MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Chúa Nhật 4 Phục Sinh : Ga 10, 11-18

Suy niệm

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là Mục Tử của dân Ítraen, vì dân được tuyển chọn và là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa. Trong cuộc hành trình này, Thiên Chúa hướng dẫn, bảo vệ và nuôi dưỡng Dân Người. Mục tử và đoàn chiên trong Kinh Thánh là một hình ảnh nói lên một tương quan gần gũi, thân thiết, sống chết cho nhau, chứ không phải là một tương quan bày đàn mang tính sở hữu của người chủ. Từ đó, hình ảnh người mục tử được áp dụng cho những kẻ Thiên Chúa ủy nhiệm, để thi hành vai trò lãnh đạo dân Người, như Môsê, Đavít, các vua, các tư tế cũng như các thủ lãnh.

Tuy nhiên sau này, kinh nghiệm của Ítraen về các nhà lãnh đạo là một kinh nghiệm đáng buồn, vì gặp những mục tử vô trách nhiệm. Qua các ngôn sứ, Thiên Chúa đã khiển trách họ bằng những lời lẽ nặng nề, vì họ đã không chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn bóc lột đoàn chiên,“thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc”, làm cho chúng tán loạn và biến thành mồi ngon cho thú dữ. (Ed 34,2-5). Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa hứa sẽ gửi đến cho dân Người một mục tử chân chính, để điều khiển họ trong sự công chính và bình an (x. Ed 34; Gr 23,1-6).

Đức Giêsu đã đến và tự giới thiệu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên”. Như vậy lời Thiên Chúa hứa đã được hiện thực, vượt quá sự chờ đợi của con người, vì Ngài đến không chỉ cho dân Ítraen, mà còn cho toàn thể nhân loại. Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là cái chết cho mọi người và vì mọi người, như lời Ngài đã phán: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

Tiếp nối Đức Giêsu, Hội thánh đã sinh sản ra nhiều mục tử tốt lành. Tuy nhiên, vẫn không thiếu những linh mục và tu sĩ sống ích kỷ và tị hiềm nhỏ mọn; không thiếu những tranh chấp quyền hành và địa vị; không thiếu những người sống ù lì, hưởng thụ, mà còn chạy theo tiền bạc, đam mê, danh vọng... Có một số khá hơn thì lại rơi vào tình trạng “linh mục công chức”, làm việc theo khung giờ và cứng nhắc theo thủ tục, chứ không làm với trái tim. Đó là chưa nói tới Giáo Hội Việt Nam, không thiếu những linh mục sống như “ông vua con”, chễm chệ trong dinh cơ của mình, không còn khả năng “đi ra” để chăm sóc đoàn chiên.

Tại sao lại có những tình trạng như thế? Nói theo ngôn ngữ của cha Teilhard de Chardin, thì lửa tình yêu trong trái tim các ngài quá yếu, không đủ nóng và đủ mạnh để sưởi ấm cho đời. Ngày nay có nhiều người trẻ không muốn đi tu, có thể vì họ thấy nơi một số các linh mục và tu sĩ có một kiểu sống khô khan vị kỷ, không quảng đại và vui tươi hồn nhiên, không sống tình bạn hữu thân thương trong đời thường. Chỉ khi họ gặp được linh mục hay tu sĩ nào phản chiếu được sự rạng rỡ của tình yêu, tức khắc chạm đến trái tim họ, để lại một ấn tượng khó phai mờ, và nhờ đó gây nên một chuyển biến trong đời sống của họ.

Việc cầu nguyện cho ơn thiên triệu mời gọi tất cả mọi thành phần của Giáo Hội nhìn lại đời sống mình, để khám phá ra những bóng tối đang che mờ ánh sáng, những chai lì khô cứng đang làm nguội dần ngọn lửa mà Chúa đã thắp lên trong mình, cả những ươn lười và ham hố bên ngoài như những tảng băng làm tắt dần sức nóng... Cứ phải tạo lại cho mình nỗi khát khao sự sống mới; cứ phải nhóm lại ngọn lửa yêu thương trong lòng mình bằng đời sống kết hiệp với Chúa và phục vụ tha nhân mỗi ngày. Nhờ vậy, sự hiện diện của ta trở nên một dấu chỉ tốt lành, để hướng mọi người đến việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.

Cũng với ý nghĩa trên mà Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi lần thứ 61 này (21/4/2024) Đức Phanxicô mời gọi mọi người hãy gieo rắc niềm hy vọng và xây dựng hòa bình: “Chúng ta hãy thức dậy khỏi giấc ngủ, ra khỏi sự thờ ơ, mở những cánh cửa nhà tù mà đôi khi chúng ta tự nhốt mình lại, để mỗi người chúng ta có thể khám phá ra ơn gọi của mình trong Giáo hội và trong thế giới, để trở thành người hành hương hy vọng và là người kiến tạo hòa bình! Chúng ta hãy say mê sự sống và dấn thân vào việc chăm sóc yêu thương những người xung quanh chúng ta và môi trường chúng ta đang sống”.

Với lời kêu gọi trên, sứ điệp năm nay không chỉ nhằm ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhưng là của tất cả các ơn gọi, các bậc sống trong Giáo hội, bao gồm cả ơn gọi hôn nhân gia đình. Vì thế, Đức Thánh Cha cho thấy: “Ngày Thế giới Cầu nguyện cho các Ơn gọi mang dấu ấn của tính hiệp hành: có nhiều đặc sủng và chúng ta được mời gọi lắng nghe nhau và cùng nhau bước đi để khám phá chúng và để phân định điều gì Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta vì lợi ích của tất cả mọi người”.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành,
Chúa dẫn con đến đồng xanh suối mát,
đem bình an hạnh phúc cho xác hồn,
chẳng bao giờ chúng con sợ thiếu thốn,
nếu chúng con luôn nghe lời Chúa dạy,
và bước đi trên con đường Chúa dẫn.

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành,
Chúa đã hy sinh đời mình vì nhân thế,
không như kẻ chăn thuê chỉ yên bề,
không như bao đấng ngồi chễm chệ,
trên ngai tòa để cứu độ sinh linh.

Chúa đã chết cho con đời sống mới,
từ hôm nay và mãi tới muôn đời,
xin cho đoàn chúng con trong mọi lúc,
biết nhận ra ân phúc của đời mình,
để luôn sống trong ân tình của Chúa.

Trong kế hoạch yêu thương và cứu độ,
Chúa vẫn chọn một số trong chúng con,
để nên như mục tử giữa gian trần,
đại diện Chúa để phục vụ tha nhân.

Xin cho các bạn trẻ biết mở lòng,
nghe được tiếng Chúa đang vang vọng,
biết đáp lại tình Chúa vẫn khát mong,
đừng ham mê danh lợi ở đời này,
cũng chỉ là những ảo ảnh cuồng say,
như gió thoảng như mây bay phút chốc.

Xin cho con được một đời như Chúa,
biết hiến thân để phục vụ tha nhân,
biết hướng đến những người đang khốn khó,
biết chăm lo cho kẻ bị bỏ rơi,
để tình Chúa sáng lên trong cuộc đời,
chính là niềm vinh phúc mãi không ngơi. Amen