Công Giáo Đông phương Ukraine có một Hồng Y, nhưng đó không phải là nhà lãnh đạo của họ, là người đã nổi lên như một nhà lãnh đạo anh hùng trong một cuộc chiến tranh khủng khiếp; và Úc cũng có một Hồng Y, nhưng vị này không đại diện cho 5 triệu người Công Giáo trên hòn đảo này, phần lớn theo nghi lễ Latinh.

Trong khi Giám mục Bychok có thể là một nhà lãnh đạo tốt, một số người Công Giáo tại Úc và Ukraine có thể coi việc lựa chọn ngài là không lý tưởng, vì điều này báo hiệu rằng cả Tổng giám mục Shevchuk và Tổng giám mục Fisher đều khó có thể nhận được mũ đỏ trong thời gian tới.

Fiducia Supplicans, văn bản gây tranh cãi của Vatican vào tháng 12 năm 2023 về các phước lành cho người đồng giới, là một góc nhìn quan trọng khác giúp hiểu rõ hơn về những ai có tên trong danh sách Hồng Y mới — và những ai bị loại.

Chẳng hạn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn Tổng giám mục Jean-Paul Vesco, một tu sĩ dòng Đaminh người Pháp, người lãnh đạo Giáo hội tại Algiers và cùng các giám mục anh em ở Bắc Phi đưa ra lời bảo vệ nhẹ nhàng cho tài liệu này.

Tương tự như vậy, một sự lựa chọn khác, Đức Hồng Y mới đắc cử người Serbia, Tổng giám mục Ladislav Nemet, dường như đã chào đón Fiducia Supplicans nồng nhiệt hơn so với các giáo sĩ Đông Âu trung bình, nhấn mạnh rằng phước lành này không phải là sự tán thành các cặp đồng giới, mà còn nói rằng mong muốn của các cặp đôi đồng giới được nhận phước lành là một ví dụ về thế giới hiện đại “khám phá ra chân lý... nhanh hơn chúng ta dựa trên sự mặc khải và truyền thống trong Kinh thánh.”

Trong khi đó, Giáo Hội Công Giáo năng động do người bản địa lãnh đạo ở vùng cận Sahara Phi Châu — nơi mà sự phản kháng đối với Fiducia Supplicans diễn ra mạnh mẽ và rầm rộ nhất — sẽ chỉ có một Hồng Y được bổ sung vào Hồng Y Đoàn, Tổng giám mục Ignace Bessi Dogbo của Abidjan, Bờ Biển Ngà.

Trên thực tế, trong khi Á Châu và Mỹ Châu Latinh đều sẽ nhận được năm Hồng Y mới, điều này sẽ mở rộng tỷ lệ đại diện của cả hai châu lục trong Hồng Y Đoàn, thì số lượng ít ỏi của Phi Châu trong công nghị tấn phong Hồng Y sắp tới thực sự sẽ làm giảm tiếng nói của châu lục này trong Hồng Y Đoàn — và trong một mật nghị bầu giáo hoàng tương lai. Bằng cách chỉ nhận được 2 trong số 20 Hồng Y cử tri mới (những người dưới 80 tuổi), tỷ lệ phiếu bầu của châu lục này giảm từ 13,1% xuống 12,7%, một sự đảo ngược rõ ràng so với sở thích được truyền tụng của Đức Thánh Cha Phanxicô là trao cho Nam bán cầu nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của Giáo hội.

Sự vắng mặt của những người Phi Châu đáng chú ý như Tổng giám mục Andrew Nkea của Cameroon, người đã lãnh đạo hội đồng giám mục của đất nước này trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra tại tổng giáo phận quê nhà của mình, hoặc các giám mục người Kenya như Tổng giám mục Maurice Muhatia hoặc Tổng giám mục Phillip Anyolo, là điều đáng chú ý, và sự đón nhận không mấy nồng nhiệt của châu lục này đối với Fiducia Supplicans có thể có liên quan đến điều này.

Tổng giám mục Shevchuk cũng đã lên tiếng phản đối kịch liệt Fiducia Supplicans, có lẽ đây là một lý do nữa để Đức Thánh Cha Phanxicô bỏ qua ngài.

Khi nói đến việc trao mũ đỏ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có thói quen bỏ qua các nhà lãnh đạo của các giáo phận Hồng Y, hay các tổng giáo phận quan trọng theo truyền thống do một Hồng Y lãnh đạo. Ngài đã làm điều đó một lần nữa, khi các giáo phận lớn như Paris, Milan và Los Angeles một lần nữa bị bỏ qua. Cả ba giáo phận đó đã thiếu một Hồng Y trong hơn bảy năm.

Mỗi khi có công bố về một giáo hội mới, người Mỹ sẽ xem xét kỹ tên để xem tổng giám mục Los Angeles có nằm trong số đó hay không.

Và giống như mọi công nghị khác được tổ chức kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành giáo hoàng vào năm 2013, tên của Tổng giám mục José Gomez không được nêu, mặc dù ngài là giám mục của giáo phận lớn nhất nước Mỹ.

Trong khi sự vắng mặt của Tổng giám mục Gomez đã được dự đoán trước tại thời điểm này, thì việc không tìm thấy một người Mỹ nào trong danh sách của Đức Thánh Cha Phanxicô lại có phần đáng ngạc nhiên. Vì Hồng Y Seán O'Malley của Boston đã bước sang tuổi 80 vào mùa hè năm ngoái và hiện không còn đủ điều kiện để tham gia mật nghị Hồng Y, nên đã có suy đoán rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể bổ nhiệm một Hồng Y người Mỹ mới tại công nghị tiếp theo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng chiếc mũ đỏ để cố gắng định hình lại đáng kể ảnh hưởng trong giám mục đoàn Hoa Kỳ, bổ nhiệm các Hồng Y có xu hướng cấp tiến hơn nhiều so với giám mục người Mỹ thông thường, chẳng hạn như Hồng Y Blase Cupich của Chicago và Hồng Y Robert McElroy của San Diego.

Thực tế là lần này ngài không chỉ định một Hồng Y người Mỹ nào cho thấy ngài không thể tìm được một ứng cử viên nào theo kiểu Hồng Y Cupich — hoặc Đức Thánh Cha không còn hứng thú với việc định hình lại Giáo hội Hoa Kỳ thông qua việc bổ nhiệm Hồng Y. Dù lý do là gì, điều đó có nghĩa là đại diện thống kê của Hoa Kỳ trong Hồng Y đoàn sẽ giảm tại công nghị ngày 8 tháng 12, xuống còn 7% từ 8,2% hiện nay và từ 9,4% năm 2013.


Source:National Catholic Register