1. Một linh mục sinh viên Trường Ngoại giao Tòa Thánh qua đời lúc mới 31 tuổi
Một linh mục sinh viên Trường Ngoại giao Tòa Thánh, cha René Gaston Ayi Tsimi, người Cameroon bên Phi châu, vừa qua đời lúc mới 31 tuổi vì bệnh tật.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio, Giám đốc Trường Ngoại giao Tòa Thánh, nói rằng: “Cha René đã gây ấn tượng mạnh trên tôi. Cha là người con của Giáo hội Cameroon. Điều làm tôi chú ý hơn cả là cha thanh thản chấp nhận thánh ý Chúa trong đau khổ. Cha vẫn luôn giữ nụ cười từ đầu cho đến lúc cuối cùng, mặc dù đau đớn. Một ý tá nói: “Cha ấy đau lắm, nhưng không nói ra. Cha thực sự đau khổ rất nhiều”.
Đức Tổng Giám Mục Pennacchio cho biết: “Đức Thánh Cha đã tỏ ra gần gũi cha René với một lá thư rất đẹp. Ngài khuyến khích cha đương đầu với thử thách này và dâng những đau khổ của mình để mưu ích cho Giáo hội. Khi cha được chở đến nhà thương Gemelli, tôi đã tặng cha tấm ảnh thánh Gioan Phaolô II và cha giữ ảnh ấy trên chiếc bàn nhỏ cạnh giường của cha suốt thời gian ấy, cạnh ảnh Đức Mẹ Pompeii mà cha đã có. Thật là một chứng tá, kể cả đối với các linh mục sinh viên khác của trường. Tôi đã chứng kiến một gia đình đoàn kết, như khi một gia đình đau khổ vì một người thân đang chịu đau khổ”.
Cha René Gaston sinh ngày 13 tháng Bảy năm 1992, tại Mbandjock, thuộc Giáo phận Obala bên Cameroon; học triết tại Đại chủng viện Đức Maria Nữ Vương các Tông đồ ở Otélé, rồi lên thần học. Cha đã đậu cử nhân Giáo luật ở Đại học Giáo hoàng Urbaniana ở Roma. Sau khi thụ phong linh mục ngày 22 tháng Tám năm 2020, cha thi hành việc mục vụ tại giáo xứ Đức Maria Mẹ Đáng Ngưỡng Mộ ở Nkomotou, cho đến tháng Bảy năm 2021 thì được bổ nhiệm làm Phó Chưởng ấn Tòa giám mục cho đến khi trở lại Roma và bắt đầu theo học tại Trường Ngoại giao Tòa Thánh, từ ngày 26 tháng Chín năm ngoái, rồi đậu Tiến sĩ Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Laterano ở Roma.
2. Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Cameroon kêu gọi vượt thắng nội chiến
Đức Tổng Giám Mục José Avelino Bettencourt, Sứ thần Tòa Thánh tại Cameroon, bên Phi châu, kêu gọi các tín hữu Kitô tại nước này loại bỏ những chướng ngại cản trở hòa bình, giữa lúc đất nước đang phải đối phó với những thành phần đòi ly khai ở phía tây, và những vụ xâm nhập của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở miền bắc.
Đức Sứ thần Bettencourt đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong bài giảng ngày 14 tháng Tám vừa qua, nhân cuộc hành hương hòa bình hằng năm tại nhà thờ thánh Giuse của Giáo phận Bafoussam.
Đa số dân ở Cameroon thuộc vùng nói tiếng Pháp, nhưng cũng có hai miền nói tiếng Anh, cựu thuộc địa của Anh quốc. Bạo lực bùng nổ tại hai vùng tiếng Anh hồi năm 2016, khi các giáo chức và luật sư ở địa phương tấn công để phản đối ảnh hưởng ồ ạt của tiếng Pháp tại trường tiếng Anh cũng như tại tòa án. Chính quyền trung ương đàn áp mạnh mẽ, khiến hầu hết những người nói tiếng Anh liên kết với nhau để tranh đấu cho căn tính tiếng Anh của họ và đòi có một hệ thống giáo dục và tư pháp riêng. Trào lưu này lan rộng với phong trào ly khai khỏi Cameroon để thành lập một nước độc lập gọi là Ambazonia.
Cuộc xung đột giữa quân chính phủ và các nhóm ly khai cho đến nay đã làm cho ít nhất 600 người thiệt mạng trong tám năm qua. Hơn một triệu người phải tản cư và 70.000 người chạy sang Nigeria để tị nạn. Liên Hiệp Quốc nói rằng hai triệu 200.000 người trong số bốn triệu người ở vùng nói tiếng Pháp, đang cần được hỗ trợ nhân đạo, trong khi 600.000 học sinh không được cắp sách đến trường vì xung đột.
Ngoài ra, Cameroon cũng phải đương đầu với các lực lượng thánh chiến Hồi giáo, cụ thể là nhóm Boko Haram ở miền bắc, khiến có 3.000 người Cameroon bị giết và 250.000 người phải di tản.
Trong cuộc hành hương ở Bafoussam, Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh nói rằng: “Hòa bình là do Chúa tạo nên, là một hồng ân của Chúa, trong khi bạo lực là do ma quỉ và nó không bao giờ có thể biện minh được. Chúng ta hãy ngưng mọi chướng ngại dẫn tới hòa bình. Các tín hữu Kitô hãy mang những nhánh cây hòa bình với tất cả niềm xác tín, khiêm tốn, và dâng lên Chúa. Chúng ta hãy đặt những cành hòa bình ở cửa nhà, cửa sổ của chúng ta để mọi người biết chúng ta có những biểu tượng mới của sự sống...”
Trong cuộc hành hương, các tín hữu đã cầu nguyện cho hòa bình. Đức Cha Paul Lontsié-Keuné của giáo phận sở tại cũng thúc giục các tín hữu, cá nhân cũng như cộng đồng, trở thành những sứ giả hòa bình, gieo vãi hòa hợp bất kỳ nơi nào họ đi tới. Ngài không quên mời gọi các Kitô hữu hãy làm tất cả những gì cần thiết để ghi danh tham dự cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, 2025, bầu cho ứng viên mà họ tin là sẽ mang lại hòa bình cho Cameroon. Cuộc đầu phiếu này sẽ thăng tiến công bằng xã hội tại một nước nhiều người đang sống trong sợ hãi bị bắt cóc, sự gia tăng những lời oán ghét, óc bộ tộc, và những thách đố khác.
Tại Cameroon, Tổng thống Paul Biya cai trị từ hơn 40 năm nay và ông tìm cách tái ra tranh cử tiếp. Phe đối lập phản đối, tố cáo ông muốn tiếp tục nắm quyền, sau khi quốc hội thông dự luật kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu quốc hội thêm một năm và dời cuộc bầu cử quốc hội đến cùng thời kỳ với cuộc bầu tổng thống
3. Đức Giáo Hoàng viết lời tựa cho cuốn sách về án tử hình
Theo Kathleen N. Hattrup của tạp chí mạng ALETEIA, ngày 18/08/24, Đức Thánh Cha đã viết lời tựa cho cuốn sách mới nhất của một giáo dân Florida, người đã phục vụ tại các trại tử tù và biệt giam trong hơn 25 năm.
Thay mặt cho các giám mục Florida, Dale Recinella bắt đầu phục vụ các tù nhân tại các tử tù và trong “biệt giam dài hạn”.
Ông và vợ, Tiến sĩ Susan Recinella, cùng nhau phục vụ, ngay cả trong các vụ hành quyết -- Dale phục vụ cho tử tù, Susan phục vụ cho gia đình của cả những người bị kết án và các nạn nhân.
Dale đã viết một số cuốn sách, nhưng cuốn sách mới nhất của ông được Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết lời tựa.
Một Kitô hữu tại Tử tù: Cam kết của tôi với những người bị kết án sẽ được Nhà xuất bản Vatican (LEV) xuất bản vào ngày 27 tháng 8.
Cựu luật sư Phố Wall 72 tuổi này đã phục vụ trong thừa tác vụ này trong hơn 25 năm.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường lên tiếng phản đối án tử hình, một bản án mà ngài cho là vô nhân đạo vì nó không có chỗ cho hy vọng.
Đức Thánh Cha giải thích trong lời tựa rằng ngài đã gặp Recinella trong một buổi tiếp kiến và hiểu rõ hơn về ông qua các bài viết trên tờ L'Osservatore Romano và “bây giờ là qua cuốn sách vô cùng cảm động này”.
Đức Thánh Cha viết về về thừa tác vụ của ông Dale:
Nhiệm vụ của ông vô cùng khó khăn, mạo hiểm và gian khổ, vì nó chạm đến cái ác ở mọi chiều kích: cái ác đã gây ra cho các nạn nhân, không thể xóa bỏ; cái ác mà người bị kết án đang phải trải qua, biết rằng họ chắc chắn sẽ phải chết; cái ác mà, thông qua việc thực hành án tử hình, đã được truyền bá vào xã hội.
Đúng vậy, như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, án tử hình không phải là giải pháp cho bạo lực có thể tấn công những người vô tội. Các vụ tử hình, không những không mang lại công lý, mà còn thúc đẩy cảm giác trả thù, trở thành chất độc nguy hiểm cho cơ thể của các xã hội dân sự của chúng ta. Các quốc gia nên tập trung vào việc cho tù nhân cơ hội thực sự thay đổi cuộc sống của họ, thay vì đầu tư tiền bạc và nguồn lực vào việc hành quyết họ, như thể họ là những con người không còn xứng đáng sống và phải bị loại bỏ. Trong tiểu thuyết The Idiot, Fyodor Dostoevsky đã tóm tắt một cách ngắn gọn về tính không bền vững về mặt luận lý học và đạo đức của án tử hình, khi nói về một người bị kết án tử hình: “Đó là sự vi phạm linh hồn con người, không gì hơn! Có lời chép rằng: 'Ngươi không được giết người', nhưng vì anh ta đã giết người, nên những người khác sẽ giết anh ta. Không, đó là điều không nên hiện hữu”.
Thật vậy, Năm Thánh nên thúc đẩy tất cả các tín hữu cùng nhau kêu gọi bãi bỏ án tử hình, một hành vi mà như Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nêu rõ, “là không thể chấp nhận được vì nó là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người!” (số 2267).
Luôn là con cái của Thiên Chúa
Lòng thương xót của Thiên Chúa có thể “gây tai tiếng”, Đức Giáo Hoàng tiếp tục.
Nhưng có đúng là Chúa Giêsu đã chào đón vào vòng tay của Người một tên trộm bị kết án tử hình không? Vâng, Dale Racinella đã thực sự hiểu và làm chứng bằng cuộc sống của mình, mỗi lần ông bước qua ngưỡng cửa nhà tù, đặc biệt là nơi mà ông gọi là “ngôi nhà của sự chết”, rằng tình yêu của Thiên Chúa là vô biên và vô lượng. Và ngay cả tội lỗi ghê tởm nhất của chúng ta cũng không làm hoen ố danh tính của chúng ta trong mắt Thiên Chúa: Chúng ta vẫn là con cái của Người, được Người yêu thương, chăm sóc và được Người coi là quý giá.
Đức Giáo Hoàng: Án tử hình không bao giờ mang lại công lý, nhưng là chất độc cho xã hội
Vatican Media đăng nguyên văn Lời tựa của Đức Phanxicô cho cuốn sách của Recinella:
Tin Mừng là cuộc gặp gỡ với một Người sống vốn thay đổi nhiều cuộc sống: Chúa Giêsu có khả năng cách mạng hóa các kế hoạch, nguyện vọng và quan điểm của chúng ta. Biết Người có nghĩa là lấp đầy hiện sinh của chúng ta bằng ý nghĩa, bởi vì Chúa ban cho chúng ta niềm vui không bao giờ phai nhạt, vì đó chính là niềm vui của Thiên Chúa.
Câu chuyện của Dale Recinella, người mà tôi đã gặp trong một buổi tiếp kiến, và đã hiểu rõ hơn qua các bài báo mà ông đã viết trong nhiều năm cho L'Osservatore Romano và bây giờ qua cuốn sách vô cùng cảm động này, đã xác nhận những gì tôi đã nói: chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể hiểu được cách một người đàn ông, người có những mục tiêu khác trong đầu cho tương lai của mình, đã trở thành tuyên úy- với tư cách là một Kitô hữu, một người chồng và người cha - cho những người bị kết án tử hình.
Nhiệm vụ của ông là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, mạo hiểm và gian khổ, bởi vì nó chạm đến cái ác ở mọi khía cạnh của nó: cái ác đã gây ra cho các nạn nhân, không thể hoàn tác; cái ác mà người bị kết án đang phải trải qua, biết rằng họ chắc chắn sẽ phải chết; cái ác, thông qua việc thực hành án tử hình, đã được truyền bá vào xã hội. Đúng vậy, như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, án tử hình không phải là giải pháp cho bạo lực có thể tấn công những người vô tội. Các vụ hành quyết tử hình, không những không mang lại công lý mà còn nuôi dưỡng cảm thức trả thù sẽ trở thành mối thuốc độc nguy hiểm cho cơ thể của xã hội dân sự của chúng ta. Các quốc gia nên tập trung vào việc cho phép các tù nhân có cơ hội thực sự thay đổi cuộc sống của họ, thay vì đầu tư tiền bạc và nguồn lực vào việc hành quyết họ, như thể họ là những con người không còn xứng đáng để sống và bị loại bỏ. Trong tiểu thuyết The Idiot, Fyodor Dostoevsky đã tóm tắt một cách ngắn gọn về tính không bền vững về mặt luận lý họcbvà đạo đức của án tử hình, khi nói về một người bị kết án tử hình: “Đó là sự xâm phạm đến linh hồn con người, không gì hơn! Có lời chép rằng: 'Ngươi không được giết người', nhưng vì anh ta đã giết người, nên những người khác lại giết anh ta. Không, đó là điều không nên hiện hữu”. Thật vậy, Năm Thánh nên thúc đẩy tất cả các tín hữu cùng nhau kêu gọi bãi bỏ án tử hình, một hành vi mà theo như Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo nêu rõ, “là không thể chấp nhận được vì nó là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người!” (số 2267).
Hơn nữa, công trình của Dale Racinella, không quên sự đóng góp đáng kể của vợ ông là Susan như được phản ảnh trong cuốn sách, là một món quà tuyệt vời cho Giáo hội và xã hội tại Hoa Kỳ, nơi Dale sống và làm việc. Cam kết của ông với tư cách là một tuyên úy giáo dân, đặc biệt là ở một nơi vô nhân đạo như tử tù, là một lời chứng sống động và đầy nhiệt huyết về lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Như Năm Thánh Lòng Thương Xót đặc biệt đã dạy chúng ta, chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng có thể có một tội lỗi, một sai lầm hoặc một hành động của chúng ta khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa mãi mãi. Trái tim của Người đã bị đóng đinh vì chúng ta. Và Thiên Chúa chỉ có thể tha thứ cho chúng ta.
Chắc chắn, lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa này cũng có thể gây tai tiếng, vì nó đã gây tai tiếng cho nhiều người vào thời Chúa Giêsu khi Con Thiên Chúa ăn uống với những kẻ tội lỗi và gái mại dâm. Anh Dale cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích, phản đối và từ chối vì cam kết tâm linh của mình đối với những người bị kết án. Nhưng có đúng là Chúa Giêsu từng chào đón vào vòng tay của Người một tên trộm bị kết án tử hình không? Vâng, Dale Racinella đã thực sự hiểu và làm chứng bằng cuộc sống của mình, mỗi lần ông bước qua ngưỡng cửa nhà tù, đặc biệt là nơi mà ông gọi là “ngôi nhà của sự chết”, rằng tình yêu của Thiên Chúa là vô biên và vô lượng. Và rằng ngay cả tội lỗi ghê tởm nhất của chúng ta cũng không làm hoen ố danh tính của chúng ta trong mắt Thiên Chúa: chúng ta vẫn là con cái của Người, được Người yêu thương, được Người chăm sóc và được Người coi là quý giá.
Do đó, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến Dale Racinella: bởi vì công việc của ông với tư cách là một tuyên úy trong phòng tử tù là sự tuân thủ kiên trì và nồng nhiệt vào thực tại sâu sắc nhất của Tin Mừng Chúa Giêsu, đó là lòng thương xót của Thiên Chúa, tình yêu vô điều kiện và kiên định của Người dành cho mọi người, ngay cả những người đã phạm lỗi. Và rằng từ một cái nhìn yêu thương, giống như cái nhìn của Chúa Kitô trên thập giá, mong họ tìm thấy một ý nghĩa mới trong cuộc sống của họ và thực sự là trong cái chết của họ.