Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, là hạn chót Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò phải đáp lại lệnh triệu tập của Vatican. Ngài đã không đáp ứng các yêu cầu của Tòa Thánh. Vạ tuyệt thông có thể được ban bố bất cứ lúc nào.

Trong bối cảnh đó, Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada có bài phân tích nhan đề “Archbishop Viganò’s Schism Case: 5 Issues to Consider”, nghĩa là “Phiên tòa ly giáo chống lại Đức Tổng Giám Mục Viganò: 5 vấn đề cần xem xét” đăng trên tờ National Catholic Register.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò đã bị buộc tội ly giáo và được triệu tập để xét xử tại Bộ Giáo lý Đức tin. Để đáp lại cáo buộc nghiêm trọng đó, ngài đã đưa ra một phản ứng kích động – gọi Vatican II là một “bệnh ung thư”, “Bergoglio” là bất hợp pháp – và từ chối trả lời lệnh triệu tập. Vatican đã cho ngài thời hạn đến Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu, để trả lời, bằng văn bản hoặc đích thân đến Tòa Thánh, nếu không ngài “sẽ bị xét xử vắng mặt”.

Dưới đây là năm cân nhắc về các vấn đề phức tạp đang diễn ra.

Ngài tìm cách tách khỏi Giáo Hội

Giống như những câu chuyện về Br'er Rabbit, có vẻ như Đức Tổng Giám Mục Viganò muốn bị ném vào mảnh đất trồng cây thạch nam, háo hức với những hậu quả kỷ luật cho hành động của mình. Tại sao ngài lại coi mảnh đất tuyệt thông là lãnh thổ được chào đón là một vấn đề cần suy đoán.

Hoàn toàn có thể đưa ra những lời chỉ trích – mang tính xây dựng hay không – đối với Đức Thánh Cha Phanxicô và chương trình của ngài mà không cần phải đặt vấn đề về tính hợp pháp của ngài hoặc của Công đồng Vatican II. Nhiều tiếng nói Công Giáo, thuộc cả phe bảo thủ lẫn cấp tiến, đã làm như vậy. Đức Tổng Giám Mục Viganò là người duy nhất trong số các giám mục – chưa kể đến các cựu quan chức giáo triều và sứ thần – có những quan điểm cực đoan. Ngay cả những người đồng tình với một số quan điểm của ngài cũng đã thúc giục ngài từ bỏ việc sử dụng “ngôn ngữ bất kính và thiếu tôn trọng”.

Với kinh nghiệm sâu rộng của Đức Tổng Giám Mục Viganò, cần phải coi rằng ngài chọn cách khiêu khích như vậy chính là vì ngài muốn khiêu khích. Kỷ luật theo giáo luật – vạ tuyệt thông hoặc tệ hơn – có thể chính là điều mà Đức Tổng Giám Mục mong muốn.

Việc kết luận rằng Tổng Giám mục Viganò phạm tội ly giáo sẽ chỉ xác nhận điều mà nhiều nhà quan sát đã nghĩ từ lâu, rằng quan điểm đã nêu của ngài đã đặt ngài ra ngoài sự hiệp thông với Đức Thánh Cha. Bản thân Đức Tổng Giám Mục Viganò cũng có thể nghĩ như vậy, vì ngài không muốn hiệp thông với “Bergoglio”, người mà ngài coi không phải là Đức Giáo Hoàng hợp pháp.

Giáo luật thường đưa ra nhiều lựa chọn về hình phạt. Rôma có thể chọn một phương án ít nhiều nghiêm khắc chính xác vì mong muốn rõ ràng của Đức Tổng Giám Mục Viganò là kích động một phản ứng. Rõ ràng là ngài đã khiêu khích; Rôma có thể chọn mức độ khiêu khích mà mình muốn đáp lại. Tòa Thánh không bắt buộc phải cung cấp cho ngài những gì ngài rõ ràng muốn.

Sức khỏe tâm thần của ngài phải là một câu hỏi

Nhà giáo luật Ed Condon của tờ The Pillar lưu ý rằng cáo buộc ly giáo chống lại Đức Tổng Giám Mục Viganò được nhiều người coi là “đã quá hạn từ lâu”, rằng ngài đã đi vào “một quỹ đạo đi xuống dốc”, khi tố cáo Đức Thánh Cha Phanxicô bằng “những thuật ngữ rõ ràng về mặt giáo luật”.

Vì vậy, khi tưởng tượng mình được bổ nhiệm làm luật sư bào chữa cho Đức Tổng Giám Mục Viganò, Condon tự hỏi loại biện hộ nào có thể được đưa ra. Ông gợi ý rằng cách bào chữa tốt nhất là cho rằng vị tổng giám mục đang bị suy giảm năng lực nào đó. Có lẽ ngài đã bị suy sụp tinh thần hoặc cảm xúc nào đó và phát điên.

Điều đó là có cơ sở. Hành vi của ngài kể từ năm 2018, khi ngài đưa ra tuyên bố đầu tiên chống lại Đức Thánh Cha Phanxicô, liên quan đến Đức Hồng Y Theodore McCarrick lúc bấy giờ, đã trở nên thất thường hơn bao giờ hết. Ngài sống ẩn dật. Ngài có ảo tưởng về sự nguy hiểm không? Có lẽ ngài bị bao vây - hoặc thậm chí bị giam giữ - bởi những cộng sự có bản chất đáng ngờ? Ngài nhận được thông tin gì trong quá trình tự động cách ly?

Ngược lại, hãy xem xét Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng, người sống dưới sự giám sát liên tục của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc, nhưng ngài tự do đi lại, phát biểu tự do và sẵn sàng trả lời các câu hỏi. Và ngài đã đưa ra một số lời chỉ trích gay gắt về các sáng kiến gần đây của Vatican.

Khi một giám mục đơn độc - có hơn 5.000 giám mục như thế trên toàn thế giới - hành động theo một cách hoàn toàn kỳ lạ và rõ ràng là kỳ quặc, thì hoàn toàn hợp lý khi đặt câu hỏi tại sao lại như vậy. Không thể loại trừ sự điên rồ và các tòa án, theo công lý, có nghĩa vụ phải tính đến khả năng đó khi tuyên án.

Cáo buộc ly giáo là vấn đề nghiêm trọng

Khi công bố – và tố cáo – lệnh triệu tập mình do Bộ Giáo Lý Đức Tin đưa ra, Đức Tổng Giám Mục Viganò đã so sánh mình với Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre, người sáng lập Huynh Đoàn Thánh Piô 10 vào những năm 1970, và bị vạ tuyệt thông vào năm 1988 vì tấn phong các giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng.

Đức Tổng Giám Mục Viganò tự tâng bốc mình. Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, bất chấp tất cả những rắc rối sau đó, đã là một nhà truyền giáo đáng ngưỡng mộ ở Phi Châu trong nhiều năm. Thay vì lẩn trốn, ngài đã thành lập một cộng đồng. Đức Tổng Giám Mục Viganò có lẽ đã quan sát thấy rằng nhiều tín hữu của Đức Tổng Giám Mục Lefebvre coi hình phạt của ngài là khắc nghiệt so với mức độ dành cho nhiều người khác vào những năm 1970.

Đó là một điểm quan trọng mà các quan chức Vatican cần phải tính đến. Những gì được coi là nghiêm trọng theo quan điểm giáo luật không phải luôn luôn phù hợp với quan điểm phổ biến trong xã hội. Ví dụ, việc vứt bỏ Bí tích Thánh Thể sẽ bị trừng phạt bằng vạ tuyệt thông tiền kết. Nhưng, giết người hàng loạt thì không. Có những lý do chính đáng giải thích tại sao lại như vậy, và nó đòi hỏi phải nhận thức được rằng những vấn đề siêu nhiên nghiêm trọng hơn những vấn đề tự nhiên.

Tội ly giáo cũng thế. Phá vỡ sự hiệp thông của Giáo hội có nguy cơ cắt đứt ân sủng bí tích của tín hữu. Ở ngoài sự hiệp thông ở cõi trần này có thể dẫn tới việc ở ngoài sự hiệp thông với các thánh trong cõi vĩnh hằng. Đó là lý do tại sao Giáo hội đánh giá rất nghiêm trọng tội ly giáo, ngay cả khi nó không gây ra trong tâm trí người bình dân sự ghê tởm tương tự như trong trường hợp lạm dụng tình dục.

Não trạng “những người kia thì sao”

Thuật ngữ “whataboutism” đã tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị và văn hóa trong những năm gần đây. Một bên chỉ trích Donald Trump cách đối xử với phụ nữ. Thay vì đề cập đến cáo buộc, phe của ông Trump nói, “Còn Bill Clinton thì sao”?

Mọi giáo viên - và phụ huynh, về vấn đề đó - đều biết rằng não trạng “những người kia thì sao” nảy sinh trong các vấn đề kỷ luật. Một đứa trẻ bị kỷ luật vì tội X hỏi: “Còn người này người khác cũng đã làm X và không bị trừng phạt thì sao?” Hoặc, “Còn đứa trẻ khác đã làm điều Y, điều đó tệ hơn X thì sao?”

Chỉ vài giờ sau khi có tin tức về Đức Tổng Giám Mục Viganò dòng tiêu đề sau đã xuất hiện, “Phiên xử tội ly giáo Đức Tổng Giám Mục Viganò à… sao không xử Rupnik đi.”

Những cái tên khác có thể được thay thế, nhưng cựu linh mục Dòng Tên Marko Rupnik, là vụ án kỷ luật nổi tiếng nhất còn tồn đọng vào thời điểm hiện tại. Vị linh mục Dòng Tên này đã bị điều tra một thời gian, bị Dòng Tên trục xuất, và sự phẫn nộ toàn cầu đối với việc ông có thể tiếp tục công việc của mình đã buộc Đức Thánh Cha Phanxicô phải ra lệnh mở một cuộc điều tra mới vào mùa thu năm ngoái sau khi đã đình chỉ một cuộc điều tra trước đó do quá thời hiệu.

Não trạng “những người kia thì sao” không phải là lý do thuyết phục khiến việc kỷ luật đối với X không thể được tiến hành vì nó chưa được áp dụng đối với Y. Nhưng nếu có đủ số người tin rằng kỷ luật được áp dụng một cách không công bằng, liệu nó có đe dọa đến uy tín của cơ quan hữu quan không?

Đức Hồng Y Parolin đổ dầu trên mặt nước

Sự can thiệp đáng hoan nghênh đối với lệnh triệu tập của Đức Tổng Giám Mục Viganò đến từ một giới chức có thẩm quyền cao, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh của Đức Thánh Cha. Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ và buồn bã, hoang mang trước tất cả những gì đang diễn ra.

“Tôi luôn đánh giá cao Đức Tổng Giám Mục như một người làm việc rất tốt, rất trung thành với Tòa Thánh, ở một khía cạnh nào đó, ngài cũng là một tấm gương”, Đức Hồng Y Parolin nói về Đức Tổng Giám Mục Viganò cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ. “Khi còn là sứ thần Tòa thánh, ngài đã làm việc rất xuất sắc, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra.”

Đức Tổng Giám Mục Viganò đã có một sự nghiệp được nhiều người đánh giá cao. Việc bổ nhiệm đầu tiên của ngài với tư cách là Sứ Thần Tòa Thánh, dưới thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là đến Nigeria, có lẽ là vị trí quan trọng nhất ở Phi Châu. Sau đó, ngài trở lại Rôma trong một vị trí hết sức nhạy cảm, đại diện cho các cơ quan đại diện của Đức Giáo Hoàng, vừa là giám đốc nhân sự vừa là người giám sát các nhà ngoại giao trên toàn thế giới. Sau đó, ngài giữ chức tổng thư ký của quốc gia Thành Vatican, nổi tiếng về việc quản lý hiệu quả và loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng. Trở lại vai trò Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, ngài được nhiều người kính trọng khi nghỉ hưu vào năm 2016.

Khi Đức Tổng Giám Mục Viganò đưa ra tuyên bố đầu tiên vào năm 2018, một số giám mục Hoa Kỳ đã bày tỏ sự tin tưởng vào danh tiếng về sự trung thực của ngài và nói rằng những tuyên bố của ngài cần được điều tra.

Những nhận xét trung thực của Đức Hồng Y Parolin là một lời đáp trả đáng hoan nghênh dành cho những người không trung thực muốn đọc lại quá khứ của Đức Tổng Giám Mục Viganò trong những năm gần đây một cách tiêu cực, để mà lên án những người đã ca ngợi ngài trước khi quỹ đạo đi xuống của ngài trở nên rõ ràng.

Bây giờ điều hiển nhiên đối với tất cả mọi người, là cần có những bình luận sáng suốt từ tất cả các bên để hạn chế thiệt hại mà trường hợp Đức Tổng Giám Mục Viganò đã gây ra.


Source:National Catholic Register