1. Linh mục Tiệp được trả tự do sau khi bị Hiến binh Vatican bắt giữ
Như chúng tôi đã loan tin, một linh mục trang bị nhiều vũ khí và mặc áo chùng thâm đã cố gắng vào Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha Phanxicô vào Chúa Nhật, ngày 5 tháng Năm. Ngài đã bị bắt nhưng được trả tự do sau 48 giờ giam giữ.
Theo hãng thông tấn Ý ANSA, vị linh mục đến từ Cộng hòa Tiệp đã cố gắng đi qua máy dò kim loại mang theo một khẩu súng hơi, hai con dao, một chiếc máy cắt và một chiếc tuốc nơ vít.
Sau khi bị bắt, vị linh mục này đã bị trình báo chính quyền về tội tàng trữ vũ khí trái phép. Khi bị thẩm vấn, vị linh mục cho biết ngài mang theo vũ khí để tự vệ.
Theo tờ báo La Repubblica của Ý, vị linh mục này là Cha Milan Palkovic, 59 tuổi.
Theo Europa Press, vũ khí nằm trong một chiếc túi của một người đàn ông khác, một người Tiệp 60 tuổi đi cùng vị linh mục và người này cũng bị giam giữ.
Cả hai vị này đều không có tiền án tiền sự và cả hai đều đến Rôma trong chuyến hành hương từ Cộng hòa Tiệp.
Các phương tiện truyền thông Ý đã đề cập đến giả thuyết cho rằng đó là một linh mục giả; và nhắc đến mưu toan ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm 13 Tháng Giêng, 1995, 5 tên khủng bố Hồi Giáo ăn mặc như các linh mục đã bị phát hiện dấu các khẩu tiểu liên và áo vest chứa đầy bom trong lớp áo chùng thâm.
Tuy nhiên, vị linh mục bị bắt lần này là một linh mục thật sự.
2. Chiến tranh Gaza ảnh hưởng tới các linh mục ở Uganda
Chiến tranh tại Gaza cũng ảnh hưởng đến cả các linh mục tại Uganda bên Phi châu, cách đó gần 4.000 cây số!
Báo chí địa phương ra ngày 03 tháng Năm vừa qua, cho biết trong một thư gửi đến tất cả các giáo phận tại nước này, các nhà nhập khẩu rượu lễ tại Uganda kêu gọi các linh mục trong những tuần tới đây hãy hạn chế việc sử dụng rượu lễ, lý do là vì cuộc xung đột ở Trung Đông. Giáo hội tại Uganda nhập khẩu rượu lễ từ Tây Ban Nha. Một con tàu, vốn dự kiến sẽ đi qua Địa Trung Hải và Biển Đỏ vào đầu tháng Tư vừa qua, nhưng nay phải đi theo tuyến đường an toàn hơn, qua Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Điều này có nghĩa là các rượu lễ đó chỉ đến được Uganda qua cảng ở Kenya sớm nhất là cuối tháng Năm này.
3. Đức Thánh Cha mở lại truyền thống cử hành thánh lễ và rước kiệu Mình Thánh Chúa
Sau những năm tạm ngưng vì lý do sức khỏe và đại dịch, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mở lại truyền thống cử hành Đại lễ kính Mình Thánh Chúa, tại thềm Đền thờ thánh Gioan Laterano, vào chiều Chúa nhật, ngày 02 tháng Sáu tới đây, và sau đó có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, từ nơi cử hành thánh lễ, qua đường Merulana đến Đền thờ Đức Bà Cả, cách đó một cây số. Và tại đây, buổi lễ kết thúc với phép lành Mình Thánh Chúa.
Trong một, hai năm đầu tiên thi hành sứ vụ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ tại Đền thờ thánh Gioan Laterano, nhưng ngài không dự cuộc rước kiệu và chỉ chủ sự nghi thức Chầu Mình Thánh Chúa kết thúc, tại Đền thờ Đức Bà Cả. Những năm sau đó, Đức Thánh Cha cũng gặp vấn đề sức khỏe và đau đầu gối, rồi đến kỳ đại dịch Covid-19 nên cũng không cử hành. Năm 2018 và 2019, ngài bỏ truyền thống này và cử hành Lễ Mình Thánh Chúa ở ngoại ô Rôma.
Trước đây, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) luôn giữ truyền thống cử hành thánh lễ, với cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa, từ khi được bầu chọn thi hành sứ vụ Giáo hoàng.
Tại Vatican và theo phụng vụ chính thức của Giáo hội, Lễ Mình Thánh Chúa được cử hành vào thứ Năm, ngày 30 tháng Năm tới đây, nhưng tại nhiều nơi, lễ này được dời vào Chúa nhật tiếp đó.
4. Truyền thống rước kiệu Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Hàng triệu người Công Giáo trên thế giới sẽ cử hành Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hay còn được gọi là Corpus Christi đúng vào ngày thứ Năm 30 tháng Năm tới đây. Bên cạnh thánh lễ, các buổi cử hành còn kèm theo một cuộc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố.
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một lễ trọng trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, trong đó chúng ta bày tỏ niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong bí tích Thánh Thể. Ngày chính lễ là ngày thứ Năm sau Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, từ năm 1969, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục cho phép các Giám Mục bản quyền theo nhu cầu của từng địa phương lễ Corpus Christi có thể được mừng vào ngày Chúa Nhật tiếp theo.
Tại Köln /cơn/, thánh lễ Corpus Christi sẽ được Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám Mục Köln cử hành tại Kölner Dom, tức là Nhà thờ Chánh Tòa Köln của tổng giáo phận. Người Đức gọi lễ Mình Máu Thánh Chúa là Fronleichnam. Danh từ này vượt ra khỏi biên giới nước Đức và rất phổ biến tại Âu Châu như tại Thụy Sĩ, Áo và Hung Gia Lợi.
Xét về mặt dân số Công Giáo tổng giáo phận Köln là giáo phận lớn nhất Âu Châu với số người Công Giáo lên đến hơn 2 triệu người.
Trong thông báo của tổng giáo phận hôm thứ Bẩy 4 tháng 6, thánh lễ sẽ được diễn ra trước tiền đình nhà thờ vì ngôi nhà thờ lớn này không đủ sức chứa hàng chục ngàn những người tham dự. Cùng đồng tế với ngài còn có 5 Giám Mục trong đó có 3 Giám Mục Phụ Tá và hai Giám Mục đã về hưu.
Sau thánh lễ, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki kính cẩn cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các đường phố cùng với các Giám Mục, linh mục và đông đảo anh chị em giáo dân trong một đoàn rước đầy mầu sắc.
Martin Luther là một người quyết liệt chống lễ Mình Máu Thánh Chúa. Ông ta chống lại mọi chuyện rước sách. Đặc biệt, việc rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố bị ông ta cho là một việc phạm thánh trầm trọng. Từ đó, người Tin Lành chống đối rất mạnh ngày lễ Corpus Christi. Năm 1548, Anh Giáo ngả theo Tin Lành và cấm chỉ việc cử hành ngày lễ này. Tuy nhiên, sau đó họ đã dần dần tái lập ngày lễ này.
Ngày nay, Lễ Mình Máu Thánh Chúa được cử hành trong các Giáo Hội Công Giáo Rôma, Anh Giáo, Giáo Hội Luther, Giáo Hội Công Giáo Cổ, và là ngày nghỉ lễ chính thức tại Áo, Brazil, Bolivia, Bosnia và Herzegovina, Colombia, Croatia, Cộng hòa Dominican, Haiti, Đông Timor, Liechtenstein, Monaco, Panama, Peru, Ba Lan, San Marino, Thụy Sĩ, Grenada, Saint Lucia, Trinidad và Tobago và một số tiểu bang tại Đức và Tây Ban Nha.
Ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa là một trong 5 lễ trọng trong năm mà một giám mục giáo phận không được rời khỏi giáo phận của mình, ngoại trừ những lý do khẩn cấp.
Corpus Christi là một ngày lễ nghỉ tại sáu bang của Đức, trong đó có bang Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, nơi hầu hết các thành phố và thị trấn vẫn tổ chức các cuộc rước kiệu truyền thống. Các ông cưỡi ngựa giơ cao thánh giá trong khi các cô gái trẻ, ăn mặc như các cô phù dâu trong trang phục truyền thống màu trắng.
Thành phố Appenzell của Thụy Sĩ là một trong những nơi thu hút khách du lịch rất mạnh trong dịp lễ Corpus Christi. Trong đoàn rước rất dài, đầy mầu sắc, qua các phố xá người ta thấy các thiếu nữ cũng như các bà mẹ Công Giáo mặc trang phục Taefeli-Meedli đã có từ thời Trung Cổ long trọng rước Mình Thánh Chúa từ nhà thờ chính tòa Appenzell đến quảng trường chính của thành phố.
Người Ba Lan gọi lễ Corpus Christi là Święto Bożego Ciała. Đó là một dịp lễ tưng bừng tại tất cả các thành phố, thị trấn và làng mạc. Sau thánh lễ tại nhà thờ, các đoàn rước tiến qua các đường phố với các thiếu nhi rước tượng Đức Mẹ đi đầu, tiếp theo là các linh mục kính cẩn cung nghinh Mặt Nhật theo sau, cùng với đông đảo anh chị em giáo dân, vừa đi, vừa cầu nguyện và hát. Sau đám rước, họ trở về nhà thờ và chầu Thánh thể suốt cả ngày đến chiều tối.
Nhân đây, Thụy Khanh xin trình bày với quý vị và anh chị em một vài nét về lịch sử ngày lễ Corpus Christi.
Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu.
Vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về động lực thúc đẩy lời thỉnh cầu này. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo Hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài.
Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này:
Thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu;
Thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức;
Thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên.
Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh).
Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo Hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo Hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt.
Tập quán trên đã được tuân giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi có thể được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi theo nhu cầu của địa phương. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.