1. Ba Lan bắt 18 người trong đó có đến 8 người tham gia vào mưu toan ám sát Tổng thống Zelenskiy

Trong cuộc phỏng vấn với Polskie Radio của Ba Lan hôm Thứ Ba, 04 Tháng Sáu, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Tomasz Siemoniak cho biết chính quyền Ba Lan đã bắt giữ 18 người vì nghi ngờ theo đuổi các hoạt động thù địch hoặc phá hoại phối hợp với Nga và Belarus.

Bộ trưởng cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng 8 người trong số các nghi phạm có liên quan đến âm mưu ám sát Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, trong khi 10 người khác liên quan đến việc lên kế hoạch cho nhiều hình thức phá hoại khác nhau, chẳng hạn như đốt phá, trên khắp Ba Lan.

Các quan chức tình báo phương Tây được cho là đã cảnh báo về việc gia tăng các hoạt động phá hoại của Nga trên khắp Âu Châu.

Theo ông Siemoniak, những cá nhân bị bắt trong những tháng gần đây là công dân Ba Lan, Belarus và cả công dân Ukraine gốc Nga.

Siemoniak nói: “Chúng tôi không nghi ngờ rằng có một số kẻ đang hoạt động cho Nga và Belarus sẵn sàng đe dọa tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân Ba Lan”.

Bộ trưởng lưu ý rằng các hành động phá hoại có thể là một phần của kế hoạch lớn hơn bao gồm các cuộc tấn công mạng, cũng như đẩy người di cư ở Belarus vượt biên sang Ba Lan và đe dọa an ninh của một quốc gia đã hỗ trợ Ukraine trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Vào tháng 4, một hoạt động chung của các cơ quan thực thi pháp luật Ukraine và Ba Lan đã dẫn đến việc bắt giữ một công dân Ba Lan, người được cho là đã đề nghị với Nga để ám sát Zelenskiy.

Theo sáng kiến của mình, nghi phạm có ý định do thám an ninh của phi trường Rzeszow ở Ba Lan để giúp các cơ quan tình báo Nga lên kế hoạch cho một vụ ám sát tiềm tàng Zelenskiy trong chuyến thăm Ba Lan của ông.

Tháng sau, một người Ukraine gốc Nga và một người đàn ông Belarus bị đưa ra xét xử vì bị nghi ngờ là thành viên trong đường dây ám sát Tổng thống Zelenskiy.

Một nhóm khác được tường trình là đang chuẩn bị các vụ phá hoại hỏa xa ở Ba Lan vào năm 2023 và giám sát các tuyến đường vận chuyển vũ khí và viện trợ nhân đạo tới Ukraine. Những người này phải đối mặt với án tù 8 năm.

Theo Bộ trưởng Tomasz Siemoniak, một số nghi phạm khác đã bị bắt trong những tháng gần đây ở Đức, Áo và Estonia vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga hoặc các hình thức hợp tác khác với tình báo Nga.

2. Video kịch tính cho thấy Ukraine phá hủy vũ khí 'tối tân' của Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Dramatic Video Shows Ukraine Destroying 'State-of-the-Art' Russian Weapon”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo và video do Lực lượng đặc biệt Ukraine công bố, binh sĩ Ukraine đã phá hủy một hệ thống radar “tối tân” của Nga.

Mục tiêu “béo bở” là trạm radar di động “Kasta-2E2” của Nga đã bị lực lượng Ukraine nhắm tới và tiêu diệt trong một nhiệm vụ trinh sát trên không vào hôm Thứ Hai, 03 Tháng Sáu. Phát ngôn nhân lực lượng đặc biệt, Đại Tá Georgi Gleba cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 04 Tháng Sáu.

Video cho thấy các binh sĩ Ukraine tấn công vào trạm Kasta gây ra một quả cầu khói lớn.

Đại Tá Georgi Gleba nói về cuộc tấn công thành công như sau: “Các binh sĩ của chúng tôi đã gây ra thiệt hại trên radar của Nga bằng một trong những phát triển mới nhất về máy bay điều khiển từ xa vừa được đưa vào sử dụng trong lực lượng đặc biệt”.

Theo Ukrinform, vào tháng 2, nhóm “Geese-9” của Ukraine đã phá hủy một trạm radar khác của Nga gần biên giới Nga.

Mẫu Kasta được lực lượng đặc biệt mô tả là mẫu radar “đa chức năng” được thiết kế để kiểm soát không phận, xác định tọa độ và nhận biết các mục tiêu trên không, bao gồm cả những mục tiêu bay ở độ cao cực thấp.

Ukraine cho biết hệ thống radar Kasta được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2021 tại Luhansk bị Nga tạm chiếm như một phương tiện để Nga chống lại máy bay điều khiển từ xa.

Đại Tá Georgi Gleba châm biếm rằng: “Tuy nhiên, trớ trêu thay, các radar này gần đây lại không nhận ra các máy bay điều khiển từ xa đang lao đến tấn công chúng”.

Rosoboronexport, một công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng có trụ sở tại Mạc Tư Khoa, mô tả Kasta-2E2 là một “radar dự phòng đa hướng 3D tầm thấp” và cung cấp thông tin giao thông cho các máy bay cánh cố định và cánh quay, cũng như các phương tiện bay điều khiển từ xa và các thiết bị bay khác như hỏa tiễn hành trình.

Hệ thống Kasta được sử dụng trong phòng thủ trên không và ven biển, kiểm soát biên giới và kiểm soát xung quanh các phi trường.

Eric Gomez, một thành viên cao cấp tại Viện Cato, nói với Newsweek qua email rằng khả năng giám sát trên không ở tầm ngắn và tầm thấp tương đối của Kasta cho thấy rằng nó có thể hoạt động xa hơn từ tiền tuyến và không có nhiều yếu tố hỗ trợ hoặc phòng thủ liên quan.

“Hệ thống Kasta được thiết kế để phát hiện các máy bay điều khiển từ xa. Chính vì thế, Ukraine phải ưu tiên điều động một số lớn các máy bay điều khiển từ xa tương đối nhỏ, rẻ tiền để phá hủy các radar này. Các thành công gần đây đã trở thành một động lực thúc đẩy hoạt động tốt cho lực lượng Ukraine trong khu vực,” Gomez nói.

“Những hậu quả chiến lược rộng hơn vẫn chưa rõ ràng. Việc mất một radar không phải là vấn đề mang tính quyết định, mặc dù lực lượng Ukraine có thể tận dụng được tình hình do radar bị phá hủy.”

Cuộc tấn công mới nhất của Ukraine xảy ra khi nước này đang chờ 24 chiến đấu cơ F-16 tới, nhờ sự giúp đỡ của Hòa Lan. Người Hòa Lan đã bật đèn xanh cho Ukraine - giống như các quốc gia khác cung cấp chiến đấu cơ - để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Hòa Lan Kajsa Ollongren cho biết họ “đang áp dụng nguyên tắc tương tự mà chúng tôi đã áp dụng cho mọi hoạt động chuyển giao năng lực khác, đó là một khi chúng tôi bàn giao cho Ukraine thì nó sẽ là của họ để sử dụng tùy ý”.

Theo thống kê của quân đội Kyiv, từ ngày 1 đến sáng 3 Tháng Sáu, Nga đã mất 39 xe tăng, 55 xe thiết giáp và 153 phương tiện các loại khác, bao gồm cả thùng nhiên liệu. Mạc Tư Khoa được cho là cũng mất 96 hệ thống pháo.

3. Tờ Washington Post đưa tin Bộ tuyên truyền Nga đã tìm cách chọn Medvedchuk làm Tổng thống Ukraine thay thế cho Tổng thống Zelenskiy

Hôm Thứ Hai, 03 Tháng Sáu, tờ Washington Post ngày 3 Tháng Sáu đưa tin, đang có một hoạt động tuyên truyền của Nga nhằm giới thiệu nhà tài phiệt thân Điện Cẩm Linh Viktor Medvedchuk với công chúng quốc tế như một người thay thế tiềm năng cho Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Cơ quan này đã liên kết chiến dịch này với trang web Tiếng nói Âu Châu, được chính quyền Âu Châu xác định là công cụ tuyên truyền và gây ảnh hưởng của Nga ở Liên Hiệp Âu Châu, và với dự án The Other Ukraine, một nền tảng thông tin sai lệch có trụ sở tại Nga nhằm thể hiện mình là một “ Chính phủ Ukraine lưu vong.”

Medvedchuk, người từ lâu được cho là cánh tay phải của Putin ở Ukraine, đã bị bắt giữ và trao đổi với Nga trong một cuộc trao đổi tù nhân vào năm 2022.

Cựu chính trị gia Ukraine sau đó được cho là đã tham gia vào một số hoạt động tuyên truyền và thông tin sai lệch ủng hộ Điện Cẩm Linh nhằm chống lại Ukraine và các nước phương Tây.

Vào Tháng Giêng năm 2023, phó chánh văn phòng thứ nhất của Điện Cẩm Linh, Sergei Kiriyenko, đã giám sát việc khởi động dự án The Other Ukraine, nhằm thăng chức Medvedchuk làm nhà lãnh đạo “chính phủ lưu vong”, tờ Washington Post đưa tin.

Medvedchuk đã nhắc lại các quan điểm tuyên truyền chung của Nga, cáo buộc Ukraine là theo “chủ nghĩa satan” và “chủ nghĩa Quốc xã” trong khi tự thể hiện mình là một người “hòa bình”.

Đài Tiếng nói Âu Châu, được cho là đã thành lập mạng lưới tuyên truyền thân Nga ở Praha vào tháng 3 năm đó, ban đầu có liên quan đến hoạt động của Kiriyenko, theo tờ Washington Post.

Praha tiết lộ vào tháng 3 năm 2024 rằng Medvedchuk đang giám sát các hoạt động của Đài Tiếng nói Âu Châu, được tường trình được sử dụng để phổ biến các câu chuyện ủng hộ Mạc Tư Khoa và trả tiền cho các chính trị gia thân Điện Cẩm Linh ở Liên Hiệp Âu Châu.

Mục tiêu của các hoạt động này bao gồm việc giới thiệu Medvedchuk như một sự thay thế khả thi cho Zelenskiy và “một giải pháp thay thế cho chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra” trong mắt các nhà lãnh đạo dư luận Âu Châu nhưng cũng để tăng cường sự ủng hộ của Medvedchuk trong chính Ukraine.

Medvedchuk đã bị Ukraine, Anh, Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu và các nước khác trừng phạt. Cuộc đàn áp của Tiệp đã dẫn đến các cuộc điều tra về ảnh hưởng của Nga trên khắp Âu Châu và liên quan đến một số chính trị gia, cụ thể là đảng cực hữu Thay thế cho nước Đức, bị cáo buộc nhận tiền từ Nga.

4. Thủ tướng Đức nói việc Ukraine sử dụng vũ khí Đức để tấn công Nga sẽ không 'góp phần leo thang'

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với đài phát thanh Antenne Bayern hôm Thứ Ba, 04 Tháng Sáu, rằng việc Ukraine sử dụng vũ khí của Đức và các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga sẽ không “góp phần leo thang căng thẳng”.

Berlin từ lâu đã phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để nhắm vào Nga, nhưng đã đảo ngược hướng đi vào cuối tháng 5 trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây ngày càng kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế.

Phát ngôn nhân của chính phủ Đức hôm 31 Tháng Năm nói với Deutsche Welle rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Đức cung cấp để tấn công các mục tiêu hợp pháp ở Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius sau đó đã làm rõ rằng quyết định này áp dụng cho khu vực xung quanh Kharkiv, nơi là trung tâm của một cuộc tấn công mới của Nga trong những tuần gần đây.

Tuyên bố của Scholz là lần đầu tiên thủ tướng bình luận công khai về quyết định của chính phủ.

Scholz nói: “Chúng tôi chắc chắn rằng nó sẽ không góp phần làm leo thang căng thẳng vì — như Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã mô tả — vấn đề chỉ là khả năng bảo vệ một thành phố lớn như Kharkiv”.

Trong quá khứ, Scholz đã nhiều lần coi nỗi sợ leo thang là một trong những lý do chính khiến Đức hạn chế hỗ trợ cho Ukraine.

“Và tôi nghĩ mọi người đều rõ ràng rằng điều này có thể thực hiện được. Theo luật pháp quốc tế, điều này luôn có thể xảy ra”, Scholz nói.

Không rõ điều gì cuối cùng đã khiến thủ tướng thay đổi quyết định, nhưng Scholz nói rằng ông sẽ không cho phép mình “bị áp lực phải đưa ra một quyết định không đúng đắn và không kịp thời”.

Sau nhiều tháng do dự, Tòa Bạch Ốc đã dỡ bỏ một phần hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp ở Nga, nhưng yêu cầu chúng chỉ được sử dụng qua biên giới từ tỉnh Kharkiv. Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS, vẫn còn bị cấm sử dụng ngay cả ở tỉnh Kharkiv.

5. Cộng tác viên FSB bị bắt khi âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào văn phòng nhập ngũ của quân đội, SBU cho biết

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Ba, 04 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko cho biết một người đàn ông Ukraine gốc Nga được cho là được Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, tuyển dụng từ xa đã bị bắt khi đang âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào các viên chức của một văn phòng nhập ngũ ở tỉnh Zaporizhzhia.

Người đàn ông này được tường trình làm nhân viên bảo vệ cho một công ty năng lượng địa phương nhưng đã được FSB tuyển dụng vào tháng Tư vừa qua. Ông được cho là đã được tuyển dụng thông qua con gái ông, người sống ở Mạc Tư Khoa.

SBU cho biết nghi phạm đã bị bắt giữ trong khi được cho là đang giám sát các mục tiêu tiềm năng cho một cuộc tấn công. Hình ảnh về các mục tiêu có thể tấn công khác, bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng, sau đó được tìm thấy trên điện thoại của ông ta.

Nghi phạm được cho là đã giám sát các bãi đậu xe và cơ sở vật chất liên quan đến văn phòng nhập ngũ hàng ngày và được cho là đang chờ hướng dẫn thêm về thời điểm thực hiện vụ tấn công.

SBU cho biết nghi phạm đã bị buộc tội phản quốc và có thể phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội.

6. Thủ tướng Ý Meloni cho biết Zelenskiy sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết hôm 2 Tháng Sáu, theo hãng tin ANSA của Ý.

Meloni cho biết, ngoài các nhà lãnh đạo của Nhóm Bảy nước, ít nhất 15 quốc gia và tổ chức khách mời sẽ tham gia. Hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 6 tại Apulia, một vùng phía nam của Ý.

Hôm Thứ Ba, 04 Tháng Sáu, văn phòng Tổng thống Zelenskiy xác nhận ông sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ý. Vẫn chưa rõ liệu Zelenskiy sẽ tham dự trực tiếp hay từ xa.

Chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh là kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine. Các bộ trưởng tài chính G7 hôm 25 Tháng Năm công bố “tiến bộ” nhưng chưa có thỏa thuận cụ thể về cách sử dụng thu nhập trong tương lai từ những tài sản đó để giúp Ukraine.

Các đối tác phương Tây của Ukraine và các đồng minh khác đã phong tỏa khoảng 300 tỷ Mỹ Kim tài sản của Nga khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022. Khoảng 2 Tháng Ba số tiền này được nắm giữ tại công ty dịch vụ tài chính Euroclear có trụ sở tại Bỉ.

7. Cuộc tấn công trên không của Ukraine phá hủy đoàn xe quân sự bên trong nước Nga

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukrainian Aerial Attack Destroys Military Convoy Inside Russia”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đoạn phim mới được đăng lên mạng xã hội hôm Thứ Hai, 03 Tháng Sáu, cho thấy máy bay điều khiển từ xa của Ukraine phá hủy một đoàn xe chở thiết bị quân sự của Nga bên trong lãnh thổ Nga sau khi các đồng minh của Kyiv gần đây đã bật đèn xanh cho việc tấn công vào bên trong nước Nga bằng vũ khí phương Tây.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 04 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết ít nhất một chục phương tiện của Nga đi trong một đoàn xe qua khu vực biên giới Kursk ở phía bắc khu vực Sumy của Ukraine đã bị tấn công.

Ông tuyên bố rằng các phương tiện chở quân nhu đã “bị phá hủy bởi nỗ lực hợp tác của Lữ đoàn cơ giới số 53 và Lữ đoàn Địa Phương Quân 103”.

Đoàn xe đang di chuyển cách biên giới Nga với khu vực Sumy chưa đầy hai dặm, theo các tài khoản tình báo nguồn mở và các nguồn tin Ukraine. Theo dự án phân tích Deep State của Ukraine, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công vào các phương tiện ở phía đông làng Sverdlikovo, phía bắc khu định cư Novenke ở biên giới Ukraine.

Kênh Deep State Telegram cho biết thêm hôm thứ Hai rằng không có thiết bị nặng nào trên các phương tiện này.

Các phương tiện ở giữa đoàn xe “đã cố gắng phân tán tốt nhất có thể”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói.

Một video ngắn trên Telegram của Nga có vẻ hiển thị một số vệt khói và vụ nổ. Đoạn clip cũng cho thấy một số máy bay điều khiển từ xa có chất nổ kamikaze của Ukraine khi chúng lao vào một loạt phương tiện có vẻ như đã bị tách khỏi đoàn xe.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine đã cảnh báo về việc Nga tăng cường hiện diện gần khu vực Sumy, phía tây khu vực Kharkiv của Ukraine, nơi Mạc Tư Khoa đã phát động một cuộc tấn công mới vào đầu tháng trước.

Vào cuối tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Mạc Tư Khoa đang tập trung “một nhóm quân khác gần biên giới của chúng tôi” ở phía tây bắc Kharkiv.

Chỉ vài tuần trước đó, Trung Tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine, nói rằng một khi Nga ổn định được tiền tuyến ở Kharkiv, họ sẽ chuyển sự chú ý sang Sumy.

Ukraine đã ngăn chặn động lực mà Nga có được từ rất sớm trong cuộc tấn công vào Kharkiv, nhưng vẫn còn câu hỏi về việc làm thế nào các nguồn lực của Kyiv có thể đương đầu với một cuộc tấn công mới của Nga ở phía bắc.

Ukraine đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa qua biên giới vào lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận kể từ tháng 2 năm 2022 khi chiến tranh bắt đầu, mặc dù nước này có xu hướng kín tiếng trong việc xác nhận nhúng tay vào các cuộc tấn công này.

Trong những tuần gần đây, các đồng minh phương Tây của Kyiv ngày càng tuyên bố ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga - điều trước đây là một chủ đề nhạy cảm.

Tổng thống Joe Biden gần đây đã cấp phép cho Ukraine sử dụng một số vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Nga, nhưng có những cảnh báo lớn. Các quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này nói với các phương tiện truyền thông, bao gồm cả Newsweek, Kyiv chỉ có thể sử dụng vũ khí trên lãnh thổ Nga giáp với phía đông bắc Ukraine với mục đích bảo vệ khu vực Kharkiv và việc sử dụng các hỏa tiễn tầm xa như ATACMS bị cấm trên đất Nga..

Nhiều quốc gia trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO, bao gồm Pháp, Ba Lan và Vương quốc Anh, gần đây cho biết họ không có bất kỳ phản đối nào liên quan đến việc sử dụng thiết bị mà họ cung cấp cho Kyiv trong cuộc chiến đang diễn ra. Tuy nhiên, Mỹ vẫn kiên định với chính sách chỉ được phép sử dụng vũ khí trên lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, Điện Cẩm Linh tố cáo các nước phương Tây cho phép Ukraine tấn công Nga là hành động leo thang.

Putin cuối tháng trước đã cảnh báo rằng các nước NATO, “đặc biệt là các nước có trụ sở tại Âu Châu, đặc biệt là các nước Âu Châu nhỏ, nên nhận thức đầy đủ về những gì đang bị đe dọa khicho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây”.

Ông nói: “Họ nên nhớ rằng nước của họ là những quốc gia nhỏ và đông dân, đây là yếu tố cần tính đến trước khi họ bắt đầu bàn về việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga”. “Sự leo thang liên tục này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.”

Bạo chúa Nga nói thêm: “Đây là một bước nữa hướng tới một cuộc xung đột nghiêm trọng ở Âu Châu, hướng tới một cuộc xung đột toàn cầu”.

Khu vực Kursk đã cảm nhận được tác động từ cuộc xâm lược của Nga, với việc máy bay điều khiển từ xa của Ukraine tấn công vào các cơ sở hạ tầng và cơ sở dầu mỏ quan trọng của Nga.

8. Tướng Na Uy nói NATO có 2-3 năm chuẩn bị khi quân đội Nga đang tái thiết

NATO chỉ có hai đến ba năm để chuẩn bị trước khi Nga lấy lại khả năng tiến hành một cuộc tấn công thông thường vào liên minh này, Bloomberg đưa tin hôm 3 Tháng Sáu, dẫn lời Tướng Eirik Kristoffersen, là tướng hàng đầu của Na Uy.

Bình luận của Kristoffersen là bình luận mới nhất trong một loạt cảnh báo ngày càng nghiêm trọng từ các nhà lãnh đạo và quan chức quốc phòng phương Tây về mối đe dọa xuất phát từ Nga và sự thiếu chuẩn bị hiện nay của Âu Châu.

Thiếu Tướng Kristoffersen nói: “Có lúc có người nói rằng sẽ mất 10 năm, trước khi Nga khôi phục lại năng lực tấn công, nhưng tôi nghĩ chúng ta không có đến 10 năm đâu vì cơ sở công nghiệp hiện đang hoạt động ở Nga”.

“Nga sẽ mất một thời gian, điều này mang lại cho chúng ta cơ hội trong hai đến ba năm tới để xây dựng lại lực lượng của mình, xây dựng lại nguồn dự trữ của chúng ta cùng lúc với việc chúng ta hỗ trợ Ukraine.”

Không giống như các nước láng giềng Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan, Na Uy là thành viên của NATO kể từ khi thành lập liên minh này vào năm 1949.

Na Uy đã tăng chi tiêu quốc phòng kể từ khi bắt đầu cuộc chiến toàn diện của Nga ở Ukraine và đặt mục tiêu đạt ngưỡng 2% GDP vào năm 2024, với mục tiêu tăng thêm 2,7% GDP vào năm 2030.

Tướng Kristoffersen nói: “Bây giờ tôi nhìn thấy cơ hội nơi chúng ta có thể đáp ứng các yêu cầu mà NATO đã đồng ý, cơ cấu chỉ huy mới, cơ cấu lực lượng mới, kế hoạch khu vực mới”.

“Vì vậy, chúng ta có thể thực hiện những kế hoạch và quyết định đó một cách có bài bản trong những năm tới nhưng chúng ta cần phải tăng tốc. Chúng ta cần làm điều đó trong hai đến ba năm để bảo đảm rằng chúng tôi sẵn sàng cho bất cứ điều gì có thể xảy ra.”

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cơ quan theo dõi viện trợ quốc tế cho Ukraine, Na Uy đã cam kết hơn 2 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine tính đến tháng 2 năm 2024.

Na Uy và Ukraine cũng đã ký một thỏa thuận an ninh song phương vào tháng 5, trong đó có cam kết cung cấp cho Ukraine ít nhất 1,3 tỷ Mỹ Kim viện trợ quân sự vào năm 2024.

9. Tại sao Tổng thống Joe Biden sẽ không để Ukraine tấn công Nga bằng ATACMS

Tờ Newsweek đưa ra câu hỏi trên trong bài tường trình nhan đề “Why Tổng thống Joe Biden Won't Let Ukraine Strike Russia With ATACMS”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào Nga, nhưng với những giới hạn - Kyiv không thể phóng những hỏa tiễn thuộc hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội, gọi tắt là ATACMS, qua biên giới.

Tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã bật đèn xanh cho Ukraine tấn công trên đất Nga bằng một số vũ khí do Mỹ tài trợ để giúp Kyiv chống lại cuộc tấn công kéo dài hàng tuần của Mạc Tư Khoa vào khu vực đông bắc Kharkiv.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong chuyến thăm thủ đô Praha của Tiệp hôm thứ Sáu rằng Ukraine trong nhiều tuần đã yêu cầu sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại các lực lượng bên trong Nga sau khi Mạc Tư Khoa mở mặt trận mới ở Kharkiv.

Bình luận về sự thay đổi chính sách quan trọng từ Washington, Blinken nói rằng Mỹ đã điều chỉnh “hết lần này đến lần khác”, đồng thời nói thêm: “Chúng tôi đã điều chỉnh, chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống và vũ khí mà nước này cần”.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công tầm xa, bao gồm cả hỏa tiễn ATACMS của Mỹ phóng từ mặt đất, vẫn nằm ngoài giới hạn. Đối với một số người, nó hợp lý. Đối với những người khác, điều đó đang cản trở Ukraine khi họ thực sự cần một sự thúc đẩy.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở Âu Châu, lập luận rằng động thái này cho thấy “nỗi sợ hãi quá mức” ở Washington rằng Nga bằng cách nào đó sẽ leo thang xung đột. Ông nói với Newsweek: “Ưu tiên hàng đầu là quản lý leo thang”, đồng thời cho biết ông hết lòng ủng hộ việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quan trọng của Nga bằng ATACMS.

Tuần trước, một số đại diện của Đảng Cộng hòa, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, đã viết một bức thư ngỏ chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Biden. Các vị này viết: “Để giành chiến thắng trong cuộc chiến tự vệ trước sự xâm lược của Nga, Ukraine phải được phép sử dụng các vũ khí do Mỹ cung cấp. Các vũ khí phải được phép dùng để chống lại bất kỳ mục tiêu quân sự hợp pháp nào ở Nga, chứ không chỉ dọc biên giới gần Kharkiv.”

Daniel Rice, cựu cố vấn quân đội Ukraine và hiện là chủ tịch của Đại học Mỹ Kyiv, lập luận rằng việc từ chối chấp thuận cho Ukraine bắn ATACMS vào Nga có lẽ là vì Tổng thống Joe Biden muốn ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân có thể xảy ra.

Ukraine không có vũ khí hạt nhân. Nhưng với việc vũ khí đạn đạo do Mỹ sản xuất đang hướng tới Nga, “bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”, Rice nói. Ông nói với Newsweek rằng pháo binh bắn vào Nga có thể bị ngộ nhận là một cuộc tấn công hạt nhân, đặc biệt khi Ukraine đang tấn công vào các radar của Nga được thiết kế để phát hiện các cuộc tấn công hạt nhân.

Tuy nhiên, Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia có trụ sở tại Luân Đôn, cho biết mặc dù hỏa tiễn ATACMS là hỏa tiễn đạn đạo chiến thuật nhưng chúng nhỏ hơn rất nhiều so với hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân và Nga biết Ukraine không sử dụng vũ khí hạt nhân..

Không rõ liệu khả năng tấn công tầm xa có thể được đưa ra thảo luận trong những tuần tới hay không, trong khi Ukraine đang chuẩn bị cho một làn sóng tấn công tiềm tàng khác của Nga nhằm làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của Kyiv ở phía bắc, trong bối cảnh đang phải đối phó với các cuộc đụng độ gay gắt ở phía đông.

Ukraine hiện có thể sử dụng hỏa tiễn tầm ngắn do Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, bắn tới một khoảng cách nhất định vào lãnh thổ Nga, tấn công một số căn cứ hỗ trợ của Mạc Tư Khoa khi lực lượng Nga chuẩn bị tấn công vào phía đông bắc, Savill nói với Newsweek.

Tuy nhiên, việc sử dụng ATACMS sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của Ukraine tới các căn cứ không quân dành cho máy bay ném bom chiến đấu và máy bay trực thăng nằm ngoài tầm với của HIMARS ở một số khu vực phía nam nước Nga, như Voronezh, ông nói thêm.

Ukraine đã nhận được một số đợt ATACMS kể từ mùa thu năm 2023, giúp quân đội Kyiv có hỏa lực để tấn công các tài sản có giá trị cao của Nga ở xa chiến tuyến. Ukraine đã ra mắt một biến thể ATACMS bắn bom chùm vào tháng 10 và các phiên bản tầm xa hơn đã được cấp phép vào đầu năm nay.

Vào cuối tháng 4, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Tổng thống Joe Biden đã ủy quyền gửi “một số lượng đáng kể hỏa tiễn ATACMS” tới Ukraine vào tháng 2.

ATACMS ngay lập tức chứng tỏ là một công cụ hiệu quả. Các nguồn tin của Ukraine và Nga, cũng như các nhà phân tích nguồn mở, đã quy kết một loạt các cuộc tấn công gây thiệt hại của Ukraine nhằm vào các cơ sở của Mạc Tư Khoa ở lục địa Ukraine do Nga kiểm soát và Bán đảo Crimea sáp nhập là do ATACMS.

Hodges cho biết, các khả năng tầm xa, cho dù đó là ATACMS, hỏa tiễn phóng từ trên không do Anh và Pháp cung cấp hay Taurus của Đức - mà Berlin chưa cung cấp cho Kyiv - sẽ giúp Ukraine tấn công các cơ quan hậu cần, sở chỉ huy và các hệ thống pháo chủ chốt của Nga. Ông lập luận rằng một loại vũ khí có thể không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi nhưng nó sẽ giúp ích cho Kyiv.

Tuy nhiên, tấn công vào lãnh thổ Nga từ lâu đã là một chủ đề nhạy cảm với các đồng minh phương Tây của Ukraine nhằm tránh leo thang xung đột. Kyiv thường né tránh tuyên bố chịu trách nhiệm chính thức về các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa bên trong nước Nga, chẳng hạn như vào các căn cứ không quân quan trọng được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine.

Nhưng tâm trạng đã thay đổi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với The Guardian trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm thứ Sáu rằng việc Ukraine sở hữu vũ khí của phương Tây nhưng lại không được sử dụng là “hoàn toàn phi lý” và “chứng kiến những kẻ sát nhân, những kẻ khủng bố đang giết chúng tôi từ phía Nga”.

“Tôi nghĩ đôi khi họ chỉ cười nhạo tình huống này,” ông nói thêm.

Một số quốc gia hàng đầu của NATO, bao gồm Pháp và Đức, đã ra hiệu cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà họ cung cấp để tấn công bên trong Nga vào tuần trước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng Paris và Berlin tin rằng Ukraine nên được phép tấn công vào các địa điểm được sử dụng để phóng hỏa tiễn vào Ukraine.

“Nhưng không nên cho phép họ tấn công các mục tiêu khác ở Nga và các địa điểm dân sự hoặc quân sự khác ở Nga”, ông Macron nói thêm.

Nga đã phản đối các tuyên bố của NATO. Putin nói rằng “sự leo thang liên tục có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”.

Cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, ông Dmitry Medvedev cho biết thêm: “ Nga coi tất cả vũ khí tầm xa mà Ukraine sử dụng đều đã được quân nhân các nước NATO trực tiếp kiểm soát”. “Đây không phải là hỗ trợ quân sự, đây là sự tham gia vào một cuộc chiến chống lại chúng tôi.”

10. Ba Lan chi gần 760 triệu Mỹ Kim để cải thiện an ninh kỹ thuật số sau vụ tấn công mạng bị nghi ngờ của Nga

Phó Thủ tướng Krzysztof Gawkowski cho biết hôm 3 Tháng Sáu rằng Ba Lan sẽ phân bổ hơn 3 tỷ zloty tức là 759 triệu Mỹ Kim để tạo ra một “lá chắn mạng” sau vụ tấn công mạng bị nghi ngờ của Nga gần đây nhằm vào một cơ quan truyền thông nhà nước.

Một thông báo xuất hiện trên trang web của Cơ quan Báo chí Ba Lan, gọi tắt là PAP, ngày 31 Tháng Năm cho biết Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã ra lệnh “huy động một phần” bắt đầu vào tháng Bảy này. Gawkowski và các quan chức Ba Lan khác sau đó cho biết thông điệp này là sai sự thật và có thể đó là tác phẩm của một chiến dịch đưa thông tin sai lệch do Nga hậu thuẫn.

Gawkowski nói với hãng tin Polsat rằng mục tiêu của hoạt động có thể do Nga hậu thuẫn là truyền bá “thông tin sai lệch trước cuộc bầu cử nghị viện Liên Hiệp Âu Châu sắp tới” và “làm tê liệt xã hội”.

“Hôm nay, Ba Lan đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến mạng chống lại Nga”, Gawkowski nói trong cuộc họp báo ngày 3 Tháng Sáu.

Gawkowski nói thêm: “Nga có một mục tiêu – đó là gây bất ổn tình hình và bảo đảm rằng các lực lượng ủng hộ sự tan rã của Liên Hiệp Âu Châu có thể được hưởng lợi”.

Nga đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công mạng vào PAP và bác bỏ khẳng định rằng họ đang cố gắng gây bất ổn cho Ba Lan hoặc Liên Hiệp Âu Châu.

11. Hỏa tiễn Nga tấn công Dnipro khiến 8 người bị thương, trong đó có 2 trẻ em

Nga đã tấn công thành phố Dnipro của Ukraine bằng hỏa tiễn trong đêm ngày 4 Tháng Sáu, gây ra hỏa hoạn, Thống đốc Serhii Lysak cho biết. Ít nhất 8 thường dân, trong đó có một em bé một tháng tuổi và một cậu bé 17 tuổi, bị thương trong vụ tấn công.

Thống đốc cho biết hệ thống phòng không đã đánh chặn thành công và bắn hạ hai hỏa tiễn trên bầu trời thành phố.

Các mảnh vỡ từ hỏa tiễn đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự. Hơn chục phương tiện và hàng chục tòa nhà bị ảnh hưởng.

Lysak cho biết hơn 16 tòa nhà dân cư nhiều tầng cũng như bệnh viện, phòng khám, trường học và 31 ngôi nhà đã bị hư hại.

Lysak cho biết lực lượng Nga cũng tấn công thành phố Nikopol bằng máy bay điều khiển từ xa kamikaze. Không có thương vong nào được báo cáo ở đó.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Ba, 04 Tháng Sáu, Phát ngôn nhân Không quân Ukraine Đại Úy Ilya Yevlash cho biết cảnh báo không kích đã được kích hoạt ở một số khu vực, bao gồm các tỉnh Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk vào rạng sáng ngày 4 tháng 6. Lực lượng Không quân Ukraine đã cảnh báo về mối đe dọa tấn công bằng hỏa tiễn.

Trong những tháng gần đây, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong một cuộc tấn công mới nhằm vào các địa điểm dân sự và mạng lưới năng lượng của nước này.

Cuộc tấn công trên không quy mô lớn của Nga diễn ra sau vụ đánh bom chết người vào đại siêu thị sầm uất Kharkiv vào giữa ngày 25 Tháng Năm. Vụ tấn công khiến ít nhất 19 người thiệt mạng và 44 người bị thương. Vài giờ sau, cuộc tấn công thứ hai của Nga khiến 25 người bị thương.