1. Bình luận về Ukraine của Đức Thánh Cha Phanxicô gây ra phản ứng dữ dội
Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “Pope Francis' Ukraine Comments Spark Furious Backlash”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đề nghị Ukraine nên có “sự can đảm cầm cờ trắng” trong cuộc chiến chống lại Nga đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích, khiến Vatican phải nhanh chóng làm rõ những bình luận từ lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo.
“Tôi nghĩ rằng người mạnh mẽ nhất là người nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng dũng cảm cầm cờ trắng và đàm phán,” Đức Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn được ghi hình vào tháng 2 với RSI, một đài truyền hình Thụy Sĩ. Một phần của cuộc phỏng vấn đã được công bố hôm thứ Bảy, và người phỏng vấn đã sử dụng thuật ngữ “cờ trắng” trong câu hỏi dành cho nhà lãnh đạo Công Giáo.
Kyiv đã nhiều lần tuyên bố sẽ không đàm phán với Mạc Tư Khoa và sẽ không chấp nhận Nga nắm giữ bất kỳ lãnh thổ nào được cộng đồng quốc tế công nhận là của Ukraine. Cuối tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara “sẵn sàng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà Nga cũng sẽ tham dự”, sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Theo các phương tiện truyền thông, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông “không thấy có chỗ cho Nga” trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Bình luận của Đức Phanxicô được đưa ra trong bối cảnh viện trợ từ Hoa Kỳ, nước ủng hộ lớn nhất của Kyiv, vẫn còn chao đảo, và Ukraine đang theo dõi chặt các bước tiến của Nga tại một số điểm dọc chiến tuyến.
Julia Davis, một nhà báo thường xuyên đưa tin về Nga và cuộc chiến ở Ukraine, viết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sao ngài không kêu gọi: 'Putin nên có can đảm để rút quân xâm lược khỏi Ukraine và từ bỏ các mục tiêu diệt chủng đế quốc của mình'“.
“Có vẻ kỳ lạ là Giáo hoàng không kêu gọi bảo vệ Ukraine, không lên án Nga là kẻ xâm lược đã giết chết hàng chục ngàn người, không thúc giục Putin dừng lại mà thay vào đó kêu gọi Ukraine giương cờ trắng. Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraine, cho biết.
“Thế còn việc Đức Giáo Hoàng sử dụng ảnh hưởng của mình để kêu gọi Putin rút lực lượng khỏi Ukraine thì sao?” một nhóm thành viên Quốc Hội của đảng Cộng hòa viết.
“Khi bạn thấy rằng mình bị đánh bại, rằng mọi việc không diễn ra tốt đẹp, thì cần phải có can đảm để đàm phán,” Đức Giáo Hoàng nói trong nhận xét từ cuộc phỏng vấn, được cơ quan thông tấn chính thức của Tòa Thánh dịch lại.
“Đàm phán không bao giờ là đầu hàng,” ngài nói sau đó trong cuộc phỏng vấn, không đề cập trực tiếp đến Ukraine. “Đó là sự can đảm để không đẩy một đất nước đến chỗ tự sát.”
Nhà lãnh đạo Vatican cho biết các cuộc đàm phán hòa bình cần được sự giúp đỡ của “các cường quốc quốc tế”.
Matteo Bruni, phát ngôn nhân của Vatican, cho biết hôm thứ Bảy rằng Đức Thánh Cha đang đề cập đến “ngưng bắn và đàm phán” khi ngài áp dụng thuật ngữ “cờ trắng” do người phỏng vấn đưa ra. Đức Phanxicô đã sử dụng hình ảnh lá cờ trắng “để biểu thị sự chấm dứt thù địch, một thỏa thuận ngừng bắn đạt được với lòng dũng cảm đàm phán,” Bruni nói.
Đức Thánh Cha đã liên tục thỉnh cầu hòa bình ở Ukraine và tự đề cử mình như một nhà hòa giải tiềm năng. Nhưng nhà lãnh đạo Công Giáo đã phải hứng chịu những lời chỉ trích từ những tiếng nói của Ukraine ở một số điểm kể từ khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm đất nước này vào tháng 2 năm 2022.
2. Tin chấn động của Reuters, Đức Thánh Cha nói Ukraine nên có ‘can đảm treo cờ trắng’ trong đàm phán
Philip Pullella, của Reuters, ngày 10 tháng 3 năm 2024, đưa tin gây chấn động: Đức Thánh Cha nói Ukraine nên có ‘can đảm treo cờ trắng’ trong đàm phán.
Quả thế, trong một cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đã nói rằng Ukraine nên có điều mà ngài gọi là lòng can đảm của “cờ trắng” và đàm phán chấm dứt chiến tranh với Nga sau cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa hai năm trước gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người.
Đức Phanxicô đã đưa ra nhận xét của mình trong một cuộc phỏng vấn được ghi hình vào tháng trước với đài truyền hình Thụy Sĩ RSI, ngay trước lời đề nghị mới nhất hôm thứ Sáu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Ukraine và Nga nhằm chấm dứt chiến tranh.
Erdogan đưa ra lời đề nghị mới sau cuộc gặp ở Istanbul với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Zelenskiy đã nói rằng dù muốn hòa bình nhưng ông sẽ không từ bỏ bất cứ lãnh thổ nào.
Kế hoạch hòa bình của chính nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi quân đội Nga rút khỏi toàn bộ Ukraine và khôi phục biên giới quốc gia. Điện Cẩm Linh đã bác bỏ việc tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình theo các điều khoản do Kyiv đặt ra.
Phát ngôn nhân của Zelenskiy đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về nhận xét của Đức Giáo Hoàng.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đã được hỏi về quan điểm của mình trong cuộc tranh luận giữa những người cho rằng Ukraine nên từ bỏ vì nước này không thể đẩy lùi các lực lượng Nga, và những người cho rằng làm như vậy sẽ hợp pháp hóa hành động của bên mạnh nhất. Người phỏng vấn đã sử dụng thuật ngữ “cờ trắng” trong câu hỏi.
“Đó là một cách giải thích, đó là sự thật,” Đức Phanxicô nói, theo bản ghi trước của cuộc phỏng vấn và một phần video được cung cấp cho Reuters hôm thứ Bảy. Nó sẽ được phát sóng vào ngày 20 tháng 3 như một phần của chương trình văn hóa mới.
“Nhưng tôi nghĩ rằng người mạnh nhất là người nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng dũng cảm cầm cờ trắng và đàm phán”, Đức Phanxicô nói và cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán nên diễn ra với sự giúp đỡ của các cường quốc quốc tế.
“Chữ thương lượng là một chữ can đảm. Khi bạn thấy mình bị đánh bại, mọi việc không diễn ra tốt đẹp, bạn phải có can đảm để thương lượng”, Đức Phanxicô nói.
Người ta tin rằng đây là lần đầu tiên Đức Phanxicô sử dụng những thuật ngữ như “cờ trắng” hay “kẻ bại trận” khi thảo luận về cuộc chiến Ukraine, mặc dù trước đây ngài đã từng nói về sự cần thiết phải đàm phán.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni cho biết Đức Giáo Hoàng đã sử dụng thuật ngữ “cờ trắng” mà người phỏng vấn nói và sử dụng nó “để biểu thị sự chấm dứt thù địch và một thỏa thuận ngừng bắn đạt được nhờ sự can đảm của các cuộc đàm phán”.
Năm ngoái, vị giáo hoàng 87 tuổi đã cử một đặc phái viên hòa bình, Đức Hồng Y người Ý Matteo Zuppi, đến Kyiv /ki-díp/, Mạc Tư Khoa và Washington để thăm dò các nhà lãnh đạo ở các quốc gia đó.
Đức Phanxicô nói về việc đàm phán: “Người ta có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng cuộc chiến sẽ kết thúc với bao nhiêu người chết? Người ta nên đàm phán kịp thời, tìm một quốc gia có thể làm trung gian hòa giải”, Đức Phanxicô nói, đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ trong số các quốc gia đã cung cấp.
Đức Phanxicô, người đã đưa ra hàng trăm lời kêu gọi cho điều mà ngài gọi là “Ukraine tử đạo”, nói: “Đừng xấu hổ khi đàm phán, trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn”. Khi được hỏi liệu ngài có sẵn sàng đứng trung gian hay không, Đức Phanxicô nói “Tôi có đây”.
Trong một phần khác của cuộc phỏng vấn, khi nói về cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Đức Phanxicô nói: “Thương lượng không bao giờ là đầu hàng”.
Tháng trước Zelenskiy nói rằng 31,000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược của Nga vào tháng 2 năm 2022 và hàng chục ngàn thường dân đã thiệt mạng tại các khu vực bị tạm chiếm của đất nước.
Hãng tin CNA, ngày 9 tháng 3 năm 2024, loan tin Tòa Thánh vừa lên tiếng minh xác lời phát biểu của Đức Phanxicô về việc Ukraine nên có can đảm treo ‘cờ trắng’ trong đàm phán chấm dứt cuộc chiến với Nga. Ngài có ý kêu gọi việc đàm phán, chứ không phải việc Ukraine đầu hàng.
3. Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Ukraine sau tuyên bố gây tranh cãi của Đức Giáo Hoàng
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã bình luận về nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng Ukraine nên có “can đảm treo cờ trắng” và sẵn sàng đàm phán với Nga. Ông cảnh báo không nên lặp lại những sai lầm trong quá khứ và kêu gọi hỗ trợ Ukraine và người dân Ukraine trong cuộc đấu tranh sinh tồn hiện nay.
“Người mạnh nhất là người, trong cuộc chiến giữa thiện và ác, đứng về phía thiện hơn là cố gắng đặt họ ngang hàng và gọi đó là “đàm phán”. Đồng thời, nhắc đến cờ trắng, chúng ta biết chiến lược này của Vatican từ nửa đầu thế kỷ 20. Tôi mong muốn các quốc gia tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ và ủng hộ Ukraine cũng như người dân nước này trong cuộc đấu tranh chính đáng cho cuộc sống của họ”, ông Kuleba nói.
Theo ông, Ukraine sẽ không treo cờ khác.
“Lá cờ của chúng tôi có màu vàng và xanh. Đây là lá cờ mà chúng ta sống, chết và chiến thắng. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương cao bất kỳ lá cờ nào khác”, Kuleba nói.
Ông bày tỏ hy vọng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có thể tìm được cơ hội đến thăm Ukraine.
“Chúng tôi cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã liên tục cầu nguyện cho hòa bình, và chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng sau hai năm chiến tranh tàn khốc ở trung tâm Âu Châu, Đức Giáo Hoàng sẽ tìm được cơ hội thực hiện chuyến tông du tới Ukraine để hỗ trợ hơn một triệu người Công Giáo Latinh Ukraine, hơn năm triệu người Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, tất cả các Kitô hữu và tất cả người Ukraine”, ông Kuleba nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thụy Sĩ RSI đã kêu gọi đàm phán về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Theo ông, “người mạnh mẽ nhất là người nhìn sự việc, nghĩ đến người dân và có dũng khí cầm cờ trắng mà đàm phán”.
Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, bình luận về nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc tìm kiếm hòa bình cho Ukraine, cho rằng các cuộc đàm phán không có nghĩa là Ukraine đầu hàng. Theo ông, Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả các bên “tạo điều kiện cho một giải pháp ngoại giao nhằm tìm kiếm một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng phản ứng với lời nói của Đức Giáo Hoàng và cho rằng để cân bằng, cũng nên khuyến khích Putin can đảm rút quân khỏi Ukraine, để hòa bình sẽ diễn ra ngay lập tức mà không cần đàm phán.
4. Tòa Thánh lên tiếng về việc Ukraine và Cờ trắng
Theo CNA, Vatican hôm thứ Bảy cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô không có ý gợi ý rằng Ukraine nên đầu hàng Nga khi ngài đề cập đến “sự can đảm của lá cờ trắng” trong một cuộc phỏng vấn truyền hình mới được công bố.
Phát ngôn nhân Vatican Matteo Bruni minh xác rằng thay vào đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi ngừng bắn và đàm phán. Tờ New York Times đưa tin: Bruni giải thích rằng Đức Giáo Hoàng lặp lại việc người phỏng vấn sử dụng thuật ngữ “cờ trắng”, một biểu tượng quốc tế của sự đầu hàng, đồng thời nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng vẫn hy vọng rằng có thể đạt được một giải pháp ngoại giao cho một “nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Đức Giáo Hoàng đã đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn được ghi hình vào tháng trước với đài truyền hình Thụy Sĩ RSI. Các phần của cuộc phỏng vấn đã được phát hành vào thứ bảy. Reuters cho biết cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng vào ngày 20/3.
“Tôi nghĩ rằng người mạnh mẽ nhất là người nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng can đảm treo cờ trắng và đàm phán,” Đức Phanxicô nói, theo bản dịch tiếng Anh những nhận xét của Đức Giáo Hoàng bằng tiếng Ý.
Ngài nói tiếp, “Chẳng hạn như ngày nay, trong cuộc chiến ở Ukraine, có rất nhiều người muốn trở thành người đứng trung gian, phải không? Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn. Đừng xấu hổ khi đàm phán trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.”
Ngày 8/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đề nghị tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Ukraine và Nga để chấm dứt chiến tranh.
Đức Phanxicô nói trong cuộc phỏng vấn với RSI rằng “chữ ‘thương lượng’ là một chữ can đảm.”
Ngài nói: “Khi bạn thấy mình bị đánh bại, mọi việc không diễn ra tốt đẹp, bạn phải có can đảm để đàm phán. Đàm phán không bao giờ là đầu hàng.”
Đức Giáo Hoàng cũng lặp lại lời đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai nước.
Trong những tháng gần đây, Nga đã giành được ưu thế trên thực địa khi Ukraine cạn kiệt đạn dược và nhân lực và nỗ lực giành thêm viện trợ quân sự từ Mỹ đã bị đình trệ tại Quốc hội.
5. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật
Chúa Nhật 10 Tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Vào Chúa nhật thứ tư Mùa Chay này, Tin Mừng trình bày cho chúng ta hình ảnh Nicôđêmô (x. Ga 3,14-21), một người Pharisêu, “một người cai trị dân Do Thái” (Ga 3,1). Ông đã nhìn thấy những dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, ông nhận ra nơi Ngài là Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến, và ông đến gặp Ngài vào ban đêm, để không bị nhìn thấy. Chúa chào đón ông, trò chuyện với ông và mạc khải cho ông rằng Người đến không phải để kết án nhưng để cứu thế gian (x. câu 17). Chúng ta hãy dừng lại để suy ngẫm về điều này: Chúa Giêsu đến không phải để kết án nhưng để cứu độ. Điều này thật đẹp!
Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy Chúa Kitô tiết lộ ý định của những người Ngài gặp, đôi khi vạch trần những thái độ sai trái của họ, chẳng hạn như với những người Pharisêu (x. Mt 23:27-32), hoặc khiến họ suy ngẫm về tình trạng vô trật tự trong cuộc sống của họ, như trường hợp người phụ nữ Samaritanô (x. Ga 4,5-42). Không có bí mật nào trước mặt Ngài: Ngài đọc trong trái tim họ. Khả năng này có thể đáng lo ngại vì nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây hại cho con người, khiến họ phải chịu những phán xét tàn nhẫn. Thật vậy, không ai là hoàn hảo: tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi, tất cả chúng ta đều phạm sai lầm, và nếu Chúa dùng sự hiểu biết của Ngài về những nhược điểm của chúng ta để lên án chúng ta thì không ai có thể được cứu.
Nhưng điều đó không đúng. Thật vậy, Ngài không cần tận dụng những nhược điểm của chúng ta để chỉ tay vào chúng ta, nhưng để ôm lấy cuộc sống của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cứu chúng ta. Chúa Giêsu không quan tâm đến việc xét xử hay phán xét chúng ta; Ngài muốn không ai trong chúng ta ra hư mất. Cái nhìn của Chúa đối với mỗi người chúng ta không phải là một ngọn hải đăng chói sáng làm chúng ta choáng váng và khiến chúng ta gặp khó khăn, mà là ánh sáng dịu dàng của ngọn đèn thân thiện, giúp chúng ta nhìn thấy điều tốt trong mình và nhận thức được điều ác để chúng ta có thể hoán cải và được chữa lành nhờ sự hỗ trợ của ân sủng Ngài.
Chúa Giêsu đến không phải để kết án nhưng để cứu thế gian. Hãy nghĩ đến chúng ta, những người thường xuyên lên án người khác; nhiều khi chúng ta thích nói xấu, thích vạch lá tìm sâu nơi người khác. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho tất cả chúng ta ánh mắt thương xót này để nhìn người khác như Chúa nhìn chúng ta.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta cầu chúc điều tốt lành cho nhau.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:
Anh chị em thân mến!
Hai ngày trước, Ngày Quốc tế Phụ nữ đã được tổ chức. Tôi muốn bày tỏ một suy nghĩ và bày tỏ sự gần gũi của tôi với tất cả phụ nữ, đặc biệt những người mà phẩm giá không được tôn trọng. Vẫn còn rất nhiều việc mà mỗi người chúng ta phải làm để phẩm giá bình đẳng của phụ nữ được công nhận một cách thực sự. Các tổ chức, xã hội và chính trị, có nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ và phát huy phẩm giá của mỗi con người, mang lại cho phụ nữ, những người mang sự sống, những điều kiện cần thiết để có thể đón nhận món quà sự sống và bảo đảm cho con cái họ một cuộc sống xứng đáng.
Tôi quan tâm và đau buồn theo dõi cuộc khủng hoảng trầm trọng đang xảy ra ở Haiti và những tình tiết bạo lực xảy ra trong những ngày gần đây. Tôi gần gũi với Giáo hội và người dân Haiti thân yêu, những người đã phải chịu nhiều đau khổ trong nhiều năm. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, để mọi hình thức bạo lực có thể chấm dứt, và để mọi người có thể cống hiến sự đóng góp của mình cho sự phát triển hòa bình và hòa giải trong nước, với sự hỗ trợ mới mẻ của cộng đồng quốc tế.
Tối nay, anh chị em Hồi giáo của chúng ta sẽ bắt đầu tháng Ramadan: Tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với tất cả họ.
Tôi chào tất cả anh chị em đến từ Rôma, từ Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, tôi chào các sinh viên của trường Irabia-Izaga College ở Pamplona, và những người hành hương đến từ Madrid, Murcia, Malaga và Saint Mary's Plainfield, New Jersey.
Tôi chào các bạn trẻ chuẩn bị Rước lễ lần đầu và Thêm sức từ giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe và Thánh Philip Tử Đạo ở Rôma, các tín hữu ở Reggio Calabria, Quartu Sant'Elena và Castellamonte.
Tôi trìu mến chào đón cộng đồng Công Giáo Cộng hòa Dân chủ Congo tại Rôma. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở đất nước này, cũng như ở Ukraine đang bị đau khổ và ở Thánh Địa. Cầu mong những sự thù địch gây ra đau khổ to lớn cho dân thường sẽ chấm dứt càng sớm càng tốt.
Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.