THĂM NHÀ THỜ HÒA NINH - Họ đạo CÁI MUỐI
Xem Hình
Ngày Chúa nhật 25/8/2024, Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đi về miền tây, thăm nhà thờ Hòa Ninh, còn gọi là họ đạo Cái Muối, thuộc giáo phận Vĩnh Long; nằm trên địa bàn xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long và khuyến khích các em học sinh hiếu học tại họ đạo này.
Từ Sài gòn, chúng tôi đi theo hướng Bến Tre, không phải qua phà Đình Khao, cũng tránh được đi đường cao tốc, để đến nơi. Ngôi nhà thờ nằm bên con Kênh Mương Lộ, nối liền một bên là sông Tiền, một bên là sông Cổ Chiên. (Mời xem đoạn ngắn lược sử bên dưới).
Trước khi được gặp gỡ các cháu thiếu nhi vào buổi chiều, chúng tôi được cha sở trẻ ra đón tại quán ăn của nhà giáo dân, nơi chúng tôi dùng bữa trưa đơn sơ ở đó. Cha dẫn chúng tôi đi hẻm chợ để vào nhà thờ. Sau khi được uống những trái dừa xiêm mát lạnh, từ nhà thờ, chúng tôi được thầy dòng trẻ đưa xuống ghe đi tham quan vùng này.
Dòng sông màu vàng đục vì mang nhiều phù sa lững lờ trôi, những cánh bèo to nhỏ bập bềnh ở ven bờ. Chúng tôi vào xem lò làm cốm, làm kẹo dừa, cách lấy mật ong... Đối với người thành thị, xem người dân địa phương sản xuất cốm, làm kẹo bằng cách thủ công thì thấy thú vị; còn được ngồi dùng trà pha mật ong nữa. Anh thanh niên lái đò thuyết phục chúng tôi thăm ngôi nhà được làm bằng nguyên liệu từ cây dừa: từ nền đất, cái bàn, cái ghế, đến cái đèn chùm trên cao... đều làm bằng nguyên liệu từ cây dừa. Cũng lạ và hay hay.
Trở về nhà thờ, từ trên ghe, chúng tôi ngắm được toàn cảnh mặt tiền ngôi nhà thờ của họ đạo. Trong chuyến đi nào, nếu được đi rảo quanh khu vực dân cư thì cũng mang lại một phần nào đó chút kiến thức, tâm tư cảm thông, nhịp sống của họ cho chúng tôi. Hiện nay, các tỉnh ở gần Sài gòn như Long An, Bến Tre, Vĩnh Long... nhịp sống đạo khá chậm so với nơi khác, vì giáo dân tuổi trung niên lên thành phố làm việc, nhà thờ chỉ có người già và thanh thiếu niên.
Cha sở chia sẻ với chúng tôi về tình trạng này: “Họ đạo hiện nay chỉ có khoảng 1.000 người, không có người nhập cư mà chỉ có người chắp cánh bay đi, vì cuộc sống, vì tương lai....”. Một người trong Nhóm hỏi: “Thưa Cha, ở đây người ta còn xin lễ bằng “vật phẩm đơn sơ” như ngày xưa không? Cha cười: “Không, giờ đây người ta xin lễ bằng phong bì tiền, khoảng một trăm ngàn đồng (4 Usd); con có để một cái thùng, ai muốn cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà tổ tiên mà không có bổng lễ thì ghi tên linh hồn vào giấy rồi bỏ vô thùng, mỗi tháng con dâng lễ cầu nguyện chung cho”. Chúng tôi xúc động về cách xin lễ ở họ đạo này. Thảo nào, có một cha từng nói với chúng tôi: “Giáo Phận Vĩnh Long hiện nay khó khăn nhất so với tất cả các giáo phận khác...”
Mục tiêu chính của chuyến đi là gặp gỡ và hỗ trợ các cháu học sinh. Giữa cái nắng nóng của ba giờ chiều, các cháu tập trung học giáo lý. Chúng tôi nói ít lời thăm hỏi và gửi đến các cháu phần tiền hỗ trợ học tập của các cấp học Trung học phổ thông, Trung học cơ sở và Tiểu học. Ở Sài gòn, nếu đem số tiền này tặng cho trường THPT hay THSC thì nhà trường cảm ơn rối rít, nhưng không, đầu năm học Nhóm chúng tôi chỉ đau đáu nghĩ đến học sinh vùng sâu vùng xa mà thôi. Đa số cha mẹ các cháu làm vườn, trồng cây ăn trái, đi nhổ cỏ mướn, vét mương.... Chúng tôi cũng không quên có một số phong bì nho nhỏ, màu hồng tặng những người phục vụ công việc họ đạo, như thế niềm vui thật chan hòa khi thăm họ đạo vùng xa.
Đến 16g00, khuôn viên nhà thờ vui những bước chân trẻ em, người lớn. Cha phó đứng nói chuyện với các ông bên hông nhà thờ vẻ thân thiện, cho đến khi các cháu xếp hàng vào nhà thờ, còn người lớn vào ghế ngồi đọc kinh, khoảng mười lăm phút sau cha ra dâng lễ.
Trong lòng nhà thờ sạch đẹp đến bất ngờ nhưng giáo dân chỉ đứng và ngồi, không quì gối như nơi khác, vì nhà thờ chật, được xây trên quỹ đất từ năm 1936, hiện nay chưa thuận tiện để làm khác hơn.
Nhà thờ Hòa Ninh đầu tiên là nhánh của họ đạo Cái Nhum (Chợ Lách, Bến Tre), nằm ở phần trên của vùng Cù Lao Minh, một cù lao có đất đai nhiều phù sa màu mỡ nên đa phần giáo dân họ đạo Cái Muối này sống bằng nghề nông, chuyên canh tác các loại cây ăn trái như nhãn, xoài, cam quýt, chôm chôm....
Ban đầu nhà thờ lá chỉ có bốn gia đình giáo dân. Từ năm 1883 đến năm 1936, khi có đất dựng ngôi nhà thờ lá, số đồng bào theo đạo ngày càng tăng, có lúc số người lãnh nhận bí tích rửa tội lên đến hai, ba chục người, sau đó nhà thờ được làm mới bằng mái ngói, tường xi-măng với diện tích 250 mét vuông, được hoàn thành vào cuối năm 1936, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng.
Từ năm 1975- 1988, đời sống đạo gặp khó khăn, chỉ có thánh lễ Chủ nhật, các hội đoàn phải giải tán nhưng giáo dân vẫn gìn giữ nếp sống đạo đức. Chỉ từ năm 1988, sinh hoạt họ đạo mới khởi sắc lại và có những hoạt động như các nhà thờ khác ngày nay. (Cha cố Giuse Đinh Quang Lục, một linh mục khi còn trẻ, đang là thầy, đã đến giúp giáo xứ Vinh Sơn 3 (Chí Hòa) huấn luyện huynh trưởng cho chúng tôi một thời gian và nhà ông bà cố trên đường Phạm Văn Hai, gần nhà chúng tôi; cha đã là cha sở họ đạo Cái Muối này và đã qua đời ba năm về trước).
Chúng tôi ra về khi trời hết nắng, nửa đường gặp mưa to, về đến nhà đã quá 20g00, lòng tràn ngập niềm vui, một niềm vui mang tâm tình của người thành phố, dẫu có ham mê rong chơi, vẫn nhớ chia sẻ yêu thương đến họ đạo vùng thôn quê chân chất của giáo phận Vĩnh Long.
Xem Hình
Ngày Chúa nhật 25/8/2024, Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đi về miền tây, thăm nhà thờ Hòa Ninh, còn gọi là họ đạo Cái Muối, thuộc giáo phận Vĩnh Long; nằm trên địa bàn xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long và khuyến khích các em học sinh hiếu học tại họ đạo này.
Từ Sài gòn, chúng tôi đi theo hướng Bến Tre, không phải qua phà Đình Khao, cũng tránh được đi đường cao tốc, để đến nơi. Ngôi nhà thờ nằm bên con Kênh Mương Lộ, nối liền một bên là sông Tiền, một bên là sông Cổ Chiên. (Mời xem đoạn ngắn lược sử bên dưới).
Trước khi được gặp gỡ các cháu thiếu nhi vào buổi chiều, chúng tôi được cha sở trẻ ra đón tại quán ăn của nhà giáo dân, nơi chúng tôi dùng bữa trưa đơn sơ ở đó. Cha dẫn chúng tôi đi hẻm chợ để vào nhà thờ. Sau khi được uống những trái dừa xiêm mát lạnh, từ nhà thờ, chúng tôi được thầy dòng trẻ đưa xuống ghe đi tham quan vùng này.
Dòng sông màu vàng đục vì mang nhiều phù sa lững lờ trôi, những cánh bèo to nhỏ bập bềnh ở ven bờ. Chúng tôi vào xem lò làm cốm, làm kẹo dừa, cách lấy mật ong... Đối với người thành thị, xem người dân địa phương sản xuất cốm, làm kẹo bằng cách thủ công thì thấy thú vị; còn được ngồi dùng trà pha mật ong nữa. Anh thanh niên lái đò thuyết phục chúng tôi thăm ngôi nhà được làm bằng nguyên liệu từ cây dừa: từ nền đất, cái bàn, cái ghế, đến cái đèn chùm trên cao... đều làm bằng nguyên liệu từ cây dừa. Cũng lạ và hay hay.
Trở về nhà thờ, từ trên ghe, chúng tôi ngắm được toàn cảnh mặt tiền ngôi nhà thờ của họ đạo. Trong chuyến đi nào, nếu được đi rảo quanh khu vực dân cư thì cũng mang lại một phần nào đó chút kiến thức, tâm tư cảm thông, nhịp sống của họ cho chúng tôi. Hiện nay, các tỉnh ở gần Sài gòn như Long An, Bến Tre, Vĩnh Long... nhịp sống đạo khá chậm so với nơi khác, vì giáo dân tuổi trung niên lên thành phố làm việc, nhà thờ chỉ có người già và thanh thiếu niên.
Cha sở chia sẻ với chúng tôi về tình trạng này: “Họ đạo hiện nay chỉ có khoảng 1.000 người, không có người nhập cư mà chỉ có người chắp cánh bay đi, vì cuộc sống, vì tương lai....”. Một người trong Nhóm hỏi: “Thưa Cha, ở đây người ta còn xin lễ bằng “vật phẩm đơn sơ” như ngày xưa không? Cha cười: “Không, giờ đây người ta xin lễ bằng phong bì tiền, khoảng một trăm ngàn đồng (4 Usd); con có để một cái thùng, ai muốn cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà tổ tiên mà không có bổng lễ thì ghi tên linh hồn vào giấy rồi bỏ vô thùng, mỗi tháng con dâng lễ cầu nguyện chung cho”. Chúng tôi xúc động về cách xin lễ ở họ đạo này. Thảo nào, có một cha từng nói với chúng tôi: “Giáo Phận Vĩnh Long hiện nay khó khăn nhất so với tất cả các giáo phận khác...”
Mục tiêu chính của chuyến đi là gặp gỡ và hỗ trợ các cháu học sinh. Giữa cái nắng nóng của ba giờ chiều, các cháu tập trung học giáo lý. Chúng tôi nói ít lời thăm hỏi và gửi đến các cháu phần tiền hỗ trợ học tập của các cấp học Trung học phổ thông, Trung học cơ sở và Tiểu học. Ở Sài gòn, nếu đem số tiền này tặng cho trường THPT hay THSC thì nhà trường cảm ơn rối rít, nhưng không, đầu năm học Nhóm chúng tôi chỉ đau đáu nghĩ đến học sinh vùng sâu vùng xa mà thôi. Đa số cha mẹ các cháu làm vườn, trồng cây ăn trái, đi nhổ cỏ mướn, vét mương.... Chúng tôi cũng không quên có một số phong bì nho nhỏ, màu hồng tặng những người phục vụ công việc họ đạo, như thế niềm vui thật chan hòa khi thăm họ đạo vùng xa.
Đến 16g00, khuôn viên nhà thờ vui những bước chân trẻ em, người lớn. Cha phó đứng nói chuyện với các ông bên hông nhà thờ vẻ thân thiện, cho đến khi các cháu xếp hàng vào nhà thờ, còn người lớn vào ghế ngồi đọc kinh, khoảng mười lăm phút sau cha ra dâng lễ.
Trong lòng nhà thờ sạch đẹp đến bất ngờ nhưng giáo dân chỉ đứng và ngồi, không quì gối như nơi khác, vì nhà thờ chật, được xây trên quỹ đất từ năm 1936, hiện nay chưa thuận tiện để làm khác hơn.
Nhà thờ Hòa Ninh đầu tiên là nhánh của họ đạo Cái Nhum (Chợ Lách, Bến Tre), nằm ở phần trên của vùng Cù Lao Minh, một cù lao có đất đai nhiều phù sa màu mỡ nên đa phần giáo dân họ đạo Cái Muối này sống bằng nghề nông, chuyên canh tác các loại cây ăn trái như nhãn, xoài, cam quýt, chôm chôm....
Ban đầu nhà thờ lá chỉ có bốn gia đình giáo dân. Từ năm 1883 đến năm 1936, khi có đất dựng ngôi nhà thờ lá, số đồng bào theo đạo ngày càng tăng, có lúc số người lãnh nhận bí tích rửa tội lên đến hai, ba chục người, sau đó nhà thờ được làm mới bằng mái ngói, tường xi-măng với diện tích 250 mét vuông, được hoàn thành vào cuối năm 1936, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng.
Từ năm 1975- 1988, đời sống đạo gặp khó khăn, chỉ có thánh lễ Chủ nhật, các hội đoàn phải giải tán nhưng giáo dân vẫn gìn giữ nếp sống đạo đức. Chỉ từ năm 1988, sinh hoạt họ đạo mới khởi sắc lại và có những hoạt động như các nhà thờ khác ngày nay. (Cha cố Giuse Đinh Quang Lục, một linh mục khi còn trẻ, đang là thầy, đã đến giúp giáo xứ Vinh Sơn 3 (Chí Hòa) huấn luyện huynh trưởng cho chúng tôi một thời gian và nhà ông bà cố trên đường Phạm Văn Hai, gần nhà chúng tôi; cha đã là cha sở họ đạo Cái Muối này và đã qua đời ba năm về trước).
Chúng tôi ra về khi trời hết nắng, nửa đường gặp mưa to, về đến nhà đã quá 20g00, lòng tràn ngập niềm vui, một niềm vui mang tâm tình của người thành phố, dẫu có ham mê rong chơi, vẫn nhớ chia sẻ yêu thương đến họ đạo vùng thôn quê chân chất của giáo phận Vĩnh Long.