1. Người Công Giáo và những người khác phản ứng trước sự chế giễu Bữa Tiệc Ly tại Thế vận hội Paris

Trong một tuyên bố được đưa ra vào hôm Thứ Bẩy, 27 Tháng Bẩy, Hội đồng Giám mục Pháp đã chỉ trích “những cảnh nhạo báng và chế giễu Kitô giáo, mà chúng tôi vô cùng lên án. Chúng tôi cảm ơn các thành viên của các giáo phái tôn giáo khác đã bày tỏ sự đoàn kết của họ. Sáng nay, chúng tôi nghĩ đến tất cả các Kitô hữu trên mọi châu lục đã bị tổn thương bởi sự phẫn nộ và khiêu khích của một số cảnh nào đó”, các giám mục Pháp cho biết.

Một trong những giáo sĩ nổi tiếng nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, Đức Cha Robert Barron của Minnesota, đã kêu gọi những người Công Giáo “lên tiếng” để phản ứng lại những gì ngài gọi là “sự chế giễu trắng trợn Bữa Tiệc Ly”.

Trong một bài đăng trên X, Đức cha Barron cho biết hành động phạm thượng này là biểu tượng của một “xã hội hậu hiện đại thế tục sâu xa” coi Kitô giáo là kẻ thù của mình.

Trong khi đó, để đền tạ cho hành động phạm thượng, Giám mục Donald Hying của Madison, Wisconsin, đã ngay lập tức kêu gọi tất cả người Công Giáo “ăn chay và cầu nguyện, đổi mới lòng sùng kính của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể, Thánh Tâm và Đức Trinh Nữ Maria”.

“Nguyện Chúa Giêsu được tôn thờ và yêu mến trong mọi nhà tạm trên khắp thế giới”, Đức Cha Hying nói thêm trong một bài đăng trên X trong đó ngài cảm ơn Chúa về Bí tích Thánh Thể, Bữa Tiệc Ly và “tình yêu của Người dành cho chúng ta”.

Đức Cha Daniel Flores của Brownsville, Texas cũng nhanh chóng chia sẻ phản ứng của mình, tuyên bố rằng “Từ vựng của tôi không đủ đa dạng để tìm ra một từ diễn tả cảm giác đau đớn trong lòng tôi” và khẳng định rằng các Kitô hữu “xứng đáng được tôn trọng hơn”.

Những người không theo Kitô Giáo cũng đồng tình với tình cảm của Đức cha Flores. “Ngay cả với tư cách là một người Do Thái, tôi cũng vô cùng tức giận trước sự xúc phạm trắng trợn này đối với Chúa Giêsu và Kitô giáo”, Tiến sĩ Eli David cho biết. Ông chỉ trích lễ khai mạc là phản ảnh một châu Âu đang “chết dần chết mòn về mặt văn hóa”.

Người đàn ông giàu nhất thế giới về mặt vật chất, Elon Musk, cũng gọi cảnh tượng này là “cực kỳ thiếu tôn trọng đối với các Kitô hữu”.

Về phần mình, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio, một người Công Giáo, đã phản ứng lại những gì ông gọi là “chương trình kỳ quái” của Thế vận hội bằng cách trích dẫn thư Giuđa 1:18 “Trong thời kỳ cuối cùng, sẽ có những kẻ nhạo báng sống theo những ham muốn vô thần của riêng mình”.

2. 'Không từ ngữ nào có thể diễn tả được': Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi 'lòng nhiệt thành đổi mới' trước sự chế nhạo Bữa Tiệc Ly 'tàn ác' tại Thế vận hội

Đức Giám Mục Andrew Cozzens của Crookston, Minnesota, cuối tuần này đã lên án điều mà ngài mô tả là sự nhạo báng “tàn ác” đối với đức tin Kitô giáo diễn ra trong lễ khai mạc tại Thế vận hội Mùa hè ở Paris vào hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Bẩy, đồng thời kêu gọi người Công Giáo đáp lại cảnh tượng này bằng việc ăn chay và cầu nguyện.

Màn nhại lại Bữa Tiệc Ly do nhóm đồng tính dẫn đầu được trình chiếu trong lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 vào hôm thứ Sáu đã gây ra một làn sóng phản ứng dữ dội và những lời tố cáo từ các nhà lãnh đạo Công Giáo và những người khác trên khắp thế giới.

Cảnh gây tranh cãi, một phần của cảnh tượng trị giá 1,5 tỷ euro (khoảng 1,62 tỷ Mỹ Kim) để khai mạc Thế vận hội Olympic, có những người đồng tính nam ăn mặc như phụ nữ đóng vai các tông đồ và một bà béo trong vai Chúa Giêsu trong một màn trình diễn dường như là một phần của buổi trình diễn thời trang nhằm chế nhạo Bức tranh nổi tiếng của Leonardo da Vinci.

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Đức Giám Mục Cozzens – người cũng là chủ tịch hội đồng của Đại hội Thánh Thể Quốc gia – cho biết những người biểu diễn “đã công khai phỉ báng” Bữa Tiệc Ly bằng màn trình diễn “ác quỷ”.

Đức Giám Mục Cozzens lưu ý rằng tại Đại hội Thánh Thể Quốc gia tháng này, các tín hữu đã tụ tập để “đền tạ tội lỗi của chúng ta” và cầu nguyện để được “chữa lành và tha thứ”.

Tuy nhiên, một tuần sau, ngài lưu ý, gần một tỷ khán giả trực tiếp và qua đài truyền hình “đã chứng kiến sự chế nhạo công khai Thánh lễ”, trong đó Bữa Tiệc Ly “được miêu tả một cách tàn ác, khiến chúng ta bị sốc, đau buồn và tức giận chính đáng đến mức từ ngữ không thể mô tả nó.”

Đức Giám Mục nói rằng trong suốt lịch sử, Chúa Kitô đã “kêu gọi chúng ta - dân Chúa - đáp lại bóng tối của sự dữ bằng ánh sáng đến từ Chúa”. Đức Giám Mục Cozzens chỉ ra rằng Bữa Tiệc Ly, cùng với việc chịu đóng đinh, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, hình thành nên Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Đức Giám Mục nói: “Chúa Giêsu đã trải nghiệm cuộc Khổ nạn một lần nữa vào tối thứ Sáu ở Paris khi Bữa Tiệc Ly của Ngài bị phỉ báng một cách công khai”. “Là cơ thể sống của Chúa Kitô, chúng ta được mời tham gia vào khoảnh khắc thương khó này với Chúa, khoảnh khắc xấu hổ, nhạo báng và đàn áp công khai này. Chúng ta làm điều này thông qua việc cầu nguyện và ăn chay. Và lời cầu nguyện lớn nhất của chúng ta – dù thuận tiện hay không thuận tiện – là Hy Tế Thánh Lễ.”

Đức Giám Mục Cozzens kêu gọi các tín hữu tham dự Thánh lễ tuần này với “lòng nhiệt thành mới”, “cầu nguyện cho sự chữa lành và sự tha thứ cho tất cả những người tham gia vào trò nhạo báng này”, và “tuần này cam kết cầu nguyện nhiều hơn và ăn chay để đền tạ tội lỗi này”.

Ngài còn đề nghị tham dự Thánh lễ nhiều hơn một lần trong tuần tới và xem xét thêm Giờ Chầu Thánh Thể.

“Chúng ta cũng có thể được kêu gọi lên tiếng về tội ác này. Chúng ta hãy làm như vậy với tình yêu và lòng bác ái, nhưng cũng với sự kiên quyết”, Đức Giám Mục nói. Ngài kêu gọi người Công Giáo “hãy cầu xin Chúa Thánh Thần củng cố chúng ta bằng nhân đức dũng cảm”.

Ngài viết: “Nước Pháp và toàn thế giới được cứu rỗi nhờ tình yêu tuôn đổ qua Thánh lễ, đến với chúng ta qua Bữa Tiệc Ly”. “Được truyền cảm hứng từ nhiều vị tử đạo đã đổ máu để làm chứng cho sự thật của Thánh lễ, chúng ta sẽ không đứng sang một bên và lặng lẽ tuân theo khi thế giới chế nhạo món quà lớn nhất của chúng ta từ Chúa Giêsu.”


Source:National Catholic Register

3. Nghiên cứu mới cho thấy người Mỹ không muốn có con

Với tỷ lệ sinh ở Hoa Kỳ ở mức thấp nhất mọi thời đại, một nghiên cứu mới của Pew Research cho thấy gần một nửa số người Mỹ trưởng thành không mong muốn có con—trong hầu hết các trường hợp vì họ không thích trẻ con.

Trong khảo sát của Pew, 47% số người được hỏi ở độ tuổi 18-49 nói rằng họ không mong đợi sẽ có con. Trong số đó, 57% cho biết họ không thích trẻ em. Trong số những người được hỏi trên 50 tuổi, 31% số người chưa có con cho biết nguyên nhân chính là do họ không thích trẻ em.

Những người không muốn có con giải thích rằng họ nghĩ cuộc sống không có con sẽ giúp họ có được những tài sản họ muốn, tận hưởng thời gian rảnh rỗi và những sở thích bên ngoài cũng như thành công trong sự nghiệp dễ dàng hơn. Những câu trả lời này phổ biến hơn ở những người trả lời có bằng đại học hay trình độ học vấn sau đại học.

Trong số những người lớn tuổi (trên 50) không có con, 2 phần 3 cho rằng việc có con không quan trọng để có một cuộc sống trọn vẹn; và 19% cảm thấy hối hận vì đã không có con.

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Chúa Nhật, 28 Tháng Bẩy, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 17 Mùa Quanh Năm. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay Tin Mừng Phụng vụ kể cho chúng ta về phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều (x. Ga 6,1-15). Một phép lạ, đó là một “dấu lạ”, một “dấu lạ”, mà các nhân vật chính thực hiện ba cử chỉ mà Chúa Giêsu sẽ lặp lại trong Bữa Tiệc Ly. Những cử chỉ này là gì? Thưa: Đó là trao ban, tạ ơn và chia sẻ.

Thứ nhất: trao ban. Tin Mừng kể cho chúng ta về một cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá (Ga 6:9). Đó là cử chỉ qua đó chúng ta thừa nhận rằng chúng ta có điều gì đó tốt đẹp để cho đi, và chúng ta nói “có”, ngay cả khi những gì chúng ta có quá ít so với những gì cần thiết. Điều này được nhấn mạnh trong Thánh lễ, khi linh mục dâng bánh và rượu trên bàn thờ, và mỗi người dâng chính mình, sự sống của mình. Đó là một cử chỉ có vẻ nhỏ bé khi chúng ta nghĩ đến những nhu cầu to lớn của nhân loại, giống như năm chiếc bánh và hai con cá trước đám đông hàng ngàn người; nhưng Thiên Chúa biến nó thành chất liệu cho phép lạ, phép lạ vĩ đại nhất - phép lạ mà chính Ngài hiện diện giữa chúng ta để cứu rỗi thế giới.

Và như vậy, chúng ta hiểu cử chỉ thứ hai: tạ ơn (x. Ga 6,11). Cử chỉ đầu tiên là trao ban, cử chỉ thứ hai là tạ ơn. Đó là thưa với Chúa một cách khiêm tốn, cũng với niềm vui: “Lạy Chúa, tất cả những gì con có là hồng ân của Chúa, và để tạ ơn Chúa, con chỉ có thể đền đáp lại cho Chúa những gì Chúa đã ban cho con trước, cùng với Con của Chúa là Chúa Giêsu Kitô, thêm vào những gì Chúa đã ban cho con.” Mỗi người trong chúng ta có thể thêm một chút gì đó. Tôi có thể dâng gì cho Chúa? Tôi có thể cho đi điều nhỏ nhặt nào? Tình yêu yếu đuối của tôi”. Để dâng hiến… để thưa với Chúa: “Con yêu Chúa”; nhưng chúng ta, tội nghiệp, tình yêu của chúng ta thật nhỏ bé, nhưng nếu chúng ta trao cho Chúa thì Chúa sẽ nhận lại. Dâng hiến, tạ ơn và cử chỉ thứ ba là chia sẻ.

Trong Thánh Lễ đó là phần Hiệp Lễ, khi chúng ta cùng nhau tiến đến bàn thờ để lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô: hoa trái hồng ân của mọi người được Chúa biến đổi thành lương thực cho mọi người. Đó là một khoảnh khắc đẹp, một khoảnh khắc hiệp thông, dạy chúng ta sống mọi cử chỉ yêu thương như một món quà ân sủng, cho cả người cho đi lẫn người nhận lãnh.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: tôi có thực sự tin rằng, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi có một điều gì đó độc đáo để trao tặng cho anh chị em tôi, hay tôi cảm thấy mình là “một trong số nhiều người” một cách ẩn danh? Tôi có tích cực làm việc thiện không? Tôi có biết ơn Chúa vì những hồng ân mà Ngài liên tục thể hiện tình yêu của Ngài không? Tôi có sống chia sẻ với người khác như một khoảnh khắc gặp gỡ và làm phong phú lẫn nhau không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống mọi cử hành Thánh Thể với đức tin, cũng như nhận ra và thưởng thức mỗi ngày những “phép lạ” của ân sủng Thiên Chúa.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi bảo đảm lời cầu nguyện của mình cho các nạn nhân của trận lở đất lớn đã quét qua một thị trấn ở phía nam Ethiopia. Tôi gần gũi với dân chúng đang bị thử thách nặng nề đó và với những người đang mang đến sự trợ giúp.

Và trong khi có rất nhiều người trên thế giới phải chịu đau khổ vì thiên tai và nạn đói, chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất và bán vũ khí cũng như đốt tài nguyên để thúc đẩy các cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Đây là một sự báng bổ mà cộng đồng quốc tế không nên dung thứ, và nó đi ngược lại tinh thần anh em của Thế vận hội Olympic vừa mới bắt đầu. Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên: chiến tranh là thất bại!

Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới dành cho Ông Bà và Người Già, với chủ đề “Xin đừng bỏ rơi con lúc tuổi già” (x. Tv 71:9). Việc bỏ rơi người già thực sự là một thực tế đáng buồn mà chúng ta không nên quen với nó. Đối với nhiều người trong số họ, đặc biệt là trong những ngày hè này, sự cô đơn có nguy cơ trở thành một gánh nặng khó gánh chịu. Ngày Thế giới dành cho Ông Bà và Người Già mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng nói của những người lớn tuổi nói: “Đừng bỏ rơi tôi!”, và trả lời: “Tôi sẽ không bỏ rơi bạn!”. Chúng ta hãy củng cố tình liên minh giữa ông bà và cháu chắt, giữa người trẻ và người già. Chúng ta hãy nói “không” với nỗi cô đơn của người già! Tương lai của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào việc ông bà và cháu chắt học cách chung sống như thế nào. Chúng ta đừng quên người già! Và một tràng pháo tay dành cho tất cả ông bà, tất cả họ!

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và khách hành hương từ nhiều nơi trên nước Ý và trên thế giới. Đặc biệt, tôi chào các tham dự viên Đại hội toàn thể của Liên hiệp Tông đồ Công Giáo; giới trẻ thuộc tổ chức Công Giáo Tiến hành Bologna, và giới trẻ thuộc đơn vị mục vụ Riviera del Po-Sermide, thuộc giáo phận Mantua; nhóm thanh thiếu niên mười tám tuổi đến từ giáo phận Verona; và các họa sĩ hoạt hình của Nhà nguyện “Carlo Acutis” của Quartu Sant'Elena.

Tôi gửi lời chào đến những người đang tham dự lễ kết thúc cuộc hành hương kính Đức Mẹ Đồng Trinh ở Trastevere: tối nay sẽ có cuộc rước Đức Mẹ “fiumarola” trên Sông Tiber. Chúng ta hãy học nơi Đức Maria, Đức Maria của chúng ta, cách áp dụng Tin Mừng vào đời sống hằng ngày! Tôi đã nghe một bài hát Con Đường Tân Dự Tòng… Tôi muốn nghe lại nó sau!

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana