1. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đến Ukraine
Hôm 19 tháng Bảy vừa qua, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đến Ukraine với tư cách là Đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô để chủ sự thánh lễ kết thúc cuộc hành hương của các tín hữu Công Giáo Latinh, tại Đền thánh Đức Mẹ Berdychiv, vào Chúa nhật, ngày 21 tháng Bảy vừa qua.
Đây cũng là lần đầu tiên từ khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine, hồi tháng Hai năm 2022, Đức Hồng Y Parolin viếng thăm nước này.
Tuyên bố với giới báo chí, Đức Hồng Y cho biết chuyến đi của ngài diễn ra dưới dấu hiệu cầu nguyện và “hy vọng có những con đường được tìm ra để sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine”. Đức Hồng Y cũng mang theo sự gần gũi của Đức Thánh Cha, ngay từ đầu chiến cuộc, đã tìm kiếm những con đường để chấm dứt chiến tranh và đạt được một nền hòa bình công chính”.
Khi đến thành phố Lviv ở miền tây Ukraine, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã gặp gỡ các vị lãnh đạo Giáo hội và dân sự. Được Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người Lituani, tháp tùng, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đến Tòa Tổng giám mục Công Giáo Latinh, và gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Mieczyslaw Mokrzycki và hai Giám Mục Phụ Tá. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ, cũng có ông Chủ tịch miền Lviv và thị trưởng ở địa phương.
Tiếp đó, Đức Hồng Y đến viếng thăm cảng Odessa ở miền nam Ukraine, thường bị Nga tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa.
Với giới báo chí, Đức Hồng Y Parolin cho biết Chúa nhật, ngày 21 tháng Bảy này, sau khi cử hành thánh lễ bế mạc cuộc hành hương, ngài sẽ gặp chính quyền Ukraine, bắt đầu từ tổng thống. Dĩ nhiên, đề tài cuộc trao đổi sẽ là vấn đề hòa bình và những viễn tượng tương lai. Ngài cũng viếng thăm nhà thờ chính tòa của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương và gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk.
Nhân danh Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, một lần nữa Đức Hồng Y Parolin bày tỏ lo âu về tình hình Ukraine và tái khẳng định rằng cần “tìm ra một giải pháp ôn hòa để đạt tới nền hòa bình công chính như đã nói nhiều lần. Cho đến nay, dường như sau chuyến đi của Đức Hồng Y Zuppi ở Kyiv và Mạc Tư Khoa, sự dấn thân về mặt nhân đạo dường như là con đường duy nhất để tạo điều kiện cho hòa bình này.”
Đức Hồng Y Parolin nhắc lại rằng cả chính phủ Ukraine, như tại Diễn đàn hòa bình mới đây ở Thụy sĩ, cũng đề cập đến ba chiều kích: trước tiên là vấn đề hạt nhân, tránh leo thang; rồi vấn đề tự do di chuyển hàng hóa, và sau cùng là vấn đề nhân đạo. Tòa Thánh tập trung cố gắng vào chiều kích thứ ba này, theo lời thỉnh cầu của chính phủ Ukraine, nhưng nhắm thực hiện những bước tiến có thể đưa tới gần hòa bình”.
Cho đến nay, đã có những vị lãnh đạo khác của Tòa Thánh viếng thăm Ukraine, như Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Gallagher, Đức Hồng Y Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đặc ủy của Tòa Thánh giúp tạo bầu không khí đối thoại giữa Nga và Ukraine, và đặc biệt Đức Hồng Y Krajewski, Bộ trưởng Bộ Bác ái đã viếng thăm Ukraine tám lần, mang theo các phẩm vật cứu trợ.
Hồi đầu tháng Bảy này, bà Olena Kondratiuk, Phó chủ tịch Quốc hội Ukraine, đã viếng thăm Tòa Thánh và bày tỏ lòng biết ơn đối với những can thiệp và giúp đỡ của Tòa Thánh.
2. Ba mươi ngàn tín hữu Ukraine hành hương Đền thánh Đức Mẹ Zarvanytsia
Cuối tuần vừa qua, ba mươi ngàn tín hữu Công Giáo Ukraine đã hành hương đến Đền thánh Đức Mẹ Zarvanytsia. Đồng tế thánh lễ trong dịp này, có các giám mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, đến từ Ukraine và các nơi trên thế giới.
Zarvanytsia là một làng nhỏ thuộc miền Ternopil, miền tây Ukraine, đã trở thành trung tâm lòng sùng kính Đức Mẹ, từ thế kỷ XIII. Theo lưu truyền, năm 1240, một đan sĩ thoát từ thành Kyiv, khi thành này bị người Mông Cổ đốt phá và chạy đến làng này. Đan sĩ ấy thấy Đức Mẹ trong một giấc mơ và khi tỉnh dậy, thì thấy một ảnh vẽ trên gỗ diễn tả Mẹ Thiên Chúa và Chúa Hài Đồng Giêsu. Đan sĩ đó đã lập một nhà nguyện để giữ ảnh Đức Mẹ. Một dòng suối nảy sinh gần đó, có khả năng chữa bệnh, và chẳng bao lâu được nhìn nhận là phép lạ.
Theo các nghiên cứu hiện đại, ảnh Đức Mẹ Zarvanytsia là ảnh vẽ cổ nhất về Mẹ Thiên Chúa ở Ukraine, có từ thế kỷ XIII-XIV. Năm 1754, thánh đường Chúa Ba Ngôi được kiến thiết tại đây, nhưng trong thời Thế chiến thứ I, đã bị phá hủy. Năm 1822, thánh đường được tái thiết với sự hỗ trợ của Đức Cha Andrei Sheptytsky, Tổng giám mục Giáo phận Kyiv của Công Giáo Ukraine Đông phương. Dưới thời Liên Xô, Đền thánh bị phá hủy hoàn toàn, nhưng lại được xây dựng lại sau khi Ukraine được độc lập, cách đây hơn 30 năm. Mỗi năm, có khoảng một triệu 500.000 đến hành hương tại Đền thánh.
Trong số những người tham dự cuộc hành hương hồi cuối tuần qua, cũng có hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Ukraine bị Nga bắt giam và mới được trả tự do.
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, nói rằng: “Ngày hôm nay, Đức Mẹ đã kêu gọi tất cả chúng ta về đây để cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, để từ bỏ mọi gánh nặng đang đè nặng trong tâm hồn chúng ta trong tòa giải tội, để đặt mọi đau khổ và nước mắt của chúng ta trong tay Mẹ Hiền Thiên Quốc của chúng ta. Chính Mẹ đích thân sẵn sàng đón nhận tất cả từ chúng ta hôm nay và chuyển thông cho chúng ta ánh sáng sự sống của Thiên Chúa”.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk cũng nói rằng: “Ngày hôm nay, chúng ta xin quyền năng của Thiên Chúa, được biểu lộ trong thân thể của một quốc gia bị kiệt quệ và bị thương tích. Vì chính từ sức mạnh của Chúa Kitô Phục Sinh mà hy vọng được tỏa lan cho chúng ta. Đó là bí quyết không thể chiến bại, bất tử và kiên cường của tinh thần chúng ta. Chính từ đó mà ánh sáng chiến thắng quân Nga xâm lược được tỏa sáng”.
3. Diễn từ của Đức Hồng Y Louis Tagle trong thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Toàn Quốc Hoa Kỳ
Hôm Chúa Nhật, 21 Tháng Bẩy, trong bài giảng thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Toàn Quốc Hoa Kỳ, Đức Tagle đã chào đón những người tham dự Thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hoa, tiếng Việt và tiếng Swahili, cùng nhiều ngôn ngữ khác. Ban tổ chức Đại hội cho biết những người tham dự đến từ 50 tiểu bang và 17 quốc gia, nói 43 thứ tiếng.
“Nhà truyền giáo là một ân sủng. Truyền giáo không chỉ là công việc, mà còn là sự cống hiến chính mình”, Đức Hồng Y Luis Tagle người Phi Luật Tân, đặc sứ của Đức Thánh Cha tại đại hội cho biết khi chủ tế Thánh lễ bế mạc vào ngày 21 tháng 7.
Đức Hồng Y Tagle nói trong bài giảng rằng, trước khi đến Indianapolis, ngài đã hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô liệu ngài có một thông điệp nào cho những người tham dự đại hội Thánh Thể toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ kể từ tháng 6 năm 1941 tại Minnesota hay không.
“Đức Thánh Cha nói: 'Hãy hoán cải để đón nhận Bí tích Thánh Thể! Trở lại với Bí tích Thánh Thể!”
Trong một lá thư mà Đức Phanxicô cũng gửi cho Đức Hồng Y Tagle, Đức Hồng Y nói rằng Đức Thánh Cha bày tỏ hy vọng rằng những người tham dự đại hội sẽ “nhận thức đầy đủ về những ân sủng phổ quát mà họ nhận được từ lương thực thiên quốc và có thể truyền đạt chúng cho người khác”.
“Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là một món quà và là sự hoàn thành sứ mệnh của Ngài,” Đức Hồng Y Tagle nói, và nhấn mạnh đến ân sủng như một chủ đề xuyên suốt bài giảng của mình.
Đức Hồng Y Tagle nói: “Nơi nào thiếu hoặc suy yếu lòng nhiệt thành truyền giáo, có thể một phần là do sự suy yếu trong việc đánh giá cao các ân sủng”. Ngài khuyến khích mọi người đừng nghĩ đến giá trị bản thân về mặt thành tích nghề nghiệp.
Ngài nói: “Nếu tầm nhìn của chúng ta chỉ là thành tựu, thành công và lợi nhuận thì không có chỗ để nhìn thấy và nhận ra những hồng ân nhưng không”. “Không có chỗ cho lòng biết ơn và sự tự hiến. Sẽ chỉ có sự tìm kiếm không ngừng nghỉ để khẳng định bản thân mà cuối cùng sẽ trở nên ngột ngạt và mệt mỏi, dẫn đến sự ích kỷ hoặc chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn.”
Đức Hồng Y cũng kêu gọi các tham dự viên noi gương Chúa Giêsu trong việc hiến dâng chính mình cho những người họ gặp gỡ.
Đức Hồng Y nói: “anh chị em ơi, anh chị em thấy gì nơi một người nghèo? nơi một người vô gia cư? nơi người bệnh? anh chị em thấy gì nơi một người, khác biệt với anh chị em? Giống như Chúa Giêsu, chúng ta hãy trao tặng cho nhau món quà hiện diện.”
Đức Hồng Y đã giảng bài giảng tại một sân vận động túc cầu có khoảng 50.000 người, trong đó có 200 giám mục, 500 chủng sinh và hàng trăm linh mục đã tiến vào đấu trường. Dàn nhạc Giao hưởng Indianapolis biểu diễn các bài thánh ca Công Giáo truyền thống và hiện đại trong phụng vụ.
Thánh lễ diễn ra sau chương trình diễn thuyết buổi sáng, trong đó những người thuyết trình kêu gọi các tham dự viên mang tất cả những gì họ đã trải qua trong đại hội về nhà cho giáo xứ, gia đình và cộng đồng của họ.
Mẹ Adela Galindo, người sáng lập Dòng Tôi tớ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, một cộng đồng tôn giáo ở Tổng Giáo phận Miami, cho biết: “Khi chúng ta rời đại hội này, chúng ta hãy ra đi với tư cách là những nhà truyền giáo”.
“Đây không chỉ là một đại hội. Nó không chỉ là một sự kiện. Đó là một phong trào,” Montse Alvarado, chủ tịch và giám đốc điều hành của EWTN News, người từng là MC cho sự kiện này, cho biết.
Cộng đồng người gốc Tây Ban Nha ngày càng phát triển và sôi động của Giáo Hội Hoa Kỳ được đại diện rất nhiều trong số những người đi dự quốc hội, nhiều người trong số họ đã tuyên bố, “Viva Cristo Rey!” trong cuộc rước khi một chiếc xe tải chở Mình Thánh Chúa được trưng bày trong Mặt nhật chạy qua.