Nhìn chung ai cũng nhận biết xã hội Úc là xã hội tục hoá. Tôn giáo đóng vai trò khiêm nhượng trong mọi chính sách của chính phủ. Nhà lãnh đạo quan tâm nhiều đến an sinh xã hội. Có thể nói Úc theo chủ nghĩa xã hội nhân bản; lấy an sinh xã hội là chính nên luật pháp chú trọng đến an toàn, sức khoẻ cộng đồng. Úc coi trọng mọi tôn giáo, tín ngưỡng; coi đó là tự do tinh thần. Kitô giáo đóng vai thiểu số; con số này càng ngày càng teo, thu nhỏ, hẹp dần. Thể dục, thể thao được đề cao như loại tôn giáo. Cuối tuần và dịp lễ nghỉ sân vận động đầy ắp người. Thứ đến là bãi biển.

Tháng chín năm nay 2024, quốc hội Úc họp bàn tìm phương pháp giảm bớt số cựu chiến binh trẻ chọn tự kết liễu cuộc đời, nhất là cựu chiến binh trở về từ Trung Đông. Cuộc bàn thảo chú trọng đến việc giảm đi tối đa số cựu chiến binh tự vẫn cùng với vấn đề an táng cho nạn nhân. Phần hai nhấn mạnh đến hậu sự, lo lắng, bảo trợ, an ủi, giúp đỡ thân nhân gia đình nạn nhân. Trong vòng hai thập niên qua trung bình cứ hai tuần có ba người tự kết liễu đời mình. Chính phủ và quân đội quan tâm đặc biệt về vấn đề này, hy vọng thay đổi tình thế. Cũng trong dịp này, truyền thông Úc châu nhắc đến đại họa chính quyền đang phải đối phó. Số người trẻ tự kết liễu đời mình trở nên phổ biến hơn, lan rộng. Biện pháp hiện tại là cung cấp thêm tài chánh và các phương tiện cần thiết hỗ trợ hội đoàn, đoàn thể thiện nguyện cố vấn, hỗ trợ thanh niên trẻ khi biết họ gặp khó khăn trong đời sống.

Có nhiều hội đoàn, tổ chức xã hội; trong đó bao gồm tổ chức tôn giáo và không tôn giáo tham gia hỗ trợ nạn nhân. Một số khác gồm toàn thành viên gia đình nạn nhân. Họ mong giúp các gia đình khác mau vượt qua kinh nghiệm đau thương, kinh hoàng mà chính họ đã trải qua. Dân số toàn Úc châu chưa tới hai mươi năm triệu mà hàng năm có ba ngàn người trẻ chọn đi ra khỏi thế giới này. Đó là chưa kể đến chết gây nên tai nạn giao thông, hoặc dùng xìke, ma tuý quá liều. Đây là một con số kinh hoàng cho người có trách nhiệm. Giáo Hội Công Giáo từ lâu vẫn đóng vai trò tích cực trong việc mục vụ dành riêng cho người tự vẫn, và dẫn đầu trong việc hỗ trợ nạn nhân và thân nhân họ. Linh mục giáo xứ dành mọi ưu tiên, dễ dãi và sẵn sàng dành nhiều thời gian, ưu tiên trong việc nâng đỡ tinh thần thân nhân gia đình nạn nhân.

Khi nhận tin một thanh thiếu niên tự kết liễu đời mình. Giáo xứ gởi người tới nâng đỡ gia đình. Nhân viên lo thủ tục an táng đến nhà an ủi, chia sẻ, hướng dẫn, giúp hoàn thành mọi thủ tục cho việc an táng. Hoàn toàn không có đối xử khác biệt trong nghi thức an táng giữa người tự tử và người chết tự nhiên do bệnh tật. Tất cả được thông cảm, an táng, đối xử như nhau. Trường hợp thanh thiếu niên chết trẻ. Nếu là học sinh Công Giáo, trường học thường tổ chức cầu nguyện cho em và học sinh toàn trường được cố vấn tâm lí đến giúp nếu em đó cần.
Tùy theo gia đình quyết định mà tin buồn được loan đi hay hạn chế hay giữ kín. Khi gia đình cho phép, tin đó được loan tải đến thân nhân, thân hữu. Gia đình chọn không muốn loan tin ngay mà muốn giữ im lặng trong một thời gian; tất cả đều tôn trọng í kiến của gia đình. Gia đình được ưu tiên trong việc chọn ngày giờ, nghi thức, cách tổ chức lễ an táng theo đúng ước nguyện của người quá cố, hay yêu cầu của gia đình. Trường hợp Kitô hữu đó ít đến nhà thờ, cha xứ cũng không đối xử khác biệt nếu gia đình quyết định tổ chức lễ an táng trong xứ đạo. Cha xứ sẽ gặp gia đình để bàn thảo ngày giờ, nghi thức, chọn bài đọc, thánh ca cùng mọi nghi thức cần thiết cho thánh lễ an táng. Gia đình đồng í thì toàn thể xứ đạo được thông báo để cùng tham dự. Nếu gia đình muốn giới hạn thì cha xứ tôn trọng í kiến đó.

Dân Úc rất tôn trọng gia đình gặp khó khăn, gặp nạn. Họ đón nhận tin sầu khổ cách trân trọng; đón nhận với tâm tình bác ái Kitô hữu, thông cảm, đồng thời tôn trọng í kiến gia đình nạn nhân. Mọi người đều tôn trọng ước muốn riêng của gia đình. Đây là một trong những ưu điểm trong xã hội. Người ta cũng nhận biết ém tin có tệ hại riêng của nó. Thứ nhất người buôn tin không biết rõ nên thường thêu dệt quá sự thật. Thứ hai, ém tin gây thiệt hại cho cả người sống lẫn người chết. Người sống một mình, âm thầm đau khổ, không nhận được an ủi, nâng đỡ của thân nhân, thân hữu khi cần. Người chết không được người khác cầu cho. Cần tránh xa lối suy nghĩ ém tin do xấu hổ. Buồn sầu, đau khổ thì đúng. Xấu hổ là sai. Gia đình là nạn nhân, vô tội. Tại sao phải xấu hổ điều vô tội, không làm. Buôn tin do thiếu í thức, thiếu yêu thương. Giúp được gia đình nạn nhân bớt u sầu thì tốt; tránh gây thêm u sầu cho họ. Đức Kitô dậy an ủi kẻ sầu khổ. Còn gì đau khổ hơn gian truân khi phải đối phó với người thân tự vẫn. Thánh Giacôbê dậy cần.

'Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tì ố trước mặt Thiên Chúa, là thăm viếng cô nhi, quả phụ lâm cảnh gian truân' Gc 1:27.

Gia đình nạn nhân cần hỗ trợ tinh thần. Vị lãnh đạo tinh thần đóng vai trò quan trọng giúp xoa dịu, chia sẻ, an ủi nạn nhân. Hình ảnh chủ chăn vác chiên thương tật về băng bó, chữa trị, chăm lo, an ủi, chia sẻ, hỗ trợ, Đức Kitô muốn người chủ chiên tích cực làm sống động hình ảnh chủ chiên vác chiên trên vai. Yêu thương bằng cách đến tận nhà chia sẻ, an ủi, nâng đỡ, hỗ trợ khi con chiên bị thương tật. Chính hành động yêu thương này giúp tha nhân nhận biết tình yêu Thiên Chúa sống động qua bàn tay của người tin vào Chúa. Nhờ hành động yêu thương hoán cải con tim sỏi đá thành con tim biết yêu thương, sưởi ấm con tim nguội lạnh và chữa lành con tim tật nguyền. Thánh Giacôbê quả quyết đức tin không thực hành đức ái là đức tin chết. Đức tin không có hành động là vô dụng. Hành động đây ám chỉ đức ái.

'Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi...... Thân xác không hơi thở là thân xác chết, đức tin không hành động là đức tin chết'. Gc 2: 24-26.

Người bình thường không thể tự hủy diệt. Khi mắc loại tâm bệnh, nó từ từ loại bỏ, giết chết hy vọng; cuối cùng là giết ngay cả hy vọng sống. Như thế họ chết vì tâm bệnh. Hiện nay i khoa đang đi dần đến việc xác định tâm bệnh tự hủy diệt. Hiểu biết cho rằng cá nhân đó phạm tội rõ ràng nên từ chối giúp là hiểu biết sai. Dụ ngôn người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Đức Kitô nói với nhóm tố cáo bà là ai không có tội hãy ném viên đá đầu tiên đi. Mọi người im lặng, âm thầm bỏ đi. Sau khi mọi người bỏ đi, Đức Kitô nói với chị,

'Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa'. Gioan 8:11

Chết giúp ta nhận ra cái giới hạn của con người, và nhận biết khả năng mình. Chúa ban cho ta khả năng nâng đỡ, hỗ trợ, an ủi nhau khi cần. Hãy sốt sắng thực hành điều đó. Người chết đã chết, thân nhân họ là nạn nhân. Từ chối nâng đỡ, hỗ trợ, an ủi lúc người đau khổ, u sần cần đến không phải là cách của Kitô hữu. Làm như thế là biến họ thành nạn nhân. Người còn sống bị vạ lây, bị phạt về tội họ không hề phạm.

Đức Kitô khiển trách Giuđa hành động phản bội bán Thầy, coi vật chất nặng hơn tình người. Đức Kitô không nhắc đến hay kết án Giuđa tự tử. Biết Đức Kitô bị bắt, Giuđa thống hối mang tiền trả thủ lãnh Đền Thờ rồi thắt cổ chết. Giuđa chết trước Đức Kitô. Lịch sử tự tử xảy ra từ lúc nào ta không rõ, nhưng có lẽ nó khá phổ biến thời Đức Kitô. Khi nghe Đức Kitô nói ngài sẽ ra đi đến nơi họ không thể đến. Người Do Thái nghĩ ngay đến việc tự tử. Họ thắc mắc hỏi nhau,

'Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói': 'Nơi tôi đi, các ông không thể đến được' Gioan 8:22

Ngoài Chúa ra, không ai biết người ta thống hối thế nào trước khi chết. Điều chắc chắn là họ thiếu tự do, do tâm bệnh gây ra, khi quyết định làm công việc đó. Một khi tâm bệnh hành hạ, rất khó phán đoán chính xác.

TiengChuong.org