1. Linh mục Miến Điện bị bắn khi đang cử hành thánh lễ giữa xung đột bạo lực
Theo các phương tiện truyền thông, một linh mục người Miến Điện đã bị bắn trong tuần này khi đang cử hành Thánh lễ ở bang Kachin. Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh xung đột bạo lực đang diễn ra giữa chính quyền quân sự và lực lượng kháng chiến trong khu vực.
Những kẻ tấn công đeo mặt nạ đã bắn Cha Paul Khwi Shane Aung khi ngài cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Patrick ở thị trấn Mohnyin ở khu vực phía bắc Miến Điện.
Theo UCA News, vị linh mục “được đưa đến bệnh viện ở Mohnyin và sau đó được chuyển đến bệnh viện ở Myitkyina”.
Hiện chưa rõ nguyên nhân của vụ tấn công và những kẻ xả súng được cho là vẫn đang lẩn trốn. Cha Aung được liệt kê trên trang web của Giáo phận Công Giáo Myitkyina với tư cách là một linh mục ở Khu Mohnyin. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 2013.
Vào tháng 2, nhóm viện trợ Christian Solidarity International đã cảnh báo về sự gia tăng bạo lực chống lại cộng đồng Kitô giáo thiểu số bị đàn áp ở Miến Điện, với một người ủng hộ cảnh báo rằng các Kitô hữu thuộc sắc tộc thiểu số ở đó “phải chịu các chiến dịch thanh lọc sắc tộc tàn nhẫn”.
Kể từ khi cuộc đảo chính quân sự lật đổ Aung San Suu Kyi vào tháng 2 năm 2021, Miến Điện trong nhiều năm đã chìm trong xung đột bạo lực.
Đức Hồng Y Charles Maung Bo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Miến Điện, vào năm 2021 đã kêu gọi người Công Giáo ở Miến Điện chia sẻ lòng thương xót của Chúa giữa những đau khổ do cuộc đảo chính quân sự ở đó gây ra.
Năm đó vị Giám Mục lưu ý rằng Myitkyina đã là nạn nhân của một “thảm kịch lớn” khi quân đội “giết hại những người vô tội trên đường phố”.
“Chúng ta cần ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa ở Miến Điện,” Đức Hồng Y Bo nói vào thời điểm đó.
Vụ bắn Cha Aung xảy ra chỉ vài tuần sau vụ bắn chết một mục sư Baptist, cũng ở Kachin, trong khi mục sư này đang làm việc tại cửa hàng máy tính của ông.
2. Hội đồng Đại kết xin Đức Thượng phụ Chính thống Nga giải thích về cuộc chiến tại Ukraine
Tổng thư ký Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô ở Genève, Thụy Sĩ, Mục sư Jerry Pillay, đã thỉnh cầu Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Mạc Tư Khoa, giải thích tuyên ngôn của Hội đồng Giáo hội này, khi khẳng định rằng cuộc tấn công của Nga chống Ukraine là “một cuộc thánh chiến”.
Hội đồng Đại kết qui tụ 350 Giáo hội Kitô không Công Giáo, gồm Chính thống, Tin lành và Anh giáo, với khoảng 500 triệu tín hữu Kitô trên thế giới và có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ. Cả Giáo hội Chính thống Nga cũng là thành viên của Hội đồng này.
Trong thư gửi Đức Thượng phụ Kirill, được phổ biến hôm 12 tháng Tư vừa qua, Mục sư Jerry Pillay, nói rằng Hội đồng Đại kết không thể chấp nhận cuộc xâm lăng bất hợp pháp và bất công đối với chủ quyền của nước Ukraine láng giềng và Giáo hội Chính thống Nga coi “đây là một giai đoạn mới trong cuộc tranh đấu của dân tộc Nga chống lại chế độ Kyiv gian ác, cũng như tập thể Tây phương đứng sau đó. Cuộc chiến tranh này hoành hành tại những vùng tây nam của Nga từ năm 2014”. Cũng vậy, Hội đồng Đại kết không thể chấp nhận viễn tượng của Nga cho rằng “toàn thể lãnh thổ của Ukraine hiện nay phải trở thành một miền hoàn toàn ở trong ảnh hưởng của Nga”.
Hồi cuối tháng Ba vừa qua, “Hội đồng thế giới của dân tộc Nga” (WKRV), do Đức Thượng phụ Kirill làm Chủ tịch, đã thông qua một tuyên ngôn về nguyên tắc, trong đó có khẳng định rằng sự độc lập cho Ukraine là điều hoàn toàn bị loại bỏ. Vì thế, cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraine là “một cuộc thánh chiến về mặt tinh thần và luân lý”. Đó là một “cuộc bảo vệ không gian tinh thần thống nhất của nước Nga thánh chống lại sự khai mào chủ nghĩa hoàn cầu hóa và Tây phương”. Ngay từ khi bắt đầu chiến tranh của Nga xâm lăng Ukraine, Mục sư Pillay, thuộc Giáo hội Tin lành Trưởng lão Nam Phi, đã nhấn mạnh rằng lập trường của Chính thống Nga về cuộc chiến tranh này là điều trái ngược với các nguyên tắc căn bản của Kitô giáo và của Phong trào Đại Kết Kitô. Hội đồng đại kết đã lên án cuộc xâm lăng của Nga là “bất hợp pháp và không thể biện minh được”, đồng thời tuyên bố rằng: “Chúng tôi bác bỏ mọi lạm dụng ngôn ngữ và uy tín tôn giáo để biện minh cho các cuộc xâm lăng võ trang và oán thù”.
3. Ukraine than phiền Nga giả điếc trước lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng
Người đặc trách bảo vệ nhân quyền và dân quyền ở Ukraine, ông Dmytro Lubinets, lấy làm tiếc vì Nga tiếp tục giả điếc trước lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, về trao đổi tất cả các tù binh giữa Nga và Ukraine.
Trong sứ điệp nhân lễ Phục sinh, với ơn toàn xá, công bố ngày 31 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra lời kêu gọi trên đây, nhưng phía Nga vẫn làm ngơ trước đề nghị của chính quyền Ukraine về vấn đề này, vào dịp lễ Phục sinh của Kitô giáo và cả dịp kết thúc tháng chay tịnh Ramadan của Hồi giáo, hôm mùng 10 tháng Tư vừa qua: Trao đổi các tù binh Kitô và Hồi giáo.
Công thức được đề nghị là “một đổi lấy bốn”, một tù binh Ukraine đổi bốn tù nhân Nga. Danh sách do Ukraine đề nghị với Nga, gồm một người Công Giáo và 146 người Hồi giáo, nhưng phía Nga làm ngơ trước đề nghị này.
Ông Dmytro Lubinets nói: “Mặc dù lối cư xử như thế của phía Nga, Ukraine vẫn bày tỏ sự sẵn sàng thi hành sự trao đổi tù binh theo mọi công thức, trong dịp lễ Phục sinh của Chính thống giáo”.