Như đã loan tin (https://vietcatholic.net/News/Home/Article/290553), ngày 21 tháng sáu, năm 2024, tại Hội nghị Truyền thông Công Giáo ở Atlanta, Bộ trưởng Truyền thông của Tòa Thánh, Ruffini, lớn tiếng bênh vực việc Tòa Thánh tiếp tục sử dụng các nghệ phẩm của linh mục Marko Rupnik, người hiện bị tố cáo là lạm dụng tình dục nhiều người lớn tuổi trong hơn 30 năm qua, với câu nói thời danh “tôi nghĩ chúng ta không nên ném đá”, và loại bỏ tác phẩm nghệ thuật của Cha Rupnik khỏi không gian công cộng “không phải là một phản ứng của Kitô giáo”. Ông cũng cho rằng chính lãnh đạo Dòng Tên, dù trục xuất Rupnik khỏi Dòng, vẫn duy trì các nghệ phẩm của Rupnik. Vả lại nghệ sĩ huyền thoại người Ý Michelangelo Merisi da Caravaggio, được biết đến rộng rãi với cái tên đơn giản là Caravaggio, từng giết một người đàn ông trong đời mình, mà nào có ai nghĩ đến việc loại bỏ các nghệ phẩm của ông. Vả lại, theo Ruffini, loại bỏ các nghệ phẩm của Rupnik có làm ai gần gũi hơn với các nạn nhân của ngài không?



Christopher R. Altieri, trên Catholic World Report, ngày 23 tháng Sáu, cực lực phê phán quan điểm của Ruffini, cho rằng “Căn cứ vào bất cứ tiêu chuẩn khách quan nào”, nói như thế quả là một “đại họa” và do đó, người ta “đang kêu gọi Ruffini từ chức”. Lý do, ông đã “bênh vực nghệ thuật hiếp dâm”. Tuy nhiên, Altieri còn cho hay Ruffini chỉ là “phát ngôn viên của một người mà phương thức cai trị được minh họa chính xác bởi các tên như Inzoli, Ricca, Danneels, Barros, Errazuriz, Ezzati và Barbarin, Zanchetta, Vangheluwe, Ricard”. Thành thử đây là “một cuộc khủng hoảng cai trị”. Nó “có tính biểu tượng cho một nền văn hóa lãnh đạo giáo sĩ và phẩm trật thường quá thối rữa và nặng mùi”. Altieri không quên nhắc đến việc mới năm ngoái đây, Đức Phanxicô còn dùng nghệ phẩm của Rupnik trong một Sứ điệp video gửi đại hội Thánh Mẫu tại Aparecida, Ba Tây” Và ngài “chưa bao giờ xin lỗi hay thậm chí giải thích việc ấy”. “Ngài cóc cần”.

Gần đây hơn, ngày 28 tháng Sáu, 2024, theo CNA, Đức Hồng Y O’Malley, “cố vấn tối cao của Đức Giáo Hoàng về việc lạm dụng tình dục bởi giáo sĩ yêu cầu các viên chức Vatican đừng sử dụng nghệ thuật của linh mục cựu Dòng Tên bị tố cáo lạm dụng tình dục các phụ nữ, cho dù một số viên chức Giáo hội tiếp tục sử dụng như thế”. Ngài cho rằng tiếp tục như thế “có thể hàm ý gỡ tội hoặc bênh vực cách tinh tế” những kẻ bị tố cáo lạm dụng. Ngài cho hay: “chúng ta phải tránh gửi đi thông điệp nói rằng Tòa Thánh không lưu ý tới nỗi cùng quẫn tâm lý của rất nhiều người đau khổ”.



Xét cho cùng, Altieri hay Đức Hồng Y O’Malley cũng chỉ là một cá nhân, cùng lắm lên tiếng nhân danh một số người, trong khi Ruffini là Bộ trưởng Bộ truyền thông Tòa Thánh, còn Đức Phanxicô đứng đầu Giáo Hội, với sự trợ giúp của cả một giáo triều làm việc trong tính liên tục suốt 21 thế kỷ qua. Họ hẳn có cái nhìn bao quát hơn rất nhiều. Do đó, thiển nghĩ ta chỉ có thể “kiến nghị”, hơn là chỉ trích phê phán tiêu cực.

Vả lại, nghệ phẩm không phải là chuyện đơn giản. Ngay trong việc lạm dụng kinh nghiệm tâm linh và huyền bí để phạm tội và biện minh trong Giáo Hội, điều mà các nạn nhân của Rupnik ngầm cho hiểu, theo Đức Hồng Y Fernandez, Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, các tranh luận về từ vựng cũng có thể làm rối ren việc truy tố” [xem https://cruxnow.com/vatican/2024/05/doctrine-czar-cautious-on-charge-of-false-mysticism-in-cases-such-as-rupnik]. Theo ngài, thuật ngữ “huyền nhiệm giả tạo” chỉ mới có trong thần học, chứ chưa có trong giáo luật hay đúng hơn: “huyền nhiệm giả tạo được coi là một tội ác chống lại đức tin, dù không có tiêu chuẩn luật pháp được định nghĩa rõ ràng”. Do đó, dù Bộ Giáo Lý Đức Tin có nhiệm vụ giải quyết các tội phạm đến đức tin này, nhưng Regulamento của Bộ năm 1995 do Đức Hồng Y Ratzinger ký ban hành không mô tả chi tiết “bản chất chính xác của những tội ác này... khiến tạo nên điều một số chuyên gia luật pháp gọi là tiêu chuẩn “ý kiến cá nhân” [eye of the beholder] làm cho các nhà điều tra do dự không dám phát động vụ kiện sợ lâm vào mớ bòng bong luật lệ”.

Trong quá khứ, một số chuyên gia từng cảnh cáo rằng chính lỗ hổng được tri nhận trong luật lệ Giáo Hội về nền huyền nhiệm giả tạo đã ngăn cản những kẻ lạm dụng khét tiếng như Rupnik, mà vụ kiện phức tạp hiện vẫn còn nằm tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, và nhiều người khác như ngài, khỏi bị truy tố. Không truy tố thì làm sao kết tội, không kết tội, sao lại kết án các nghệ phẩm của họ? Phi lý vừa thôi chứ!

Vả lại, theo Anne Allen của Tạp chí Crux, ngày 3 tháng Bẩy, 2024 (https://cruxnow.com/vatican/2024/07/rupnik-art-dispute-more-nuanced-than-it-seems-historian-says), sử gia nghệ thuật có trụ sở ở Rome, Elizabeth Lev, nhận định rằng “có rất nhiều điều bất thường liên quan tới cuộc tranh luận rộng rãi về việc loại bỏ các nghệ phẩm của Rupnik do các tai tiếng lạm dụng của ngài châm ngòi” Và bà nhấn mạnh rằng: trái với ý kiến công chúng, sự việc không gần như thẳng thừng như vẻ bề ngoài cho thấy.

Gọi việc phân biệt giữa nghệ thuật và “nghệ sĩ” là “chuyện phức tạp”, Lev cho rằng một số nghệ sĩ nổi danh có công trình trưng bầy tại Vatican và xa hơn thế từng có những tiểu sử khốc hại. Bà trưng dẫn Raphael “một người săn đuổi đàn bà khét tiếng”, “Caravaggio nổi tiếng say sưa và có lúc đã giết người”. Nghệ sĩ Pháp nổi tiếng Eugène Henri Paul Gauguin được bà mô tả như một “du khách tìm sex” trong khi Gian Lorenzo Bernini, có các tuyệt tác trang trí bàn thờ chính của Nhà thờ Thánh Phêrô và đang được phục chế cho Năm Thánh Hy Vọng 2025, là một kẻ ngoại tình từng rạch nát mặt các nhân tình...

Lev cho rằng cốt lõi của vấn đề đối với Rupnik là ngài “xem ra không phải giải trình cho các tội ác của ngài”. Bà nói rằng “các tội ác của ngài xem ra không bị công nhận rõ ràng và hiển nhiên bởi Giáo Hội". Trong tình huống ấy, nhiều người cho rằng nghệ phẩm của Rupnik trên các tờ sách lễ in hàng tuần và nhiều chất liệu khác của Vatican “làm trò cười cho toàn bộ trình thuật gần gũi với các nạn nhân”, cho nên, như người Rôma từng nói, thay vì kết án con người, ít nhất người ta có thể kết án di sản của họ”.

Nhưng, theo bà, tình huống không đơn giản như thế và bà đưa ra một số xem xét được bà tin nên là thành phần của cuộc tranh luận hiện nay.

Trước nhất, các dự án của Rupnik không hề được hoàn tất một mình, nhưng với sự trợ giúp của rất nhiều thành viên có ý hướng tốt của Aletti Center. Bà tự hỏi: “Họ có nên bị trừng phạt hay không? Đây là thời giờ và cố gắng của họ tạo nên các công trình họ nghĩ là truyền bá tin mừng – hay ta cho họ là đồng phạm?”

Bà cũng lưu ý rằng ở Rome và các nơi khác, Rupnik vốn được cộng đồng Công Giáo đề cao như một danh nhân, trong đó có nhiều đồng nghiệp của bà, những người rõ ràng trân trọng các công trình của ngài đến độ khoe khoang các tranh ghép họ có được từ ngài. “Bây giờ, những người vốn nghĩ ngài là hồng phúc của Thiên Chúa dành cho nghệ thuật liệu họ có muốn vứt bỏ ngài hay không? Làm sao họ có thể là những nhà bảo trợ mù quáng?.

Bà so sánh việc “triệt tiêu” Rupnik với việc hủy bỏ các tuyệt phẩm của Caravaggio một khi tin tức về vụ giết người và cờ bạc cùng dâm ô của ông ra ánh sáng. Bà cho rằng, nhiều thế kỷ sau, “chúng ta có thể nhìn vào cuộc đấu tranh của ông giữa ánh sáng và bóng tối và học hỏi từ đó. Về Rupnik, bà tự hỏi, “phải chăng chúng ta không thể học được gì từ việc nghĩ rằng tại sao ngài lại nổi tiếng đến thế sau rất nhiều năm tháng?”

Những quan tâm khác liên quan tới phí tổn khổng lồ trong việc lấy xuống các nghệ phẩm của Rupnik và thay thế chúng, mà thay thế bằng gì? Liệu các thay thế ấy có thể tránh được cùng một số phận như các nghệ phẩm của Rupnik hay chăng?

Chính vì thế mà theo Chris Altieri (https://cruxnow.com/church-in-the-usa/2024/07/connecticut-catholic-apostolates-wrestle-with-fate-of-rupnik-artwork) từ Lộ Đức tới Connecticut, chưa nơi nào có quyết định gỡ bỏ các nghệ phẩm của Rupnik. Bản thân Đức Cha Jean-Marc Micas của giáo phận Tarbes và Lourdes rất muốn gỡ bỏ chúng, nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều người trong giáo phận. Sợ tiến hành lúc này sẽ gây nên “cuồng nhiệt và bạo động”.

Cả hai Nhà nguyện Chúa Thánh Thần và Nhà nguyện Thánh gia của Đại học Thánh Tâm ở Fairfield, Connecticut đều có các nghệ phẩm của Rupnik và cấp lãnh đạo Đại Học này “đã và đang có những cuộc thảo luận liên tục về các tranh ghép” của Rupnik. Không biết kết quả sẽ ra sao, nhưng họ coi “chúng là các công trình của đức tin”.

Nhà nguyện Thánh Gia của Hội Hiệp Sĩ Columbus tại New Haven cũng có tranh ghép của Rupnik. Ban lãnh đạo của Hội này cũng đang xét duyệt vấn đề, nhưng không tiết lộ chi tiết, nghĩa là vẫn chưa có quyết định gỡ bỏ.

Lev nhắc đến cuộc đấu tranh của con người giữa ánh sáng và bóng tối. Chúng ta tin điều này. Chúng ta bắt buộc phải tin điều này nếu chúng ta trung thực với niềm tin Thiên Chúa luôn hiện diện với cả những kẻ tội lỗi tồi tệ nhất. Ơn thánh luôn có đó cho mọi người. Đức Phanxicô, nếu có công trạng nào, thì công trạng đó hiển nhiên là đã du nhập ý niệm cả người tội lỗi cũng có thể làm điều tốt. Để nhìn ra điều này, chúng ta phải dựa vào điều có thể gọi là “luận lý” trái tim như chủ trương của Blaise Pascal. Chỉ có thứ luận lý này mới nhìn thấy kẻ tội lỗi cũng có những lúc được ơn thánh thúc đẩy để thực hiện được những điều kỳ diệu.

Thiển nghĩ đã đến lúc chấm dứt cuộc chạy tiếp hơi thứ văn hóa triệt tiêu hiện đang thống trị xã hội hiện đại. Tại sao lại phải chạy tiếp hơi cho thứ văn hóa đó, khi cốt lõi của đạo nằm ở chỗ khác hẳn. Điều tối thiểu cần làm lúc này là phân biệt giữa nghệ sĩ và nghệ phẩm. Nghệ sĩ làm sai có thể bị trừng phạt. Nhưng sao lại trừng phạt tác phẩm nghệ thuật của họ khi đó là “các công trình đức tin”?

Nói cho cùng, Tiến sĩ Thiên Thần từng dạy ta phải phân biệt giữa nghệ sĩ và nghệ thuật, khi trong Summa Theologiae I-II, q. 57, A. 3: ngài viết: “Bonum artis consideratur non in ipso artifice, sed magis in ipso artificiato, cum ars sit ratio recta factibilium; factio enim in exteriorem materiam transiens, non est perfectio facientis, sed facti, sicut motus est actus mobilis. Ars autem circa factibilia est. Sed prudentiae bonum attenditur in ipso agente, cujus perfectio est ipsum agere; est enim prudentia recta ratio agibilium, ut dictum est. Et ideo ad artem non requiritur quod artifex bene operetur, sed quod bonum opus faciat. Requireretur autem magis quod ipsum artificiatum bene operaretur, sicut quod cultellus bene incideret, vel serra bene secaret (si proprie horum esset agere, et non magis agi, quia non habent dominium sui actus). Et ideo ars non est necessaria ad bene vivendum ipsi artifici, sed solum ad faciendum artificiatum bonum, et ad conservandum ipsum. Prudentia autem est necessaria homini ad bene vivendum, non solum ad hoc quod fiat bonus.”

Tạm dịch: Cái tốt của nghệ thuật không được nhìn thấy ở bản thân nghệ sĩ, mà đúng hơn ở chính nghệ thuật, vì nghệ thuật là lý do đúng đắn của những việc có thể làm được; vì một sự kiện thoáng qua trong vật chất bên ngoài không phải là sự hoàn hảo của người hành động trên nó, mà là sự hoàn hảo của sự kiện, cũng như chuyển động là một hành vi có thể chuyển động. Nhưng nghệ thuật liên quan đến những gì có thể thể hiện được. Nhưng cái tốt của sự khôn ngoan được tìm tòi ở chính tác nhân, người mà sự hoàn hảo của họ là tự mình hành động; vì sự thận trọng là lý do chính đáng cho hành động, như người ta nói. Và vì vậy nghệ thuật không đòi hỏi người nghệ sĩ phải làm việc chăm chỉ mà là làm một công việc tốt. Nhưng đúng hơn, chính tài khéo léo phải hoạt động tốt, giống như một con dao cắt tốt, hay một cái cưa cắt tốt (nếu làm những việc này là đúng đắn, và không làm thêm nữa, vì họ không có quyền kiểm soát đối với những các hành động của họ). Và do đó, nghệ thuật không cần thiết để bản thân người nghệ sĩ sống tốt mà chỉ cần làm cho tác phẩm trở nên tốt đẹp và bảo tồn nó. Nhưng sự thận trọng là cần thiết để con người sống tốt chứ không chỉ để trở nên tốt.