David G Bonagura, Jr.(*) trên The Catholic Thing, ngày 15 tháng 4, 2024 có bài viết về “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo”.
Theo ông, “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” đã nhanh chóng trở thành một thuật ngữ được yêu thích của phe cánh tả văn hóa. Ý nghĩa chính xác của nó, như nhiều người đã lưu ý, là cố ý mơ hồ nên nó có thể bôi nhọ càng nhiều Kitô hữu có đức tin càng tốt với những ý định độc hại. Định nghĩa sâu rộng nhất, đã làm rung chuyển Internet trước khi bị rút lại một chút, tuyên bố rằng những người theo chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo là những người “tin vào quyền của chúng ta trong tư cách người Mỹ và trong tư cách tất cả đều là con người không phát xuất từ bất cứ chính quyền trần thế nào. Chúng không phát xuất từ Quốc hội, từ Tòa án Tối cao, chúng phát xuất từ Thiên Chúa.”
Nghĩa là, những người theo chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo có tội khi tin vào sự thật trong Tuyên ngôn Độc lập của đất nước chúng ta (“con người đã được Đấng Tạo hóa ban tặng”), một bản văn không phải là một tài liệu của Kitô giáo hay chủ nghĩa duy quốc gia.
Cách mô tả ngớ ngẩn như vậy bộc lộ nỗi sợ hãi dường như hoang tưởng rằng Kitô giáo có thể một lần nữa trở thành lực lượng công chúng định hình luật pháp và phong tục. Theo lời của một người viết quan điểm lâu năm tại một tờ báo được cho là có trách nhiệm, việc khôi phục lại cách thức hoạt động của nước Mỹ trước đây sẽ mở đầu cho “mối nguy hiểm của tương lai thần quyền mà đất nước đang phải đối diện”.
Nói một cách bình tĩnh hơn, “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” liên quan đến vai trò của Kitô giáo trong đời sống công cộng, văn hóa và luật pháp Hoa Kỳ. Những người than thở về nó không quan tâm đến những lời tuyên bố của Kitô giáo về Thiên Chúa Ba Ngôi, Sự ra đời bởi Trinh nữ hay Sự Phục sinh. Họ coi thường những giáo lý đạo đức Kitô giáo phản đối tín ngưỡng của họ về chủ nghĩa cá nhân diễn cảm, coi Cách mạng tình dục là điều khoản đầu tiên.
Kitô giáo, và đặc biệt Công Giáo, là những trở ngại cuối cùng ngăn cản chiến thắng hoàn toàn. Tuy nhiên, từ việc viết lại luật hôn nhân và gia đình cho đến việc vội vã coi IVF là một quyền con người, rõ ràng là chủ nghĩa cá nhân diễn cảm từ lâu đã khiến “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” phải chạy trốn.
Những người theo Kitô giáo thuộc mọi giáo phái bị bao vây, kinh hoàng trước sự suy thoái đạo đức của nước Mỹ, đã và đang tìm nhiều cách khác nhau để ngăn chặn làn sóng này. Đời sống công cộng, văn hóa và luật pháp đều là những biểu thức nói lên một tầm nhìn sâu sắc hơn, dù là tôn giáo hay thế tục, mà mọi người đều có chung.
Để đạo đức Kitô giáo một lần nữa định hướng cuộc sống của người Mỹ, người Mỹ không chỉ cần tự gọi mình là Kitô hữu mà họ còn phải tin vào những gì họ chủ trương. Để làm được điều đó, chúng ta cần công việc truyền giảng Tin Mừng theo kiểu du kích chiến chậm rãi và nghiền nát. Sự áp đặt từ trên xuống của một “chính phủ Kitô giáo” hoặc quyền lực của thế giới bên kia sẽ không có tác dụng.
Thêm vào đó, với sự phản đối ít ỏi sau phán quyết Dobbs của Đảng Cộng Hòa đối với việc phá thai và sự đầu hàng ngay lập tức của nó đối với IVF, những người cấp tiến không cần phải lo lắng: “Những người theo chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo”, ngoại trừ mấy Twitter khoác lác, không mấy hào hứng với việc tiếp quản chính phủ.
Khi nước Mỹ cắt đứt thêm nguồn gốc Kitô giáo của mình, người Công Giáo không cần phải mất hy vọng. Chúng ta đã và đang thực hiện “việc Công Giáo” của mình – sống đức tin phổ quát của chúng ta trong bối cảnh lịch sử cụ thể của nước Mỹ – trong nhiều thế kỷ, và hầu như luôn luôn bị câu thúc. Chúng ta quên rằng ngay cả khi luật pháp và văn hóa Mỹ thể hiện đạo đức Kitô giáo – phá thai là bất hợp pháp, ly hôn dựa vào lỗi lầm, hạn chế nội dung khiêu dâm, ngoại tình bị hình sự hóa – người Công Giáo không hoàn toàn được chào đón ở Hoa Kỳ này vì nền văn hóa thống trị đã bác bỏ những nhạy cảm tôn giáo của họ.
Làm việc trong khuôn khổ pháp luật, người Công Giáo phản ứng bằng cách xây dựng các khu dân cư, nhà thờ, trường học và trường đại học của riêng họ, nơi họ có thể sống đức tin của mình mà không bị cản trở. Đồng thời, người Công Giáo tìm mọi cách để tham gia vào nền văn hóa chung với tư cách là người Mỹ - thông qua nghĩa vụ quân sự, các cơ quan dân sự và công cộng cũng như làm việc trong kỹ nghệ.
Sự phân biệt đối xử tràn lan và tồi tệ, tuy nhiên người Công Giáo đã chiến đấu chống lại sự thù địch với tư cách là một thiểu số sáng tạo. Họ cầu nguyện, họ tưởng tượng, họ xây dựng, họ gắn kết với nhau, họ đối đầu với các đối thủ và họ làm từ thiện cho tất cả mọi người.
“Thiểu số sáng tạo” là thuật ngữ được đặt ra bởi nhà sử học người Anh Arnold Toynbee, người đã công nhận tầm nhìn tinh thần của một nhóm nhỏ có thể thổi sức sống mới vào một nền văn minh đang hấp hối. Hai mươi năm trước, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã rửa tội cho thuật ngữ này để nói lên một cách tiếp cận nhằm tái truyền giáo cho Châu Âu thế tục. Với tư cách là Giáo hoàng Benedict XVI, ngài đã xác định ba yêu cầu đối với người Công Giáo sống như một thiểu số sáng tạo: đối thoại với những người theo thuyết bất khả tri, giáo dục và bác ái.
Nói cách khác, sự thành công của một thiểu số Công Giáo sáng tạo ngày nay còn phụ thuộc vào việc bắt chước các việc làm của người Công Giáo Mỹ vào đầu thế kỷ XX, với những người theo thuyết bất khả tri ngày nay thay thế những người theo đạo Tin lành ngày hôm qua.
Lúc đó cũng như bây giờ, người Công Giáo Mỹ cảm thấy bất an trên mảnh đất họ yêu quý. Cân bằng giữa “cả/lẫn” (both/and) của việc duy trì một bản sắc Công Giáo mạnh mẽ với việc gắn kết với xã hội phi Công Giáo chưa bao giờ là một việc dễ dàng – sự rút lui vào bên trong hoặc sự đồng hóa hoàn toàn là những cám dỗ lâu năm.
Các người Công Giáo cá thể và các định chế của Giáo hội không phải lúc nào cũng đạt được sự cân bằng hợp lý, nhưng sự trỗi dậy của Công Giáo như một lực lượng sáng tạo – từ Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen trên truyền hình tới sự trỗi dậy của các trường học và đại học Công Giáo tới sự lan rộng của các bệnh viện Công Giáo và các tổ chức từ thiện trên khắp đất nước – làm phong phú thêm nền văn hóa Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà khi Giáo hội Hoa Kỳ sụp đổ sau Công đồng Vatican II, nền văn hóa Mỹ cũng sụp đổ theo đó.
Ngày nay, sau nhiều thập niên cằn cỗi, những hạt giống của mùa xuân Công Giáo đang lớn lên – phải thừa nhận là trên vùng đất cằn cỗi. Trong số một bộ phận nhỏ tín hữu, một bản sắc Công Giáo mạnh mẽ đang được xây dựng lại thông qua việc giáo dục tại nhà và các trường cổ điển, các trường cao đẳng trung thành, các học viện trực tuyến, các linh mục trẻ nhiệt thành và các phụng vụ đạo đức. Giáo hội Hoa Kỳ đã từng thành công về mặt văn hóa quá giấc mơ của những người tiên phong ở thế kỷ 19. Và với bản sắc riêng biệt được khôi phục, Giáo Hội ấy có thể phát triển trở lại với tư cách là một nhóm thiểu số sáng tạo cứu vãn nền văn hóa từ bên trong.
Nếu “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” có nghĩa là người Công Giáo không thể sống công khai tín ngưỡng tôn giáo và đạo đức của mình, hoặc có nghĩa các nguyên tắc Kitô giáo, trái ngược với các nguyên tắc thế tục, không thể hình thành luật pháp và chính sách, thì người Công Giáo phải chống lại sự cuồng tín này. Nhưng nếu “chủ nghĩa duy quốc gia Kitô giáo” có nghĩa là “sự tiếp quản chính phủ” như những người chỉ trích cáo buộc, thì người Công Giáo không quan tâm. Là những người lâu năm đứng ngoài chính phủ và quyền lực của Mỹ, người Công Giáo đã biết cách sống “việc” của mình ở Hoa Kỳ này.
Chúng ta trông cậy vào các bậc tiền bối Công Giáo Hoa Kỳ để tìm những tấm gương, nguồn cảm hứng và sự cầu thay.
_______________________________________________________________________________________________
(*) David G. Bonagura Jr. là giáo sư phụ trợ tại Chủng viện Thánh Giuse và là Thành viên của Hiệp hội Hồng Y Newman nhiệm kỳ 2023-2024 về Giáo dục Thánh Thể. Ông là tác giả cuốn sách Steadfast in Faith: Catholicism and the Challenges of Secularism [Kiên Định Trong Đức Tin: Đạo Công Giáo và Những Thách Thức Của Chủ Nghĩa Thế Tục] và cuốn Staying with the Catholic Church [Ở Lại Với Giáo Hội Công Giáo], đồng thời là dịch giả cuốn Jerome’s Tears: Letters to Friends in Mourning [Nước mắt của Jerome: Thư gửi bạn bè trong tang chế].