Lm Nguyễn Trung Tây
Nhà Sứ Vụ - Luke 9:2


“Missio” trong tiếng Latin, và “ἀποστέλλω/apostellō) hoặc πέμπω/pempō” trong tiếng Koine Greek có nghĩa là “sai đi với một sứ vụ, sứ mệnh - nhiệm vụ.” Thiên Chúa Cha yêu (ἀγαπάω/agapaō, John 3:16) đã sai (apostellō) Người Con đến thế gian để cứu độ (John 3:17). Trong bốn bản Tin Mừng, Đức Giêsu đã sai (apostéllō/pempō) các môn đệ, và trước khi về trời, đã sai (apostéllō/pempō) các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng (Luke 9:2, John 20:21). Điều này xác nhận sứ vụ của Giáo hội là mang Tin Mừng của Đức Giêsu đến với thế gian.

Nhà truyền giáo do đó là một thuật ngữ thần học chỉ những tín hữu được sai đi với sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Vì vậy, “nhà truyền giáo” và “nhà sứ vụ” đều diễn tả cùng một khái niệm, đó là, người được giao phó sứ vụ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng/Evangelii Gaudium đoạn 120, đã nhấn mạnh đến cụm từ “môn đệ sứ vụ/missionary disciple" chỉ về sự kết hợp giữa vai trò môn đệ của Đức Giêsu và hành động sứ vụ rao giảng.

Missiology, hay Sứ Vụ học/Truyền Giáo học, một lĩnh vực học thuật bao gồm ba ngành chuyên môn: Nhân chủng - Xã hội học (Social Anthropology), Tôn giáo Thế giới (World Religions), và Thần học (Theology). Những lĩnh vực chuyên môn này cùng nhau nghiên cứu cách thức mà Giáo hội tiếp cận với con người trong các bối cảnh văn hóa, xã hội, và tôn giáo khác nhau. Sứ Vụ học đồng thời giúp tín hữu Kitô hiểu rõ hơn về sứ vụ rao giảng của Giáo hội qua mọi thời đại.

Trong bối cảnh này, mỗi Kitô hữu của muôn muôn thế hệ đều được mời gọi không chỉ để theo Đức Giêsu, mà còn để ra đi/apostellō/pempō với sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài.