1. Mạng lưới đặc vụ Nga bị phá vỡ sau khi Kyiv đập tan âm mưu ám sát Tổng thống Zelenskiy
Tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “KILL LIST Ukraine foils assassination attempt on Zelenskiy after Putin spies ‘tried to infiltrate bodyguards to kidnap & kill him’”, nghĩa là “DANH SÁCH GIẾT Ukraine phá vỡ âm mưu ám sát Zelenskiy sau khi gián điệp của Putin 'cố gắng thâm nhập vào các vệ sĩ để bắt cóc và giết Tổng thống'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Cơ quan tình báo UKRAINE cho biết họ đã ngăn chặn một âm mưu ám sát của Nga nhằm “bắt cóc và giết” Tổng thống Zelenskiy sau khi lực lượng tình báo của Putin được cho là đã cố gắng xâm nhập vào hàng ngũ các vệ sĩ của ông.
SBU đã vạch trần một mạng lưới điệp viên mà họ tuyên bố đang chuẩn bị “loại bỏ” nhà lãnh đạo Ukraine cũng như các nhân vật chính trị và quân sự cao cấp khác.
Ukraine thông báo đã bắt giữ hai đại tá đang tìm cách “ám sát Volodymyr Zelenskiy” như một món “quà nhậm chức dành cho Vladimir Putin”.
Phát ngôn nhân của SBU Artem Dekhtiarenko cho biết “Các hoạt động của mạng lưới được FSB giám sát từ Mạc Tư Khoa, bao gồm hai đại tá, là những người đã ‘làm rò rỉ’ thông tin bí mật của Liên bang Nga.”
Các nghi phạm thuộc lực lượng Phòng Vệ Phủ Tổng Thống Ukraine, gọi tắt là UDO – đang bị cáo buộc tội phản quốc.
Họ phải đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết án.
UDO chịu trách nhiệm cung cấp an ninh Phủ Tổng Thống và cho các yếu nhân khác.
Các đại tá được cho là đã lên kế hoạch sử dụng máy bay không người lái FPV, thuốc nổ cho súng phóng hỏa tiễn chống tăng di động, có thể tái sử dụng, không cần điều khiển, vác vai, và mìn chống tăng MON-90.
SBU cho biết Nga đã dày công cố gắng tìm ra một điệp viên trong số những người bảo vệ thân cận của tổng thống Zelenskiy.
“Đặc vụ được tuyển dụng có nhiệm vụ quan sát chuyển động và truyền tải thông tin.”
Sau đó, họ được cho là đã lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào ngôi nhà an toàn của Zelenskiy và tiếp theo là các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze.
“Sau đó, Nga đã lên kế hoạch phóng một hỏa tiễn khác, để phá hủy dấu vết sử dụng máy bay không người lái.”
Một trong những đại tá được cho là đã bị bắt khi đang đi đến một khu vực khác của Ukraine để thu thập máy bay không người lái và chất nổ.
Và người ta nghe thấy anh ta đang nói chuyện với 'người phụ trách' FSB của mình.
Cả hai Đại Tá bị bắt đều là người Ukraine gốc Nga.
SBU cũng tiết lộ các điệp viên Nga đang lên kế hoạch “thanh lý” nhà lãnh đạo SBU, Thiếu Tướng Vasyl Malyuk, và nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine Trung Tướng Kyrylo Budanov, cùng với các quan chức cao cấp khác.
Theo cơ quan tình báo Ukraine, một phần của âm mưu đã bị vạch trần - bao gồm cả kế hoạch bắt cóc Budanov - được cho là xảy ra trước Lễ Phục sinh của Chính thống giáo Nga vào ngày 5 tháng 5.
Thiếu Tướng Malyuk nói: “Chỉ một số ít người được phép biết về cuộc hành quân đặc biệt của chúng tôi và cá nhân tôi đã theo dõi diễn biến của cuộc hành quân”.
“Vụ tấn công khủng bố vốn được cho là món quà dành cho Putin trước lễ nhậm chức thực ra là một thất bại của lực lượng đặc nhiệm Nga.
“Nhưng chúng ta không được quên - đối phương rất mạnh và giàu kinh nghiệm, không thể đánh giá thấp hắn.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trước thời hạn để mọi kẻ phản bội đều nhận được bản án xứng đáng của tòa án.”
Sự thất bại của tình báo Nga được cho là của chính Điện Cẩm Linh xảy ra khi Putin nhậm chức tổng thống Nga lần thứ năm sau “chiến thắng” giả tạo của ông trong cuộc bầu cử gian lận hồi tháng Ba.
Tháng trước, Ba Lan đã bắt giữ một người đàn ông được cho là đang làm việc với cơ quan an ninh của Điện Cẩm Linh để giúp lên kế hoạch ám sát Zelenskiy.
Một cuộc điều tra chung, do cơ quan thực thi pháp luật Ba Lan và Ukraine dẫn đầu, cho thấy ông này “đã thiết lập các mối liên hệ với Liên bang Nga liên quan trực tiếp đến cuộc chiến ở Ukraine”.
Một tuyên bố cho biết: “Nhiệm vụ của ông ấy bao gồm thu thập và cung cấp thông tin tình báo quân sự cho Liên bang Nga về an ninh của Sân bay Rzeszów-Jasionka”.
Ý định của anh ta là “giúp các cơ quan đặc biệt của Nga lên kế hoạch cho một cuộc tấn công có thể xảy ra” nhằm vào Tổng thống Zelenskiy”.
Tổng công tố Ukraine Andrii Kostin cho biết vào thời điểm đó: “Vụ án này là một bằng chứng khác cho thấy Nga là mối đe dọa không chỉ đối với Ukraine và người Ukraine mà còn đối với toàn bộ thế giới tự do.
“Chế độ tội phạm của Điện Cẩm Linh không ngừng cố gắng phá hoại an ninh Âu Châu và toàn cầu.”
2. Nga vui mừng quá sớm nên kế hoạch ám sát Tổng thống Zelenskiy bị bại lộ
Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine arrests 2 rogue colonels over secret plot to murder Zelenskyy, Kyiv says”, nghĩa là “Kyiv nói Ukraine bắt giữ 2 đại tá xảo quyệt vì âm mưu bí mật sát hại Zelenskiy.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.
Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã nhiều lần kêu gọi ám sát nhà lãnh đạo Ukraine. Gần đây hắn ta đã đăng nhiều hình ảnh và bài viết tập trung vào một chủ đề duy nhất với các ám thị cho rằng Tổng thống Zelenskiy sẽ chết vì bị ám sát. Đặc biệt nhất là một bức tranh biếm họa về những viên đạn bắn trúng Zelenskiy như một tấm thiệp chúc mừng Ngày Quốc tế Lao động mùng một Tháng Năm. Tất cả những điều đó không lọt qua khỏi sự cảnh giác của các cơ quan an ninh Ukraine.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 7 Tháng Năm, cơ quan an ninh Ukraine cho biết họ đã phá vỡ âm mưu ám sát Tổng thống Volodymyr Zelenskiy bởi các quan chức an ninh Ukraine đang ngầm làm việc cho Nga.
Kyiv cho biết, hai đại tá chưa được nêu tên phục vụ trong lực lượng Phòng Vệ Phủ Tổng Thống trong cơ quan An ninh Nhà nước Ukraine, gọi tắt là SBU - tổ chức chính bảo vệ các quan chức hàng đầu bao gồm Zelenskiy – đã là thành viên của một nhóm đặc vụ bí mật giúp cơ quan an ninh Nga, FSB, lên kế hoạch ám sát.
Các đại tá đã bị bắt và Kyiv cho biết âm mưu bao gồm kế hoạch sát hại cả giám đốc SBU Thiếu Tướng Vasyl Malyuk và trùm Tình báo Quân đội Trung Tướng Kyrylo Budanov.
Zelenskiy trước đây cho biết ông đã sống sót sau hơn 10 vụ ám sát. Artem Dehtiarenko, phát ngôn viên của SBU, nói với POLITICO: “Nhưng đây là lần đầu tiên các quan chức cao cấp của cơ quan an ninh nhà nước trở thành tay sai của đối phương”.
Putin đã tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine trong hơn hai năm. Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, các quan chức và cơ quan an ninh Nga đã tiến hành các hoạt động tình báo chống lại Ukraine, nhằm mục đích lật đổ Zelenskiy và chính phủ của ông, đồng thời gieo rắc sự hoảng loạn trong quân đội và người dân Ukraine vốn đã kiệt sức vì chiến tranh.
Cả hai đại tá đều bị cơ quan an ninh Ukraine bắt giữ. Nếu bị tòa án tuyên có tội, họ sẽ phải đối mặt với án tù chung thân vì âm mưu tấn công khủng bố và phản quốc.
Cơ quan báo chí SBU cho biết: “Một trong những nhiệm vụ của mạng lưới tình báo FSB là tìm kiếm những kẻ hành quyết trong quân đội thân cận với tổng thống, những người đầu tiên có thể bắt ông làm con tin và sau đó giết ông”.
Ngoài Zelenskiy, một nhóm đặc vụ FSB bao gồm cả các đại tá vừa bị bắt đang lên kế hoạch ám sát trùm điệp viên Budanov, Kyiv cho biết.
Trong hoạt động đó, một điệp viên bí mật ở Ukraine có nhiệm vụ theo dõi hành tung của Budanov và chuyển thông tin cho các đặc vụ Nga từ FSB.
Tuyên bố nêu chi tiết cách người Nga lên kế hoạch tấn công một tòa nhà có Budanov trong đó bằng hỏa tiễn và sau đó giết những người sống sót bằng máy bay không người lái. Theo SBU, một trong những đại tá của cơ quan an ninh nhà nước đang cung cấp vũ khí cho các đặc vụ bí mật của FSB – máy bay không người lái FPV, súng RPG-7, cũng như mìn sát thương MON-90.
Thiếu Tướng Malyuk, nhà lãnh đạo SBU, người bị nhắm tới, cho biết: “Một số lượng hạn chế những người biết về cuộc hành quân đặc biệt của chúng tôi và tôi đã theo dõi sát diễn tiến cuộc hành quân phản gián này”. “Vụ tấn công khủng bố được cho là một món quà dành cho Putin trước lễ nhậm chức. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc trước thời hạn để mọi kẻ phản bội đều nhận được bản án xứng đáng của tòa án.”
Mặc dù các quan chức Nga đã tuyên bố tại Liên Hiệp Quốc rằng Điện Cẩm Linh không có kế hoạch giết Zelenskiy, nhưng Dmitry Medvedev, cựu tổng thống Nga và hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã nhiều lần kêu gọi ám sát nhà lãnh đạo Ukraine.
Theo các phương tiện truyền thông tại Kyiv, có thể còn có các manh mối khác, nhưng thái độ đắc thắng của Medvedev liên quan đến chủ đề Tổng thống Zelenskiy bị ám sát đã là manh mối chính cho các lực lượng an ninh Ukraine.
Dmitry Anatolyevich Medvedev sinh ngày 14 tháng 9, năm 1965. Ông ta được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2008. Ông phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất và được kế nhiệm bởi Putin sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Medvedev sau đó được Putin bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông từ chức cùng với phần còn lại của chính phủ vào ngày 15 tháng Giêng năm 2020 để cho phép Putin thực hiện những thay đổi sâu rộng về hiến pháp; ông được kế nhiệm bởi Mikhail Mishustin vào ngày 16 tháng Giêng năm 2020. Cùng ngày, Putin bổ nhiệm Medvedev vào chức vụ mới là phó chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia.
Medvedev thường được đánh giá là một người có chừng mực, cân bằng và tự do hơn so với người tiền nhiệm Vladimir Putin, là người cũng được bổ nhiệm làm thủ tướng trong nhiệm kỳ tổng thống của Medvedev. Chương trình nghị sự hàng đầu của Medvedev trên cương vị tổng thống là một chương trình hiện đại hóa trên diện rộng, nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội Nga, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào dầu mỏ và khí đốt. Trong nhiệm kỳ của mình, Medvedev cũng phát động chiến dịch chống tham nhũng, mặc dù sau đó chính ông ta bị buộc tội tham nhũng hạng gộc.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tại Ukraine, người ta càng ngày càng thấy ông ta có những phát biểu điên cuồng, đặc biệt là luận điệu thường xuyên đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân.
3. Những vụ ám sát trước đây nhằm vào Zelenskiy
KỂ TỪ KHI Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã sống sót và là đối tượng của một số vụ ám sát.
Vụ đầu tiên xảy ra chỉ vài tuần sau khi Nga đột nhập biên giới, sau các báo cáo cho rằng Vladimir Putin được cho là đã chỉ thị cho lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov tiêu diệt các nhà lãnh đạo Ukraine.
Đầu tháng 3, các biệt kích Chechnya được cử đi ám sát Zelenskiy đã nhanh chóng bị tình báo Ukraine “loại khỏi vòng chiến”.Cùng tháng đó, Công ty Quân sự Tư nhân Nga Redut được lệnh thâm nhập và loại bỏ giới lãnh đạo chính trị và Cơ quan Mật vụ Ukraine bằng cách tấn công vào các cơ quan ở khu vực Kyiv. Hơn một ngàn chiến binh Nga đã xuất hiện, nhưng có tới 90% trong số họ đã thiệt mạng. Nhiệm vụ nhanh chóng thất bại.
Vào tháng 8 năm 2023, có thông tin cho rằng một âm mưu ám sát khác đã bị ngăn chặn. Cơ quan an ninh Ukraine đã bắt giữ một phụ nữ bị tình nghi thu thập thông tin về chuyến đi của Zelenskiy tới vùng Mykolaiv.
Vào tháng 4 năm 2024, một người đàn ông Ba Lan, Paweł K, đã bị bắt vì tình nghi giúp Nga lên kế hoạch ám sát Zelenskiy tại phi trường Rzeszów-Jasionka của Ba Lan.
Bất chấp các báo cáo trái ngược nhau về số vụ ám sát Zelenskiy, cố vấn của Tổng thống Mykhailo Podolyak tiết lộ đã có “hơn một chục nỗ lực”.
Mưu toan ám sát vừa bị đập tan được kể là nghiêm trọng nhất vì nó liên quan đến hàng ngũ cao cấp của quân Ukraine, và là những người có thể tiếp cận với Tổng thống Zelenskiy một cách dễ dàng.
4. Điện Cẩm Linh bác bỏ cáo buộc của Ukraine về âm mưu ám sát Zelenskiy
Điện Cẩm Linh cho biết họ không bình luận về khẳng định của Ukraine rằng Kyiv đã bắt được các điệp viên Nga âm mưu ám sát tổng thống Volodymyr Zelenskiy, nhưng nói rằng khó có khả năng đó là thông tin chính xác.
Cơ quan an ninh nhà nước Ukraine hôm thứ Ba cho biết họ đã bắt được hai đặc vụ của Nga và 2 viên Đại Tá lên kế hoạch giết Zelenskiy và các quan chức hàng đầu khác như một “món quà” dành cho Putin khi ông tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới.
Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết ông không bình luận gì về khẳng định này nhưng nói thêm rằng đó khó có thể là thông tin chính xác.
Peskov cũng từ chối bình luận về một tuyên bố của Tổng thống Zelenskiy hôm 8 Tháng Năm, là ngày Chiến thắng Đức Quốc Xã tại Ukraine, trong đó Tổng thống gọi Putin là một tên Quốc Xã và là một thằng hèn, sau khi vụ ám sát bị đập tan.
5. Vụ tấn công cầu Crimea của Ukraine dường như đã được đền đáp
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine's Crimea Bridge Bluster Appears to Have Paid Off”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nga dường như không còn vận chuyển hàng hóa quân sự cho nỗ lực chiến tranh của mình qua đoạn hỏa xa của Cầu Crimea sau các cuộc tấn công liên tục của Ukraine.
Tuyến đường dài 12 dặm bao gồm một con đường bốn làn và một tuyến hỏa xa đôi, nối vùng Krasnodar của Nga với bán đảo bị Vladimir Putin sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014. Nó không chỉ là biểu tượng cho sự xâm lược của Mạc Tư Khoa mà còn là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho các lực lượng chiến đấu trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Và các cuộc tấn công vào công trình này, còn được gọi là Cầu Kerch, đã cản trở nguồn cung cấp hậu cần cho nỗ lực quân sự của Mạc Tư Khoa ở Ukraine. Vào ngày 17 tháng 7 năm 2023, một cuộc tấn công đã phá hủy một phần cả phần đường bộ và hỏa xa của cây cầu và Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, đã công bố một đoạn video về vụ tấn công. Điện Cẩm Linh cho biết thiệt hại có thể được khắc phục trong vòng ba tháng.
Tuy nhiên, Molfar, một cơ quan tình báo nguồn mở có trụ sở tại Kyiv, nói rằng phân tích hình ảnh vệ tinh Maxar trong hai giai đoạn trong năm qua cho thấy Nga đang định tuyến lại các nguồn cung cấp quân sự.
Giai đoạn đầu tiên Molfar xem xét là từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2023, trong thời gian đó các đoàn tàu chở hàng và hành khách đã đi qua phần hỏa xa của cây cầu.
Nhà lãnh đạo SBU Vasyl Maliuk cho biết vào tháng 3 năm 2024 rằng trước cuộc tấn công vào tháng 7 năm ngoái, tần suất các chuyến tàu chở vũ khí và đạn dược đã giảm từ 46 chuyến mỗi ngày xuống chỉ còn 4 hoặc 5 chuyến.
Nhưng Molfar phát hiện ra rằng không có đoàn tàu chở hàng chở thiết bị quân sự nào được phát hiện trên đoạn hỏa xa của cây cầu vào tháng 3 và tháng 4 năm nay. Hồi tháng 2, chỉ có một đoàn tàu chở hàng chở các thùng nhiên liệu đi qua cầu nhưng Molfar không thể xác nhận trên tàu có quân trang, quân dụng hay không.
Artem Starosiek, Giám đốc điều hành và người sáng lập của Molfar nói với Newsweek: “Không có lý do gì để tấn công cây cầu nữa vì SBU đã cắt đứt tất cả các hoạt động hậu cần quân sự đi qua nó”. Tuy nhiên, Nga đang vận chuyển hàng hóa từ Nga vào Ukraine thông qua các tuyến đường mới trên lãnh thổ mà nước này hiện đang chiếm giữ.
Ông nói: “Với tư cách là người Ukraine, tôi vẫn chọn đánh sập cây cầu vì nó mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng đứng trên quan điểm của một nhà phân tích quân sự, tôi nghĩ tấn công vào các tuyến hỏa xa sẽ tốt hơn vì nó nguy hiểm hơn nhiều”.
Vào tháng 11 năm 2023, các cơ quan truyền thông được Mạc Tư Khoa hậu thuẫn đưa tin rằng đến cuối năm 2024, Nga có kế hoạch liên kết thành phố Rostov-on-Don với Crimea theo tuyến đường đi qua các thành phố bị tạm chiếm Berdyansk và Mariupol. Các chuyến tàu chở hàng đầu tiên được cho là đã đi trên đó vào tháng Ba.
Tờ báo The Times của Anh cũng đưa tin về kế hoạch hỏa xa giữa Rostov và các thành phố bị tạm chiếm ở Ukraine của Mạc Tư Khoa.
6. Tổng thống Iohannis: Rumani sẵn sàng thảo luận việc đưa Patriot tới Ukraine
Tờ Kyiv Independent cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “President Iohannis: Rumani open to discussing sending Patriot to Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.
Rumani sẵn sàng thảo luận về khả năng gửi hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine, Tổng thống nước này cho biết hôm 7 Tháng Năm, Reuters đưa tin.
Phát biểu tại Washington sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Klaus Iohannis cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề này với Hội đồng Quốc phòng Tối cao của mình.
Đây là diễn biến mới nhất từ các quốc gia phương Tây nhằm đáp lại lời kêu gọi của Kyiv về việc tăng cường phòng không trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga vào các thành phố trên khắp Ukraine.
Iohannis cho biết: “Đã có cuộc thảo luận về việc ai có thể gửi hệ thống Patriot tới Ukraine trong vài tuần qua”.
“Tổng thống Biden đã đề cập đến nó... trong cuộc gặp của chúng tôi, và tôi nói rằng tôi sẵn sàng thảo luận. Tôi phải thảo luận vấn đề này tại Hội đồng Quốc phòng Tối cao để xem chúng tôi có thể đề nghị những gì và đổi lại những gì chúng tôi có thể nhận được, bởi vì việc rời Rumani mà không có lực lượng phòng không là không thể chấp nhận được”.
Rumani đã ký một thỏa thuận vào năm 2017 để mua các hệ thống Patriot nhưng cho đến nay chỉ có một hệ thống đang hoạt động. Iohannis cho biết bất kỳ cuộc thảo luận nào cũng sẽ liên quan đến một hệ thống đang trong giai đoạn đi vào hoạt động.
Đức hôm 13 Tháng Tư thông báo sẽ cung cấp thêm cho Kyiv một hệ thống Patriot. Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau đó đã kêu gọi các đồng minh NATO khác cũng làm như vậy.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trả lời rằng Ba Lan không thể từ bỏ hệ thống Patriot được lắp đặt tại phi trường Rzeszow ở phía đông nam Ba Lan, vì đây là trung tâm hậu cần quan trọng để chuyển hàng viện trợ quốc phòng vào Ukraine.
Truyền thông Đông Phương ngày 22 Tháng Tư đưa tin Athens dự định gửi ít nhất một hệ thống Patriot tới Ukraine, nhưng Thủ tướng Đông Phương Kyriakos Mitsotakis đã bác bỏ điều này trong một cuộc phỏng vấn ngày 25 Tháng Tư.
Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles sau đó tuyên bố vào ngày 26 Tháng Tư rằng Tây Ban Nha sẽ gửi hỏa tiễn phòng không Patriot tới Kyiv. Chúng đã đến trong tuần này.
7. Báo cáo cho biết thuyền không người lái của hải quân Ukraine được nâng cấp hỏa tiễn phòng không
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Naval Drones Get a Deadly Air-to-Air Missile Upgrade: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Quân đội Ukraine đã điều chỉnh các thuyền không người lái của hải quân để mang hỏa tiễn phòng không của Liên Xô, đoạn phim mới được hãng thông tấn nhà nước Nga Tass công bố cho biết.
Tass và Bộ Quốc phòng Nga hôm 6 Tháng Năm công bố đoạn phim cho thấy một trực thăng Ka-29 của Nga bắn vào một thuyền không người lái của hải quân Ukraine dường như được trang bị hỏa tiễn phòng không R-73 ở Hắc Hải.
Ukraine đã nhiều lần sử dụng thuyền không người lái tấn công Magura V5 để nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga như một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm đòi lại bán đảo Hắc Hải, vốn đã bị Putin sáp nhập vào năm 2014.
Hạm đội Hắc Hải của Nga đã chịu tổn thất nặng nề trong suốt cuộc chiến toàn diện ở Ukraine. Hôm thứ Hai, tình báo quân sự Kyiv cho biết lực lượng Ukraine đã phá hủy một tàu cao tốc ở Vịnh Uzka ở Crimea bằng thuyền không người lái tấn công Magura V5.
Đoạn phim được truyền thông nhà nước Nga công bố cho thấy thuyền không người lái của hải quân Ukraine di chuyển để tránh bị trúng đạn pháo từ trực thăng Ka-29 của Nga.
Militarnyi, một cơ quan truyền thông quân sự Ukraine, cho biết hôm thứ Hai rằng thuyền không người lái dường như được trang bị hỏa tiễn phòng không R-73 của Liên Xô, thường được phóng từ các bệ phóng trên mặt đất.
“Đoạn phim cho thấy phương tiện mang hỏa tiễn là thuyền không người lái Magura V5 hiện đại hóa. Chúng đã được sử dụng trong cuộc tấn công ngày hôm nay vào tàu Nga ở Hắc Hải”, cơ quan này cho biết.
“GUR của Ukraine cho biết họ đã phá hủy một tàu tuần tra Dự án 12150 Mangust của Nga sáng nay bằng thuyền không người lái Magura V5. Đoạn phim từ Bộ Quốc phòng Nga và các kênh của Nga cho thấy một chiếc trực thăng Ka-29 đang bắn vào một thuyền không người lái khác của hải quân được cho là được trang bị hỏa tiễn đối không R-73”
Cựu Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine Tymofiy Mylovanov cho biết: “Đây là điều mới trong cuộc chiến thuyền không người lái ở Ukraine”.
“Người Ukraine đã điều chỉnh các thuyền không người lái để mang hỏa tiễn đối không của Liên Xô. Nhiều người tin rằng điều này là không thể cho đến ngày hôm nay, khi các kênh của Nga đưa ra bằng chứng”, ông viết trên X.
“Trong video, bạn có thể thấy một máy bay trực thăng của Nga bắn vào máy bay không người lái của hải quân Ukraine và cuối cùng phải dùng đến nó. Máy bay không người lái phát nổ cho thấy nó cũng mang theo trọng tải tự sát thông thường. Máy bay không người lái thiếu một hỏa tiễn, điều này cho thấy nó đã bắn ra một hỏa tiễn”, Mylovanov nói.
Ông nói thêm rằng bây giờ chúng ta nên mong đợi “sự phát triển nhanh chóng của thuyền không người lái Ukraine để mang theo các máy bay không người lái khác, hỏa tiễn và nhiều hệ thống phòng không hơn”.
8. Ukraine đánh dấu 'Ngày tưởng nhớ và chiến thắng chủ nghĩa phát xít' đầu tiên trong Thế chiến thứ hai kể từ khi thay đổi ngày chính thức vào năm 2023
Ukraine đánh dấu “Ngày tưởng nhớ và chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến thứ hai” vào ngày 8 Tháng Năm, lần đầu tiên kể từ ngày ngày lễ chính thức được thay đổi vào năm 2023.
Hầu hết các quốc gia Âu Châu đều kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Âu Châu vào ngày 8 tháng 5 để đánh dấu ngày Đức đầu hàng vô điều kiện. Nga và một số nước thuộc Liên Xô cũ kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào ngày 9 Tháng Năm, sử dụng thuật ngữ Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Ukraine cũng kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào ngày 9 tháng 5 cho đến năm 2015, khi tổng thống lúc đó là Petro Poroshenko đổi tên thành Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến thứ hai. Ông chọn ngày 8 tháng 5 là Ngày Tưởng nhớ và Hòa giải. Ngày 8 tháng 5 là ngày làm việc và ngày 9 tháng 5 vẫn là ngày nghỉ lễ.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã ký một đạo luật vào năm 2023, chính thức thay đổi ngày kỷ niệm Thế chiến thứ hai của Ukraine thành ngày 8 tháng 5, phù hợp với hầu hết Âu Châu và cho thấy sự chấm dứt hoàn toàn kỳ nghỉ lễ thời Liên Xô.
Ở Nga, Ngày Chiến thắng là một ngày lễ quân sự hóa cao độ nhằm thể hiện sức mạnh quân sự của Nga. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh toàn diện của Nga ở Ukraine, ký ức lịch sử về Thế chiến thứ hai cũng đã được Nga vũ khí hóa như một phần trong nỗ lực coi cuộc xâm lược Ukraine là sự tiếp nối của cuộc đấu tranh của Nga chống lại phương Tây.
Zelenskiy cũng so sánh với Thế chiến thứ hai trong các bình luận đánh dấu lễ kỷ niệm đầu tiên của ngày lễ.
Ông cho biết: “Nga đã đưa các trang sách giáo khoa về Thế chiến thứ hai trở lại tâm điểm chú ý của truyền thông toàn cầu, chứng tỏ rằng Chủ nghĩa Quốc xã đã tái xuất hiện với mỗi tội ác mới”.
“Và, giống như năm 1945, chỉ có một thế giới tự do thống nhất—đoàn kết trong Liên minh chống Putin— muốn có thể ngăn chặn Đức Quốc xã ở Mạc Tư Khoa bằng hành động thay vì lời nói.”
Khoảng 6 đến 7 triệu người Ukraine đã thiệt mạng trong Thế chiến thứ hai, trong đó có khoảng 1,5 triệu người Do Thái Ukraine. Tính theo phần trăm dân số, Ukraine chịu tổn thất trong chiến tranh lớn hơn Nga.
9. Mạc Tư Khoa cho rằng Mỹ cung cấp hỏa tiễn cho Ukraine đã kích hoạt cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US Supplying Missiles to Ukraine Triggered Tactical Nuke Drills: Moscow”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nga cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị cho cuộc tập trận vũ khí hạt nhân sau khi Mỹ chuyển giao hỏa tiễn và chiến đấu cơ cho Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mạc Tư Khoa chỉ rõ, việc Mỹ hỗ trợ quân sự cho Kyiv là nguyên nhân chính khiến Putin chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Nga thực hành chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Loại vũ khí này nhỏ hơn vũ khí hạt nhân chiến lược và có thể sử dụng trên chiến trường.
Tuy nhiên, một chuyên gia quân sự nói với Newsweek rằng lệnh của Putin không có nghĩa là ông ấy sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, mà ông ấy chỉ có ý chứng tỏ “là vũ khí đó tồn tại”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với Newsweek: “Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh tư thế hạt nhân của mình”.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Putin đã đặt lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động đặc biệt. Kể từ đó, Điện Cẩm Linh đã gửi đi nhiều thông điệp trái chiều về mối đe dọa nguyên tử mà nó có thể gây ra, trong khi các nhà tuyên truyền của họ liên tục đưa ra những lời đe dọa về các cuộc tấn công vào các thủ đô phương Tây.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Hai công bố các cuộc tập trận hạt nhân liên quan đến lực lượng hỏa tiễn từ Quân khu phía Nam của nước này và lực lượng hàng không và hải quân Nga, sau khi phương Tây “tuyên bố công khai ủng hộ” Kyiv “sử dụng vũ khí ngày càng tiên tiến”.
Tuyên bố đề cập đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Nga do Kyiv thực hiện và sự xuất hiện của các hệ thống hỏa tiễn tầm xa của Anh, Pháp và Mỹ ở Ukraine.
“Mỹ đã bắt tay công khai và rõ ràng vào việc triển khai các hệ thống trên mặt đất với hỏa tiễn tầm trung và tầm ngắn, vốn trước đây bị cấm theo Hiệp ước hỏa tiễn tầm trung và tầm ngắn”, tuyên bố cho biết, đề cập đến thỏa thuận mà Mỹ. đã rút khỏi năm 2019 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Zakharova cho biết: “Chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào hỏa tiễn tầm trung phóng từ mặt đất do Mỹ sản xuất xuất hiện, chúng tôi có quyền đáp trả tương tự, điều đó có nghĩa là lệnh cấm đơn phương của Nga đối với việc triển khai các hệ thống vũ khí này sẽ chấm dứt”..
Bà ta cũng lên án những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng gửi quân đội Pháp và các nước khác của NATO tới Ukraine là cho thấy ý định của khối này “làm leo thang hơn nữa cuộc khủng hoảng Ukraine hướng tới một cuộc đụng độ quân sự mở giữa các nước NATO và Nga”.
Mạc Tư Khoa cũng cho biết họ sẽ coi việc đưa chiến đấu cơ F-16 tới Ukraine là một hành động khiêu khích vì “chúng tôi không thể bỏ qua thực tế rằng những chiếc máy bay này là những chiếc máy bay được trang bị kép” và có thể được sử dụng cho vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường.
Mỹ đã bật đèn xanh cho các đồng minh của mình giao máy bay này, dự kiến sẽ được sử dụng ở Ukraine trong những tháng tới.
David Silbey, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell và là nhà phân tích quân sự và quốc phòng, nói với Newsweek: “Putin đang nhắc nhở mọi người rằng Nga có vũ khí hạt nhân và họ nên suy nghĩ thật kỹ trước khi trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine”.
“Điều đó không có nghĩa là anh ta sắp sử dụng chúng, chỉ là muốn nói rằng vũ khí đó tồn tại và sẵn sàng hoạt động. Hãy nghĩ về nó giống như việc chĩa súng vào một người nào đó trong một bộ phim phương Tây cổ điển—bạn chưa sử dụng nó nhưng mọi người đều biết rằng bạn đã có nó,” anh nói thêm.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết, mối đe dọa hạt nhân mới nhất của Nga nằm trong số các chiến thuật chiến tranh hỗn hợp mà Điện Cẩm Linh đang sử dụng như một phần của chiến dịch “kiểm soát phản xạ” nhằm thao túng hành động của đối thủ.
Hôm thứ Hai, tổ chức nghiên cứu Washington DC đã lưu ý rằng hành động đe dọa hạt nhân mới nhất của Nga trùng hợp với thời điểm vũ khí sắp được chuyển đến Ukraine từ các đồng minh của Kyiv.
ISW cho biết thêm, bằng cách nâng cao cảnh báo về vũ khí nguyên tử, Mạc Tư Khoa muốn “hù dọa những người ra quyết định phương Tây về việc cho phép lực lượng Ukraine sử dụng các hệ thống do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp ở Nga”.
Khi được Newsweek liên hệ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi lời nói của Nga là “liều lĩnh và vô trách nhiệm trong cuộc xung đột này”.
Tuyên bố nói thêm: “Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh tư thế hạt nhân của mình cũng như không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”.