Hình ảnh tấm bảng nhỏ trên thập gía

Thập gía Chúa Giêsu to hay nhỏ là báu vật thánh của người Kitô hữu. Là Logo của đức tin Kitô giáo.Thập gía Chúa Giêsu được treo trên nóc và trong thánh đường, nơi nhà tư chỗ cao trong nhà để tôn kính. Ở bên xã hội các đất nước Âu châu cây thập gía còn được dựng trên đỉnh núi cao, như trên đỉnh ngọn núi Zugspritze cao 2962 mét ở biên giới hai nước Đức và Áo, hay nơi vệ đường nữa…

Hình thập gía có hai cây gỗ hay hai thanh sắt: một chiều thẳng dựng đứng vươn lên không trung trời cao, và một cây chiều ngang theo đường chân trời, đóng chặt vào nhau tạo thành hình dấu cộng. Trên thập gía có hình tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh hai tay dang ra vào cây ngang, thân mình thẳng theo chiều cây thẳng đứng, và trên đầu cây thậy gía còn có một tấm bảng nhỏ ghi khắc bốn mẫu tự : INRI.

Bốn mẫu tự này nói lên hình ảnh gì?

Người tín hữu Chúa Kitô tôn thờ thập gía Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa, xuống trần gian làm người đã hy sinh dấn thân chịu bị xử tử đóng đinh vào thập gía và chết trên đó, mang đến sự chữa lành ơn cứu chuộc cho phần rỗi linh hồn con người. Sự chết của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng Thánh đã thánh hóa cây thập gía. Cây gỗ thập gía Chúa Giêsu vì thế trở thành cây thánh gía cho đức tin người tín hữu Chúa Kitô.

“ Cây thập gía là hình ảnh dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, và là hình ảnh sự hy sinh hiến lễ của Chúa Giêsu Kitô.” ( Đức Gíao hoàng Phanxicô)

Khi tôn thờ chiêm ngắm cầu nguyện, người tín hữu Chúa Kitô hướng con mắt tâm hồn lên thập gía. Lẽ dĩ nhiên hình tượng Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh trên đó là điểm trung tâm chính yếu của thánh gía. Nhưng dẫu vậy -nó không thuộc về lãnh vực đức tin để tôn thờ- còn có một chi tiết, một điểm liên quan mật thiết với sự chết của Chúa Giêsu Kitô trên đó: Tấm bảng treo trên đầu cây thánh gía. Tấm bảng án tử hình này được ghi tắt và gọn với bốn mẫu tự: INRI.

Đây là luật pháp thời đế quốc Roma xa xưa, phải nêu tên cùng lý do tại sao người này bị án xử. Đế quốc Roma từ thời trước Chúa Giesu đến xâm chiếm cai trị đất nước Do Thái, hầu như cả vùng Trung Đông nữa, mà Chúa Giêsu bị xử án hành quyết vào thời tổng trấn Pilatus đại diện hoàng đế Roma làm quan toàn quyền của đế quốc Roma.

Bản án bốn chữ INRI này do chính quan Pilatus truyền viết. Bốn mẫu tự này viết tắt của dòng chữ: Iesus Nazareus Rex Iudaeorum =Jesus thành Nazareth Vua dân Do Thái!

Tấm bảng bản án INRI thập gía Chúa Giesu Kitô được cả bốn Thánh sử phúc âm ghi thuật lại:
-Thánh sử Mattheus viết: “ Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái.” ( Mt 27,37)
-Thánh sử Marcus viết: “Bản án xử tội Người viết rằng: “Vua người Do-thái” ( Mc 15,26)
-Thánh sử Lucas viết: “Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.” ( Lc 23,38)
-Thánh sử Gioan viết chi tiết hơn: “Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.”20 Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp.21 Các thượng tế của người Do-thái nói với ông Phi-la-tô: “Xin ngài đừng viết: “Vua dân Do-thái”, nhưng viết: “Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do-thái”.”22 Ông Phi-la-tô trả lời: “Ta viết sao, cứ để vậy!” ( 19,19-22).

Thánh gía Chúa Giêsu bên Chính Thống giáo không viết bảng bản án với mẫu tự INRI, nhưng với bốn mẫu tự khác INBI, theo ngôn ngữ Hy lạp Ἰησοῦς ὁ Ναζωραῖος ὁ Bασιλεὺς τῶν Ἰουδαίων, Ihsous Nazoraios Basileus ton Ioudaion = Jesus người xứ Nazareth, Vua dân Do Thái!

Theo ngôn ngữ Aramaer, tiếng Do Thái cổ, tên Giesu là Yeshu chuyển dịch thành Yeshu-a và Yeh-shoo. Và sau này khi bản văn Kinh thánh được dịch từ tiếng Hylạp sang tiếng Latinh viết thành Iesus. Tên Jehoschua vào thời điểm các Thánh sử viết phúc âm thông dụng trong dân gian, như trong gia phả Chúa Giêsu nơi Thánh sử Luca ( Lc 3,29) có một vị thuộc hàng tổ tiên Chúa Giêsu cũng tên là Giesu. Ngoài ra tên Josua, một vị thủ lãnh bên cạnh Tiên tri Mose dẫn dân Thiên Chúa từ Aicập đi về quê hương đất nước Chúa hứa ban, và cũng là người kế vị Mose sau khi Mose qua đời. Thánh Phaolo cũng có một người cộng tác trung thành tên là Jesus ( Col. 4,11).

Ngày nay bên nước Tây ban Nha tên Jesus là tên phổ thông của nhiều người. Nhiều cầu thủ bóng đá miền Nam Mỹ nổi danh cũng có tên Jesus.

Tên Chúa Jesus gắn liền với sứ mạng truyền giáo của Ngài. Khi Thiên Thần hiện ra trong giấc mơ báo tin cho Ông Joseph, đã nói về Maria: Chị ta sẽ hạ sinh một con trai, và anh sẽ phải đặt tên nó là Jesus. Vì nó sẽ cứu chuộc dân khỏi tội lỗi.” ( Mt 1,21). Bản văn tiếng Do Thái viết: Anh phải đặt tên nó là Jeschua, vì nó sẽ cứu chuộc dân nó. Như thế tên Jeschua mang ý nghĩa Jah cứu chuộc: Jah viết tắt tên của Thiên Chúa, Đấng là sức mạnh ( XH 15,2), và Schua: cứu chuộc.

Khoa nghiên cứu lịch sử Kinh Thánh đưa ra kết luận: Chúa Jesus thành Nazareth vào ngày 14. Tháng Nissan (theo lịch Do Thái) năm 33., hay vào ngày 15. Tháng Nissan năm 30. khoảng 15 giờ đã chết trên thập gía ở đồi Golgotha phía bắc trước các cổng thành Jerusalem.

Dựa theo ý nghĩa nguồn gốc tên Chúa Jesus theo tiếng Do Thái, như trên bảng bản án mà Pilatus cho viết tắt là INRI gắn trên đầu thập gía, giúp suy nhận ra sự chết của Chúa Giêsu Kitô trên thập gía không là dấu tận cùng chấm hết. Nhưng là công cuộc cứu chuộc, ơn chữa lành của Thiên Chúa cho trần gian. Và Người sẽ lại đến trong vinh quang như lời tuyên xưng trong mỗi thánh lễ: “ Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến”.

Lễ suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu, 14.09.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long