Ed. Condon của tạp chí The Pillar đồng ý với đề nghị của nhà giáo sử nổi tiếng của Ý, Melloni, về đề nghị chỉ nên bỏ phiếu một lần một ngày tại mật nghị bầu giáo hoàng, thay vì bốn như hiện nay. Tác giả này trưng dẫn nhiều sự kiện lịch sử gần đây để bênh vực cho lập luận của mình:
Mật nghị, các cuộc họp biệt lập của Hồng Y đoàn bầu chọn giáo hoàng, đã duy trì bầu không khí bí mật và nghi lễ trong suốt nhiều thế kỷ.
Nhưng bất chấp tính liên tục vượt thời gian biểu kiến, các vị giáo hoàng kế tiếp đã thực hiện nhiều chắp vá cho luật lệ bầu giáo hoàng, giữ cho tiến trình được cập nhật và hy vọng sẽ phù hợp với mục đích khi Giáo hội chuyển dịch qua lịch sử.
Một số thay đổi này mang tính lịch sử, nhưng đôi khi gây tranh cãi sâu sắc. Những thay đổi khác thì tầm thường hơn, đến mức chúng không được ghi nhận là những tin tức quan trọng khi diễn ra.
Ở tuổi 87, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ lâu đã được kỳ vọng sẽ để lại dấu ấn của mình trong các đạo luật qui định việc bầu cử người kế vị.
Năm ngoái, luật sư nổi tiếng của ngài là Đức Hồng Y Gianfranco Ghirlanda thậm chí còn được biết là đang thực hiện một số thay đổi lớn lao cho diễn trình - thu hẹp đáng kể số lượng Hồng Y có thể tham dự ngay cả các cuộc họp công khai trước mật nghị - mặc dù sau đó ngài đã phủ nhận việc này.
Trong khi những kế hoạch đó dường như đã bị gác lại, một sử gia Giáo hội quan tâm đến các vấn đề của Vatican đã đề xuất một cuộc cải cách ít gây chấn động hơn: các Hồng Y trong mật nghị ít lần bỏ phiếu hơn trong một ngày.
Trong một bài tiểu luận dài được xuất bản hôm thứ Hai, Alberto Melloni đề nghị Đức Giáo Hoàng Phanxicô giảm số lần bỏ phiếu hàng ngày trong mật nghị từ bốn xuống chỉ còn một. Vị Giáo sư này gợi ý rằng điều này chắc chắn sẽ kéo dài thời gian cần thiết để chọn một giáo hoàng mới, nhưng trong môi trường hiện đại thì đó không phải là điều xấu.
Nhưng ít phiếu bầu hơn và mật nghị dài hơn thực sự sẽ tác động đến Giáo hội như thế nào?
Khi có tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu Đức Hồng Y Ghirlanda xem xét những thay đổi có thể có đối với Universi dominici gregis [Đoàn chiên phổ quát của Chúa], tông hiến quản lý các sự kiện xung quanh cái chết của một giáo hoàng và việc bầu cử người kế vị ngài, nó đã dẫn tới nhiều bình luận đáng kể.
Các đề xuất nhằm làm cho tiến trình lựa chọn một giáo hoàng tương lai trở nên “có tính đồng nghị” hơn bao gồm việc hạn chế sự tham dự của các Hồng Y tại các mật nghị chung đối với những vị đủ điều kiện tham gia cuộc bầu cử ở mật viện – những vị dưới 80 tuổi – như The Pillar đã xác nhận.
Các đề xuất khác, chưa được The Pillar xác nhận, bao gồm việc mời những giáo dân được chọn tham gia mật nghị.
Trong khi Ghirlanda nhấn mạnh rằng các báo cáo là “hoàn toàn sai”, một số nhà bình luận thân cận với Đức Giáo Hoàng đã bảo vệ các đề xuất và nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô đã nghiền ngẫm từ lâu những thay đổi được báo cáo bởi The Pillar, và bảo vệ chúng là hữu ích và hợp pháp.
Trong khi những lời phủ nhận của Đức Hồng Y Ghirlanda dường như báo hiệu rằng những cải cách triệt để hơn đã bị loại khỏi bàn đàm phán, thì người ta vẫn kỳ vọng rằng Đức Phanxicô sẽ thực hiện một số thay đổi trong quá trình lựa chọn người kế vị cuối cùng của mình. Và nếu các giáo hoàng trước đây có dấu hiệu nào thì kỳ vọng này có vẻ hợp lý.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tạo ra phương thức trong đó các Hồng Y bầu chọn giáo hoàng theo đa số đơn giản, thay vì 2/3 bắt buộc, nếu mật nghị không tìm được người kế vị Thánh Phêrô sau 33 vòng bỏ phiếu.
Sau đó, Đức Bênêđíctô XVI đã khôi phục lại đa số 2/3 cần thiết nhưng quy định rằng hai ứng viên hàng đầu sẽ qua lần bỏ phiếu vòng hai sau 33 lần bỏ phiếu.
Cả hai quy định và luật hiện hành đều bao gồm lịch trình bỏ phiếu thường xuyên hàng ngày cho mật nghị bầu cử (không tính ngày đầu tiên) gồm hai lần bỏ phiếu trong cả phiên họp buổi sáng và buổi chiều.
Mật nghị bầu Đức Gioan Phaolô II hoạt động theo luật trước đây của Romano Pontifici eligendo [bầu cử Giám mục Rôma], luật này cũng kêu gọi bỏ phiếu bốn lần mỗi ngày cho đến khi có kết quả hợp lệ được công bố, cho phép có nhiều ngày cầu nguyện, suy gẫm và thảo luận trong những khoảng thời gian đã định. Tuy nhiên, như Melloni lưu ý, những điều khoản như vậy đã chứng tỏ không còn cần thiết trong các mật nghị thế kỷ 21 vào những năm 2005 và 2013, cả hai đều chỉ kéo dài 24 giờ mỗi mật nghị.
Nói rõ các lập luận của riêng mình để ủng hộ việc chuyển sang hình thức bỏ phiếu mỗi ngày một lần, Melloni lập luận rằng các mật nghị gần đây cho thấy chúng mau chóng rơi vào xu hướng muốn đi theo ứng viên dẫn đầu sớm.
Nhà sử học lập luận rằng điều này có thể khiến mật nghị dễ bị ảnh hưởng từ bên ngoài hơn trong bối cảnh truyền thông hiện đại.
Trong khi ông dành nhiều thời gian để suy đoán lý do tại sao các tác nhân bên ngoài, bao gồm các nhóm gây áp lực của Giáo hội hoặc thậm chí các tác nhân nhà nước có thể muốn tác động đến kết quả của một cuộc bầu cử giáo hoàng, thì luận đề cơ bản của ông là: quan niệm xưa cũ cho rằng các ứng viên yêu thích “đi vào mật nghị như giáo hoàng thì trở ra vẫn là Hồng Y” không còn đúng nữa. Ngược lại, những ứng viên được ưa chuộng hoặc nổi tiếng rõ ràng với sự ủng hộ vững chắc trong các cuộc bỏ phiếu sớm rất có khả năng xuất hiện trên logga [nơi công bố tân giáo hoàng] trong thời gian ngắn.
Trong trường hợp đó, Melloni lập luận, phương tiện truyền thông - bao gồm cả mạng xã hội - có thể đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy hoặc loại bỏ các ứng viên trước khi các Hồng Y có thời gian thực sự để xem xét các lựa chọn của họ trong mật nghị.
Ông có thể có lý.
Mặc dù Đức Hồng Y Joseph Ratzinger không được bầu trong lần bỏ phiếu đầu tiên, bài phát biểu công nghị của ngài về chủ nghĩa duy tương đối luân lý, được đọc trong tư cách niên trưởng Hồng Y đoàn ngay trước mật nghị, được nhiều người coi là đã bảo đảm được vị thế dẫn đầu về sự đồng thuận trên các phương tiện truyền thông và thậm chí là chiếm được đa số đơn giản trong lần bỏ phiếu đầu tiên. Từ đó, ngài có thể nhanh chóng thu hút được đa số 2/3 trong tư cách ứng viên đồng thuận, trong khi một phần ba Hồng Y đoàn tập hợp xung quanh Đức Hồng Y Jorge Maria Bergolio.
Qua đến mật nghị năm 2013, người dẫn đầu trong cuộc bầu cử được nhiều người coi là Đức Hồng Y Angelo Scola, lúc đó là tổng giám mục của Milan, đến nỗi hội đồng giám mục Ý được biết một cách rộng rãi là đã soạn thảo một thông cáo công bố việc bầu ngài.
Tuy nhiên, ngay trước khi các đại cử tri Hồng Y bước vào mật nghị, Đức Hồng Y Scola bị giới truyền thông cho là có liên quan đến một vụ tai tiếng tương đối nhỏ, trên quy mô hoàn cầu, nhưng lại xảy ra vào một thời điểm quan trọng: các phương tiện truyền thông đưa tin rằng một chính trị gia người Ý trong khu vực đang bị điều tra về tội tham nhũng là một người bạn lâu năm của Đức Hồng Y Scola, và mối liên hệ của họ là qua phong trào Hiệp thông và Giải phóng.
Ngày mật nghị bắt đầu, cảnh sát đã tiến hành các cuộc đột kích vào rạng sáng các bệnh viện và văn phòng để điều tra một đường dây tham nhũng liên quan đến Roberto Formigon, bạn thời thơ ấu của Đức Hồng Y Scola và một lãnh đạo của Hiệp thông và Giải phóng.
Trong khi Đức Hồng Y Scola đã tránh xa phong trào giáo hội này vào năm trước, và câu chuyện nhanh chóng chìm vào quên lãng sau mật nghị, tên của ngài đã được nhắc đến trên các tờ báo liên quan đến vụ tai tiếng, ngay trước khi các Hồng Y được cách ly để bầu một giáo hoàng mới.
Đức Hồng Y Scola được kỳ vọng sẽ nhận được 50 phiếu bầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, nhưng các trình thuật sau đó nói rằng ngài chỉ nhận được nhiều nhất là 40 phiếu, những người khác nói rằng ít hơn 30 - và những phiếu ngài thua có thể là do viễn ảnh một vụ tai tiếng mà các Hồng Y nghĩ có thể diễn khởi ở bên ngoài mật nghị.
Đồng thời, người về nhì của mật nghị trước đó, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, cũng bước vào Nhà nguyện Sistine với một nhóm ủng hộ tận tình, bao gồm Đức Hồng Y người Bỉ Godfried Daneels và Đức Hồng Y Walter Kasper người Đức, cũng như các vị Hồng Y đã nghỉ hưu nhưng có ảnh hưởng lớn khác, những người đã ủng hộ tư cách ứng viên của ngài tại các mật nghị trước, bao gồm Hồng Y Cormac Murphy O'Conner của Westminster và sau đó, Theodore McCarrick thất sủng.
Theo lập luận của Melloni, tác động mặc nhiên của một câu chuyện “không có thực chất” [nothingburger] của truyền thông được đưa ra đúng thời điểm đối với vị trí được cho là dẫn đầu ban đầu của Đức Hồng Y Scola và tâm lý đám đông tập hợp lại đằng sau ứng viên được ủng hộ tốt nhất tiếp theo, theo lập luận của Melloni, càng trở nên trầm trọng hơn bởi bản chất ngày càng đa dạng của Hồng Y đoàn.
Khi Hồng Y đoàn ngày càng trở nên đa dạng về mặt địa lý và mang tính đại diện nhiều hơn cho Giáo hội hoàn cầu trong diễn trình này, thì các thành viên của nó cũng trở nên ít quen thuộc với nhau hơn. Xu hướng đó đã tăng tốc dưới thời Đức Phanxicô, trong triều đại giáo hoàng của ngài, các mật nghị thông thường của Hồng Y đoàn ở Rome cũng trở nên ít thường xuyên hơn.
Nếu các Hồng Y ít biết nhau hơn lại dễ bị đi theo đám đông hơn, thì điều dễ hiểu là nhóm này sẽ dễ bị ảnh hưởng bên ngoài hơn, hời hợt hơn, bao gồm cả các phương tiện truyền thông, và thậm chí cả các báo cáo hay tin đồn không có căn cứ được đưa ra vào thời điểm thích hợp.
Đề xuất của Melloni cho rằng Đức Phanxicô chỉ nên cho phép các mật nghị bầu cử trong tương lai bỏ phiếu một lần một ngày, ngược lại, có thể kìm hãm bất kỳ ứng viên thắng nhanh chóng nào có được đà và được bầu ngay lập tức.
Giả sử, chỉ để tranh luận thôi, một ứng cử viên như Đức Hồng Y Ratzinger nổi lên từ cuộc bỏ phiếu đầu tiên với đa số đơn giản nhưng không phải là 2/3, thì chỉ cần tối thiểu một ngày, chứ không hai hoặc ba ngày, để các Hồng Y cân nhắc sự lựa chọn và xem xét các phương thức khác của họ.
Và, trong trường hợp xảy ra một kiểu Scola khác, một diễn trình bỏ phiếu kéo dài có thể tạo không gian cho các Hồng Y thảo luận, và khi thích hợp sẽ loại bỏ bất cứ câu chuyện truyền thông mới nào có ý đề cập đến sự phù hợp của các ứng viên.
Tuy nhiên, hơn thế nữa, việc làm chậm mật nghị để nó, một lần nữa, trở thành một cuộc thảo luận kéo dài ít nhất vài ngày thay vì vài giờ cũng sẽ tạo không gian cho các ứng viên xuất hiện không được báo trước, được xem xét và thậm chí được bầu - như trường hợp của Đức Hồng Y Karol Wojtyła người Ba Lan, người chỉ được xem xét sau sự bế tắc giữa những người dẫn đầu người Ý, các Đức Hồng Y Siri và Benelli.
Không ai hy vọng sự trở lại của các mật nghị thời trung cổ kéo dài hàng tháng.
Nhưng ngày càng có vẻ như các Hồng Y không mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định quan trọng nhất trong đời sống của Giáo hội. Trong hoàn cảnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy mật nghị bị thao túng, trong đó các bên quan tâm đưa ra trước một câu chuyện có khả năng mang tính quyết định.
Và kịch bản đó trái ngược với sự phân định cầu nguyện mà mật nghị nhằm tạo ra.