1. Đức Thánh Cha viếng thăm Venezia vào Chúa nhật, ngày 28 tháng Tư
Sáng Chúa nhật, ngày 28 tháng Tư tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm thành phố nổi Venezia, miền đông bắc Ý, trong vòng năm tiếng đồng hồ, nhân cuộc triển lãm nghệ thuật hai năm một lần, được tổ chức tại đây.
Cuộc viếng thăm cũng trùng vào dịp lễ kính thánh Marcô, tác giả sách Tin mừng, cũng là bổn mạng của thành Venezia.
Cao điểm trong cuộc viếng thăm là thánh lễ Đức Thánh Cha cử hành vào lúc 10 giờ sáng, tại Quảng trường thánh Marco ở trung tâm thành phố.
Trước đó, lúc 8 giờ sáng, sau khi từ Roma bay đến đảo Giudecca, thuộc thành này, Đức Thánh Cha viếng thăm và gặp gỡ khoảng 80 nữ tù nhân tại đây và các nhân viên, cùng với những người thiện nguyện của nhà tù, rồi ngài đến nhà thờ thánh Madalena, được dùng làm nhà nguyện của nhà tù để gặp gỡ các nghệ nhân tham gia cuộc triển lãm, cùng với chính quyền, và đặc biệt là Đức Hồng Y José Tolentino de Mendonça, Tổng trưởng Bộ Văn hóa Giáo dục của Tòa Thánh.
Đức Hồng Y cũng là người phụ trách gian hàng của Tòa Thánh tại Hội chợ quốc tế về nghệ thuật lần thứ 60 lần này, diễn ra tại Venezia. Gian hàng này được đặt ở trong khuôn viên nhà tù, trên đảo Giudecca và đã được Đức Hồng Y khánh thành, hôm 19 tháng Tư vừa rồi.
Để thực hiện gian hàng của mình tại Venezia, Tòa Thánh đã xin sự cộng tác của một nghệ nhân người Ý, ông Maurizio Cattelan, 63 tuổi. Cuộc triển lãm hai năm một lần này đang diễn ra từ ngày 20 tháng Tư đến ngày 24 tháng Mười Một năm nay, với chủ đề: “Những người nước ngoài ở mọi nơi” (Stranieri Ovunque). Hội chợ này gồm các bộ môn nghệ thuật, kiến trúc, điện ảnh, âm nhạc, vũ, kịch nghệ và văn khố lịch sử.
Tiếp nối cuộc gặp gỡ vừa nói, Đức Thánh Cha dùng thuyền máy rời khỏi đảo Giudecca để đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Sức Khỏe, gặp gỡ giới trẻ thuộc Tổng giáo phận Venezia và các giáo phận miền Veneto, đông bắc Ý.
Cuối buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha sẽ cùng một đoàn đại diện các bạn trẻ đi tới Quảng trường thánh Marco, trung tâm thành Venezia. Tại đây, ngài sẽ được chính quyền miền Veneto và thành Venezia đón tiếp, trước khi cử hành thánh lễ cho các tín hữu, vào lúc 10 giờ. Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha còn kính viếng hài cốt thánh Marco, rồi đáp trực thăng lúc 13 giờ để bay trở về Vatican, dự kiến đến nơi vào lúc 14 giờ 30 chiều.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm một cuộc triển lãm nghệ thuật nổi tiếng. Ngài là vị Giáo hoàng thứ tư đến viếng thăm Venezia, sau Đức Phaolô VI, Gioan Phaolô II, và Bênêđíctô XVI.
Năm nay, Đức Thánh Cha còn viếng thăm hai thành phố miền bắc Ý, là Verona ngày 18 tháng Năm, tiếp đến là Trieste, ngày 07 tháng Bảy. Rồi vào trung tuần tháng Chín, Đức Thánh Cha đi thăm Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore trong hơn 11 ngày, từ ngày 03 đến ngày 13 tháng Chín, và sau cùng, ngài đến Vương quốc Bỉ, nhân kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Công Giáo Leuven hay cũng gọi là Louvain.
2. Hai thánh đường ở Thánh địa mừng một trăm năm thánh hiến
Trong những ngày qua, hai thánh đường lớn nhất ở Thánh địa đã kỷ niệm một trăm năm thánh hiến.
Hôm thứ Sáu, ngày 19 tháng Tư vừa qua, các cha Dòng Phanxicô mừng kỷ niệm trăm năm thánh hiến Vương cung Thánh đường Giệtsimani ở Giêrusalem, quen được gọi là “Vương cung thánh đường mọi dân nước”. Hai ngày trước đó, ngày 17 tháng Tư, kỷ niệm tương tự cũng diễn ra tại Vương cung Thánh đường Chúa Hiển Dung, trên núi Tabor ở miền Galilea. Đây là hai nhà thờ thuộc số các nơi thánh được biết đến và kính viếng nhiều nhất ở Thánh địa. Cả hai được kiến thiết sau Thế chiến Thứ I, trên nền các thánh đường cũ bị phá hủy. Cả hai nhà thờ đều do kiến trúc sư Antonio Balduzzi (1884-1960) người Ý thiết kế. Sau đó, ông còn đảm trách việc xây các nhà thờ và nhà nguyện khác, theo sự ủy nhiệm của các cha Dòng Phanxicô ở Thánh địa.
Nhân dịp kỷ niệm “Bách chu niên” này, có cuộc triển lãm tựa đề “LuxTenebra”, Ánh Sáng - Bóng tối, tại cả hai Vương cung Thánh đường, trình bày ý nghĩa các nơi thánh đó, lối kiến trúc, bối cảnh lịch sử và những khám phá khảo cổ học. Các buổi lễ kỷ niệm do cha Massimo Fuserelli, Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô, chủ sự.
“Vương cung thánh đường mọi dân nước” tọa lạc ở thung lũng Kidron, dưới chân núi Cây Dầu, tưởng niệm nơi Chúa Giêsu đã tới sau bữa Tiệc Ly để cầu nguyện trong hấp hối trước khi bị bắt, rồi bị điệu đến trước quan Philatô và bị kết án tử hình đóng đinh. Nhà thờ được trang trí với những màu sậm, mang sắc thái của đêm đen và chết chóc. Sở dĩ thánh đường được gọi là “Vương cung thánh đường mọi dân nước”, vì được xây cất với tiền tài trợ từ mười hai quốc gia, trong đó có nước Đức.
Trong bài giảng thánh lễ kỷ niệm, cha Tổng quyền Fusarelli nhận xét rằng: một người có thể để cho mình bị đen tối và bóng đen phủ ngập, chúng ta có thể cam chịu và tìm kiếm những giải thích của con người cho những gì xảy ra. Nhưng các tu sĩ Phanxicô tại chỗ này và tại Thánh địa, giúp tiếp tục một đời sống mới và một sự tăng trưởng mới nhờ kinh nguyện, nhờ chứng tá cuộc sống, việc phục vụ và trách nhiệm của mình.
3. Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô kêu gọi các tu sĩ ở lại Thánh địa
Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô, cha Massimo Fusarelli, kêu gọi các tu sĩ của dòng tiếp tục ở lại Thánh địa, dù có những căng thẳng gia tăng và những đe dọa an ninh thể lý do chiến tranh giữa Israel và Hamas tại Gaza.
Trong cuộc phỏng vấn, hôm 18 tháng Tư vừa qua, dành cho tạp chí “Custodia” của dòng, cha Fusarelli cho biết sau cuộc viếng thăm mới đây tại Thánh địa, ngài thấy các tu sĩ Phanxicô sống tại đó “an toàn hơn ngài nghĩ”, mặc dù những hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Vì thế, lời đầu tiên cha nói với các tu sĩ Phanxicô sống tại Thánh địa, là “Xin anh em vui lòng ở lại đây. Nhiều người đang ra đi, rời khỏi cả hai dân tộc tại vùng này. Cả các tín hữu Kitô cũng đang ra đi. Chúng ta ở lại. Dĩ nhiên, chúng ta không có gia đình hoặc con cái ở đây, có lẽ dễ hơn đối với chúng ta. Nhưng ở lại đây là một dấu chỉ rất lớn”.
Cha Fusarelli giải thích rằng chọn lựa ở lại, mặc dù có sự leo thang quân sự trong vùng không có nghĩa là “đóng cửa các tu viện của chúng ta, nhưng đúng hơn là ở lại với dân chúng, và tiếp tục là những người chuyển cầu, làm trung gian cho họ”.
Cha Fusarelli cho biết các tu sĩ Phanxicô bị thương tổn vì những gì đang xảy ra, nhưng quyết định ở lại đây. Cha năm nay 63 tuổi và được bầu làm Bề trên Tổng quyền hồi năm 2021. Cha đến Giêrusalem ngày 13 tháng Tư vừa qua, là ngày mà Iran trực tiếp tấn công Israel bằng các hỏa tiễn và máy bay không người lái, để trả đũa vụ Israel tấn công lãnh sự quán Iran ở Damasco, Syria, giết hại nhiều nhân viên, quan chức của Iran, trong đó có một tướng lãnh. Căng thẳng giữa Iran và Israel gia tăng trong sáu tháng qua, từ khi bắt đầu chiến tranh giữa Israel và Hamas, ngày 07 tháng Mười năm 2023. Cha Fusarelli cho biết dự án viếng thăm của cha tại Thánh địa đã có từ hơn một năm nay, trước khi xảy ra cuộc chiến hiện nay. Ban đầu, cha dự định đi với một nhóm lớn hơn, nhưng vì tình hình hiện nay, nên chỉ có cha Tổng đại diện của Dòng Phanxicô cùng đi với ngài.