1. Học sinh Nga đốt cháy trực thăng trị giá 15 triệu đô la bằng thuốc lá

Hôm Thứ Năm, 12 Tháng Chín, Trung Tướng Igor Krasnov, Tổng Công Tố Nga, cho biết văn phòng của ông đã quyết định khởi tố vụ án đốt cháy máy bay trực thăng ở khu tự trị Yamalo-Nenets.

Theo các báo cáo, hai thiếu niên người Nga đã đốt và phá hủy một chiếc trực thăng quân sự Mi-8 tại một phi trường bằng chất lỏng dễ cháy và thuốc lá.

Chiếc trực thăng Mi-8 - được cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine ước tính có giá lên tới 15 triệu đô la - đã bị đốt cháy tại phi trường Noyabrsk thuộc khu tự trị Yamalo-Nenets ở Bắc Cực của Nga vào đêm Thứ Ba, 10 Tháng Chín, theo kênh Baza Telegram, có liên kết với các cơ quan an ninh của Nga.

Sự việc này làm tăng thêm một loạt các vụ tai nạn và phá hoại khác, vì kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, lực lượng không quân Nga đã phải chịu tổn thất về máy bay không liên quan đến các nhiệm vụ chiến đấu trên đất nước đang xảy ra chiến tranh này.

Theo văn phòng tổng công tố Nga, hai thiếu niên, tuổi từ 13 đến 14, đã tiến đến bãi đáp trực thăng nơi chiếc trực thăng đang đậu và dội chất lỏng dễ cháy lên bãi đáp.

Theo các báo cáo sơ khởi, “Các em học sinh đã đốt cháy trực thăng bằng thuốc lá. Sau khi đổ chất lỏng lên trực thăng, các em quyết định hút thuốc và sau đó ném một điếu thuốc vào trực thăng. Không có lửa. Sau đó, một trong những em châm điếu thuốc thứ hai và sau đó cắm nó vào chất lỏng. Vào thời điểm đó, một vụ nổ đã xảy ra”.

Hai thiếu niên đã bị bắt giữ chưa đầy một giờ sau đó. Họ bị bỏng nghiêm trọng ở mặt và phải vào bệnh viện.

“Chiếc trực thăng đã cháy gần như hoàn toàn - chỉ còn lại phần đuôi”, Baza cho biết. Kênh này sau đó đã công bố những bức ảnh được cho là cho thấy phần còn lại bị cháy đen của máy bay.

Những thiếu niên này được cho là đã được một cá nhân giấu tên hứa thưởng 5 triệu rúp khoảng 55.000 đô la trên ứng dụng nhắn tin Telegram để thực hiện nhiệm vụ.

Hãng thông tấn nhà nước Tass của Nga mô tả Mi-8, được thiết kế vào những năm 1960, là “mẫu trực thăng nổi tiếng của Liên Xô và Nga, và là một trong những trực thăng được sản xuất hàng loạt nhất trên thế giới”. Chiếc máy bay hai động cơ này, được thiết kế để vận chuyển quân đội, đã được bán cho hơn 100 quốc gia.

Các số liệu công khai cho thấy Nga đã mất một số máy bay trực thăng kể từ khi nhà độc tài Vladimir Putin xâm lược nước láng giềng Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Trang tin nguồn mở Oryx của Hòa Lan cho biết họ đã xác nhận trực quan rằng kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu, Nga đã mất ít nhất 144 trực thăng, trong đó 112 chiếc bị phá hủy, 30 chiếc bị hư hỏng và hai chiếc bị bắt giữ.

Trong khi đó, số liệu do Bộ Tổng tham mưu Ukraine công bố hôm thứ Tư cho thấy tổng số trực thăng của Nga bị phá hủy kể từ khi chiến tranh bắt đầu là 328.

Các nguồn tin độc lập đưa ra những con số thận trọng hơn số liệu của Kyiv, và Nga không công bố số liệu về tổn thất quân sự của mình.

[Newsweek: Russian School Kids Torch $15M Helicopter with Cigarettes]

2. Ukraine xác định được vị tướng Nga đã ra lệnh tấn công bệnh viện nhi đồng Kyiv

Hôm Thứ Tư, 11 Tháng Chín, chính quyền Ukraine đã tuyên bố cáo buộc tội ác chiến tranh vắng mặt đối với Trung tướng Nga Sergey Kobylash vì vụ tấn công chết người vào bệnh viện nhi đồng Ohkmadyt ở Kyiv hai tháng trước.

Lực lượng Nga đã tấn công trung tâm y tế dành cho trẻ em lớn nhất Ukraine vào ngày 8 tháng 7, giết chết hai người lớn và làm bị thương ít nhất 34 người, trong đó có chín trẻ em. Cảnh quay cho thấy tòa nhà bị trúng hỏa tiễn Nga trực tiếp chứ không phải bị hư hại do các mảnh vỡ rơi xuống.

Theo một cuộc điều tra do Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, và Văn phòng Tổng công tố viên công bố, Kobylash, khi đó là chỉ huy lực lượng không quân tầm xa của Nga, đã ra lệnh tấn công bằng hỏa tiễn vào bệnh viện.

Vị tướng này đã phải đối mặt với các cáo buộc khác liên quan đến cuộc chiến tranh toàn diện ở Ukraine, và Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ ông vì tội tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

“Cuộc điều tra đã xác định rằng chính Kobylash là người đã ra lệnh cho một đơn vị dưới quyền chỉ huy thực hiện một cuộc tấn công từ máy bay ném bom Tu-95MS bằng hỏa tiễn hành trình Kh-101 vào khuôn viên bệnh viện Okhmadyt,” Tổng công tố Andrii Kostin cho biết vào ngày 10 tháng 9 khi phát biểu tại hiện trường vụ tấn công.

Kobylash ra lệnh vào khoảng 9:15 sáng, trong khi bệnh viện bị tấn công vào lúc 10:45 sáng, SBU làm rõ.

“Là một phần của cuộc điều tra, SBU và Văn phòng Tổng công tố... đã nói chuyện với 112 nạn nhân và 50 nhân chứng, bao gồm cả một số tù binh Nga bắt được trong cuộc tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk của Nga, tiến hành khám nghiệm chất nổ, pháp y và các xét nghiệm khác, đồng thời phân tích cảnh quay giám sát bằng video”, phó giám đốc SBU Serhii Naumiuk cho biết.

SBU cho biết hỏa tiễn được bắn từ một máy bay thuộc Sư đoàn ném bom hạng nặng số 22 đã liên tục cơ động và thay đổi đường bay, cho thấy ý định vượt qua hệ thống phòng không của Ukraine và tấn công cơ sở y tế.

SBU đã buộc tội Kobylash vào Tháng Giêng năm ngoái về “các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn lớn vào các tòa nhà dân cư, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng quan trọng ở nhiều khu vực khác nhau của Ukraine”.

Vào tháng 3 năm 2024, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Kobylash và Đô đốc Nga Viktor Sokolov vì đã ra lệnh tấn công vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine trong mùa đông năm 2022 đến năm 2023, dẫn đến tình trạng mất điện trên quy mô lớn trên cả nước.

[Kyiv Independent: Ukraine identifies Russian general suspected of ordering strike on Kyiv children's hospital]

3. Guardian: Anh đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow trong các cuộc tấn công tầm xa vào Nga

Anh đã quyết định lặng lẽ cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga, tờ Guardian đưa tin hôm Thứ Năm, 12 Tháng Chín, trích dẫn nguồn tin từ các quan chức Anh giấu tên.

Kyiv từ lâu đã lập luận rằng những hạn chế về việc sử dụng vũ khí tầm xa đang kìm hãm nỗ lực chiến tranh của nước này, trong khi Washington tuyên bố rằng việc cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của mình có thể làm leo thang tình hình.

Trong cuộc họp báo chung tại Kyiv vào ngày 11 tháng 9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết Nga phải chịu trách nhiệm về việc leo thang chiến tranh.

Chuyến thăm tới Kyiv diễn ra một ngày sau khi Washington xác nhận Iran đã chuyển giao hỏa tiễn đạn đạo cho Nga, mang lại cho Mạc Tư Khoa thứ mà Blinken mô tả là “năng lực bổ sung và tính linh hoạt mới” trong cuộc chiến.

Trả lời câu hỏi về việc liệu Hoa Kỳ có thay đổi chính sách liên quan đến các cuộc tấn công tầm xa hay không, mà Tổng thống Joe Biden được cho là đã cân nhắc trong những tuần gần đây, Blinken trả lời một cách thận trọng, nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng thay đổi chiến lược một cách linh hoạt “ngay từ ngày đầu tiên”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này,” Blinken nói. Ông không bình luận cụ thể về khả năng thay đổi chính sách đối với hỏa tiễn Storm Shadow, và có thể quyết định như vậy sẽ được đưa ra sau cánh cửa đóng kín—hoặc Vương quốc Anh có thể đưa ra quyết định một cách đơn phương.

Cùng lúc đó, các nguồn tin của tờ Guardian cho biết chuyến thăm Kyiv của Blinken và Lammy sẽ không thể diễn ra nếu không có sự thay đổi về chính sách liên quan đến việc sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow.

Sẽ không có thông báo rõ ràng nào về sự thay đổi chính sách trong khi Blinken và Lammy còn ở Kyiv.

Ukraine được cho là đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow, có tầm bắn lên tới 250 km, để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở Crimea, một vùng lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine đã bị Nga sáp nhập bất hợp pháp.

Tờ Telegraph đưa tin vào tháng 8, trích dẫn các nguồn tin giấu tên, rằng Vương quốc Anh đã bí mật ủng hộ việc cho phép Ukraine sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow để tấn công Nga, nhưng không muốn công khai thúc đẩy thay đổi chính sách như vậy vì lo ngại phản ứng dữ dội từ Hoa Kỳ.

Các quan sát viên cho rằng các quyết định quan trọng như thế sẽ có tác dụng lớn hơn khi nó được bí mật đưa ra một cách bất ngờ. Kyiv lần đầu tiên sử dụng ATACMS vào tháng 10 năm ngoái để tấn công hai căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine, đã bất ngời loại khỏi vòng chiến đến 31 máy bay trực thăng Nga chỉ trong vòng một giờ.

[Kyiv Independent: Guardian: UK has decided to allow Ukraine to use Storm Shadow missiles in long-range strikes on Russia]

4. Nga vừa nhận được 200 hỏa tiễn đạn đạo từ Iran. Đây là sự leo thang trong cuộc chiến ở Ukraine—và có thể phản tác dụng với Nga.

Sự xuất hiện của Fath-360 có thể thúc đẩy sự thay đổi lớn trong chiến dịch tấn công của Ukraine.

Trong hai năm, Tehran và Mạc Tư Khoa đã đàm phán việc chuyển giao hỏa tiễn đạn đạo của Iran cho Nga để thúc đẩy cuộc ném bom đang diễn ra của Nga vào Ukraine. Vào ngày 4 tháng 9, lô đầu tiên gồm 200 hỏa tiễn Fath-360 cuối cùng đã đến Nga qua Biển Caspi.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hỏa tiễn của Iran là sự “leo thang đáng kể” trong cuộc chiến kéo dài 30 tháng của Nga với Ukraine.

Nhưng điều đó có thể là một điềm xấu cho nhà độc tài Vladimir Putin. Fath-360 là một hỏa tiễn tầm ngắn nhỏ. Và 200 hỏa tiễn không phải là nhiều hỏa tiễn trong chiến dịch tấn công của Nga. Thật vậy, kể từ tháng 2 năm 2022, Nga đã ném khoảng 10.000 hỏa tiễn và hàng chục ngàn máy bay điều khiển từ xa nổ vào các thành phố của Ukraine.

Và có khả năng cao là thỏa thuận Fath-360 sẽ phản tác dụng với Nga. Nó có thể là giọt nước tràn ly đối với các đồng minh của Ukraine, những người cho đến nay đã cấm Ukraine bắn các loại đạn dược tốt nhất của Mỹ và Âu Châu vào các mục tiêu bên trong nước Nga. Với sự xuất hiện của hỏa tiễn Iran ở Nga, có những dấu hiệu cho thấy điều này có thể thay đổi.

Fath-360 là hỏa tiễn đạn đạo dẫn đường bằng vệ tinh được vận chuyển theo từng gói hai, ba, bốn hoặc sáu quả bằng xe tải sáu bánh. Mỗi quả nặng 770 kg và có tầm bắn xa tới 120 km.

Để đưa thông số kỹ thuật của hỏa tiễn Iran vào đúng bối cảnh, một hỏa tiễn đạn đạo Iskander do Nga sản xuất nặng 3810 kg và có tầm bắn 500 km. Một trong những hỏa tiễn KN-23 do Bắc Hàn cung cấp cho Nga nặng 3400 kg và có thể bay xa tới 900 km.

Về phía Ukraine, một hỏa tiễn M30/31—loại đạn dược chính cho bệ phóng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Hoa Kỳ sản xuất—nặng khoảng 318 kg và tầm bắn khoảng 92 km. Một ATACMS, cũng được bắn bằng HIMARS, nặng tới 1680 kg và tầm bắn xa tới 306 km.

Fath-360 không cùng đẳng cấp với Iskander, KN-23 hay ATACMS. Thay vào đó, về cơ bản nó là M30/31 lớn hơn một chút và bay xa hơn một chút.

Quân đội Ukraine chủ yếu nhắm M30/31 vào các mục tiêu của Nga dọc theo tuyến đầu: các nhóm tấn công, sở chỉ huy trung đoàn, kho tiếp tế nhỏ, cầu gần tuyến tiếp xúc. Đối với các cuộc tấn công vào các mục tiêu sâu hơn ở Ukraine bị Nga tạm chiếm—phi trường, địa điểm phòng không và kho tiếp tế lớn hơn—HIMARS có thể bắn ATACMS nặng hơn.

Trọng lượng và tầm bắn của Fath-360 khiến nó hữu ích cho mục đích sử dụng ở tiền tuyến hoặc để bắn phá các thành phố gần tiền tuyến. Nhà báo người Ukraine Alexander Kovalenko dự đoán Nga “sẽ sử dụng những hỏa tiễn này … để gây kinh hoàng cho khu vực gần biên giới, đặc biệt là các vùng Sumy và Kharkiv.” Ông loại trừ “một số tác động nghiêm trọng đến hậu phương của Ukraine hoặc khu vực chiến sự” do các cuộc đột kích của Fath-360 gây ra.

Nói cách khác, Fath-360 không phải là vũ khí kỳ diệu. Và xét đến việc Nga phóng trung bình hơn 300 hỏa tiễn mỗi tháng vào các thành phố của Ukraine, 200 hỏa tiễn Fath-360 đầu tiên là quá ít để tạo ra sự khác biệt lớn trong quỹ đạo của cuộc chiến—đặc biệt là khi xét đến việc phòng không Ukraine thường đánh chặn ít nhất một phần tư số hỏa tiễn đang bay tới.

Tệ hơn cho người Nga, họ có thể sẽ hối hận vì đã liên minh với người Iran để tăng cường một chút tí ti kho vũ khí hỏa tiễn của họ. Liên minh hỏa tiễn Nga-Iran có thể là điều cuối cùng thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Washington, DC và Luân Đôn cho phép Ukraine sử dụng ATACMS và hỏa tiễn hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất vào các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Các hạn chế của các đồng minh đối với ATACMS và Storm Shadow là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy tới Kyiv vào thứ Tư để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Chưa ai hứa hẹn điều gì cả. Nhưng Blinken thừa nhận rằng sự xuất hiện của Fath-360 ít nhất cũng biện minh cho một cuộc thảo luận khác về các hạn chế. Và ông hứa sẽ ghi nhận các lập luận của người Ukraine. “Chúng tôi sẽ lắng nghe một cách chăm chú”, Blinken nói.

[Forbes: Russia Just Got 200 Ballistic Missiles From Iran. It’s An Escalation Of The War In Ukraine—And It Might Backfire On Russia.]

5. Blogger ủng hộ chiến tranh người Nga chỉ trích Putin: 'Những kẻ phản bội đang ngồi ở Điện Cẩm Linh'

Một blogger quân sự ủng hộ chiến tranh người Nga đã gián tiếp chỉ trích nhà độc tài Vladimir Putin về cuộc chiến ở Ukraine trong các tin nhắn. Diễn biến này cho thấy Điện Cẩm Linh vẫn chưa thành công trong việc kiểm soát tất cả các blogger quân sự người Nga.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, đã đưa tin vào cuối tuần rằng một số blogger quân sự Nga đã mô tả cách Điện Cẩm Linh đang thu hút một số blogger quân sự Nga để “kiểm soát việc lan truyền thông tin ở Nga” và đang cố gắng khuyến khích những người chỉ trích tự kiểm duyệt vì sợ bị trừng phạt.

Blogger quân sự Yegor Guzenko, người có hơn 300.000 người ghi danh trên kênh Telegram của mình, đã đăng một số video vào Chúa Nhật trong đó ông chỉ trích giới lãnh đạo Nga, ISW cho biết trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong các video, ông ta nói rằng “những kẻ phản bội đang ngồi ở Điện Cẩm Linh” và rằng “những người gây phiền nhiễu” như cựu chỉ huy quân đội Nga đang bị bỏ tù Igor Girkin, người đã chỉ trích mạnh mẽ cách giải quyết cuộc chiến ở Ukraine, đã bị “chuyển đi” và bị bỏ vào sau song sắt.

Girkin, người hỗ trợ Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở Hắc Hải từ Ukraine vào năm 2014, đã bị giam giữ tại nhà riêng vào ngày 21 tháng 7 năm 2023. Ông đã xuất bản các bài bình luận chỉ trích chiến lược quân sự và những thất bại của Nga kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Vài ngày trước khi bị bắt, Girkin gọi tổng thống Nga là “kẻ tầm thường hèn nhát” và nói rằng Nga sẽ không thể tồn tại nếu Putin tiếp tục làm tổng thống.

“Tất cả bọn này đều là những kẻ phản bội khốn kiếp. Và có người nói với tôi, anh phải biết sợ, vân vân, vì anh có thể bị bỏ tù,” Guzenko nói.

“Ồ, tại sao lại bỏ tù tất cả chúng tôi, tại sao lại giết chúng tôi. Chúng tôi đông lắm. Chúng tôi là cả một đất nước. Và các ông chỉ là một nhóm người ngồi đó. Ông đã già rồi, ông sẽ sớm chết thôi. Và chúng tôi còn trẻ. Chúng tôi sẽ tìm ra cách. Và tôi sẽ không thay đổi quan điểm của mình về toàn bộ câu chuyện này, “ anh nói tiếp.

Guzenko nói thêm: “Bây giờ các ông đang bỏ chúng tôi vào tù và giết chúng tôi. Ngoài chuyện đó ra, các ông còn làm được gì?” Tuy nhiên, ngay sau đó vài giờ những tuyên bố này đã bị xóa đi.

ISW cho biết thông tin chi tiết về những sự việc như vậy cho thấy Điện Cẩm Linh đang “cố gắng thu hút các blogger quân sự hoặc khuyến khích họ tự kiểm duyệt, trái ngược với chính sách kiểm duyệt trực tiếp tích cực hơn”.

Nhóm nghiên cứu này cho biết thêm: “Việc công bố ban đầu các video chỉ trích của blogger quân sự Nga cho thấy Điện Cẩm Linh đã không thành công trong việc thu hút hoặc làm im lặng toàn bộ không gian thông tin của Nga, nhưng việc kênh này sau đó gỡ bỏ các video cho thấy Điện Cẩm Linh đã thành công trong việc ép buộc các blogger quân sự Nga và nhóm quản lý của họ tự kiểm duyệt vì sợ bị trừng phạt”.

ISW cũng nhận định rằng cuộc tấn công xuyên biên giới của quân Ukraine vào lãnh thổ Nga đang gây khó khăn cho uy tín lãnh đạo của Putin.

[Newsweek: Russian Pro-War Blogger Slams Putin: 'Traitors Are Sitting in the Kremlin']

6. Hoa Kỳ công bố gói viện trợ nhân đạo 700 triệu đô la cho Ukraine

Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine 700 triệu đô la viện trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân Ukraine phải di dời, mạng lưới năng lượng ở Ukraine và các nỗ lực rà phá bom mìn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố tại Kyiv hôm Thứ Tư, 11 Tháng Chín.

Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy đã đến Ukraine vào ngày 11 tháng 9 để gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và các quan chức cao cấp khác của Ukraine.

Hoa Kỳ sẽ cung cấp 325 triệu đô la để giúp sửa chữa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, vốn cần được tăng cường trước mùa đông và trước nguy cơ xảy ra chiến dịch không kích mới của Nga.

Gói viện trợ này cũng bao gồm 290 triệu đô la viện trợ nhân đạo, sẽ hỗ trợ “hàng triệu người dân ở Ukraine và khu vực xung quanh đã buộc phải rời bỏ nhà cửa”, Blinken cho biết.

Blinken cho biết thêm 102 triệu đô la nữa sẽ được dùng để tài trợ cho hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo “nhằm giúp loại bỏ bom mìn và vật liệu chưa nổ mà Nga để lại trên khắp Ukraine”.

Lammy cũng công bố gói viện trợ tương tự trị giá 600 triệu bảng Anh hay 781 triệu đô la khi ở Kyiv.

“Cùng với Hoa Kỳ, chúng tôi cam kết cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để chống lại cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga. Cuộc đấu tranh của họ cho tự do, quyền tự do và dân chủ cũng là cuộc đấu tranh cho an ninh của Anh, an ninh Âu Châu và an ninh toàn cầu”, Lammy nói.

[Kyiv Independent: US announces $700 million humanitarian aid package for Ukraine]

7. Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đã cung cấp 'sự giúp đỡ rất đáng kể' cho cỗ máy chiến tranh của Nga

Hôm Thứ Tư, 11 Tháng Chín, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell cho biết rằng Bắc Kinh đang cung cấp cho Mạc Tư Khoa “sự giúp đỡ rất đáng kể” để tăng cường cỗ máy chiến tranh của mình, và đổi lại Nga sẽ chuyển giao công nghệ quân sự được bảo vệ chặt chẽ của mình trên tàu ngầm và hỏa tiễn.

Phát biểu với một nhóm nhà báo, bao gồm POLITICO, sau các cuộc họp với các đối tác của Liên minh Âu Châu và NATO tại Brussels, Campbell đã tăng mức độ chỉ trích Bắc Kinh. Trước đây, Hoa Kỳ tập trung vào nguồn cung cấp của Bắc Kinh về những công nghệ được gọi là công nghệ sử dụng kép — có thể được áp dụng cho mục đích quân sự hoặc dân sự.

Bây giờ Washington đang nói rõ ràng rằng Trung Quốc đang hỗ trợ quân đội Nga. Với việc Mạc Tư Khoa phải đối mặt với lệnh trừng phạt quốc tế, họ rất cần công nghệ để thúc đẩy sản xuất quân sự để có thể tiếp tục cuộc chiến chống lại Ukraine.

“Đây không phải là khả năng sử dụng kép”, Campbell nói, ám chỉ đến những vật liệu mới nhất mà Trung Quốc đang cung cấp cho Nga. “Về cơ bản, chúng được áp dụng trực tiếp vào cỗ máy chiến tranh của Nga”.

“Đây là những thành phần cấu thành của một nỗ lực rất đáng kể từ phía Trung Quốc nhằm giúp duy trì, xây dựng và đa dạng hóa các yếu tố khác nhau của cỗ máy chiến tranh Nga”, ông nói thêm. “Chúng tôi đang chứng kiến những nỗ lực ở cao cấp nhất của cả hai chính phủ nhằm cố gắng che giấu và bảo vệ một số yếu tố nhất định của sự hợp tác đáng lo ngại này... Hầu hết các hoạt động này đã được đưa vào hoạt động bí mật”.

Trung Quốc thường xuyên đưa ra tuyên bố phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine, khẳng định không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào và có “lập trường trung lập” về cuộc chiến.

Để đổi lấy sự giúp đỡ của Bắc Kinh, Nga đã bắt đầu cung cấp cho Trung Quốc tàu ngầm, hỏa tiễn và các công nghệ nhạy cảm khác. Trong lịch sử, Mạc Tư Khoa luôn cảnh giác khi cung cấp cho Bắc Kinh công nghệ quân sự mới nhất của mình.

Campbell cho biết: “Năng lực mà Nga cung cấp là hỗ trợ trong các lĩnh vực mà trước đây họ thẳng thắn miễn cưỡng tham gia trực tiếp với Trung Quốc”. “Chúng tôi lo ngại về một số lĩnh vực quân sự cụ thể, nơi dường như có một số quyết tâm cung cấp cho Trung Quốc sự hỗ trợ lớn hơn.

“Điều đó liên quan đến các hoạt động của tàu ngầm, các hoạt động thiết kế hàng không, bao gồm cả tàng hình; điều đó cũng liên quan đến năng lực về hỏa tiễn”, ông nói.

Theo Campbell, các công nghệ mới mà Bắc Kinh đang tiếp nhận sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho Hoa Kỳ mà còn cho Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Nam Hàn “nếu Trung Quốc có thể nhận được sự tham gia lớn hơn từ Nga trong việc hoàn thiện một số năng lực quân sự nhất định”.

Tiết lộ mới của Campbell được đưa ra hai tuần sau khi cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan thực hiện chuyến đi đầu tiên tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các quan chức cao cấp khác.

Chính quyền Hoa Kỳ đang gia tăng áp lực buộc Âu Châu phải phản ứng quyết liệt hơn trước sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Mạc Tư Khoa trong cuộc chiến tranh của Nga với Ukraine.

“Chúng tôi đã làm rõ việc quan sát các hoạt động tài chính và hỗ trợ một số nỗ lực này”, Campbell cho biết. “Chúng tôi nghĩ rằng Âu Châu có thể lên tiếng nhiều hơn về những lo ngại cụ thể của mình và chúng tôi tin rằng chỉ cần đưa một số tổ chức tài chính vào chế độ được giám sát chặt chẽ hơn và làm rõ điều đó sẽ có hậu quả đáng kể”.

Trong một diễn biến có liên quan, Mikhail Khodorkovsky, một nhà hoạt động đối lập người Nga lên tiếng cảnh giác rằng Trung Quốc là một quốc gia thâm hiểm. Họ muốn kéo dài cuộc chiến giữa Nga và Ukraine để làm cho nước Nga suy yếu. Đến một lúc nào đó, Trung Quốc không còn là người bạn vô giới hạn của Nga, mà sẽ quay sang uy hiếp Nga để lấy lại các lãnh thổ Mãn Châu rộng tới 910.000 km vuông. Vì thế, ông coi việc Putin chuyển giao các công nghệ cho người Tầu là một hoạt động phản quốc.

Tưởng cũng nên biết thêm: Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

[Politico: US accuses China of giving ‘very substantial’ help to Russia’s war machine]

8. Ukraine cảnh báo về mùa đông 'khắc nghiệt nhất' sau các cuộc tấn công của Nga vào các địa điểm năng lượng

Ukraine cho biết mùa đông đang tới có thể là mùa đông “khó khăn nhất” từ trước đến nay, trong bối cảnh Nga liên tục tấn công vào các địa điểm năng lượng.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã tổ chức một cuộc họp báo để thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra với Nga và các cuộc tấn công gần đây của Mạc Tư Khoa vào các địa điểm năng lượng của Ukraine.

“Khả năng phục hồi năng lượng là một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta trong năm nay,” Shmyhal cho biết. “Chúng ta đã vượt qua thành công những gì về cơ bản là 2.5 mùa đông. Chúng ta sẽ vượt qua mùa Đông thứ ba, với mùa sưởi ấm sắp tới có thể cũng khó khăn như vậy, nếu không muốn nói là khó khăn nhất.”

Shmyhal thông báo rằng Ukraine, với sự hỗ trợ từ các quốc gia Âu Châu, đang nhanh chóng thực hiện các kế hoạch phân cấp sản xuất điện của mình trong nỗ lực giảm thiểu nguy cơ bị tấn công. Chiến lược này bao gồm việc tăng công suất năng lượng tái tạo, một động thái được các nhóm môi trường hoan nghênh.

Greenpeace đã ủng hộ mạng lưới điện mặt trời phân tán, lập luận rằng nó sẽ chống chịu tốt hơn trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa của Nga. Tổ chức này đang thúc đẩy chính phủ Ukraine thực hiện các bước tích cực hơn để mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng xanh của mình, nói rằng nó có thể nhanh chóng khôi phục công suất điện trong nước.

Nhóm này đang thúc đẩy khoản đầu tư được hỗ trợ quốc tế gần 4,9 tỷ đô la vào năm 2030, tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực quang điện mặt trời.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho biết các mục tiêu hiện tại mà chính phủ Ukraine đặt ra để đạt được năng lượng mặt trời vào năm 2027 có thể tăng ít nhất gấp năm lần. Đây là một đánh giá rất thận trọng”, Natalia Gozak, nhà lãnh đạo Greenpeace tại Ukraine, nói với Associated Press hôm thứ Ba.

Theo Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới, Ukraine đã mất hơn một nửa công suất phát điện trong 14 tháng đầu của cuộc chiến, với tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Sản lượng năng lượng mặt trời của quốc gia này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì phần lớn khu vực phía nam, nơi có nhiều ánh sáng mặt trời hơn, đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Trước chiến tranh, năng lượng ở Ukraine chủ yếu do than, dầu, khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân chi phối.

Alexander Egit, giám đốc điều hành của Greenpeace tại Trung và Đông Âu, kêu gọi các quốc gia tài trợ phương Tây ưu tiên tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo trong và sau chiến tranh ở Ukraine.

“Chúng tôi kỳ vọng hàng tỷ euro sẽ được đầu tư vào quá trình tái thiết Ukraine của Liên minh Âu Châu và hơn thế nữa”, Egit cho biết. “Vai trò của Greenpeace là ủng hộ năng lượng tái tạo phi tập trung để bảo đảm Ukraine được tái thiết thành một quốc gia hiện đại, xanh và độc lập”.

[Newsweek: Ukraine Warns of 'Hardest' Winter Yet After Russian Attacks on Energy Sites]

9. Giám đốc tình báo Na Uy cảnh báo rằng hoạt động gián điệp và phá hoại của Nga ở Âu Châu hiện 'có khả năng xảy ra nhiều hơn'

Ông trùm tình báo Na Uy đã lên tiếng báo động về hoạt động phá hoại của Nga ở Âu Châu vào hôm Thứ Tư, 11 Tháng Chín, nói rằng Điện Cẩm Linh đang trở nên táo bạo hơn trong chiến dịch chiến tranh hỗn hợp của mình.

“Mức độ rủi ro đã thay đổi”, Phó Đô đốc Nils Andreas Stensønes, nhà lãnh đạo Cơ quan Tình báo Na Uy, nói với Reuters.

“ Chúng tôi tin rằng hành động phá hoại có nhiều khả năng xảy ra hơn và chúng tôi thấy các hành động phá hoại đang diễn ra ở Âu Châu hiện nay, cho thấy họ đã có những động thái ở quy mô đó”.

Các cơ quan tình báo phương Tây ngày càng cảnh báo về mối đe dọa gián điệp của Nga kể từ khi Điện Cẩm Linh bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào đầu năm 2022. Theo các báo cáo, những kẻ phá hoại người Nga bị cáo buộc đã đốt cháy một nhà máy lớn ở Berlin thuộc sở hữu của một nhà sản xuất quốc phòng vào tháng 5 nhằm phá vỡ các chuyến hàng vũ khí đến Kyiv.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ trích “chiến dịch hoạt động thù địch của Nga chống lại các đồng minh NATO” vào tháng 6, ngay trước khi có thông tin cho rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Đức đã ngăn chặn một âm mưu ám sát của Nga nhằm vào Ban Giám đốc của nhà sản xuất quốc phòng Đức Rheinmetall.

Điện Cẩm Linh từ lâu đã phủ nhận cáo buộc đứng sau những hành động gián điệp như vậy.

[Politico: Russian espionage, sabotage in Europe now ‘more likely,’ Norwegian intel chief warns]

10. Freeland lên tiếng lo ngại về việc tiền của Canada được chuyển cho 'Người Nga trong chiến tranh'

Các quan chức chính phủ Canada, bao gồm Phó Thủ tướng Chrystia Freeland, đã chỉ trích mạnh mẽ việc sử dụng tiền công quỹ để tài trợ cho một bộ phim tài liệu gây tranh cãi miêu tả cảnh những người lính Nga chiến đấu ở Ukraine.

Bộ phim “Russians at War” do nhà làm phim người Canada gốc Nga Anastasia Trofimova đạo diễn, đã ra mắt tại Bắc Mỹ tại Liên hoan phim quốc tế Toronto vào ngày 10 tháng 9.

Bộ phim nhận được tài trợ từ các đài truyền hình công cộng Canada và các khoản tài trợ của chính phủ, cùng với sự hỗ trợ từ một nhà sản xuất người Canada được đề cử giải Oscar.

Cơ sở dữ liệu về các dự án được tài trợ do Quỹ Truyền thông Canada - một quan hệ đối tác công tư được Bộ Di sản Canada hỗ trợ - duy trì - tiết lộ rằng bộ phim đã nhận được 250.000 Mỹ Kim hay 340.000 đô la Canada tiền tài trợ trong năm tài chính 2022-2023.

Bộ phim tài liệu này cũng nhận được khoản tài trợ tư nhân tổng cộng là 62.000 đô la từ Quỹ Hot Docs Ted Rogers, một quỹ lớn dành cho các nhà làm phim tài liệu Canada.

Trong phần giới thiệu cuối phim, logo của chính phủ Canada được xuất hiện.

Freeland, một nhà phê bình gay gắt về cuộc xâm lược của Nga và về di sản của Ukraine, đã bình luận về cuộc tranh cãi này trong một cuộc họp báo tại Nanaimo, BC

“Các nhà ngoại giao Ukraine và cộng đồng người Canada gốc Ukraine đã bày tỏ mối quan ngại thực sự nghiêm trọng về bộ phim đó, và tôi muốn nói rằng tôi chia sẻ những mối quan ngại đó”, bà cho biết, theo Global News. “Việc tiền công quỹ của Canada hỗ trợ cho việc chiếu và sản xuất một bộ phim như thế này là không đúng”.

Bất chấp lời kêu gọi của các thành viên Quốc Hội Canada gốc Ukraine về việc loại bộ phim khỏi danh sách phim tham dự liên hoan phim, ban tổ chức vẫn tiến hành chiếu phim.

Hàng trăm người đã xuống đường ở Toronto bên ngoài Rạp chiếu phim Scotiabank, nơi bộ phim được chiếu vào ngày 10 tháng 9, theo phóng viên Kyiv Independent tại hiện trường. Cuộc biểu tình có những khẩu hiệu như “Nga là một quốc gia khủng bố” và “Thật đáng xấu hổ cho TIFF”.

Trước đó, Tổng lãnh sự Ukraine tại Toronto và Bộ ngoại giao nước này cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Globe and Mail được công bố vào ngày 8 tháng 9, Trofimova nhấn mạnh rằng bà chỉ tập trung vào những người lính Nga, những người mà bà mô tả là những nhân vật ẩn náu của cuộc chiến, đồng thời nói thêm rằng quyết định trà trộn vào họ của bà xuất phát từ quyền tiếp cận đặc biệt mà bà được trao.

Trong một tuyên bố do TIFF cung cấp, Trofimova được cho là đã bảo vệ bộ phim tài liệu này trước những gì bà mô tả là các cuộc tấn công. “Tôi muốn nói rõ rằng bộ phim hợp tác sản xuất giữa Canada và Pháp này là một bộ phim phản chiến được thực hiện với rủi ro lớn đối với tất cả những người liên quan, đặc biệt là bản thân tôi”, bà nói.

Freeland bác bỏ quan niệm thông cảm với binh lính Nga khi nói rằng: “Chúng ta phải thực sự hiểu rõ rằng đây là một cuộc chiến không có sự tương đương về mặt đạo đức”.

Freeland nhận xét một cách cay đắng rằng Anastasia Trofimova là một nhà đạo diễn kiệt xuất trong việc moi tiền. Trong cuốn phim những người lính Nga nói những câu vô thưởng vô phạt như “Tôi muốn về nhà”, “Tôi không muốn chiến tranh”, “Tôi có người vợ đẹp và những đứa con ngoan chờ tôi ở nhà”. Những câu nói ấy nhằm đánh bóng bộ phim là một cuốn phim phản chiến. Tuy nhiên, cũng những người lính Nga ấy lại đưa ra những luận điệu đã được Putin tung ra để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine. Họ nói rằng Ukraine không phải là một dân tộc, không phải là một quốc gia riêng biệt, họ phải quay về với Đất Mẹ. Thành ra, bộ phim về thực chất không phải là một bộ phim phản chiến mà là một bộ phim biện minh và tuyên truyền cho cuộc xâm lược mà Putin đã khởi xuớng một cách phi pháp.

[Kyiv Independent: Freeland voices concern over Canadian funds going to ‘Russians at War’]

11. Nỗi 'Đau đầu' mới - Người Nga than phiền về 'UAV rồng lửa' bắn nhiệt Thermite mới của Kyiv

Một blogger quân sự người Nga đã lên Telegram để than thở về cái gọi là “UAV rồng lửa” mới của Ukraine với đầu đạn nhiệt nhôm, phàn nàn rằng binh lính đang bị bỏ mặc và phải tự lo liệu.

Blogger quân sự người Nga Two Majors, người có hơn 1 triệu người ghi danh trên Telegram, than thở rằng “máy bay điều khiển từ xa có thuốc nổ nhiệt nhôm đang được sử dụng để chống lại chúng ta ở khu vực Kherson. Hiện tại, chúng ta không có gì để chống lại nó. Cách duy nhất là xây dựng hầm trú ẩn bằng bê tông và gạch chịu lửa”.

Quân đội Ukraine đã công bố một số video cho thấy máy bay điều khiển từ xa hoạt động trên chiến trường. Thermite, hay chất nhiệt nhôm, là hỗn hợp của nhôm và gỉ sét, đạt tới nhiệt độ hơn 2.500 độ C khi đốt cháy—nóng gấp đôi dung nham nóng chảy. Trung tâm Quân sự Ukraine báo cáo rằng thermite có khả năng đốt cháy lớp giáp của xe.

“Người Ukraine cũng có một máy bay điều khiển từ xa mới để thả những quả bom nhiệt nhôm. Điều này khiến chúng tôi đau đầu”, Two Majors cho biết, đồng thời nói thêm rằng quân đội Nga đang cố gắng tìm ra cách để bảo vệ mình khỏi một cuộc tấn công tiềm tàng của máy bay điều khiển từ xa gây cháy.

“Lúc đầu, chúng tôi phải loay hoay với lưới để máy bay điều khiển từ xa không bay vào hầm trú ẩn, sau đó là áo choàng và chăn để không bị máy ảnh nhiệt của máy bay điều khiển từ xa phát hiện, và bây giờ chúng tôi phải nghĩ cách để không bị máy bay điều khiển từ xa mới này đốt cháy”, blogger quân sự này cho biết.

Blogger quân sự Nga này khuyên các binh sĩ Nga “đào sâu hơn, sử dụng cát và nhiều cát hơn nữa”. Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, trong nhiều trường hợp quân Nga bị bắt vì chui sâu lặn kỹ nên quân Ukraine có cơ hội tiếp cận cửa hầm của họ sau những đám cháy do chất nhiệt nhôm gây ra.

Blogger quân sự Nga này khuyên tiếp rằng “Lý tưởng nhất là gạch hoặc bê tông chống cháy, sau đó là bất cứ thứ gì chúng ta có trong tay. Nhưng luôn phải có nước và cát để dập lửa”.

“Và tất cả những điều này, như bạn hiểu, chủ yếu là do chúng ta tự chi trả. Đây là thực tế của bất kỳ ai, buộc phải cải thiện và bảo đảm an toàn cho chính mình trong điều kiện công nghệ mới đe dọa tính mạng nhanh hơn thông tin được truyền tải và các biện pháp an ninh được thực hiện cho chúng ta.”

Tuần trước, người dùng X nguồn mở OSINT Technical đã chia sẻ đoạn phim được cho là cho thấy một trong những máy bay điều khiển từ xa rải chất cháy xuống các vị trí của Nga, khiến cây cối bốc cháy. Hiện vẫn chưa rõ đoạn phim được quay khi nào, ở đâu và ai là người đầu tiên phát hành nó.

Emil Kastehelmi, một nhà phân tích tình báo nguồn mở, cho biết rằng “UAV rồng lửa” là “một bước phát triển mới trong chiến tranh máy bay điều khiển từ xa”.

“Đây là điều khác biệt so với góc nhìn thứ nhất và máy bay ném bom, và xét về góc độ tâm lý thì rất đáng sợ”, Kastehelmi cho biết.

“Thermite là một chất cháy ở nhiệt độ rất cao. Không chỉ cây cối và bụi rậm bị cháy mà nó còn có thể làm hỏng thiết bị, xe cộ và công sự, và gây bỏng nặng cho binh lính. Với ít thảm thực vật hơn, mọi thứ trống trải hơn, nhiệm vụ trinh sát và tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa sẽ hiệu quả hơn.”

Kastehelmi cho biết loại vũ khí này đã “làm tăng thêm nỗi sợ hãi về máy bay điều khiển từ xa”.

“Hãy tưởng tượng: bất thình lình như thể từ hư không, lửa bắt đầu đổ xuống như mưa từ trên trời, và không có gì bạn có thể làm để ngăn chặn nó. Bạn không thể dập tắt nó bằng nước. Đồng đội của bạn đang la hét, bị mắc kẹt trong ngọn lửa, giống như những ngọn đuốc sống,” ông nói.

Kastehelmi nói thêm rằng, mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động của máy bay điều khiển từ xa trên chiến trường, Nga “cũng có thể áp dụng sáng kiến này dưới một hình thức nào đó nếu nó chứng minh được hiệu quả”.

[Newsweek: Russians Bemoan Kyiv's New Thermite-Firing 'Dragon Drones': 'Headache']