1. Đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Hoa Kỳ cảnh báo về Giáo Hội địa phương 'tự tham chiếu'

Đức Hồng Y Christophe Pierre nhấn mạnh lời kêu gọi đoàn kết của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc trò chuyện với Catholic News Service trước khi chính thức tiếp quản nhà thờ hiệu tòa của ngài ở Rôma.

Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ đang vật lộn với xu hướng trở nên “tự tham chiếu” hơn và rút lui khỏi sân khấu quốc tế và giáo hội hoàn vũ, đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hoa Kỳ cho biết.

Trước các vấn đề gây tranh cãi trong Giáo Hội, chẳng hạn như Tuyên ngôn Fiducia Supplicans cho phép chúc lành cho các cặp đồng giới và các kết hiệp bất quy tắc, thái độ phổ biến của Giáo Hội tại Hoa Kỳ cũng như nhiều nơi khác là tránh né những tranh cãi với Tòa Thánh, rút lui, tự tham chiếu đến chính mình. Điều này có thể thấy rõ một cách đặc biệt sau khi Đức Thánh Cha cách chức Đức Cha Joseph Strickland của giáo phận Tyler, Texas.

Nói chuyện với Catholic News Service trước khi chính thức tiếp quản nhà thờ hiệu tòa của mình ở Rôma vào ngày 21 tháng 4, Đức Hồng Y Christophe Pierre đã mô tả thực tế của Giáo Hội ở Hoa Kỳ là một “nghịch lý”. Ngài nói rằng trong khi Giáo hội Hoa Kỳ “luôn rất trung thành với Đức Thánh Cha”, “khó khăn ở Mỹ, cũng như ở mọi quốc gia trong một thế giới được toàn cầu hóa là ngày càng trở nên cá nhân hơn, thay vì phải đón nhận thông điệp của Đức Thánh Cha, đặc biệt là cùng nhau làm việc.”

Ngài nhấn mạnh: “Đức Thánh Cha cảm thấy rằng nếu chúng ta không làm việc cùng nhau thì chúng ta không phải là một giáo hội”.

Đức Hồng Y Pierre chỉ ra “xu hướng rút lui, tự tham chiếu nhiều hơn” cả ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Ngài nói với CNS: “Chúng ta phải chia sẻ sự giàu có, của cải của mình,” đặc biệt trong một thế giới ngày càng hướng đến chủ nghĩa cá nhân. “Và tôi coi đó là một thách thức đối với Giáo Hội.”

Vị Hồng Y đã ở Rôma để nhận nhà thờ hiệu tòa của ngài - là Nhà thờ Thánh Bênêđíctô bên ngoài Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành - để xác nhận danh tính Hồng Y của ngài là thành viên hàng giáo sĩ của Rôma. Vào thời cổ đại, các Hồng Y bầu chọn giáo hoàng đều là cha sở của các giáo xứ trong thành phố.

Đức Hồng Y đã cử hành Thánh lễ tại nhà thờ ở Rôma với sự tham gia của giáo dân địa phương, các thành viên của Giáo triều Rôma, Đức Hồng Y James Harvey của Hoa Kỳ, các đại sứ mà ngài đã làm việc cùng trong suốt sự nghiệp ngoại giao 47 năm của mình, đại diện cho Tòa Thánh và khoảng 15 thành viên trong gia đình ngài từ vùng Brittany của Pháp.

Joe Donnelly, đại sứ Hoa Kỳ tại Tòa Thánh, đã tham dự phụng vụ và nói với CNS rằng Đức Hồng Y Pierre “là cầu nối giúp phá bỏ những khác biệt” giữa Hoa Kỳ và Vatican, ca ngợi Đức Hồng Y vì đã “cố gắng kết nối Giáo Hội tại Mỹ” với Vatican.”

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Pierre nhắc lại rằng khi còn là chủng sinh, ngài ban đầu nghĩ ơn gọi của mình là tiếp tục làm mục tử trong giáo phận Rennes, Pháp, quê hương của ngài, nhưng sau gần 50 năm đi khắp thế giới trong công tác ngoại giao, “Đức Thánh Cha đã kêu gọi tôi đến một giáo xứ, một giáo xứ mà tôi chưa từng có.”

Trước khi được cử đến Hoa Kỳ vào năm 2016, Đức Hồng Y Pierre đã được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại Mễ Tây Cơ, Uganda và Haiti. Ngài cũng phục vụ tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Vatican ở Thụy Sĩ, Brazil, Cuba, Zimbabwe, Mozambique và New Zealand.


Source:USCCB

2. Hơn 50.000 người ký đơn thỉnh nguyện công nhận 171 người thiệt mạng trong vụ tấn công ở Sri Lanka là tử đạo

Hơn 50.000 người Công Giáo đã yêu cầu Giáo hội ở Sri Lanka công nhận 171 nạn nhân của vụ thảm sát Phục sinh năm 2019 tại quốc đảo này là các vị tử đạo.

Vào ngày 21 tháng 4 năm 2019, Chúa Nhật Phục sinh, 8 kẻ đánh bom liều chết đã tấn công hai nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin lành và ba khách sạn sang trọng, khiến 269 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.

Trong số các nạn nhân, có 171 người là tín hữu Công Giáo đang tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Sebastinô và Nhà Thờ Thánh Anttôn ở Colombo, thủ đô của quốc gia Á Châu này.

Năm năm sau thảm kịch, vào Chúa nhật, ngày 21 tháng 4, Giáo hội địa phương thông báo sẽ bắt đầu các thủ tục công nhận sự tử đạo của 171 người Công Giáo, những người đã được tưởng nhớ bằng nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm một bản kiến nghị với hơn 50.000 chữ ký đã được trình lên Tổng giám mục Colombo, là Đức Hồng Y Albert Malcolm Ranjith.

Tổng giáo phận Colombo bây giờ sẽ gửi yêu cầu chính thức tới Bộ Tuyên Thánh để tiến hành mở giai đoạn cấp giáo phận trong án phong chân phước.

“Việc thu thập chữ ký và nâng cao nhận thức nơi các tín hữu đã được tiến hành kể từ đầu Mùa Chay. Trong số người dân có nhận thức đầy đủ về món quà đức tin của những người vô tội, bị sát hại trong nhà thờ khi đang cử hành sự phục sinh của Chúa Kitô,” Cha Jude Chrysantha Fernando, giám đốc văn phòng truyền thông của tổng giáo phận, nói với hãng thông tấn Vatican Fides từ Colombo.

Vị linh mục nói rằng vào Chúa Nhật “có sự tham gia đông đảo của các tín hữu trong các buổi cử hành: vào buổi sáng, Thánh lễ tưởng niệm được tổ chức tại tất cả các nhà thờ và một buổi lễ đặc biệt được tổ chức với sự hiện diện của Đức Hồng Y Ranjith tại Nhà thờ Thánh Anthony ở Colombo” như cũng như với các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền dân sự khác.

Tại Colombo, hàng ngàn người đã cử hành “một phút mặc niệm trang trọng kéo dài hai phút, cũng được cử hành tại các nhà thờ trên khắp đất nước, để tôn vinh và tưởng nhớ những người đã thiệt mạng” vào Lễ Phục Sinh năm 2019.

Fernando nói với Fides: “Đó là một khoảnh khắc có cường độ tinh thần mãnh liệt đối với cộng đồng Công Giáo Sri Lanka: Ký ức về những ‘anh hùng đức tin’ này vẫn còn sống động và là nguồn cảm hứng cho nhiều người”.

Trong Thánh lễ được tổ chức tại Nhà thờ Thánh Antôn, Đức Hồng Y Ranjith lưu ý rằng Giáo Hội Công Giáo ở Sri Lanka đã đòi hỏi công lý trong 5 năm và yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra quốc tế và độc lập về các vụ tấn công năm 2019.


Source:National Catholic Register

3. Bộ Giáo lý đức tin đang hoàn tất văn kiện về những cuộc hiện ra

Đức Hồng Y Manuel Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, cho biết Bộ đang hoàn tất văn kiện về sự phân định các cuộc hiện ra và các hiện tượng khác, trong đó có các mạc khải tư.

Đức Hồng Y tuyên bố như trên với trang mạng “National Catholic Register” ở Mỹ, hôm 23 tháng Tư vừa qua. Đức Hồng Y đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Hai trước đó, ngày 22 tháng Tư, nhưng không tiết lộ với giới báo chí nội dung chi tiết cũng như thời điểm công bố văn kiện này. Nó sẽ cập nhật về vấn đề này được công bố cách đây 46 năm (1978), dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Văn kiện ấy khẳng định rằng Giáo hội có trách nhiệm trước tiên là thẩm định các sự kiện và sau đó cho phép tôn kính công khai, nếu việc cứu xét là tích cực, và sau cùng đưa ra phán quyết chung kết về sự xác thực và đặc tính siêu nhiên của sự kiện.

Văn kiện cách đây 46 năm cũng vạch ra những tiêu chuẩn tích cực và tiêu cực để thẩm định sự xác thực của các hiện tượng như thế và khi nào, với thẩm quyền thế nào giáo quyền phải can dự, kể cả Tòa Thánh nếu cần. Văn kiện cũng nhấn mạnh rằng sự thận trọng tối đa phải được sử dụng khi điều tra về các sự kiện.

Văn kiện gần đây nhất của Tòa Thánh liên quan đến những cuộc hiện ra, được công bố năm 2001 do Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích và mang tựa đề: “Chỉ nam về lòng đạo đức bình dân và phụng vụ; các nguyên tắc và hướng dẫn”. Bộ rút từ sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo và trưng dẫn những đoạn nói về mạc khải tư, nói rằng “những mạc khải này không thuộc kho tàng đức tin và vai trò của chúng không phải là cải tiến hoặc kiện toàn mạc khải chung kết của Chúa Kitô, nhưng giúp sống trọn vẹn hơn trong một giai đoạn nào đó của lịch sử”. (n.67).