Phó Tổng thống Hoa Kỳ và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris (R) bắt tay với cựu Tổng thống Hoa Kỳ và ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc tranh luận tổng thống tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia, Pennsylvania, vào ngày 10 tháng 9 năm 2024. (ảnh: Saul Loeb / Getty)


Tyler Arnold của CNA, ngày 11 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đã tranh luận về chính sách phá thai, tranh luận về hồ sơ của nhau về kinh tế và nhập cư, và truyền đạt những tầm nhìn khác nhau về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong cuộc tranh luận đầu tiên của họ vào tối thứ Ba.

Cuộc tranh luận ngày 10 tháng 9 được tổ chức bởi ABC tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ở Philadelphia. Khi các cuộc thăm dò tiếp tục cho thấy một cuộc đua sít sao trên toàn quốc và trong các tiểu bang dao động quan trọng, hai ứng cử viên đã tìm cách thu hút các cử tri trung lưu và coi nhau là cực đoan.

Trump cáo buộc Harris là "một người theo chủ nghĩa Marx" và chỉ trích nền kinh tế của chính quyền Biden-Harris.

"Chúng ta có một quốc gia đang suy thoái và họ đã khiến nó suy thoái", ông nói. "Chúng ta có một quốc gia đang chết dần chết mòn".

Harris cáo buộc rằng lời lẽ của Trump chứa đựng "một loạt lời nói dối, bất bình và chửi bới".

"Người dân Mỹ muốn một tổng thống hiểu được tầm quan trọng của việc đoàn kết chúng ta lại với nhau, biết rằng chúng ta có nhiều điểm chung hơn là những điểm chia rẽ, và tôi cam kết với các bạn sẽ trở thành một tổng thống vì tất cả người Mỹ", bà nói.

Phương thức của Liên bang so với Tiểu bang về Phá thai

Hai ứng cử viên đã tranh cãi về cách thức thiết lập các quy tắc phá thai trong nước, với Trump lập luận ủng hộ cách tiếp cận theo từng tiểu bang và Harris ủng hộ luật liên bang tạo ra quyền hợp pháp đối với phá thai.

Trump từ chối trả lời liệu ông có phủ quyết lệnh cấm phá thai trên toàn quốc trong tư cách tổng thống hay không và Harris né tránh các câu hỏi về việc liệu bà có ủng hộ phá thai muộn hay không.

“Donald Trump đã đích thân lựa chọn ba thành viên của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ với mục đích là họ sẽ hủy bỏ các biện pháp bảo vệ của Roe v. Wade, và họ đã làm chính xác như ông ấy mong muốn, và hiện tại ở hơn 20 tiểu bang, lệnh cấm phá thai của Trump đã được ban hành”, Harris cho biết trong cuộc tranh luận. Tòa án Tối cao đã bãi bỏ quy định phá thai lâu đời vào năm 2022.

Nếu được bầu, Harris cho biết bà sẽ “tự hào ký” một đạo luật sẽ “lập lại các biện pháp bảo vệ của Roe v. Wade”.

Trump duy trì việc ủng hộ Tòa án Tối cao hủy bỏ Roe v. Wade, ghi nhận “thiên tài, trái tim và sức mạnh của sáu thẩm phán Tòa án Tối cao” đã tạo nên thành tựu này.

“Mỗi tiểu bang đều đang bỏ phiếu”, Trump cho biết. “Bây giờ đó là lá phiếu của người dân. Nó không bị ràng buộc vào chính quyền liên bang. Tôi đã làm một việc rất lớn khi làm điều đó. Phải can đảm lắm mới làm được và Tòa án Tối cao cũng đã rất can đảm khi làm điều đó”.

Harris không trả lời trực tiếp câu hỏi của người điều phối về việc liệu bà có ủng hộ bất cứ hạn chế nào đối với phá thai hay không mà chỉ nói rằng bà sẽ ủng hộ các tiêu chuẩn được đặt ra trong vụ Roe kiện Wade.

Sau đó, khi bị Trump hỏi về việc liệu "bà ấy [có] cho phép phá thai vào tháng thứ tám, tháng thứ chín, tháng thứ bảy" hay không, Harris xen vào "thôi nào". Trump tiếp tục nói: "Đó là vấn đề vì theo vụ Roe kiện Wade, bạn có thể phá thai vào tháng thứ bảy, tháng thứ tám, tháng thứ chín", và Harris trả lời: "Điều đó không đúng".

Harris cáo buộc rằng Trump sẽ "ký lệnh cấm phá thai trên toàn quốc", điều mà cựu tổng thống gọi là "một lời nói dối", đồng thời nói thêm: "Không có lý do gì để ký lệnh cấm vì... các tiểu bang đang bỏ phiếu".

Nhưng khi người điều phối hỏi Trump về bình luận của người bạn đồng hành J.D. Vance rằng Trump sẽ phủ quyết lệnh cấm phá thai trên toàn quốc, Trump nói rằng ông chưa bao giờ thảo luận về vấn đề này với Vance và chưa bao giờ nói rằng ông sẽ phủ quyết.

Phó tổng thống cũng chỉ trích Trump vì người ta "bị từ chối điều trị IVF", cựu tổng thống nói rằng "Tôi vốn là người đi đầu về IVF".

Di trú và nền kinh tế

Cả hai ứng cử viên đều tìm cách bảo vệ hồ sơ của họ về an ninh biên giới và nền kinh tế trong cuộc tranh luận.

Trump cáo buộc chính quyền Biden-Harris cho phép "những kẻ khủng bố", "tội phạm đường phố" và "kẻ buôn ma túy" đi qua biên giới phía nam, tuyên bố rằng "hàng triệu" người nhập cư đã nhập cảnh vào đất nước một cách bất hợp pháp, "chiếm mất công việc của người Mỹ gốc Phi và người gốc Tây Ban Nha và [công nhân] công đoàn".

"Họ đang chiếm giữ các thị trấn", Trump nói. "Họ đang chiếm giữ các tòa nhà. Họ đang xông vào một cách bạo lực. Đây là những người mà bà ấy và Biden đã cho vào đất nước chúng ta".

Harris chỉ trích Trump vì phản đối dự luật nhập cư lưỡng đảng, nói rằng ông "thích tranh cử vì một vấn đề hơn là giải quyết một vấn đề". Bà cũng cho biết bà "đã truy tố các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia vì buôn bán súng, ma túy và con người" trong khi làm công tố viên.

Các ứng cử viên đã tranh luận xem ai có thành tích tốt hơn về nền kinh tế, với Trump gọi lạm phát trong chính quyền Biden-Harris là "có lẽ là tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia của chúng ta” và cáo buộc rằng “những công việc duy nhất họ có được là những công việc phục hồi” đã quay trở lại sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Harris đã thúc đẩy kế hoạch thiết lập khoản tín dụng thuế sơ sinh là 6,000 đô la và khoản khấu trừ thuế cho các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập là 50,000 đô la. Bà cũng chỉ trích đề xuất tăng thuế quan của Trump, cáo buộc rằng nó sẽ tương đương với “thuế bán hàng” [sales tax] quốc gia.

Trump phản đối mô tả này, nói rằng chỉ có “Trung Quốc và tất cả các quốc gia đã lừa đảo chúng ta trong nhiều năm” mới phải trả thứ thuế đó.

Chính sách đối ngoại

Các ứng cử viên đã tranh luận về tác động của việc Biden-Harris rút quân khỏi Afghanistan và cách tốt nhất để tiếp cận các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Palestine.

Trump gọi việc rút quân khỏi Afghanistan là “một trong những tình huống xử lý kém cỏi nhất mà bất cứ ai từng thấy”. Mặc dù ông bày tỏ sự ủng hộ việc rời khỏi Afghanistan, nhưng ông phản đối cách chính quyền xử lý vấn đề này.

“Chúng ta đã rút lui… nhưng chúng ta không thể mất đi những người lính, chúng ta không thể bỏ lại nhiều người Mỹ và chúng ta không thể bỏ lại 85 tỷ đô la thiết bị quân sự mới và đẹp đẽ”, ông nói.

Harris bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định rời khỏi Afghanistan của Biden nhưng không trả lời trực tiếp câu hỏi của người điều phối về việc liệu bà có chịu trách nhiệm về những sinh mạng đã mất trong quá trình rút quân hay không. Bà cũng chỉ trích Trump vì các cuộc đàm phán của ông với Taliban.

“Ông ấy không… đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của tổng thống Hoa Kỳ là tổng tư lệnh với mức độ tôn trọng”, Harris nói.

Về Israel, Harris cho biết đất nước này “có quyền tự vệ” nhưng chỉ trích cách quân đội Israel xử lý cuộc xâm lược Dải Gaza, nói rằng: “Quá nhiều người Palestine vô tội đã bị giết — trẻ em, bà mẹ. Điều chúng ta biết là cuộc chiến này phải chấm dứt. … Chúng ta cần một thỏa thuận ngừng bắn và chúng ta cần các con tin được thả”.

Trump khẳng định rằng nếu ông là tổng thống, cuộc chiến "sẽ không bao giờ bắt đầu" và chỉ trích chính quyền Biden-Harris vì đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran: "Trước đây, Iran vốn không có tiền cho khủng bố. Họ đã phá sản. Bây giờ họ là một quốc gia giàu có".

Harris ủng hộ việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nói rằng: "Nhờ sự hỗ trợ của chúng ta... Ukraine vẫn là một quốc gia độc lập và tự do". Bà tuyên bố rằng nếu Trump còn tại nhiệm, Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Trump cho biết ông sẽ "kết thúc cuộc chiến với Ukraine và Nga nếu tôi là tổng thống đắc cử, tôi sẽ hoàn thành điều đó trước khi trở thành tổng thống".