1. Chính quyền Nga đổ lỗi cho quân Ukraine phá hủy cây cầu bắc qua sông Seim ở tỉnh Kursk

Hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Tám, Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, đã cáo buộc lực lượng Ukraine phá hủy cây cầu bắc qua sông Seim ở tỉnh Kursk.

“Lực lượng Ukraine đã phá hủy một cây cầu bắc qua sông Seim ở quận Glushkovsky thuộc tỉnh Kursk của Nga,” Starovoyt nói.

Diễn biến này được cho là đã diễn ra vào ngày Thứ Năm, 15 Tháng Tám, đánh dấu ngày thứ 10 của cuộc tấn công xuyên biên giới chưa từng có của quân Ukraine, với việc Kyiv tuyên bố đã chiếm giữ 1.185 km2 lãnh thổ Nga và 82 khu định cư, bao gồm cả thành phố Sudzha.

Những bức ảnh cho thấy cây cầu bị phá hủy đã được kênh Telegram Mash của Nga công bố, trong đó khẳng định cây cầu đã bị nổ tung ở nhiều đoạn khác nhau.

Kênh này cũng tuyên bố rằng khoảng 30 khu định cư gần làng Glushkovo, cách Kursk khoảng 150 km, đã bị “cắt đứt” do cuộc tấn công.

The Insider đưa tin rằng quận Glushkovsky có ba cây cầu bắc qua sông Seim, hai cây cầu còn lại nằm gần các khu định cư Zvannoe và Karyzh.

Roman Alyokhin, cố vấn cho quyền thống đốc tỉnh Kursk và là một blogger ủng hộ chiến tranh người Nga, cũng tuyên bố rằng lực lượng Ukraine đang tấn công vào cây cầu ở Zvannoe, cách Glushkovo khoảng 7 km.

Kyiv cho biết thay vì chiếm lãnh thổ Nga, cuộc tấn công nhằm mục đích bảo vệ sinh mạng người Ukraine bằng cách ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới và chuyển hướng quân tiếp viện của Nga.

Bất chấp nhiều thông tin cho rằng Nga đang điều động ít nhất một số lực lượng tới tỉnh Kursk, quân đội Kyiv ở phía đông Ukraine cho biết tình hình ở đó vẫn rất nghiêm trọng khi Mạc Tư Khoa tiếp tục tiến quân gần Pokrovsk và Toretsk.

2. Tư lệnh NATO chỉ trích phản ứng của Putin ở tỉnh Kursk là quá 'Chậm và rải rác'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO Commander Slams Putin's Kursk Response: 'Slow and Scattered”“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nga đang nỗ lực xây dựng một chiến lược mạch lạc nhằm dập tắt việc mất lãnh thổ liên tục ở Kursk, và phản ứng của nước này trước cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine đã thu hút sự chỉ trích từ cả các chuyên gia quân sự và giới chức hàng đầu Âu Châu.

Tướng Christopher Cavoli nói: “Nga vẫn đang chuẩn bị các phản ứng trước cuộc xâm lược của Ukraine. Cho đến nay, đó chỉ là phản ứng khá chậm và rải rác.”

Tướng Cavoli hiện giữ chức Tư lệnh Đồng minh Tối cao Âu Châu, nhân vật quân sự cao cấp thứ hai trong NATO, chỉ đứng sau Chủ tịch Ủy ban Quân sự Rob Bauer.

Tướng Cavoli đã ca ngợi “sự bất ngờ về mặt hoạt động và chiến thuật” mà Ukraine đạt được ở Kursk, và cho rằng phản ứng chậm trễ và hỗn loạn của Nga là do thiếu cơ cấu chỉ huy rõ ràng.

Vị tướng nói: “Nga không xác định ai có thẩm quyền. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự bên trong Ukraine, nhưng chẳng chịu trách nhiệm gì đối với các vấn đề bên trong Nga, có phải thế không?”

James Nixey, giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House, nói với Newsweek rằng Nga đã bị đẩy lùi trước cuộc tấn công của Ukraine “làm nhục sâu sắc” nước Nga.

“Đây rõ ràng là một hoạt động lớn hơn nhiều so với những gì được hiểu ban đầu. Giống như âm mưu đảo chính của Yevgeny Prigozhin vào tháng 6 năm ngoái, nó làm suy yếu nhà lãnh đạo về mặt chính trị,” Nixey nói. Thứ hai, bất kỳ sự xâm phạm lãnh thổ Nga nào từ một quốc gia mà Nga tuyên bố thậm chí không phải là một quốc gia đều là một sự xúc phạm”.

Theo Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cơ quan đã theo dõi tiến trình cuộc tấn công của Ukraine kể từ khi nó bắt đầu vào ngày 6 tháng 8, Nga cho đến nay vẫn chưa xác định được ai sẽ chịu trách nhiệm ngăn chặn bước tiến của Ukraine.

Mikhail Khodorkovsky, nhà hoạt động đối lập người Nga, cho rằng Vladimir Putin không dám xác định cụ thể ai là người sẽ chỉ đạo cuộc phản công vì e rằng người cầm quân ấy thay vì tấn công quân Ukraine lại quay ra làm đảo chánh. Ban đầu, ông ta được tường trình là giao cho Alexey Gennadyevich Dyumin, một cựu vệ sĩ rất trung thành. Tuy nhiên, bảo một vệ sĩ đi đâm thuê, chém mướn, hạ sát đối thủ chính trị có lẽ thích hợp hơn là cầm quân trong một cuộc phản công chống lại một quân đội Ukraine thiện chiến. Thành ra, đã gần 2 tuần, quân Ukraine vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể.

ISW viết trong đánh giá gần đây nhất về cuộc tấn công: “Điện Cẩm Linh và bộ chỉ huy quân sự Nga đang tạo ra một cơ cấu chỉ huy và kiểm soát phức tạp, chồng chéo và cho đến nay vẫn kém hiệu quả để có thể đưa ra một phản ứng hiệu quả của Nga trước vụ Ukraine tấn công vào tỉnh Kursk”.

Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov tuyên bố thành lập một “hội đồng điều phối” trong Bộ Quốc phòng Nga cho các vùng Belgorod, Bryansk và Kursk.

Bộ trưởng cho biết điều này sẽ “tăng hiệu quả hỗ trợ toàn diện cho các nhóm quân đang giải quyết các nhiệm vụ bao trùm biên giới quốc gia và bảo vệ lãnh thổ cũng như dân số trong khu vực”.

Tuy nhiên, như ISW đã chỉ ra, không rõ hội đồng mới này sẽ tương tác như thế nào với các cơ quan khác được thành lập để đối phó với cuộc đột kích của Ukraine, bao gồm cả “hoạt động chống khủng bố” của Cơ quan An ninh Liên bang được phát động vào ngày 9 tháng 8.

ISW viết: “Hội đồng điều phối của Bộ Quốc phòng và hoạt động chống khủng bố của FSB có thể sẽ tiếp tục tạo ra sự nhầm lẫn trong việc xác định cơ cấu nào chịu trách nhiệm về những khía cạnh nào trong hoạt động phòng thủ của Nga ở tỉnh Kursk và có thể sẽ dẫn đến xung đột giữa FSB và quân đội Nga”.

ISW nói thêm rằng đường lối “bối rối” của Điện Cẩm Linh nêu bật thực tế là Nga đã không lường trước được bất kỳ sự tấn công đáng kể nào vào lãnh thổ của mình.

Tưởng cũng nên biết thêm: Mikhail Khodorkovsky, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các nguồn tài sản của Putin, không do Putin trực tiếp đứng tên nhưng do các tình nhân của ông ta đứng tên.

3. Ukraine chiếm được hệ thống tác chiến điện tử Volnorez tiên tiến của Nga trong cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Captures Russia's Advanced 'Volnorez' EW System in Kursk Raid”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Các lực lượng Ukraine đã thu được một hệ thống tác chiến điện tử được sử dụng để bảo vệ xe tăng của Nga, cùng với tài liệu về cách thức hoạt động của hệ thống này.

Lực lượng của Vladimir Putin đang cố gắng ổn định tiền tuyến ở khu vực Tây Nam nước Nga, nơi Ukraine đã phát động một chiến dịch bất ngờ vào ngày 6 tháng 8, trong đó Kyiv tuyên bố họ kiểm soát hơn 82 thị trấn và 1.185 km vuông lãnh thổ.

Giữa những tuyên bố của Ukraine về việc giành được lãnh thổ và các thiết bị chiến lợi phẩm của Nga, có tin quân đội Kyiv cũng đã tịch thu hệ thống tác chiến điện tử “Volnorez” gắn trên xe tăng và các tài liệu cho thấy cách thức hoạt động của hệ thống này.

Hệ thống này có tên là “Đê chắn sóng”, được sử dụng để bảo vệ các phương tiện quân sự khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa và được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 2023, gắn trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM.

Tờ báo Nga Argumenty i Fakty đã mô tả Volnorez là: “Một hệ thống chặn điện tử tiên tiến được thiết kế để bảo vệ xe tăng và các thiết bị quân sự khác khỏi máy bay điều khiển từ xa”.

Các thiết bị này hoạt động bằng cách làm gián đoạn tín hiệu của máy bay điều khiển từ xa, mang lại cho các phương tiện và những người ở gần chúng “mức độ bảo vệ nâng cao trong một cuộc xung đột ngày càng căng thẳng”.

Nhà báo Ukraine Yurii Butusov đã đăng một đoạn video về hệ thống tác chiến điện tử sau khi nó bị thu giữ, nói rằng nó được tìm thấy trong bao bì chưa hề được mở ra.

Trang tin quân sự Ukraine Militarnyi lưu ý cách hệ thống này được sử dụng để chống lại máy bay điều khiển từ xa FPV và được thiết kế dưới dạng hình nón được gắn vào áo giáp của xe tăng bằng nam châm.

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, Volnorez có thể làm gián đoạn tín hiệu của máy bay điều khiển từ xa ở phạm vi vượt quá một km, cung cấp cho các phương tiện được trang bị thiết bị gây nhiễu mức độ bảo vệ nâng cao.

Militarnyi nói: “Máy bay điều khiển từ xa được cho là sẽ mất liên lạc với trạm điều khiển và chuyển hướng, giúp các phương tiện tránh bị bắn trúng”. “Người Nga đang giữ bí mật các chi tiết kỹ thuật về sản phẩm của họ, nhưng các tài liệu thu được có thể tiết lộ những chi tiết cụ thể này”.

Tin tức này được đưa ra khi cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine không có dấu hiệu giảm bớt. Roman Starovoyt, Thống đốc khu vực Kursk của Nga, đã ra lệnh di tản Glushkovo, cách biên giới Ukraine 19 km và cách Sudzha 68 km về phía tây bắc, nơi binh sĩ Ukraine đã được quay phim gỡ cờ Nga khỏi các tòa nhà.

Ông cho biết trong tuần này rằng 121.000 người đã rời khỏi Kursk và chính quyền sẽ di tản tổng cộng 180.000 người khỏi khu vực.

Việc Ukraine vượt qua biên giới được phòng thủ sơ sài là thách thức lớn nhất mà Vladimir Putin phải đối mặt trong cuộc xâm lược toàn diện của mình và đang gây ra những tác động về hậu cần và an ninh ở Nga.

Hình ảnh vệ tinh từ Maxar cho thấy các công sự mới được đào tại hiện trường, bao gồm các chiến hào và mương chống xe cộ, ở phía tây nam thị trấn Lgov và các công sự này cách xa biên giới tới 27 dặm hay 43 km. Điều đó cho thấy Nga không tự tin có thể đẩy lùi cuộc tấn công của quân Ukraine.

CNN đã đưa tin về việc các cổng thông tin việc làm ở Nga đang quảng cáo các vị trí đào hào như thế nào, với công nhân được đưa ra mức lương từ 150.000-371.000 rúp (1.600-4.000 Mỹ Kim).

4. Đồng minh của Điện Cẩm Linh, Belarus kêu gọi hòa bình trong “cuộc ẩu đả” Nga-Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Kremlin ally Belarus calls for peace in Russia-Ukraine ‘scuffle’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Belarus và đồng minh chủ chốt của Putin, Aleksandr Lukashenko đã gọi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một “cuộc ẩu đả” thay vì phải nói là cuộc xâm lược của pu Putin vào Ukraine. Trước đây, ông ta dùng từ “cuộc chiến” hay “cuộc xung đột” để chỉ cuộc xâm lược của Putin vào quốc gia láng giềng. Gần đây, sau khi Ukraine mở cuộc tấn công xuyên biên giới vào Nga, ông ta bắt đầu dùng thuật ngữ mới là “cuộc ẩu đả”.

Hôm Thứ Năm, 15 Tháng Tám, nhà độc tài Belarus đã lên tiếng kêu gọi hòa bình giữa Nga và Ukraine khi cuộc tấn công của Kyiv vào khu vực Kursk của Nga bước sang tuần thứ ba.

Lời cầu xin của ông, được phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước Belarus và được đăng một phần trên trang web của ông. Nó được cho là sẽ được giới thiệu trên kênh Rossia 1 thuộc sở hữu nhà nước của Nga vào Chúa Nhật tới đây 18 Tháng Tám.

Đề cập đến cuộc xâm lược kéo dài hai năm rưỡi khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, Lukashenko nói: “Chúng ta hãy ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt cuộc ẩu đả này”.

Ông nói tiếp trong bài diễn văn: “Cả người dân Ukraine, người Nga và người Belarus đều không cần nó. Chính họ ở phương Tây mới cần chiến tranh. Tôi không thể tiết lộ những sự thật này, chúng hoàn toàn được coi là bí mật. Nhưng đôi khi các nhà lãnh đạo nói chuyện một cách cởi mở và nói rằng, hãy để người Ukraine và người Nga đánh nhau, hãy để mọi người chết trong cái vạc này “.

Dưới thời Lukashenko, đồng minh thân cận của Putin, Belarus đã cho phép quân đội Nga tấn công Ukraine qua lãnh thổ nước này. Nga cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, khiến Liên minh Âu Châu lo ngại.

Lời cầu xin hòa bình của ông được đưa ra khi Ukraine mở cuộc tấn công xuyên biên giới quan trọng nhất trong cuộc chiến chủ yếu mang tính phòng thủ kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bùng lên vào ngày 24/2/2022. Quân đội Ukraine hiện kiểm soát hơn 1.185 km2 lãnh thổ Nga ở khu vực Kursk.

Trong bối cảnh chiến dịch Kursk, Lukashenko gần đây đã gửi quân đến biên giới với Ukraine để “ngăn chặn khả năng đột phá của Ukraine”. Đồng thời, ông khẳng định mình không có ác cảm gì với Ukraine.

“Người Ukraine đã nhìn thấy điều đó. Họ liên tục nói với chúng tôi rằng họ không cần chiến tranh với Belarus. Chúng tôi hiểu điều này và nói rằng chúng tôi sẽ không chiến đấu với các bạn Ukraine”, ông Lukashenko nói. Theo ông, Belarus và Nga không quan tâm đến việc mở rộng chiến tuyến.

“Chúng tôi không muốn leo thang và chúng tôi không muốn chiến tranh chống lại toàn bộ NATO. Chúng tôi không muốn điều này.”

Tuy nhiên, Putin hôm thứ Hai nói rằng không có ích gì khi nói chuyện với Kyiv sau những gì họ đã làm ở Kursk.

“Chúng ta có thể đàm phán kiểu gì với những người tấn công bừa bãi dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự hoặc cố gắng tạo ra mối đe dọa đối với các cơ sở điện hạt nhân? Chúng ta có thể nói chuyện gì với họ đây?” Putin nói trong cuộc họp chính phủ khẩn cấp ở Nga hôm thứ Hai.

Quân đội Nga đã tấn công các thành phố của Ukraine, giết hại dân thường và giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia làm con tin trong hơn hai năm, đồng thời yêu cầu Ukraine nhượng lãnh thổ cho Nga nếu nước này muốn bắt đầu đàm phán hòa bình.

5. Nguồn tin cho biết Mỹ đang xem xét gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa đầu tiên cho Ukraine vào mùa thu này

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US considering sending Ukraine first long-range cruise missiles this fall, source says”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden “sẵn sàng” cung cấp cho Kyiv hỏa tiễn hành trình tầm xa để hỗ trợ các chiến đấu cơ F-16 của nước này

Một nguồn tin thân cận với chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với Kyiv Independent rằng các cuộc đàm phán giữa Ukraine và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cung cấp hỏa tiễn hành trình tầm xa đang “ở giai đoạn nâng cao”.

Nguồn tin cho biết, mốc thời gian khi nào hỏa tiễn có thể đến Ukraine vẫn chưa rõ ràng và cho biết thêm rằng có lẽ trong vài tuần tới.

Trước đó vào ngày 15 tháng 8, Politico đưa tin, trích dẫn các nguồn tin giấu tên, rằng chính quyền của Tổng thống Biden “sẵn sàng” cung cấp cho Kyiv hỏa tiễn hành trình tầm xa để hỗ trợ các chiến đấu cơ F-16 được cung cấp gần đây, cùng với các mục đích khác.

Kyiv đã thúc giục Mỹ cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho lực lượng Ukraine để có thể tấn công vào cơ sở hạ tầng quân sự và hậu cần của Nga ở sâu bên trong nước Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.

Tin tức này được đưa ra khi Ukraine tiếp tục cuộc tấn công xuyên biên giới ngoạn mục vào tỉnh Kursk của Nga, nơi được coi là một thành công về mặt chiến thuật. Ukraine tuyên bố kiểm soát 82 thị trấn của Nga tính đến ngày 15 Tháng Tám.

Các nhóm binh sĩ Ukraine cũng được tường trình đã tiến vào tỉnh Belgorod lân cận khi chính quyền Nga đang nỗ lực di tản người dân và gửi quân tiếp viện.

Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định về việc chuyển giao hỏa tiễn nhưng đang giải quyết “các chi tiết phức tạp”, Politico đưa tin, dẫn lời một quan chức chính quyền Tổng thống Biden.

Theo các phương tiện truyền thông, những “chi tiết” đó bao gồm việc xem xét việc chuyển giao các công nghệ nhạy cảm và bảo đảm máy bay phản lực của Ukraine có thể phóng hỏa tiễn nặng 2.400 pound tức là khoảng 1.089 kg mang đầu đạn nặng 1.000 pound hay khoảng 454 kg.

Ngũ Giác Đài từ chối bình luận về khả năng vận chuyển hỏa tiễn nhưng cho biết họ đang xem xét “một loạt các lựa chọn để đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ an ninh của Ukraine”.

Cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk và các cuộc tấn công Crimea có thể giảm bớt áp lực lên lực lượng Donbas của Ukraine

Theo Politico, Mỹ đang xem xét cung cấp cho Ukraine hỏa tiễn JASSM, có thể phóng xa đến 200 dặm hay gần 322 km từ máy bay F-16 thế hệ thứ tư. Nếu được chuyển giao cho Ukraine, JASSM do Lockheed Martin phát triển sẽ là hỏa tiễn cuối cùng mà Mỹ cấm cung cấp cho Kyiv.

Hỏa tiễn JASSM có thể tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của F-16, vì trong trường hợp đó chúng dự kiến sẽ không bay gần biên giới với Nga vì nguy cơ bị bắn hạ.

Một quan chức chính quyền cảnh báo rằng có “rất nhiều việc phải làm” trước khi bất kỳ hỏa tiễn nào tới Ukraine, bao gồm việc bảo đảm rằng các máy bay thời Liên Xô hiện có của Kyiv và những chiếc F-16 mới được giao gần đây có thể phóng hỏa tiễn vào các mục tiêu ở khoảng cách hơn 230 dặm hay 370 km, Politico cho biết.

Hai nguồn tin giấu tên nói với Politico rằng Ngũ Giác Đài đã làm việc với Ukraine về những vấn đề kỹ thuật này.

Ukraine có hỏa tiễn phóng từ trên không và trên mặt đất do Mỹ, Anh và Pháp cung cấp, có thể đạt tầm bắn gần 200 dặm hay 320 km tính từ điểm phóng, nhưng những hạn chế về việc sử dụng hỏa tiễn chống lại lãnh thổ Nga vẫn được áp dụng.

Hôm 31 Tháng Năm, Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng một số vũ khí do Mỹ cung cấp, trong đó có hỏa tiễn HIMARS, để tấn công các mục tiêu ở Nga nằm gần biên giới với tỉnh Kharkiv sau khi Nga phát động một cuộc tấn công mới trong khu vực vào ngày 10 Tháng Năm.

Ukraine vẫn bị cấm sử dụng ATACMS và các loại vũ khí tầm xa khác do Mỹ cung cấp để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ quyết định sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất cung cấp cho Ukraine, bao gồm cả chiến đấu cơ F-16, để tấn công Nga tùy thuộc vào tình hình trên chiến trường và nhu cầu của Quân đội Ukraine.

Kyiv đã nhiều lần kêu gọi các đối tác cho phép tấn công vào các cơ sở quân sự và công nghiệp của Nga để ngăn chặn Nga tiếp tục gây hấn ở Ukraine.

Heorhii Tykhyi, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao, cho biết vào ngày 13 tháng 8 rằng việc Ukraine tấn công xuyên biên giới vào Kursk sẽ “ít cần thiết hơn” nếu Kyiv được phép “sử dụng đầy đủ khả năng tầm xa của mình” để chống lại Nga.

6. Quân đội Ukraine chiếm được thành phố lớn đầu tiên của Nga ở tỉnh Kursk, và bắt giữ số lượng tù binh Nga kỷ lục

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian Troops Capture Their First Big Town In Russia’s Kursk Oblast—And Take A Record Number of Russian Prisoners”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tám ngày sau cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga, quân đoàn tấn công Ukraine - một số hoặc tất cả năm lữ đoàn cơ giới, ba lữ đoàn Dù và một số tiểu đoàn độc lập - đã chiếm được hoàn toàn thành phố lớn đầu tiên của họ: Sudzha.

Nhưng người Ukraine không chỉ chiếm được Sudzha với dân số trước cuộc tấn công là 5.100 người - họ còn bắt giữ nhiều binh sĩ Nga đang bảo vệ thành phố.

Lực lượng đặc biệt Ukraine đã bắt giữ 132 tù binh Nga khi Sudzha thất thủ hôm thứ Tư. Theo một nhà phân tích người Estonia đăng bài trên WarTranslation, “Đây là lần 'bắt tù binh' lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine”.

Việc những người Nga thuộc Trung đoàn súng trường cơ giới 488 trở thành tù nhân nói lên nhiều điều về động lực chính của trận chiến đang diễn ra ở Kursk.

Khi lực lượng Ukraine tiến vào Kursk vào ngày 6 tháng 8, quân Nga đầu tiên mà họ chạm trán không phải là quân đội chuyên nghiệp giỏi nhất của quân đội Nga. Thay vào đó, họ được trang bị nhẹ, được chỉ huy bởi lính nghĩa vụ.

Chính sách chính thức của Nga là những người lính nghĩa vụ—nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 30 đã thực hiện một năm nghĩa vụ quân sự bắt buộc—sẽ phục vụ nghiêm ngặt trong các vai trò quân sự tuyến hai, họ sẽ không nhìn thấy chiến tranh trong dáng dấp thực sự của nó.

Điều đó đã thay đổi ở Kursk, khi cuộc tiến công của Ukraine đã vượt qua các đơn vị và bộ phận của các đơn vị lẽ ra không bao giờ có mặt ở tiền tuyến. Đã có một số trường hợp về một nhóm lớn lính nghĩa vụ Nga hoang mang và sợ hãi, một số người trong số họ chỉ bắn vài phát súng trường trong quá trình huấn luyện quân sự sơ sài, đã nhanh chóng đầu hàng quân đội Ukraine thiện chiến trên chiến trường.

Trung đoàn súng trường cơ giới 488 rơi vào tình thế khó khăn khi các lữ đoàn Ukraine áp sát. Bị Lữ đoàn cơ giới 88 của quân đội Ukraine đánh bại, các bộ phận của Trung đoàn súng trường cơ giới 488 đã cố gắng rút lui vào hôm Thứ Tư, 14 Tháng Tám. Theo Trung tâm Chiến lược Quốc phòng, những người Nga chạy trốn đã bị các “đơn vị lính rào cản” Chechnya làm việc cho Điện Cẩm Linh buộc quay trở lại.

Theo truyền thống của Liên Xô và Nga, đơn vị lính rào cản buộc những đội quân có động lực kém phải chiến đấu - bằng cách đe dọa bắt giữ họ... hoặc thậm chí bắn họ. So với quân đội chuyên nghiệp được huấn luyện bài bản, lính nghĩa vụ chưa được đào tạo bài bản có nhiều khả năng cố gắng chạy trốn sau khi bị bắn. Theo nghĩa đó, lính nghĩa vụ và đơn vị chặn đường luôn song hành cùng nhau trong quân đội Nga. Ở đâu có lính nghĩa vụ, ở đó có các đơn vị lính rào cản.

Nhưng việc buộc Trung đoàn súng trường cơ giới 488 quay lại chiến đấu không cải thiện được khả năng chiến đấu của trung đoàn trước Lữ đoàn cơ giới 88.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, đưa tin một số trong số khoảng 2.000 binh sĩ của trung đoàn Nga đã có thể rút lui khỏi Sudzha hôm thứ Tư khi một đơn vị lân cận của Nga giành quyền kiểm soát ít nhất một tuyến đường ra khỏi thị trấn. Nhưng các bộ phận của Trung đoàn súng trường cơ giới 488 đã bị bỏ lại phía sau và bị lực lượng đặc biệt đi đầu trong cuộc tiến công của Ukraine tóm lấy.

Bởi vì sự phụ thuộc nặng nề của Trung đoàn súng trường cơ giới 488 vào lính nghĩa vụ đã góp phần dẫn đến thất bại của đơn vị này ở Sudzha, nên người Nga có thể gặp phải những bối rối tương tự khi cuộc tấn công Ukraine bước sang tuần thứ hai.

Đó là bởi vì Điện Cẩm Linh dường như đang gửi thêm lính nghĩa vụ đến Kursk trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm làm chậm bước tiến của Ukraine. ISW giải thích: “Bộ chỉ huy quân đội Nga đang điều chuyển các binh sĩ nghĩa vụ từ đợt dự tuyển mùa xuân năm nay từ Mạc Tư Khoa, Leningrad, Kaliningrad, Sverdlovsk, Murmansk và Samara đến Kursk để tăng viện cho quân đội của họ”.

Những người Nga hàng ngày, những người không bao giờ mong đợi những đứa con trai nhập ngũ của mình sẽ tham gia chiến đấu thực sự, không hài lòng. Theo ISW, “có những phản hồi tiêu cực từ các nhà hoạt động nhân quyền và người thân phản đối việc sử dụng lính nghĩa vụ trong các hoạt động chiến đấu tích cực.”

Không rõ tại sao Điện Cẩm Linh lại vi phạm chính sách đối với lính nghĩa vụ trong chiến đấu và có nguy cơ xảy ra khủng hoảng chính trị. Có thể các chỉ huy Nga đang để dành lực lượng chuyên nghiệp của họ cho cuộc tấn công đang diễn ra của Nga ở miền đông Ukraine.

Nhưng cũng có thể không còn quân chuyên nghiệp nào dự phòng – việc gửi quân tinh nhuệ tới Kursk sẽ tạo ra những khoảng trống mới trong phòng tuyến của Nga ở Ukraine. Việc tái triển khai binh sĩ chuyên nghiệp có thể giúp ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine, nhưng có nguy cơ tạo ra những đột phá riêng biệt của Ukraine ở những nơi khác.

“Chúng tôi chưa thấy một động thái đáng kể nào của quân đội Nga,” một nguồn tin quen thuộc với tình báo Mỹ nói với CNN, “và chúng tôi không thể biết liệu đó chỉ là vì họ mới bắt đầu di chuyển lực lượng hay thực ra là họ không còn đủ lực lượng để di chuyển.”

7. Quân đoàn Tự do Nga kêu gọi binh lính Nga đầu hàng, đổi phe trong bối cảnh cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk

Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Freedom of Russia Legion calls on Russian soldiers to surrender, switch sides amid Kursk incursion”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Hôm Thứ Sáu, 16 Tháng Tám, Quân đoàn Tự do Nga đã kêu gọi quân đội Nga đầu hàng hoặc đổi phe và tham gia cuộc chiến “vì tương lai bình thường của nước Nga”.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk của Nga, với ước tính số quân nhân Nga bị bắt giữ có thể đã lên đến 2.000.

Tuyên bố của quân đoàn trên Telegram viết: “Các quan chức chính trị của bạn, ngồi ở hậu phương ấm áp, yêu cầu bạn đừng đầu hàng mà hãy tự cho nổ tung bằng quả lựu đạn của chính mình”.

“Nhưng hàng trăm binh sĩ Nga phớt lờ mệnh lệnh tội ác này, chọn sống chứ không phải chết để một Đại Tá chết tiệt nào đó được thêm huân chương hoặc để Tham mưu trưởng Valery Gerasimov có thêm một biệt thự mới.”

Quân đoàn kêu gọi binh sĩ Nga “đầu hàng Quân đội Ukraine, như các đồng đội của họ đã làm”. Những người “muốn tiếp tục chiến đấu vì tương lai bình thường của nước Nga” đã được mời gia nhập đơn vị.

Một nguồn tin của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) nói với Kyiv Independent rằng lực lượng Ukraine đã bắt giữ hơn 100 binh sĩ Nga và Chechnya ở Kursk chỉ trong một ngày vào ngày 14 tháng 8, đồng thời cho biết thêm đây là số lượng binh sĩ địch lớn nhất bị bắt cùng một lúc.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng “hàng trăm” binh sĩ Nga đã bị bắt tính đến ngày 13 tháng 8, trong khi một đại tá Ukraine giấu tên nói với hãng tin The Independent rằng con số có thể lên tới 2.000.

8. Video cho thấy máy bay ném bom hạt nhân của Nga vần vũ ở biên giới NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Videos Show Russia's Nuclear Bombers Buzzing NATO Borders”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hôm Thứ Năm, 15 Tháng Tám, quân đội Nga triển khai bốn máy bay ném bom có khả năng hạt nhân trên ba vùng biển lớn của Âu Châu giáp với các quốc gia NATO trong bối cảnh Ukraine bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Nga trong tháng này.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã bay qua Biển Barents và Biển Na Uy trong khi hai máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 được điều động qua Biển Baltic. Mạc Tư Khoa cho biết các chuyến bay được thực hiện “tuân thủ nghiêm ngặt” các quy tắc quốc tế về sử dụng không phận.

Cả hai máy bay ném bom đều có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân. Tu-95MS là một phần của lực lượng chiến lược Nga, trong khi Tu-22M3 được biên chế cho lực lượng phi chiến lược của nước này. Hầu hết các lực lượng phi chiến lược của Mạc Tư Khoa đều sử dụng hệ thống vũ khí kép có tầm ngắn hơn, có nghĩa là họ cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công thông thường.

Biển Barents được coi là “sân sau Bắc Cực” của Nga, đóng vai trò là tuyến đường thủy chính cho Hạm đội phương Bắc của hải quân Nga triển khai tới Bắc Đại Tây Dương. Về phía tây nam là biển Na Uy, nằm giữa Iceland ở phía tây và bán đảo Scandinavi ở phía đông.

Trong khi đó, Biển Baltic được mệnh danh là “Hồ NATO” kể từ khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Nó được bao quanh bởi các thành viên liên minh ngoại trừ thành trì Kaliningrad ở vùng Baltic của Nga, một vùng bán tách biệt trong Vịnh Phần Lan, dẫn đến St. Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga.

Nga cho biết chuyến bay huấn luyện Tu-95MS kéo dài hơn 4 giờ và họ được hộ tống bởi các chiến đấu cơ MiG-31. Chuyến bay Tu-22M3 kéo dài 5 giờ trên biển Baltic được hỗ trợ bởi các chiến đấu cơ Su-30SM và Su-27.

Bộ Quốc Phòng Nga cho biết cả hai nhóm máy bay ném bom đều chạm trán với “chiến đấu cơ nước ngoài”.

Lực lượng không quân Đức đã xác nhận sự hiện diện của máy bay ném bom Nga trên Biển Baltic vào thứ Tư trong một bài đăng trên X. Không quân Đức đã điều động các máy bay Eurofighter Typhoon đóng tại Latvia để đánh chặn máy bay “vũ trang” của Nga, trước khi các chiến binh của Thụy Điển đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát trên không của NATO.

Hans Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, một tổ chức nghiên cứu ở Washington, lưu ý trên X rằng một trong những máy bay ném bom Tu-22M3 mang theo hỏa tiễn hành trình Kh-22 hoặc Kh-32 dưới cánh. Hỏa tiễn có độ chính xác kép có khả năng này đã được sử dụng để ném bom Ukraine.

Các đơn vị hàng không tầm xa của quân đội Nga thường xuyên tiến hành các hoạt động bay trên các vùng biển khác nhau ở Bắc bán cầu, bao gồm Bắc Băng Dương, Bắc Thái Bình Dương và Hắc Hải. Các cuộc chạm trán trên không giữa máy bay quân sự của Mạc Tư Khoa và chiến binh của NATO ở Âu Châu thường xuyên xảy ra.

NATO duy trì các nhiệm vụ kiểm soát trên không tại 5 khu vực ở Âu Châu: Biển Baltic; Iceland; Rumani và Bulgaria; các quốc gia Benelux của Bỉ, Hòa Lan và Luxembourg; và vùng Tây Balkan.

Các nhiệm vụ nhằm phát hiện, đánh chặn, xác định và hộ tống bất kỳ máy bay nào chưa xác định bay bên trong hoặc tiếp cận không phận NATO. Liên minh này tuần trước thông báo rằng Anh đã cử chiến đấu cơ tàng hình F-35B tới Iceland, đây là lần đầu tiên máy bay phản lực thế hệ thứ năm tham gia triển khai như vậy.

Trong khi đó, một trong những chiến đấu cơ F-35A của Không quân Hoa Kỳ đóng tại Anh đã tiến hành cuộc tập trận chuỗi tiêu diệt “tìm, theo dõi và tấn công” trên bầu trời Ba Lan hôm thứ Ba, theo những bức ảnh do Không quân công bố.

Lực lượng Không quân cho biết: “Việc thực hiện thành công cuộc tập trận này thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng Mỹ và đồng minh, được xây dựng dựa trên những nỗ lực trước đây nhằm tăng cường khả năng tương tác của NATO và tăng cường cam kết chung về an ninh và ổn định toàn cầu”.

9. Thuyền điều khiển từ xa Magura của Ukraine được tường trình đã tấn công 18 tàu Nga trong suốt cuộc chiến

Theo nhận xét của một thành viên cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR, cho DW công bố ngày 16 Tháng Tám, thuyền điều khiển từ xa Magura V5 của Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 18 tàu Hải quân Nga trong cuộc chiến toàn diện.

Thuyền điều khiển từ xa Magura của HUR là những công cụ quan trọng cho phép Kyiv làm suy yếu sự thống trị áp đảo của hải quân Nga ở Hắc Hải.

Chỉ huy đơn vị đặc biệt Nhóm 13 cho biết thuyền điều khiển từ xa Magura đã loại khỏi vòng chiến 18 tàu Nga trong một năm rưỡi.

Thuyền điều khiển từ xa Magura có thể bao phủ khoảng cách hơn 800 km, đạt tốc độ 80 km/h và có khả năng mang đầu đạn nặng 250 kg.

“Chúng tôi không cố gắng tăng cường sức mạnh cho đầu đạn để tiêu diệt con tàu chỉ bằng một đòn,” viên chỉ huy giải thích.

“Chúng tôi thực hiện một đường lối khác: tấn công theo bầy đàn, thực hiện năm cú đánh trở lên vào các tàu lớn để gây thiệt hại nghiêm trọng.”

Ông cũng chỉ ra rằng Hạm đội Hắc Hải của Nga buộc phải rút toàn bộ tài sản có giá trị ra khỏi căn cứ Sevastopol ở Crimea bị Nga tạm chiếm do các cuộc tấn công của Ukraine.

Sĩ quan HUR cho biết Hạm đội Hắc Hải đang “tê liệt” và hiện chỉ “tiêu tiền ngân sách nhà nước, không thực hiện được nhiệm vụ nào”.

Danh sách các tàu chiến Nga bị thuyền điều khiển từ xa Magura đánh chìm trong suốt cuộc chiến bao gồm tàu hộ tống hỏa tiễn Ivanovets, tàu đổ bộ lớn Caesar Kunikov và tàu tuần tra hiện đại Sergey Kotov, cùng nhiều tàu khác.

Quân đội Ukraine cho biết họ đã tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa khoảng 30% Hạm đội Hắc Hải của Nga.

10. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha cho biết Ukraine có thể quyết định cách sử dụng thiết bị do Tây Ban Nha cung cấp

Ukraine có thể xác định cách thức và thời điểm sử dụng thiết bị do Tây Ban Nha cung cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết trong chuyến thăm Quân đoàn triển khai nhanh của NATO ở Tây Ban Nha, hãng tin EFE đưa tin hôm 16 Tháng Tám.

Bình luận của bà được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang tiếp tục xâm nhập vào tỉnh Kursk của Nga.

Bà nói: “Đây là một cuộc chiến và do đó Ukraine sẽ sử dụng bất kỳ vật liệu nào họ thấy cần thiết vào bất kỳ thời điểm nào”, đồng thời nhấn mạnh rằng các thiết bị do Tây Ban Nha cung cấp cho Ukraine chỉ mang tính chất phòng thủ.

Tuy nhiên, Robles lưu ý rằng bà không có thông tin về việc liệu quân đội Ukraine có sử dụng thiết bị do Tây Ban Nha cung cấp ở tỉnh Kursk hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha nói tiếp rằng Ukraine sẽ “luôn nhận được sự hỗ trợ của Tây Ban Nha” cũng như của NATO.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm giữa hai nước vào ngày 27 Tháng Năm.

Bộ trưởng Quốc phòng Canada cũng đưa ra tuyên bố tương tự, nói rằng Ottawa không có bất kỳ hạn chế về mặt địa lý nào đối với việc Ukraine sử dụng xe tăng và xe thiết giáp do Canada tài trợ.