1. Niềm hy vọng nguy hiểm về một hỏa ngục trống rỗng

Tiến Sĩ Eric Sammons, chủ biên của tờ Crisis Magazine, có bài phân tích nhan đề “The Dangerous Hope for an Empty Hell”, nghĩa là “Niềm hy vọng nguy hiểm về một hỏa ngục trống rỗng.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hôm 14 Tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Đây không phải là một tín điều, chỉ là suy nghĩ của tôi: Tôi thích nghĩ rằng Hỏa ngục là nơi trống rỗng. Tôi hy vọng nó là như vậy.” Như thường xảy ra sau một tuyên bố gây tranh cãi của Đức Giáo Hoàng, cuộc tranh luận đã nổ ra trên mạng về việc liệu đây có phải là một quan điểm hợp pháp—tức là, một quan điểm chính thống—đối với một người Công Giáo hay không.

Mặc dù đó là một câu hỏi quan trọng, đặc biệt là khi nói về Đức Giáo Hoàng, nhưng nó thực sự bỏ sót một điểm quan trọng hơn – đó là tác động của niềm hy vọng rằng Hỏa ngục trống rỗng.

Nhưng trước tiên hãy giải quyết xem nhận xét này có chính thống hay không. Phần đầu tiên trong câu nói của Đức Giáo Hoàng, “Tôi thích nghĩ rằng Hỏa ngục là nơi trống rỗng,” thực sự không phải là một tuyên bố tín điều, như chính ngài đã lưu ý. Đó chỉ là cách ngài tưởng tượng về Hỏa ngục. Tôi có thể tưởng tượng Thiên Đàng như một câu lạc bộ đồng quê ở ngoại ô — giống như “Thiên đường Tin lành” của The Simpsons —và đó không phải là dị giáo; đó chỉ là trí tưởng tượng của tôi. Nếu Đức Giáo Hoàng lập luận một cách dứt khoát — hoặc cố gắng định nghĩa như một tín điều — rằng Hỏa ngục trống rỗng, thì chúng ta sẽ cần phải tranh luận xem liệu nó có chính thống hay không (theo tôi là không).

Và rồi Đức Thánh Cha Phanxicô vượt xa trí tưởng tượng của mình để đạt được mong muốn của ngài rằng: “Tôi hy vọng nó trống rỗng.” Một lần nữa, đây không phải là một tuyên bố về một tín điều. Tôi hy vọng rằng đội Cincinnati Reds sẽ là đội vô địch World Series năm nay và tôi có thể có hy vọng đó nếu tôi muốn, dù hơi khó xảy ra. Tương tự như vậy, nếu Đức Giáo Hoàng mong muốn Hỏa ngục trống rỗng, ngài có thể làm như vậy, nếu muốn.

Tất nhiên, niềm hy vọng của Đức Giáo Hoàng rằng Hỏa ngục trống rỗng không vô hại như hy vọng của tôi về chức vô địch Thế giới cho đội bóng chày yêu thích của mình. Những hy vọng của chúng ta định hình rất nhiều cho hành động và niềm tin của chúng ta: tình yêu của tôi dành cho đội Cincinnati Reds khiến tôi đến tham dự các trận đấu của họ và đầu tư tinh thần vào thành công của họ dù thường xuyên là thất bại. Tương tự như vậy, niềm hy vọng rằng Hỏa ngục trống rỗng có tác động rất lớn đến cách sống của chúng ta với tư cách là người Công Giáo. Trong tâm trí tôi, đây là câu hỏi quan trọng hơn là những cuộc tranh luận bất tận về tính chính thống trong tuyên bố tự phát của Đức Giáo Hoàng.

Như tôi trình bày chi tiết trong cuốn sách của mình, Deadly Indifference, hay Sự thờ ơ chết người, đã có một sự thay đổi lớn trong cách nhìn của người Công Giáo về ơn cứu rỗi của những người không theo đạo Công Giáo trong thế kỷ qua. Cho đến giữa thế kỷ 20, hầu hết người Công Giáo đều cho rằng tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói là tất cả, những người không theo Công Giáo đều phải chịu lửa hỏa ngục đời đời. Đúng vậy, Giáo hội từ lâu đã dạy rằng một người có thể được cứu rỗi bằng lòng ao ước được chịu phép Rửa Tội – thường được gọi là phép rửa theo lòng ao ước để phân biệt với phép rửa thực sự, nhưng lời dạy này chủ yếu được đưa vào cuộc tranh luận thần học giữa các học giả và giáo dân. Quan điểm chung—và lời dạy chung được nghe từ bục giảng—là người Công Giáo nên cho rằng những người không theo Công Giáo rất có thể sẽ xuống Hỏa ngục.

Giả định chung này có ý nghĩa rất lớn. Điều quan trọng nhất là người Công Giáo cảm thấy có nghĩa vụ phải làm việc để cải đạo những người không Công Giáo, cho dù đó là bằng cách hỗ trợ các công việc truyền giáo hay bằng cách thúc giục những người không Công Giáo trở thành Công Giáo. Điều đó cũng có nghĩa là người Công Giáo phải cảnh giác về việc trở nên quá gần gũi về mặt văn hóa với những người không theo Công Giáo. “Những cuộc hôn nhân hỗn hợp” bị cấm đoán; và những người Công Giáo có xu hướng sống chung với nhau trong những khu dân cư toàn tòng (“ghetto” hay khu biệt cư Công Giáo) để bảo vệ đức tin của những đứa con dễ bị ảnh hưởng của họ. Và cuối cùng, hầu hết người Công Giáo vẫn kiên trì theo đạo Công Giáo, vì biết rằng giải pháp thay thế sẽ khủng khiếp đến mức không thể tưởng tượng được.

Tuy nhiên, khi sự nhấn mạnh đó thay đổi và người Công Giáo bắt đầu mở rộng việc áp dụng phép rửa theo lòng ao ước đến mức đột phá (đa số người Công Giáo hiện nay tin rằng các tôn giáo khác có thể dẫn một người lên Thiên đường), thì cách người Công Giáo sống và tương tác với những người không theo Công Giáo đã thay đổi một cách đáng kể.

Sứ vụ truyền giáo sụp đổ. Các khu toàn tòng Công Giáo biến mất. Và hàng triệu người Công Giáo đã rời bỏ Giáo hội.

Đây không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Nếu bạn không tin rằng bạn cần phải theo đạo Công Giáo để được lên Thiên đường - hoặc, nếu cực đoan hơn, bạn tin rằng mọi người đều được lên Thiên đường bất kể họ sống ở đây trên trái đất này như thế nào (“Xin chào, ông Hitler! Rất vui được gặp ông ở đây tại Thiên đường này!”)— thì khi đó tầm quan trọng của việc vừa thực hành Đức tin vừa chia sẻ nó với người khác sẽ sụp đổ. Đạo Công Giáo bị thu gọn thành một thứ khiến bạn cảm thấy dễ chịu; một câu lạc bộ xã hội với một số nghi lễ hấp dẫn.

Giờ đây, người ta có thể ủng hộ nhận xét của Đức Thánh Cha rằng “Tôi hy vọng Hỏa ngục là trống rỗng” bằng cách nói rằng chính Sách Giáo lý cũng nói rằng “Trong niềm hy vọng, Giáo hội cầu nguyện cho 'tất cả mọi người được cứu'“ (Sách Giáo Lý Công Giáo 1821). Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc hy vọng Hỏa ngục trống rỗng và việc hy vọng và cầu nguyện cho sự cứu rỗi của mỗi linh hồn.

Trở lại với câu chuyện tương tự về môn bóng chày của tôi, trước mỗi trận đấu của Cincinnati Reds vào mùa giải tới, tôi hy vọng rằng Cincinnati Reds sẽ thắng. Tuy nhiên, nếu bạn hỏi tôi liệu Cincinnati Reds có thắng mọi trận đấu ở mùa giải tới hay không, tôi biết họ sẽ không thắng. Thua một số trận là hiện thực của một mùa bóng chày kéo dài 162 trận, cho dù tôi có hy vọng họ chiến thắng đến đâu đi chăng nữa.

Tương tự như vậy, nếu bạn hỏi tôi liệu tôi có hy vọng ơn cứu rỗi cho một người cụ thể nào không—vợ tôi, các con tôi, Tổng thống Biden, Elon Musk—tôi sẽ trả lời một cách khẳng định. Tuy nhiên, tôi biết—vì Chúa Kitô đã nói rõ rằng đây là thực tế— sẽ có những người ở Hỏa ngục, như Sách Giáo lý đã nêu,

“Giáo huấn của Giáo hội khẳng định sự tồn tại của hỏa ngục và sự vĩnh cửu của nó. Ngay sau khi chết, linh hồn của những người chết trong tình trạng phạm tội trọng sẽ xuống hỏa ngục, nơi họ phải chịu hình phạt của hỏa ngục, ngọn lửa đời đời”. (Sách Giáo Lý Công Giáo 1035)

Một Hỏa ngục trống rỗng làm suy yếu toàn bộ mục đích của Công Giáo, và chế giễu những lời của Chúa Giêsu, Đấng đã cảnh báo chúng ta phải cố tránh sa Hỏa ngục và nói về việc nhiều người sẽ bị ném vào lửa đời đời (x. Mt. 25:41). Thực ra, Chúa Giêsu đã nói nhiều về Hỏa ngục hơn là về Thiên đường. Tại sao phải bận tâm nếu không có ai đến đó? Trên thực tế, nếu Hỏa ngục thực sự trống rỗng, điều đó khiến Chúa Giêsu trở thành kẻ lừa dối, vì những lời của Ngài cho rằng mọi người đã đi—và sẽ tiếp tục—ở đó.

Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng niềm hy vọng của Đức Giáo Hoàng rằng Hỏa ngục trống rỗng không phải là một mơ tưởng vô hại. Nó khiến người ta rời xa việc thực hành đức tin một cách nghiêm chỉnh, và nó khiến họ không thể đưa người khác đến việc thực hành đức tin một cách nghiêm chỉnh.

Trớ trêu thay, niềm hy vọng rằng Hỏa ngục trống rỗng sẽ giúp lấp đầy nó rất nhiều.


Source:Crisis Magazine

2. 25.000 tín hữu Công Giáo yêu cầu chính phủ Ukraine trả nhà thờ

25.000 tín hữu Công Giáo Ukraine đã ký tên vào thư thỉnh nguyện, theo luật, để yêu cầu chính phủ nước này trả lại nhà thờ thánh Nicholas cho cộng đoàn Công Giáo tại Kyiv.

Đức Cha Vitaly Krivitsky, Dòng Don Bosco, Giám mục Giáo phận Kyiv-Zhytomyr sở tại, đã cám ơn tất cả những người đã cố gắng thu thập chữ ký, đồng thời khuyến khích họ hãy làm tất cả những gì có thể để thánh đường thánh Nicholas được trả lại cho giáo xứ. Ngài cũng ghi nhận rằng có nhiều người ký tên không phải là tín hữu Công Giáo, nhưng họ hành động như vậy để bảo vệ công lý. Đức Cha nói: “Dĩ nhiên, ký tên vào thư thỉnh nguyện như vậy không phải là xong vấn đề. Vì thế, tôi kêu gọi tất cả những người thiện chí và các tín hữu cầu nguyện và hành động để giáo xứ thánh Nicholas nhận lại được thánh đường để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người”.

Nhà thờ này được kiến thiết từ năm 1899 đến 1909, tọa lạc ngay ở trung tâm thủ đô Ukraine, và do hai kiến trúc sư người Ba Lan thiết kế. Người chính yếu trong việc thiết lập thánh đường này là Bá tước Wladyslaw Michal Branicki. Tất cả những người Ba Lan sống tại Kyiv cũng đã quảng đại đóng góp vào việc xây cất thánh đường. Năm 1936, chế độ cộng sản bôn-sê-vích đã đóng cửa thánh đường và biến thành nhà kho chứa đồ. Một phần bên trong nhà thờ được dùng làm nơi đặt hệ thống phá sóng các đài phát thanh tây phương và hệ thống ăng-ten được đặt trên tháp nhà thờ.

Năm 1978, theo quy luật của Hội đồng Bộ trưởng, nhà thờ được giao cho Nhà Hòa nhạc. Từ khi Ukraine độc lập, nhà thờ thánh Nicholas tiếp tục được dùng làm nhà hòa nhạc và giáo xứ thánh Nicholas. Chính phủ từ chối không giao nhà thờ cho Giáo hội cho đến khi nào tìm được địa điểm mới để di chuyển phòng đàn phong cầm.

3. Các công tố viên Phần Lan quyết tâm bỏ tù cho được một cựu bộ trưởng vì tweet một câu Kinh thánh

Päivi Räsänen, một cựu bộ trưởng, là một bác sĩ và là mẹ của 5 đứa trẻ, đã bị Tổng công tố Phần Lan đệ đơn cáo buộc cô tội hình sự vào ngày 29 tháng 4, 2021, sau khi cô tweet một câu Kinh Thánh liên quan đến tội kê gian.

Theo ADF International, một nhóm pháp lý Kitô Giáo đang hỗ trợ cô, Räsänen có thể bị kết án hai năm tù giam hoặc phạt tiền cho dòng tweet này, bất kể sau 2 vụ kiện cô đều được trắn án.

Các công tố viên Phần Lan đang yêu cầu Tòa án Tối cao của đất nước xét xử vụ án “lời nói căm thù” chống lại một thành viên Quốc hội và một giám mục Lutheran vì những bình luận được đưa ra về giáo lý Kitô giáo liên quan đến hôn nhân và đồng tính luyến ái.

Các cáo buộc chống lại thành viên Quốc hội Phần Lan Päivi Räsänen và Giám mục Juhana Pohjola đã bị bác bỏ hai lần – một lần bởi tòa án quận cấp dưới và một lần nữa bởi tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, các công tố viên đang chuyển vụ việc của họ lên tòa án cao nhất của Phần Lan trong nỗ lực phạt cả hai Kitô hữu hàng trăm ngàn euro và kiểm duyệt phát biểu của họ.

Räsänen nói trong một tuyên bố thông qua các luật sư của mình tại Liên minh Bảo vệ Tự do Kitô giáo phi lợi nhuận, gọi tắt là ADF: “Sau khi được miễn tội hoàn toàn tại hai tòa án, tôi không sợ phải điều trần trước Tòa án Tối cao”.

Räsänen nói thêm: “Mặc dù tôi hoàn toàn nhận thức được rằng mọi phiên tòa đều có rủi ro, nhưng việc Tòa án tối cao tuyên trắng án sẽ tạo ra một tiền lệ tích cực mạnh mẽ hơn nữa cho quyền tự do ngôn luận và tôn giáo của mọi người”. “Và nếu tòa án quyết định hủy bỏ phán quyết trắng án của các tòa án cấp dưới, tôi sẵn sàng bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tôn giáo tới Tòa án Nhân quyền Âu Châu, nếu cần thiết.”

Theo các công tố viên, tội bị cáo buộc của Räsänen bắt nguồn từ một cuốn sách nhỏ năm 2004 mà cô viết về lời dạy của người Luther về tình dục, bao gồm cả việc cấm các hoạt động đồng tính luyến ái. Sau đó, cô bảo vệ lời dạy đó trong một cuộc tranh luận trên đài phát thanh vào năm 2019 và sau đó đăng một dòng Tweet chỉ trích việc Luther tham gia cuộc diễn hành tự hào đồng tính và trích dẫn một câu Kinh thánh. Tội danh bị cáo buộc của Pohjola là xuất bản cuốn sách nhỏ gốc vào năm 2004.

Các công tố viên cáo buộc rằng bài phát biểu “có khả năng gây ra sự không khoan dung, khinh thường và thù hận đối với người đồng tính”.

Một tòa án quận đã bác bỏ cáo buộc vào tháng 3 năm 2022, nhận thấy rằng nhiệm vụ của các thẩm phán không phải là “giải thích các khái niệm trong Kinh thánh”. Vào tháng 11 năm 2023, một tòa phúc thẩm đã ra phán quyết rằng “không có lý do gì… để đánh giá vụ việc ở bất kỳ khía cạnh nào khác với Tòa án quận”. Cả hai quyết định đều được đồng thanh đưa ra.

Theo ADF, Räsänen đã phải chịu 13 giờ thẩm vấn của cảnh sát về quan điểm tôn giáo cũng như sự hiểu biết của cô về Kinh thánh. Paul Coleman, giám đốc điều hành của ADF International, gọi việc các công tố viên nhất quyết truy tố vụ án bất chấp việc bác bỏ trước đó là “đáng báo động”.

Coleman nói: “Kéo người ra tòa trong nhiều năm, bắt họ thẩm vấn hàng giờ đồng hồ và lãng phí tiền thuế của người dân vì niềm tin sâu sắc của người dân cảnh sát không có chỗ đứng trong một xã hội dân chủ”. “Như thường lệ xảy ra trong các phiên tòa xét xử 'lời nói căm thù', quá trình này đã trở thành hình phạt.”

Một báo cáo về Tự do Tôn giáo trên Thế giới năm 2023 do tổ chức bác ái Công Giáo Viện trợ cho Giáo hội Đau khổ công bố đã trích dẫn trường hợp của Phần Lan như một ví dụ về các mối đe dọa đối với tự do tôn giáo đang gia tăng ở các nước phương Tây. Báo cáo cho thấy rằng sự không khoan dung đối với các quan điểm dựa trên đức tin ở phương Tây đang thể hiện ở việc bắt buộc phải phát biểu theo một khuôn mẫu, và đưa ra các luật về lời nói căm thù, kiểm duyệt và gia tăng của nền văn hóa hủy bỏ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi những mối đe dọa như vậy đối với tự do tôn giáo là “sự đàn áp lịch sự”, mà ngài nói vào năm 2016 là “được ngụy trang dưới dạng văn hóa, dưới dạng hiện đại, dưới dạng tiến bộ”. Đức Thánh Cha giải thích, cuộc bách hại lịch sự là “khi ai đó bị bách hại không phải vì xưng danh Chúa Kitô mà vì muốn chứng tỏ các giá trị của Con Thiên Chúa”.

“Nếu bạn không làm điều này, bạn sẽ bị trừng phạt: Bạn sẽ mất việc làm và nhiều thứ khác hoặc bạn sẽ bị gạt sang một bên,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Đây là cuộc đàn áp của thế gian.”


Source:Catholic News Agency