1. Các giám mục Mễ Tây Cơ chúc mừng tổng thống đắc cử của nước này
Các giám mục Mễ Tây Cơ đã chúc mừng Claudia Sheinbaum, tổng thống đắc cử của nước này, “vì chiến thắng của cô tại các cuộc bỏ phiếu” trong cuộc bầu cử ngày 2 tháng Sáu.
Tính đến chiều muộn ngày 3 Tháng Sáu, kết quả sơ bộ do Viện bầu cử quốc gia thống kê cho thấy Sheinbaum - ứng cử viên của liên minh cánh tả Hãy tiếp tục làm nên lịch sử - được 59,17% số phiếu bầu. Đối thủ cạnh tranh gần nhất của cô, Xóchitl Gálvez - đại diện cho liên minh Sức mạnh và Trái tim - có 27,84%, trong khi Jorge Álvarez Máynez của đảng Phong trào Công dân có 10,45% số phiếu bầu. Khi việc kiểm phiếu cuối cùng hoàn tất, viện sẽ chính thức công nhận người chiến thắng.
Trong một tuyên bố được Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ đăng trên X hôm Thứ Tư, 05 Tháng Sáu,, các vị giám mục đã cầu nguyện cho Sheinbaum để “với trách nhiệm và sự khôn ngoan mà vị trí này đòi hỏi, và luôn tìm kiếm lợi ích chung, cô ấy có thể dẫn dắt Mễ Tây Cơ hướng tới những chân trời tốt đẹp hơn nơi nền cộng hòa đang tồn tại”. được củng cố, nhà nước pháp quyền được thiết lập đầy đủ, nền dân chủ cho phép chuyển đổi chính trị mà không có bạo lực, tiến bộ và công lý trên toàn quốc đạt được hiệu quả hơn, và trên hết, chúng ta có thể bắt đầu một thời kỳ hòa giải xã hội trên toàn quốc.”
Bên cạnh việc bỏ phiếu bầu tổng thống, người Mễ Tây Cơ còn bầu ra các đại biểu và thượng nghị sĩ liên bang mới cũng như thống đốc của 9 bang, các nhà lập pháp bang và thị trưởng các đô thị.
Các giám mục cũng chúc mừng người dân Mễ Tây Cơ đã “thực thi các quyền dân sự và chính trị của mình để củng cố nền dân chủ”, lưu ý rằng điều này đã đạt được “bất chấp những trở ngại và vấn đề nảy sinh trong quá trình bầu cử, đặc biệt là do bạo lực hình sự và một số chính quyền can thiệp vào luật pháp”..”
Chiến dịch bầu cử không phải là không có bạo lực khi 37 ứng cử viên địa phương bị ám sát. Ngoài ra, Viện bầu cử quốc gia báo cáo có 5.089 vụ việc xảy ra trên khắp cả nước trong ngày bầu cử, hầu hết là những vụ việc nhỏ, chẳng hạn như những người cố gắng bỏ phiếu mà không có giấy ghi danh cử tri. Tuy nhiên, 29 điểm bỏ phiếu đã phải đóng cửa do cướp, bạo lực súng ống và phiếu bầu bị đốt cùng nhiều yếu tố khác.
Các giám mục viết: “Với tư cách là các mục tử, chúng tôi tràn đầy hy vọng khi thấy các công dân đón nhận các giá trị của lợi ích chung như thế nào. Mong tinh thần này tiếp tục khích lệ và truyền cảm hứng cho chúng ta trong việc xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho quê hương thân yêu của chúng ta.”
Sau khi nhắc nhở tất cả những người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024 rằng “khi họ nhậm chức, họ sẽ làm như vậy vì mọi người”, các vị Giám Mục kêu gọi rằng “công ích hãy là ngôi sao dẫn đường cho tất cả những người được bầu bằng phổ thông đầu phiếu” khi họ thực thi chức trách của mình.
Cuối cùng, các ngài giao phó đất nước cho sự bảo vệ của Đức Mẹ Guadalupe và cầu nguyện xin Mẹ ban cho người dân “sự khôn ngoan, sự thanh thản và sức mạnh để chấp nhận kết quả của ltiến trình dân sự này và cùng nhau làm việc, chính phủ và xã hội, trong việc xây dựng” một Mễ Tây Cơ, nơi tất cả chúng ta nhìn nhận nhau như anh em, những đứa con yêu quý của cùng một Người Cha, và cùng nhau chúng ta tạo nên vận mệnh đầy hứa hẹn cho quốc gia vĩ đại của chúng ta.”
2. Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn thứ 110
Đức Thánh Cha Phanxicô gọi những người di dân và tị nạn cũng như Giáo hội lữ hành ngày nay, là hình ảnh dân Chúa xưa kia trên đường tiến về Đất hứa (LG 49) và ngài kêu mời các tín hữu, như những người Samaritano nhân lành, giúp đỡ những người di dân và tị nạn, coi đây là những cơ hội để gặp gỡ Chúa.
Đức Thánh Cha đưa ra lời mời gọi trên đây, trong sứ điệp nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn lần thứ 110, sẽ được cử hành vào Chúa nhật, ngày 29 tháng Chín năm nay. Sứ điệp được Đức Hồng Y Michael Czerny, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, giới thiệu trong cuộc họp báo, sáng ngày 03 tháng Sáu vừa qua, tại Vatican.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha có đoạn viết: “Ta có thể nhìn thấy nơi những người di dân thời nay, giống như những người di dân mọi thời, một hình ảnh sinh động về dân Thiên Chúa trên đường tiến về quê hương vĩnh cửu. Hành trình hy vọng của họ nhắc nhớ cho chúng ta rằng “quê thật của chúng ta là ở trên trời, và tại đó, Chúa Cứu Thế Giêsu Kitô đang chờ đợi chúng ta” (Pl 3,20).
Sau khi nói đến sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa nhiều lần trong hành trình của dân Chúa trong cuộc lữ hành xưa kia, cũng như những khó khăn, nguy hiểm và chiến đấu của họ, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Thiên Chúa không những bước đi với dân Ngài, nhưng còn ở trong dân, theo nghĩa Chúa đồng hóa với những người nam nữ đang tiến bước qua lịch sử, - đặc biệt những người rốt cùng, người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề - như thể kéo dài mầu nhiệm Nhập Thể”.
“Vì thế, cuộc gặp gỡ với người di dân, như với một người anh chị em đang ở trong tình trạng túng quẫn, ‘cũng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chính Chúa đã nói điều đó. Chính Chúa đang gõ cửa nhà chúng ta, như người đói khát, khách ngụ cư, người trần trụi, đau yếu, tù đày, xin được gặp gỡ và giúp đỡ” (Bài giảng thánh lễ với cá tham dự viên cuộc gặp gỡ “tự do, không sợ hãi”, Sacrofano, 15-2-2019).
Cuộc phán xét chung, như được kể lại trong chương 25 của Tin mừng theo thánh Matthêu, không để lại nghi ngờ gì cho chúng ta: “Ta là khách ngụ cư, xa lạ và các con đã tiếp đón Ta” (v.35); và Chúa cũng nói: “Thật, Thầy bảo các con: tất cả những gì các con làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con làm cho Thầy” (v.40) Vì thế, mỗi cuộc gặp gỡ trong hành trình, tượng trưng một cơ hội gặp gỡ Chúa, và là dịp đầy ơn cứu độ, vì nơi người anh chị em túng thiếu đang cần sự giúp đỡ của chúng ta, có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Theo nghĩa này, những người nghèo cứu chúng ta và giúp chúng ta gặp tôn nhan của Chúa” (Xc Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 3, 17-11-2019).
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, trong Ngày di dân và tị nạn này, chúng ta hãy hiệp nhau cầu nguyện cho tất cả những người đã bỏ quê hương của họ để đi tìm kiếm những điều kiện sống xứng đáng.”
3. Ngày 01 tháng Bảy tới đây sẽ diễn ra Công nghị Hồng Y và Giám mục về việc phong hiển thánh
Sáng thứ Hai, ngày 01 tháng Bảy tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ triệu tập Công nghị các Hồng Y và Giám mục, về việc tôn phong hiển thánh cho mười ba vị chân phước.
Các vị đã được Đức Thánh Cha chấp thuận, ngày 23 tháng Năm vừa qua, việc công bố sắc lệnh nhìn nhận phép lạ hoặc ý kiến thuận của Hội đồng các Hồng Y, Giám mục thành viên Bộ Phong thánh.
Trước hết, có chân phước linh mục Giuseppe Allamano, sáng lập Dòng Thừa sai Đức Mẹ an ủi, người Ý, qua đời năm 1926, thọ 75 tuổi.
Chân phước thiếu niên Carlo Acutis, người Ý, qua đời tại Monza, bắc Ý, năm 2006, lúc mới 15 tuổi và được Đức Thánh Cha Phanxicô phong chân phước cách đây gần bốn năm, ngày 10 tháng Mười năm 2020.
Tiếp đến là 11 vị tử đạo, gồm 8 tu sĩ Dòng Phanxicô và 3 anh em Massaki giáo dân thuộc Giáo Hội Công Giáo Maronite, bị sát hại hồi năm 1860 tại Damasco, Syria, vì không chịu từ bỏ đức tin Kitô giáo để theo Hồi giáo.
Đứng đầu danh sách là cha Emanuele Ruiz, người Tây Ban Nha, tiếp đến là 6 tu sĩ Phanxicô đồng hương và một vị người Áo. Họ sống tại khu khố Bab-Touma, chia sẻ bánh với những người nghèo trong thời buổi khó khăn. Đó là thời kỳ khủng hoảng của Đế quốc Ottoman và sức ép của các cường quốc Âu châu hồi năm 1842. Quốc vương Hồi giáo Abdul Mejid I bấy giờ chấp nhận đề nghị của ông hoàng Metternich của Áo, chia miền núi Liban thành hai khu vực: phía bắc dành cho các tín hữu Kitô và phía nam dành cho người Druse Hồi giáo. Nhưng bạo lực bùng nổ ở Beirut, năm 1860 tạo nên làn sóng máu đổ khiến cho hàng ngàn tín hữu Kitô bị sát hại.
Trong đêm ngày 09 rạng ngày 10 tháng Bảy năm 1870, 8 tu sĩ Phanxicô và 3 giáo dân Công Giáo Maronite chạy vào một tu viện, với những bức tường kiên cố để lánh nạn. Cha Bề trên Emmanuele Ruiz chuẩn bị tinh thần cho mọi người, mời gọi họ xưng tội và rước lễ, sẵn sàng đón nhận tai ương. Thực vậy, có kẻ phản bội họ, để cho những kẻ sát nhân lẻn vào tu viện qua một cửa nhỏ và sát hại tất cả 11 người tị nạn.
Các vị tử đạo đã được Đức Thánh Cha Piô XI tôn phong chân phước, năm 1926, và lễ kính các vị được ấn định vào ngày 10 tháng Bảy, tại nhà thờ thánh Phaolô ở Damasco, nơi vẫn còn giữ di hài của các vị.
Đức Thánh Cha phê chuẩn việc bỏ phiếu thuận của Hội đồng các Hồng Y và Giám mục thành viên Bộ Phong thánh, về việc phong hiển thánh cho cha Emmanuele Ruiz và 10 vị tử đạo tại Damasco.
Cuộc tử đạo này cũng là một chứng tá về tinh thần đại kết của các vị tử đạo thuộc các cộng đoàn Kitô nghi lễ khác nhau, vốn bị chia rẽ vì nhiều lý do lịch sử, nhưng cùng hiệp nhau trong việc làm chứng tá đến độ đổ máu đào vì cùng niềm tin nơi Chúa Kitô.
Cha Giuseppe Allamano
Trong số hai vị chân phước hiển tu sắp được tôn phong hiển thánh, chân phước thiếu niên Acutis 15 tuổi, rất được biết đến trong thời gian gần đây, còn cha Giuseppe Allamano, qua đời cách đây gần 100 năm, nhưng đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc loan báo Tin mừng của Giáo hội, qua hai dòng thừa sai “Đức Mẹ An Ủi”, do cha thành lập ở Torino, bắc Ý: ngành nam hiện có hơn 910 tu sĩ hoạt động truyền giáo tại 241 nhà trên thế giới. Người con của dòng hiện nay được biết đến nhiều là Đức Hồng Y Giorgio Marengo, 50 tuổi (1974), người Ý, vị Hồng Y trẻ nhất trong Hồng Y đoàn, hiện là Phủ doãn Tông tòa Ulanbator, Mông Cổ.
Ngành nữ của Dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi hiện có 530 nữ tu hoạt động tại 73 nhà trên thế giới. Trong số này, đặc biệt có nữ tu Simona Brambilla, cựu Bề trên Tổng quyền của dòng, mới được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng thư ký Bộ các Dòng tu, ngày 07 tháng Mười năm ngoái, 2023, kế nhiệm Đức Tổng Giám Mục José Carballo, Dòng Phanxicô người Tây Ban Nha. Chị là phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Giáo hội là nhân vật thứ hai của Bộ các Dòng tu