Lời kêu gọi gần đây nhất thể hiện sự tiếp nối với những người tiền nhiệm của ngài, đặc biệt là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người tỏ ra kín đáo trong việc bày tỏ sự cảm thông của mình đối với chính nghĩa của người Palestine.



Matthew Santucci (*), trên CNA, ngày 15 tháng 4 năm 2024, tường trình như trên.

Theo ông, khi cuộc chiến ở Gaza đã trôi qua mốc sáu tháng mà không có dấu hiệu giảm bớt trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông ngày càng leo thang, Đức Phanxicô tiếp tục đứng ở vị trí trung tâm trong việc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và lên án sự tàn sát của cuộc xung đột, được cho là đã để hơn 33,000 thường dân Palestine thiệt mạng.

Vào Chúa Nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã đề cập đến vụ tấn công tên lửa của Iran vào hôm thứ Bảy nhằm vào Israel.

“Tôi theo dõi trong lời cầu nguyện và với sự quan tâm, thậm chí đau đớn, những tin tức đến trong vài giờ qua về tình hình ngày càng tồi tệ ở Israel do sự can thiệp của Iran”, Đức Thánh Cha nói.

“Tôi chân thành kêu gọi ngăn chặn bất ứ hành động nào có thể gây ra vòng xoáy bạo lực với nguy cơ kéo Trung Đông vào một cuộc xung đột chiến tranh thậm chí còn lớn hơn. Không ai được đe dọa sự hiện hữu của người khác”, ngai nói thêm.

Vào tối thứ Bảy, Iran đã phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa vào các mục tiêu quân sự ở Israel để trả đũa cuộc tấn công của Israel vào Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria vào ngày 1 tháng 4, khiến 7 người thiệt mạng.

Vào Chúa nhật, Đức Phanxicô cũng đã nhắc lại lời kêu gọi hòa bình khi cuộc chiến Israel-Hamas tiếp tục không suy giảm, đồng thời kêu gọi “người Israel và người Palestine sống ở hai nhà nước, cạnh nhau, trong an ninh; đó là mong muốn sâu sắc và chính đáng của họ, và đó là quyền của họ.”

Trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 3 tháng 4, Đức Phanxicô đã bày tỏ “sự hối tiếc sâu xa” về việc bảy nhân viên viện trợ nhân đạo thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel, một sự kiện đã nhận được sự lên án gần như hoàn cầu của cộng đồng quốc tế.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi công khai đầu tiên về việc ngừng bắn trong buổi đọc kinh Truyền tin ngày 29 tháng 10. Vài ngày sau, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia Ý RAI, Đức Giáo Hoàng đã nhắc lại mệnh lệnh đạo đức về một lệnh ngừng bắn. Nhưng Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng giải pháp hai nhà nước không chỉ là “giải pháp khôn ngoan”, mà còn là nền tảng quan trọng cho hòa bình lâu dài.

Quan điểm ngoại giao của Vatican đã phát triển qua nhiều năm, theo sau những diễn biến của một cuộc xung đột xuyên suốt các nền văn minh. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi kêu gọi giải pháp hai nhà nước, thể hiện sự tiếp nối với những vị tiền nhiệm của ngài, đặc biệt là Thánh Giáo hoàng Gioan Paholô II, người tỏ ra kín đáo trong việc bày tỏ sự cảm thông của mình đối với chính nghĩa của người Palestine. Gặp gỡ cựu lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat trong 10 dịp riêng biệt trong suốt triều giáo hoàng của mình, Đức Gioan Phaolô II đã chủ động hướng tới việc công nhận cuối cùng một nhà nước Palestine, đồng thời mở ra quan hệ song phương chính thức với nhà nước Israel.

Nguồn gốc của nền ngoại giao Vatican-Israel

Năm 1947, Vatican ra hiệu ủng hộ Nghị quyết 181 của Liên hiệp quốc, kế hoạch phân chia Palestine thành hai quốc gia riêng biệt và trao quy chế đặc biệt cho Giêrusalem như một corpus separatum (thực thể riêng biệt). Vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, sau khi chấm dứt “Quyền ủy trị của Anh” đối với Palestine và tuyên bố thành lập một nhà nước Do Thái độc lập, Chiến tranh Ả Rập-Israel lần thứ nhất nổ ra – những dư chấn của nó vẫn còn đọng lại cho đến ngày nay.

Giữa tình trạng hỗn loạn chính trị và bất ổn xã hội, Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong thông điệp In Multiplicibus Curis năm 1948, đã nhắc lại sự ủng hộ của Vatican đối với việc phân chia, viết rằng đây là “cơ hội để trao cho Giêrusalem và vùng ngoại ô của nó… một đặc tính quốc tế”. Một năm sau, ngài lặp lại lời kêu gọi này trong Redemptoris Nostri Cruciatus, kêu gọi một “địa vị pháp lý” cho Giêrusalem “và các khu vực xung quanh nó”.

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, vị giáo hoàng đầu tiên đến thăm Thánh địa, đã đưa lời kêu gọi này đi xa hơn.

Ngài nói trong thông điệp Giáng sinh năm 1975: “Ngay cả vì chúng ta nhận thức rõ về những thảm kịch cách đây không lâu đã buộc người Do Thái phải tìm kiếm một đồn trú an toàn và được bảo vệ trong một quốc gia có chủ quyền và độc lập của riêng họ, và vì chúng ta nhận thức được điều này, chúng ta muốn mời con cái của dân tộc này thừa nhận các quyền và nguyện vọng chính đáng của một dân tộc khác cũng đã phải chịu đau khổ trong một thời gian dài, đó là người dân Palestine.”

Thánh Gioan Phaolô II và Palestine

Mãi cho đến triều giáo hoàng của Giáo hoàng Gioan Phaolô II - đánh dấu một thời điểm then chốt trong quá trình quốc tế hóa ngôi vị giáo hoàng, với số lượng các quốc gia công nhận Tòa thánh tăng từ 85 lên 174 - thì mới có những mối quan hệ ngoại giao quan trọng ở Thánh địa.

Năm 1993, cùng năm Israel và PLO công nhận lẫn nhau, Tòa Thánh và Israel đã ký “Thỏa thuận Cơ bản”, một thỏa thuận liên quan đến việc phá hủy các nhà thờ, quyền hành hương, hoạt động của các trường Công Giáo, và điều gọi là “nguyên trạng”. Tiếp theo đó là việc khai trương Sứ thần Vatican tại Israel và Đại sứ quán Israel tại Rome vào ngày 19 tháng 1 năm 1994.

Phù hợp với các điều khoản của Thỏa thuận cơ bản, Ủy ban làm việc thường trực song phương đã được thành lập vào tháng 7 để hướng tới việc thực hiện “Thỏa thuận về tính cách pháp lý” trong thời gian ba năm, tập trung vào tình trạng pháp lý của Giáo hội và một số miễn trừ tài chính nhất định có tính định chế.

Marshall Breger, giáo sư luật tại Trường Luật Columbus của Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, nhận xét rằng thỏa thuận này có tầm quan trọng cơ bản “để bình thường hóa địa vị và tính cách pháp lý của Giáo Hội Công Giáo và các định chế của nó”, theo đó chúng sẽ “được dành cho tư thế hợp pháp theo luật pháp của Israel.” Mặc dù đã được Tòa thánh và Israel phê chuẩn vào năm 1997 nhưng nó vẫn chưa được Quốc hội do Thái thông qua thành luật nội địa của Israel và vẫn là một vấn đề nổi cộm.

Vatican đồng thời tổ chức các cuộc đàm phán với PLO. Ngày 26/10/1994, hai bên thiết lập quan hệ chính thức. Sau đó, vào năm 2000, Vatican đã ký “Thỏa thuận cơ bản” với PLO, nhằm đảm bảo các quyền của Giáo Hội Công Giáo tại một quốc gia Palestine trong tương lai.

Thỏa thuận cơ bản cũng kêu gọi một “giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel, nhằm hiện thực hóa các quyền và nguyện vọng hợp pháp quốc gia không thể chuyển nhượng của người dân Palestine” và “một giải pháp công bằng cho vấn đề Giêrusalem, dựa trên các nghị quyết quốc tế”. Chính phủ Israel phản ứng bằng cách bày tỏ “sự không hài lòng lớn”.

Đối với Vatican, đây là một bước quan trọng không chỉ trong việc tìm kiếm sự bảo vệ cho hoạt động và tài sản của giáo hội trên lãnh thổ Palestine “tương lai”, mà còn đặt nền tảng thực tế cho việc công nhận tư cách nhà nước của Palestine - diễn ra vào năm 2013, một năm sau cuộc bỏ phiếu tháng 11 năm 2012 bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc, nơi đã trao cho Palestine quy chế “Nhà nước quan sát viên phi thành viên”.

Ngoại giao dưới thời Đức Phanxicô

Bước cuối cùng của Vatican trong việc công nhận một nhà nước Palestine diễn ra vào năm 2015, với việc ký kết “Thỏa thuận Toàn diện” mang tính lịch sử. Hiệp định này liên quan đến “các khía cạnh thiết yếu của đời sống và hoạt động của Giáo Hội Công Giáo ở Palestine”, nhưng tuyên bố rõ ràng rằng “trái ngược” với thỏa thuận trước đó với PLO, nó được ký kết với nhà nước Palestine. Thỏa thuận năm 2015 cũng công nhận Palestine về đường biên giới trước năm 1967.

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher bộ trưởng quan hệ với các quốc gia của Tòa thánh, bày tỏ hy vọng rằng văn kiện này sẽ là “một sự kích thích để mang lại một kết thúc dứt khoát cho cuộc xung đột lâu dài giữa Israel và Palestine” và cho “một giải pháp hai nhà nước mà nhiều người mong muốn”.

Bộ Ngoại giao Israel phản ứng bằng cách bày tỏ “sự lấy làm tiếc”, đồng thời nói thêm: “Bước vội vàng này làm tổn hại đến triển vọng thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình và gây tổn hại đến nỗ lực quốc tế nhằm thuyết phục Chính quyền Palestine quay lại đàm phán trực tiếp với Israel”.

Thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 2 tháng 1 năm 2016 và vào năm 2017, Đại sứ quán Palestine tại Tòa thánh đã chính thức khai trương, một sự kiện có sự tham dự của Mahmoud Abbas, Chủ tịch Palestine và Chính quyền Quốc gia Palestine, và Issa Kassissieh, người đã từng là đại sứ của Palestine tại Tòa thánh kể từ năm 2017.

Mặc dù việc Vatican công nhận nhà nước Palestine có thể không có bất cứ ý nghĩa nào theo luật pháp quốc tế, nhưng nó mang một sức nặng mang tính biểu tượng rất lớn, củng cố vai trò của Vatican (dù là thực tế hay tưởng tượng) với tư cách là một bên tham gia có giá trị và một bên liên quan chính trong một cuộc xung đột nội vùng, nơi có sự chồng chéo không thể tránh khỏi giữa tôn giáo và chính trị.

Vatican đã lặp lại rằng sự tham gia của họ dựa trên các nhu cầu về mục vụ hoặc tâm linh, chứ không phải trên các yêu sách tạm thời, một điểm được nêu rõ trong Điều 11 của Thỏa thuận Cơ bản và được củng cố bởi tài liệu năm 1996 của Bộ Ngoại giao về Giêrusalem, vốn lưu ý rằng dù Tòa thánh sẽ “không tham gia vào các vấn đề lãnh thổ khi có liên quan đến các khía cạnh kỹ thuật nghiêm ngặt”, tuy nhiên, nó vẫn duy trì quyền “bày tỏ phán đoán đạo đức về tình hình”.

Nhưng nó tiếp tục bày tỏ rằng “các khía cạnh lãnh thổ và tôn giáo của vấn đề” “có liên quan qua lại với nhau” chứ không phải là các vấn đề biệt lập.

Ở đây ẩn chứa một trong những nghịch lý trong chính sách ngoại giao của Đức Giáo Hoàng: Ngài có hai năng quyền vừa là nhà lãnh đạo tinh thần (người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo) vừa là nhà lãnh đạo chính trị (chủ quyền của Thị quốc Vatican). Tính hai mặt này cho phép ngài (và nói rộng ra là đoàn ngoại giao của Vatican), hoạt động cả ở bình diện định chế với các quốc gia khác và ở bình diện cơ sở, bằng cách duy trì liên lạc trực tiếp với người dân Công Giáo địa phương.

John Rees, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Notre Dame Australia, đã suy tư về “Nghịch lý Phanxicô”, nhận xét rằng một mặt nghị trình của ngài “thể hiện sự khác biệt tôn giáo đối với các chuẩn mực và lợi ích thế tục,” nhưng “chính nghị trình này đã thu hút sự tham gia của công chúng thế tục và các nhà hoạch định chính sách ở một mức độ đáng ngạc nhiên.”

Đức Giáo Hoàng, nhờ chức vụ đại diện cho một Giáo hội xuyên quốc gia, vốn nắm giữ thẩm quyền đạo đức và “quyền lực mềm” chính trị được công nhận rộng rãi, đã tự định vị mình là người đối thoại và hòa giải chính trong các cuộc xung đột hoàn cầu.

Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas bùng nổ vào ngày 7 tháng 10, Vatican đã vướng vào cuộc xung đột khoa trương của chính mình với Israel, để lộ những vết thương sâu xa hơn, một số cũ, một số mới, có khả năng làm phức tạp quan điểm này.

Tháng 11 năm ngoái, Đức Phanxicô đã nói chuyện với Tổng thống Israel Isaac Herzog trong một cuộc điện thoại không được tiết lộ, trong đó Đức Giáo Hoàng được cho là đã nhận xét rằng “cấm đáp trả khủng bố bằng khủng bố” - một lời khiển trách rõ ràng về chiến thuật hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Dải Gaza.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 2023, hai phụ nữ đã bị giết bên ngoài giáo xứ Holy Family— Nhà thờ Công Giáo duy nhất ở Dải Gaza — bởi một tay súng bắn tỉa của Israel. Ngày hôm sau, trong giờ đọc kinh Truyền Tin Chúa Nhật, Đức Phanxicô đã cân nhắc về vụ việc, coi đó là một hành động “khủng bố”.

Sau đó, vào tháng 2, Đức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh của Vatican, đã bị chính phủ Israel chỉ trích. Nói chuyện với các nhà báo ở Rome, Đức Hồng Y Parolin nhắc lại quan điểm của Tòa Thánh rằng Israel có quyền tự vệ, nhưng ngài nói thêm rằng việc bảo vệ này được quy định dựa trên nguyên tắc cân xứng, “và chắc chắn với 30,000 người chết thì không phải vậy”.

Đại sứ quán Israel tại Tòa thánh đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt đối với những nhận xét của Đức Hồng Y, gọi chúng là “đáng trách”, một thuật ngữ mà đại sứ quán sau đó đã rút lại, nói rằng việc sử dụng từ này là do lỗi dịch thuật.

Trong bối cảnh xuất hiện một trật tự thế giới đa cực, đánh giá của Đức Phanxicô về các vấn đề thế giới được đặc trưng bởi chủ nghĩa hiện thực ngoại giao, kêu gọi đối thoại đa phương lớn hơn và tôn trọng luật pháp, những điểm được nêu rõ trong Tông huấn Laudate Deum năm 2023 của ngài.

Và có lẽ không có cuộc xung đột nào khác tượng trưng cho sự cấp thiết của đối thoại, sự tôn trọng thế cân bằng sắc tộc và tôn giáo, cũng như tầm quan trọng của việc phát triển các cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý để bảo vệ các quyền cơ bản của con người hơn cuộc chiến hiện nay ở Gaza – và Đức Phanxicô đã định vị chính mình với tư cách là người đối thoại chính.

Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn không khoan nhượng, duy trì sự phản đối đối với giải pháp hai nhà nước với lý do an ninh quốc gia, bác bỏ những lời kêu gọi từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, những người nói rằng “việc từ chối quyền trở thành nhà nước đối với người dân Palestine” là “không thể chấp nhận được”.

Cho đến nay, không có kết quả cụ thể nào từ những lời cầu bầu hàng tuần của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, kể từ lần đầu tiên kêu gọi ngừng bắn và đổi mới lời kêu gọi giải pháp hai nhà nước, vốn đã thu hút được sự chú ý tại Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng đang chứng minh rằng Vatican vẫn sử dụng quyền lực mềm xuyên quốc gia có ý nghĩa và có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo các sự kiện hoàn cầu cho dù chỉ là ngôn từ hoa mỹ.
_____________________________________________________________________________________
(*) Matthew Santucci là phóng viên của CNA tại Rome làm việc tại Văn phòng Vatican của EWTN News.