Elise Ann Allen của Crux, ngày 7 tháng 3 năm 2024, tường trình rằng khi thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, các phụ nữ Công Giáo trên khắp thế giới ca ngợi những bước tiến gần đây đã được thực hiện, nhưng kêu gọi còn nhiều việc phải làm để tạo không gian cho họ ở những chức vụ quan trọng trong Giáo hội.
Họ cũng kêu gọi xem xét lại “nền thần học về tính bổ sung” của Giáo hội – quan điểm cho rằng đàn ông và phụ nữ có vai trò và trách nhiệm khác nhau nhưng bổ sung cho nhau trong hôn nhân, đời sống gia đình và lãnh đạo tôn giáo.
Khái niệm bổ sung từ lâu đã được sử dụng để bảo vệ lệnh cấm lâu dài của Giáo Hội Công Giáo đối với các nữ linh mục, với việc Giáo hoàng Gioan Phaolô II thường xuyên viện dẫn tính bổ sung là lý do tại sao chức linh mục thụ phong lại phù hợp hơn với các năng khiếu và tài năng của nam giới.
Trong một phiên thảo luận ngày 6 tháng 3 trước Ngày Quốc tế Phụ nữ, các nhà lãnh đạo và thần học nữ Công Giáo đã kêu gọi xem xét lại tính bổ sung, nói rằng mặc dù có giá trị nhưng một số cách giải thích đã tạo ra sự chia rẽ giữa những gì được coi là nam tính và nữ tính.
Hội thảo có tựa đề “Các nhà lãnh đạo nữ: Hướng tới một tương lai tươi sáng hơn” và được tổ chức bởi Caritas Quốc tế và Đại sứ quán Anh và Úc tại Tòa thánh.
Phát biểu tại hội thảo, Christiane Murray, phó giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, cho biết phụ nữ mang đến một quan điểm “mới mẻ và đổi mới” cho Vatican, nhưng cũng than thở rằng khi một phụ nữ được bổ nhiệm vào vai trò lãnh đạo trong giáo triều, họ được định nghĩa như một người nắm giữ quyền lực, trong khi điều tương tự không được nói đến đối với những người đàn ông được bổ nhiệm vào cùng chức vụ.
“Dường như có một hào quang quyền lực,” bà nói và nhấn mạnh rằng công việc không phải về quyền lực mà là phục vụ.
Bà cũng phản đối những gì bà cho là định kiến về phái tính, nói rằng: “Theo truyền thống, những phẩm chất như duyên dáng, tế nhị, quan tâm, đồng cảm, những phẩm chất này luôn gắn liền với nữ tính”.
“Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là những đặc điểm này về bản chất không gắn liền với phái tính, mà chúng là những cấu trúc xã hội mà các cá nhân thuộc phái nam cũng có thể trải nghiệm và thể hiện,” bà nói thế và được cả phòng vỗ tay.
Tương tự như vậy, Tiến sĩ Maeve Heaney, một thành viên tận hiến của Verbum Dei và Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thần học Xavier tại Đại học Công Giáo Úc, cho biết vai trò lãnh đạo của phụ nữ là một vấn đề thần học và đặc biệt đề cập đến tính bổ sung.
Bà nói: “Một số nền nhân thần học yếu tính hóa quá đáng những gì đàn ông và đàn bà đem vào cuộc thảo luận theo những cách không giúp ích chi và không phản ảnh kinh nghiệm thực sự của con người,” bà nói thế và cho rằng những quan điểm nhân học này thường đề cập đến tính bổ sung giữa nam giới và nữ giới.
Mặc dù đúng, nhưng tính bổ sung đôi khi coi “sự đóng góp của phụ nữ, trong yếu tính, khác với sự đóng góp của nam giới, đặt tình yêu, linh đạo và dưỡng nuôi chống lại thẩm quyền, khả năng lãnh đạo và trí hiểu”.
Bà nói: “Tôi không cho rằng không có các khác biệt giữa nữ giới và nam giới, tôi chỉ yêu cầu chúng ta đừng cực đoan hóa hoặc yếu tính hóa chúng”.
Để đạt được mục tiêu này, bà đề cập đến các nguyên tắc Phêrô và Thánh Mẫu của linh mục và nhà thần học người Thụy Sĩ Hans Urs von Balthazar, những nguyên tắc thường được Đức Thánh Cha Phanxicô viện dẫn để minh họa tại sao phụ nữ có thể đóng một vai trò quan trọng hơn trong Giáo hội, ngay cả khi họ không được thụ phong.
Heaney trong bài thuyết trình của mình đã ca ngợi von Balthazar là “một thiên tài”, nhưng cho biết công việc của ngài “không có đủ sự kiểm tra và cân bằng”.
Bà nói: “Theo tôi, thần học bổ sung của ngài chưa đầy đủ vì nó nhấn mạnh quá mức đến tính chất nam tính của Chúa Giêsu và tính chất nữ tính của Giáo hội, trình bày phụ nữ như những người tiếp thu và thiêng liêng, đối trọng và đôi khi là câu trả lời cho bản chất trí thức và chủ động hơn của nam giới”.
Bà nói, bản thân tính bổ sung không phải là một vấn đề, đồng thời cho biết vấn đề, theo quan điểm của bà, là khi các vai trò phái tính “hoàn toàn” tương phản trong Giáo hội, “đặc biệt là khi những vai trò đó được xây dựng trên các vai trò quyền lực”.
Bà cũng kêu gọi xem xét lại thần học truyền chức của Giáo hội, nói rằng “Trong hình thức hiện tại, thần học về mục vụ thụ phong của chúng ta…liên kết việc ra quyết định trong mọi lĩnh vực với việc truyền chức, tuy nhiên trong phép rửa của chúng ta, tất cả chúng ta đều được dẫn nhập vào Chúa Kitô và được gọi là các nhà tiên tri, các linh mục và các vị vua.”
Bà nói, điều này có nghĩa là mọi người đều có một vai trò để thực hiện, đồng thời cho biết thừa tác vụ thụ phong là cần thiết, nhưng nó có thể thay đổi.
“Tôi không nói phụ nữ nên được phép, nhưng tôi cũng không nói họ không nên. Đó không phải là vấn đề mà tôi đang nhận diện,” Heaney nói thế, đồng thời cho rằng cần có một sự suy tư “mạnh mẽ” ở nhiều bình diện khác nhau “để tháo gỡ nút thắt giữa quản trị và quyền lực và chức linh mục thừa tác và do đó cho phép phụ nữ và những giáo dân khác” đóng vai trò trò lớn hơn trong việc ra quyết định.
Bà nói, tính bổ sung “xuất hiện vào thời điểm Giáo hội nói rằng phụ nữ không thể được thụ phong. Tôi không đề cập đến vấn đề đó nhưng tôi nghĩ họ đang tìm kiếm một cách để trân quí phụ nữ về mặt thần học trong khi nói rằng bạn không thể có quyền lực.”
Bà nói, điều cần phải xảy ra là suy nghĩ lại sâu sắc về thần học truyền chức.
Khi được hỏi về việc Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên nhắc đến các khái niệm Phêrô và Thánh Mẫu của von Balthazar, Heaney cho biết sự suy tư về chủ đề tính đồng nghị và sự lãnh đạo hợp tác chỉ mới bắt đầu, và “đôi khi chúng ta yêu cầu quá nhiều nơi một người, không nên chỉ yêu cầu Đức Giáo Hoàng, mà nên yêu cầu tất cả các nhà lãnh đạo.”
Bà nói, “Không phải mọi lời nói phát ra từ miệng của bất cứ vị giáo hoàng nào đều có tính chất huấn quyền. Tất cả chúng ta đều đã được đào tạo về mặt thần học, tất cả chúng ta đều cần cập nhật điều đó, ngay cả các giáo hoàng và giám mục”.
Nữ tu người Tây Ban Nha Linda Pocher, người đã đề cập đến vấn đề phụ nữ trong Giáo hội trong hai cuộc họp vừa qua của Hội đồng Hồng Y, cơ quan cố vấn hàng đầu của Đức Giáo Hoàng và có vẻ là cố vấn thân cận của Đức Giáo Hoàng về vấn đề phụ nữ, cũng nêu vấn đề với nguyên tắc Phêrô và Thánh Mẫu của von Balthazar.
Trong một thông điệp bằng văn bản gửi tới hội nghị, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cầu xin “ơn khôn ngoan của Thiên Chúa” cho hội nghị và dâng lời cầu nguyện để cuộc thảo luận sẽ “mang lại kết quả trong một cam kết lớn hơn bao giờ hết của tất cả mọi người, trong Giáo hội và trên toàn thế giới, để thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá bình đẳng và bổ sung cho nhau của phụ nữ và nam giới.”
Một đại sứ tham gia hội thảo hôm thứ Tư lưu ý rằng ngay cả ở cấp độ ngoại giao cũng có sự thiên vị về phái tính, nói rằng nam giới làm việc ngoại giao thường được giao phụ trách các lĩnh vực giải trừ quân bị và an ninh, trong khi phụ nữ được giao các vấn đề nhẹ nhàng hơn và các dự án xã hội.
Đại sứ Úc tại Tòa Thánh Chiara Porro than thở về tiêu chuẩn kép mà phụ nữ trong giới lãnh đạo phải đối đầu, cần phải nổi bật để đạt đến đỉnh cao, trong khi phải đối đầu với “sự thiên vị” để được tin tưởng và xem xét kỹ lưỡng cách họ thực hiện vai trò lãnh đạo.
Nữ tu Patricia Murray, Tổng thư ký Liên minh Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, đã nhấn mạnh vai trò của các nữ tu trong Giáo hội, thường ở những vùng ngoại vi và tuyến đầu trong các vấn đề như nghèo đói, nạn buôn người và di cư.
Trích lời người sáng lập dòng của mình, bà nói, “không có sự khác biệt nào giữa nam và nữ đến mức phụ nữ có thể không làm được những điều vĩ đại,” và ca ngợi nhiều cách mà theo bà tiếng nói của phụ nữ hiện đang được lắng nghe trong Giáo hội.
Bà đánh giá cao sự hiện diện ngày càng tăng của phụ nữ trong Thượng Hội đồng Giám mục về tính Đồng nghị đang diễn ra, vốn chứng kiến phụ nữ bỏ phiếu lần đầu tiên tại một cuộc họp mặt ở Rome vào năm ngoái.
Bà nói, các vấn đề như chức phó tế cho phụ nữ, khả năng thuyết giảng của phụ nữ và tiềm năng thành lập các thừa tác vụ khác đang được xem xét, bà nói: “đây không phải là một quá trình nhanh chóng, nó sẽ cần thời gian, thậm chí vượt ra ngoài phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng, và nó đòi hỏi sự lắng nghe Chúa Thánh Thần cách sâu sắc.”
Tương tự như vậy, Nữ tu Nathalie Becquart, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này, đã ca ngợi mục đích của Thượng hội đồng là làm cho Giáo hội “ít quan liêu hơn và mang tính quan hệ hơn”.
Bà nói, vai trò của phụ nữ và mong muốn tạo ra nhiều không gian hơn cho họ trong vai trò lãnh đạo là “dấu chỉ của thời đại”, đồng thời nói rằng “Giáo hội phải chú ý đến tiếng nói của phụ nữ đang tìm kiếm sự bình đẳng hơn”.
Bà nói: “Có một mong muốn lớn lao là được tham gia nhiều hơn vào đời sống của Giáo hội, đặc biệt là vào các quá trình đưa ra quyết định”, nhưng cũng cảnh cáo rằng khi nói đến điều này sẽ như thế nào, “Chúng ta không thể nói về 'người đàn bà’ trong Giáo hội, có rất nhiều phụ nữ trong Giáo hội với những trải nghiệm đa dạng.”
Bà cho biết kinh nghiệm của chính bà khi làm việc như một phụ nữ trong vai trò lãnh đạo ở Vatican là một mớ hỗn độn, và “Giáo hội giống như gia đình của chúng ta, một số người tốt hơn những người khác”.
Bà nói: “Tôi có một số kinh nghiệm hợp tác tốt khi làm việc với các Hồng Y và giám mục, và đôi khi với những người khác, điều đó thật khó khăn vì văn hóa, giáo dục và hậu cảnh”, nhưng gọi trải nghiệm này là một “cuộc phiêu lưu” và “rất phong phú”.
Phát biểu với Crux, Becquart đề cập tới những lo ngại cho rằng cuộc thảo luận về sự tham gia của phụ nữ vào vai trò lãnh đạo đã bị chi phối bởi quan điểm quá phương Tây, đồng thời cho rằng cám dỗ có đó, nhưng chính Thượng hội đồng đã lắng nghe tất cả mọi người.
Bà nói, “Tất cả các bản tổng hợp quốc gia của chúng ta từ khắp nơi trên thế giới đều nêu bật yêu cầu công nhận nhiều hơn vai trò của phụ nữ. Đã có lời kêu gọi mạnh mẽ từ khắp mọi nơi để có thêm nhiều phụ nữ lãnh đạo trong Giáo hội, để có nhiều phụ nữ tham gia hơn. Điều đó phổ biến ở khắp mọi nơi.”
Bà nói, nơi xảy ra sự khác biệt là ở chỗ sự tham gia của phụ nữ phải như thế nào.
Một số người “ủng hộ mạnh mẽ chức phó tế cho nữ. Nó không chỉ xảy ra ở các nước phương Tây, mà còn có thể ở những nơi khác, nhưng không phải ở khắp mọi nơi”, lưu ý rằng ở Hoa Kỳ, phụ nữ đã đảm nhận những vai trò quan trọng như chưởng ấn giáo phận và thừa tác viên giáo dân.
Bà nói, “Ở các quốc gia khác không có trải nghiệm giống hệt như thế, vì vậy… đối với những gì phải được quyết định ở bình diện phổ quát, bạn phải tính đến tất cả sự đa dạng này. Bạn phải công nhận, thừa nhận và tôn trọng văn hóa địa phương. Điều đó cũng rất quan trọng đối với người phương Tây, cả chúng tôi ở Châu Âu và Hoa Kỳ.”
Bà nhấn mạnh sự cần thiết của “tản quyền” trong một số vấn đề nhất định, nói rằng, “có những việc bạn sẽ làm ở một số nơi trên thế giới,” nhưng không phải ở những nơi khác, “vì vậy chúng ta có sự đa dạng đó”.
“Tôi nghĩ Thượng Hội đồng thực sự là một quá trình để lắng nghe nhiều hơn từ những tiếng nói đa dạng, đặc biệt từ các châu lục khác nhau. Giáo hội của chúng ta, giống như thế giới của chúng ta, là đa cực”, bà nói thế, đồng thời cho biết phụ nữ đã đóng một vai trò trong tất cả các lĩnh vực ưu tiên, cho dù đó là biến đổi khí hậu, di cư hay tìm kiếm hòa bình giữa xung đột.