1. Các vị lãnh đạo Kitô Ấn Độ chống luật vi phạm tự do tôn giáo

Các vị lãnh đạo thuộc diễn đàn Kitô ở bang Assam miền đông bắc Ấn Độ phê bình đạo luật vi phạm tự do tôn giáo mới được chính quyền bang này ban hành, với chủ trương gọi là “chống những người chữa trị huyền bí”.

Đạo luật này do Thủ tướng Himanta Biswa Sarma của bang Assam cổ võ và đã được phê chuẩn hôm mùng 10 tháng Hai vừa qua, nhắm ngăn chặn việc truyền đạo và những việc thực hành liên hệ với tín ngưỡng để chữa bệnh. Luật phạt tù và phạt tiền những người thực hành việc chữa bệnh nhắm hoán cải dân bộ lạc, như Thủ tướng Sarma tuyên bố. Ông cũng nói rằng luật nhắm duy trì tình trạng hiện nay về sự quân bình tín ngưỡng: có nghĩa là người Hồi giáo tiếp tục là Hồi giáo, Kitô hữu tiếp tục là tín hữu Kitô, người Ấn giáo tiếp tục là tín hữu đạo này. Mục đích của luật là ngăn chặn việc truyền đạo tại bang này.

Trong thông cáo, Đức Cha John Moolachera, Tổng giám mục Công Giáo của Giáo phận Guwahati, Chủ tịch Diễn đàn Kitô bang Assam, và Mục sư Chowaram Daimari Tổng thư ký cùng với vị phát ngôn của diễn đàn, phê bình rằng những người chủ trương đạo luật có những ý tưởng sai lầm về việc thực hành và phương pháp chữa trị; vai trò của tín ngưỡng và kinh nguyện trong việc đương đầu với bệnh tật; sự tôn trọng những khác biệt giữa các tôn giáo.

Đức Tổng Giám Mục và các chức sắc khác cũng phê bình việc Thủ tướng Biswa Sarma đặt một sự song song giữa việc chữa bệnh huyền nhiệm và truyền đạo. Trước tiên, có nhiều bệnh xá và nhà thương được công nhận và hoạt động trong lãnh vực y khoa, cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho các bệnh nhân. Hoạt động của các cơ sở này không phải là truyền đạo hoặc chiêu dụ tín hữu, nhưng là một lời đáp trả cảm thương đối với đau khổ của con người, bất phân biệt tín ngưỡng của người bệnh.

Ngoài ra, tín ngưỡng và lời cầu nguyện cũng giữ một vai trò trong việc chữa trị, cầu khẩn ơn chữa lành, chứ không liên hệ gì tới ma thuật. Đây là chiều kích thiêng liêng của đức tin và cuộc sống. Tiếp đến, cần tôn trọng sự khác biệt giữa các tôn giáo và việc cầu khẩn phúc lành của Thiên Chúa, của Đấng Tối Cao, là điều vẫn được thực hành tại các Đền thờ, hoặc trong các thánh đường”.

Sau cùng, các vị lãnh đạo Kitô bày tỏ lo âu trước những đe dọa đối với các tổ chức giáo dục, những yêu cầu của các thành phần Ấn giáo cực đoan đòi các trường học Kitô phải tháo gỡ các biểu tượng Kitô, hoặc một số thành phần đòi du nhập việc thờ phượng Ấn giáo trong các trường Kitô.

2. Đức Thánh Cha và Giáo triều Roma tĩnh tâm Mùa chay

Từ chiều Chúa nhật, ngày 18 tháng Hai này đến trưa thứ Sáu, ngày 23 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị lãnh đạo tại Giáo triều Roma bắt đầu ngưng các hoạt động để tĩnh tâm Mùa chay.

Đây là lần thứ 5, cuộc tĩnh tâm chung của giáo triều được thay thế bằng cuộc tĩnh tâm riêng.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong thời gian vừa nói, “Đức Thánh Cha mời gọi các cộng tác viên thân cận của ngài sống những ngày ngưng các hoạt động riêng để đặc biệt dành thời giờ cầu nguyện và hồi niệm.”

Lời mời này được gửi đến các Hồng Y thường trú ở Roma, các vị thủ lãnh và bề trên của các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Trong tuần lễ này, các hoạt động của Đức Thánh Cha đều ngưng lại, kể cả buổi Tiếp kiến chung sáng ngày thứ Tư, 21 tháng Hai.

Truyền thống tĩnh tâm của Giáo triều Roma có từ thời Đức Giáo Hoàng Piô XI và thực hiện lần đầu tiên vào Mùa vọng năm 1925. Năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI chuyển sang tuần lễ đầu tiên của Mùa chay, và diễn ra tại Vatican dưới sự linh hoạt của một vị giảng thuyết, mỗi ngày có ba bài suy niệm.

Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, bắt đầu từ Mùa chay năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định cùng với giáo triều đi tĩnh tâm chung tại Nhà Thầy Chí Thánh (Casa Divin Maestro) ở thị trấn Ariccia, do tu đoàn thánh Phaolô đảm trách, cách Roma khoảng 30 cây số về phía nam Roma. Đây là một khu vực biệt lập, có 12 hécta rừng cây bao quanh, chỉ đón nhận những người đến tĩnh tâm và không đón nhận khách du lịch, theo ý muốn của chân phước Giacomo Alberione.

Năm 2020, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha không tĩnh tâm chung vì bị cảm nhẹ. Năm 2021 và 2022, cuộc tĩnh tâm được tiến hành riêng vì đại dịch Covid-19. Năm ngoái, cuộc tĩnh tâm của giáo triều cũng được làm riêng từ chiều Chúa nhật, ngày 26 tháng Hai đến chiều thứ Sáu, ngày 03 tháng Ba năm 2023.

Trong suốt Mùa Chay, Giáo triều Rôma cũng tham dự một sinh hoạt khác là nghe Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa chia sẻ tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục vào mỗi sáng Thứ Sáu.

3. Đức Hồng Y Parolin: Cái chết của Navalny làm chúng tôi ngạc nhiên và đau buồn

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của nhà bất đồng chính kiến người Nga Alexei Navalny.

Tin tức về cái chết của Alexei Navalny, nhà bất đồng chính kiến người Nga và là một trong những đối thủ chính của Tổng thống Vladimir Putin, là “đáng ngạc nhiên” và “làm chúng tôi đau buồn”, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin nói vào tối thứ Sáu, ngày 16 tháng Hai.

Navalny đã qua đời hôm Thứ Sáu, ở tuổi 47 tại trại giam IK-3 ở Bắc Cực, nơi ông bị giam giữ từ năm 2021, chấp hành bản án 19 năm.

Đức Hồng Y Parolin đã phát biểu bên lề Thánh lễ mà ngài chủ sự tại Nhà thờ Gesù ở Rôma để kỷ niệm 106 năm Khôi phục Nhà nước Lithuania.

Ngài nói: “Tôi đã biết điều đó trên tin tức, tôi có thể nói gì đây? Tôi rất lấy làm tiếc; Tôi nghĩ vấn đề có thể đã được giải quyết theo cách khác. Thay vào đó, tin tức này làm chúng tôi ngạc nhiên và khiến chúng tôi đau buồn”, Đức Hồng Y nói với các phóng viên bên ngoài nhà thờ.

Khi được hỏi liệu sự kiện này có làm thay đổi quan điểm của Tòa Thánh đối với Nga hay không, Đức Hồng Y Parolin trả lời: “Còn quá sớm để nói những điều như vậy… Chúng tôi vừa mới biết về điều đó”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Alexei Navalny đã chết trong tù. Cơ quan quản lý nhà tù Nga cho biết anh ta cảm thấy không khỏe sau khi đi dạo và bất tỉnh.

Alexei Navalny là một nhà phê bình nổi tiếng đối với Vladimir Putin. Anh ta đã thu hút được sự chú ý của toàn cầu vào năm 2020 khi sống sót sau vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Navalny sẵn sàng trở về Nga từ Đức vào năm 2021, nơi ông đã được điều trị vụ đầu độc trước đó. Khi trở về, anh ta đã bị bắt ngay lập tức. Navalny nổi tiếng với việc vạch trần nạn tham nhũng, điều tra nội bộ của Putin và lãnh đạo các phong trào đối lập chống Điện Cẩm Linh. Cái chết của ông có thể bị các thành viên đối lập coi là một vụ ám sát chính trị do Putin thực hiện, nhưng vẫn chưa giải thích được.


Source:Vatican News