1. Tòa Thượng phụ đại kết ký thông cáo hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu, chữ ký của Rwanda bị xóa
Theo trang web của chính phủ Thụy Sĩ, Tòa Thượng phụ Đại kết Constantinople đã thêm chữ ký của mình vào thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh về tốc độ toàn cầu dành cho Ukraine, trong khi chữ ký của Rwanda đã biến mất kể từ ngày 17 tháng 6.
Tính những thay đổi mới nhất, 77 quốc gia và 5 tổ chức đã ủng hộ tài liệu được soạn thảo trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày ở Thụy Sĩ.
Thông cáo kêu gọi trả lại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị Nga tạm chiếm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Ukraine, bảo đảm việc sản xuất và cung cấp thực phẩm không bị gián đoạn ở Ukraine, bảo đảm quyền tiếp cận đầy đủ các hải cảng ở Hắc Hải và Biển Azov, thả tất cả tù nhân chiến tranh, và trả lại tất cả trẻ em Ukraine bị bắt cóc, cùng những thứ khác.
Tài liệu cũng tuyên bố bất kỳ mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine là không thể chấp nhận được và các cuộc tấn công vào tàu và cảng dân sự là không thể chấp nhận được.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết 101 quốc gia và tổ chức đã tập trung cho hội nghị thượng đỉnh, nghĩa là không phải tất cả những người tham gia đều ủng hộ thông cáo. Lúc đầu, 80 quốc gia đã ký văn bản này, nhưng chữ ký của Jordan và Iraq sau đó đã bị xóa bỏ dưới áp lực của Nga và Trung Quốc.
Nga không được mời tham dự, trong khi Trung Quốc từ chối lời mời.
Brazil, hiện diện với tư cách quan sát viên trong danh sách 92 quốc gia tham gia đã được xác nhận do Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ chia sẻ ngày 14 Tháng Sáu, cũng chưa ký thông cáo chung.
2. Diễn từ của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh tại Hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ về Ukraine
Trong diễn từ tại Hội nghị ở Thụy Sĩ, trong hai ngày 15 và 16 tháng Sáu vừa qua, về hòa bình tại Ukraine, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã kêu gọi các phe đối thoại, tôn trọng công pháp quốc tế và chủ quyền của mỗi nước. Đặc biệt, Đức Hồng Y mạnh mẽ kêu gọi bảo vệ các trẻ em và tù nhân, dù là thường dân hay quân nhân.
Trong phái đoàn Tòa Thánh, do Đức Hồng Y hướng dẫn tại Hội nghị, có Đức Tổng Giám Mục Martin Krebs, Sứ thần Tòa Thánh tại Thụy Sĩ, và Đức ông Paul Butnaru, Tham tán Sứ thần thuộc Bộ Ngoại giao Tòa Thánh.
Chi tiết bài diễn từ hôm 16 tháng Sáu của Đức Hồng Y, được Phòng Báo chí Tòa Thánh phổ biến, hôm 17 tháng Sáu vừa qua, trong đó có đoạn ngài khẳng định rằng: “Phương thế duy nhất có thể giúp đạt tới một nền hòa bình đích thực, bền vững và công chính là đối thoại giữa tất cả các phe liên hệ”. Nhân danh Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y tái khẳng định sự gần gũi với nhân dân Ukraine đang chịu đau khổ, và nhắc đến sự dấn thân liên lỉ của Đức Thánh Cha bênh vực hòa bình.
Trọng tâm bài diễn từ của Đức Hồng Y Parolin là cổ võ cộng đồng quốc tế tìm kiếm những phương thức để hỗ trợ và giúp làm trung gian, về nhân đạo hoặc chính trị. Ngài cầu mong rằng nỗ lực ngoại giao do Ukraine cổ võ và được bao nhiêu nước ủng hộ sẽ được kiện toàn, làm sao để đạt tới kết quả mà các nạn nhân đáng được và toàn thế giới hy vọng”. Đồng thời, Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng Tòa Thánh tiếp tục dấn thân “duy trì những tiếp xúc liên tục với chính quyền Ukraine và Nga, và cũng sẵn sàng giúp đỡ trong việc thực thi những “sáng kiến trung gian có thể” được cả hai bên chấp nhận và can dự hầu mưu ích cho những người bị tổn thương”.
Đức Hồng Y Parolin đánh giá cao hội nghị thượng đỉnh này ở Thụy Sĩ và gọi đây là một biến cố quan trọng trên thế giới, được Ukraine chuẩn bị kỹ lưỡng; quốc gia này, một đàng, hết sức cố gắng tự vệ chống lại sự gây hấn, nhưng đàng khác, tiếp tục làm việc trên bình diện ngoại giao để đạt tới một nền hòa bình công chính và lâu bền. Đứng trước chiến tranh và những hậu quả bi thảm của nó, điều quan trọng là không cam chịu, nhưng tiếp tục tìm kiếm những phương thức để chấm dứt xung đột, sử dụng thiện chí, tin tưởng và tinh thần sáng tạo”.
Một điểm khác được Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh đặc biệt nhấn mạnh là cần phải tôn trọng công pháp quốc tế, đồng thời tái khẳng định nguyên tắc căn bản là tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia.
Tiếp đến là vấn đề hồi hương các trẻ em. Về vấn đề này, một cơ cấu đã được thành lập, sau cuộc viếng thăm của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, khi viếng thăm tại Kyiv và Mạc Tư Khoa, trong tư cách là đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng. Về vấn đề này, Đức Hồng Y khẳng định rằng cần củng cố mọi kênh hiện có để tạo điều kiện dễ dàng cho tiến trình này, cũng như để tránh mọi sự lợi dụng tình trạng của các trẻ vị thành niên.
Trong tư cách là quan sát viên tại Hội nghị, Đức Hồng Y Parolin đã không ký vào tuyên ngôn chung kết của Hội nghị, như các nước thành viên.
3. Đức Hồng Y Zuppi viếng thăm nhà thương nhi đồng Bethlehem
Hôm 14 tháng Sáu vừa qua, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, đã viếng thăm nhà thương Bethlehem, là bệnh viện nhi đồng duy nhất tại vùng Cisjordani, hay là “Bờ Tây” của người Palestine, và ngài nhận thấy rằng “sự đau khổ của các trẻ em tại đây thật là không thể chấp nhận nổi và kêu gọi những người lớn hãy suy nghĩ lại”.
Đức Hồng Y Zuppi hướng dẫn phái đoàn 160 tín hữu từ Tổng giáo phận Bologna của ngài, thực hiện cuộc hành hương “hòa bình và liên đới” tại Thánh địa.
Bệnh viện nhi đồng này của Giáo Hội Công Giáo, hoạt động liên tục từ 71 năm nay trong một vùng có hơn 410.000 người trẻ dưới 18 tuổi sinh sống. Chiến tranh tại Gaza hiện nay càng gây khó khăn cho các gia đình cần đưa con cái bị bệnh của họ đến đây chữa trị, vì từ Gaza đến nhà thương Bethlehem, họ phải qua hàng trăm trạm kiểm soát của Israel. Trong ba tháng đầu tiên của chiến tranh, 700 trẻ em Palestine không được săn sóc cũng vì lý do đó.
Bà Shireen Khamis, thuộc văn phòng thông tin của bệnh viện nhi đồng Bethlehem cho biết chiến tranh càng làm gia tăng những vấn đề kinh tế rất khó khăn cho dân địa phương: không có du khách và các tín hữu hành hương, nhiều gia đình không có công ăn việc làm và không thể được chữa trị. Nhưng bệnh viện này vẫn tiếp tục thi hành phận vụ của mình để săn sóc các em bệnh nhân. Hồi giữa tháng Ba vừa qua, có một đoàn 68 em bệnh nhân từ Gaza. Các em được đón tiếp trong một trung tâm chữa trị chuyên môn và hiện nay đang được tổ chức “SOS-Làng trẻ em” theo dõi và săn sóc, còn việc chữa trị thì được ủy thác cho bệnh viện nhi đồng Bethlehem.
Đức Hồng Y Zuppi được nữ tu giám đốc Aleya Kattakayam, thuộc dòng Đức Mẹ Maria Bé Thơ (Maria Bambina), đang quản trị bệnh viện nhi đồng Bethlehem, hướng dẫn viếng thăm các khu vực trong nhà thương, chào thăm các em bệnh nhân và cha mẹ, trao đổi với các bác sĩ và y tá. Tuyên bố sau cuộc viếng thăm, Đức Hồng Y nói: “Chúng ta ở trong một nơi mà đau khổ của rất nhiều trẻ em được chữa trị. Nhưng không luôn luôn được như vậy. Chúng ta phải khởi hành từ đây để giúp hiểu điều hữu ích cho các em nhỏ nhất, những em mong manh nhất để các em có thể có tất cả những gì các em cần”.
Đức Hồng Y cũng kể rằng một số các em bệnh nhân từ Gaza đã được đón tiếp và chữa trị tại các nhà thương ở Ý. Tôi đã nghe từ họ những chuyện kinh khủng, như các cuộc phẫu thuật mà không có thuốc mê... Khi nhìn các em, chúng ta hiểu mình phải làm gì. “Oán ghét, bạo lực, không biết hiểu đau khổ của người khác và chỉ nghĩ đến mình, đó là tất cả những điều tạo thêm bạo lực và các nạn nhân vô tội như các trẻ em”.